Saturday, 6 October 2012

Thóc mách quần hồng





Sáng  ra khỏi nhà, xin phép vợ cho  đi thóc mách quần hồng. (Bác nào chưa biết thóc mách quần hồng là chi, có thể mở trang 12 cuốn Hiệp sĩ không hiện hữu ra tham khảo.) Kết quả không thóc mách được quần hồng nào, chỉ toàn thóc mách chuyện /sách/, bán được mấy cuốn sách, mua được mấy cuốn sách. Toàn sách với sách.  Trong số mấy cuốn mới rinh về có Lời bộc bạch của một thị dân. Tên tuổi của Marai Sandor là một bảo chứng  cho cuốn sách, nhưng kể cả không thích hay không đọc được Marai Sandor đi chăng nữa, không thể không phải lòng cái bìa - một trong những bìa sách đẹp nhất Nhã Nam từng có. Đây là loại sách vì một cái bìa mà  ta có thể mua nguyên cả một cuốn sách. Tại sao không chứ, khi người ta có thể vì  một lúm đồng tiền mà cưới nguyên một cô vợ. Tuy vậy, mọi so sánh chỉ  có tính chất tương đối, vì có thể mua rất nhiều sách về chất quanh nhà, chứ không thể làm như thế với vợ.

Nói về mua sách, sáng nay có một bạn tỏ ra ngại ngần khi chưa thể thanh toán hết số sách mình đang có. Tất nhiên ấy là một ngại ngần chính đáng. Cách đây năm năm, tôi cũng mang một tâm thế y như vậy, và, để cho sang trọng, có thể nói, y như Walter Benjamin. Trong bài “Unpacking My Library”, Benjamin kể chuyện nhiều năm trời, kệ sách của ông mỗi năm chỉ dày thêm độ vài inch, vì  ông không cho phép thêm vào đó bất cứ một cuốn sách nào chưa được  ông xác nhận “Đã đọc.”  Kệ sách khi đó, với ông, chỉ là kho chứa những cuốn sách đã đọc rồi. Nhưng một ngày đẹp trời, sau khi đi uống cà phê ở Nhã Nam Thư hùng quán về, ông/bà bỗng nhận ra mua sách và đọc sách  không nhất thiết là hai việc liên quan khăng khít với nhau.  Người ta có thể mua một cuốn sách chỉ vì cái bìa, vì muốn trọn bộ tác giả, vì nếu không mua bây giờ có thể ngày mai không còn để mua (trường hợp cuốn Em làm ơn mua đi được không là một ví dụ điển hình), vì một chữ ký thiếu nét, hay cũng có thể, chỉ vì cuốn sách xếp nhầm trang.  Đến lúc đó, như Benjamin đã nói, người ta đã từ chỗ vẩn vơ trên những ngõ hẽm tiến ra đại lộ tích lũy sách.

Và, trong một thời đại khi cơn mưa cũng khước từ sự độc tài, đọc sách không nhất thiết là việc chăm chú đọc từ bìa một đến bìa bốn cuốn sách, không bỏ qua cả một dấu chấm phẩy.  Trong một số trường hợp,  đọc một cuốn sách có thể, và chỉ nên là, đọc tất cả các dấu chấm phẩy trong cuốn sách ấy.  Đọc theo chiều dọc, đã đành, nhưng hãy thử các phương cách khác: Đọc từ sau ra trước, chỉ đọc các chương lẻ, chỉ đọc các cụm từ viết hoa hoặc in nghiêng, đọc năm cuốn sách cùng một lúc, đọc như tra từ điển, đọc như nghịch mạng internet, chỉ đọc những chương viết về các hòn đảo của nước Lào, chỉ đọc nửa trên của các trang, chỉ đọc nửa dưới của các trang, chỉ đọc phần chú thích, chỉ đọc những chỗ tác giả trích dẫn người khác, không đọc gì  khác ngoại trừ gáy sách… Chớ nên giới hạn mình ở bất cứ một khả năng nào. 

7 comments:

  1. đoạn cuối thật là nếu một ngày thu có bác Goldmund :D

    ReplyDelete
  2. trên kia là tượng Marai Sandoz phải hem? mềnh cũng đang hô khẩu hiện phải nhai xong đống sách vừa rinh thì mới đi nhà sách . nhưng hô thế là để buộc phải đọc nhanh vì đi nhà sách là một thú còn hơn cả nghiện ngập á :-P

    ReplyDelete
  3. Vừa bị bà xã càm ràm vì tội đọc quá nhiều mà chẳng ứng dụng được gì, chợt thấy tiếc vì đã cầm lên rồi lại đặt xuống ko lấy (nghi là sách giả): "Em làm ơn im đi được ko". quả này quyết tâm, sách giả cũng mua.

    ReplyDelete
  4. vô tình google đến bài "ngồi buồn nói chuyện qc" của cụ đăng 2011, đọc mà "chịu" quá!

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN