Saturday 11 February 2012

Làm thế nào để biện minh cho một thư viện cá nhân

Nói chung, từ bé đến giờ, tôi luôn là đối tượng của hai (và chỉ hai) trò chọc ghẹo: “Cậu là người lúc nào cũng trả lời” và “Tiếng cậu vang vọng khắp các thung lũng”.  Suốt những năm đầu đời tôi tin rằng, vì cơ duyên lạ lùng nào đó, tất cả những người tôi gặp đều ngu xuẩn. Thế rồi, khi đã trưởng thành, tôi buộc phải kết luận rằng  có hai quy luật không ai thoát khỏi: ý tưởng đầu tiên vụt đến trong đầu một người sẽ là ý tưởng hiển nhiên nhất; và, khi đã có một ý tưởng hiển nhiên, chẳng ai có bao giờ nghĩ rằng trước đó người khác có thể đã có ý tưởng giống như vậy.

Tôi có một bộ sưu tập tít các bài báo, bằng mọi ngôn ngữ trong hệ Ấn-Âu, từ “Tiếng vọng của Eco” cho đến “Một cuốn sách với những tiếng vọng”. Trong trường hợp sau tôi ngờ rằng tít được in không phải là ý tưởng đầu tiên đến với tòa soạn. Chuyện có thể đã diễn ra như thế này: ban biên tập họp, họ tranh cãi với nhau về khoảng hai mươi cái tít, và cuối cùng gương mặt vị tổng biên tập  bừng sáng  lên, ông ta nói, “Này, các cậu, tớ có ý này tuyệt lắm!” Và những người khác đáp, "Sếp, anh đúng là quái vật.  Anh moi đâu ra cái ý tưởng đó chứ?”.  “Trời cho đấy,” ắt hẳn ông ta trả lời như thế.

Tôi không có ý nói người ta nhàm chán. Nếu xem như một cảm hứng tuyệt diệu, hoặc như một ánh chớp của tính sáng tạo, một điều gì đó mang tính hiển nhiên sẽ hé lộ một sự tươi mới nhất định về tinh thần,  một mối nhiệt thành với cuộc đời và tính bất khả đoán của nó, một tình yêu về các ý tưởng  - cho dù có thể chúng nhỏ nhặt. Tôi sẽ luôn nhớ buổi gặp mặt đầu tiên của tôi với con người vĩ đại Erving Goffman ấy, người mà tôi ngưỡng mộ và yêu quý về tài năng cũng như khả năng xuyên thấu mà nhờ đó ông có thể nhận diện những khía cạnh vi tế của hành vi  trước đó không ai nhận ra. Chúng tôi đang ngồi ở một quán cà phê ngoài trời thì ông nói, sau khi ngắm nhìn đường phố một lúc,  “Anh biết gì không? Tôi nghĩ là có quá nhiều ô tô lưu thông trong các đô thị của chúng ta.” Có lẽ trước đó chưa bao giờ ông nghĩ tới điều này vì có bao  điều quan trọng hơn nhiều phải nghĩ đến; ông chỉ chợt nhận ra và vẫn còn có sự tươi mới về tinh thần để bộc lộ nó. Còn tôi, một kẻ hợm nhỏ mọn bị nhiễm cuốn Unzeitgemässe Betrachtungen [Những suy tư trái mùa] của Nietzsche,  sẽ lưỡng lự để nói ra điều này, kể cả nếu tôi có nghĩ tới.

Một loại sốc nhàm chán thứ hai xảy ra với nhiều người ở tình trạng như tôi - đó là, những người sở hữu một thư viện tương đối quy mô (trong trường hợp của tôi là đủ lớn để ai bước vào nhà cũng không thể không nhận thấy; thực ra, nó choán hết cả nhà). Vị khách bước vào nhà và nói, “Lắm sách thế! Anh đọc hết chưa?” Thoạt tiên tôi tưởng câu hỏi này chỉ tiêu biểu cho những người không mấy quen thuộc với sách vở, những người quen nhìn thấy vài cái kệ với dăm cuốn truyện vụ án bìa mỏng và một bách khoa thư trẻ em, mua trả góp. Nhưng kinh nghiệm dạy tôi rằng những lời tương tự cũng được thốt ra bởi những người trên mức nghi ngờ. Có thể nói rằng họ vẫn là những người xem kệ sách chỉ là một cái kho chứa những cuốn sách đã đọc và không hề nghĩ tới thư viện như một công cụ lao động. Nhưng đằng sau đó còn nhiều ý nghĩa hơn thế. Tôi tin rằng, đối diện với quá nhiều sách, bất kỳ ai cũng bị nỗi đau khổ về hiểu biết chiếm lấy, và không tránh khỏi rơi vào việc hỏi cái câu hỏi bộc lộ nỗi giày vò và hối hận của mình.

Điều rắc rối là khi ai đó nói, “Eco? Cậu là người lúc nào cũng trả lời,” bạn có thể đáp bằng một cái cười nhẹ, và nhiều nhất là nói thêm, nếu bạn muốn tỏ ra là người lịch sự, “Câu đó hay đấy!” Nhưng câu hỏi về những cuốn sách của bạn phải được trả lời, trong khi hàm bạn cứng lại và mồ hôi lạnh chảy thành dòng dọc sống lưng. Trước đây tôi từng dùng một giọng châm biếm khinh khỉnh. “Tôi chưa đọc cuốn nào cả; đọc rồi thì để đây làm quái gì?” Nhưng đây là một câu trả lời nguy hiểm vì nó mời mọc câu hỏi kế tiếp hiển nhiên: “Vây đọc xong rồi thì anh cất chúng ở đâu?” Câu trả lời hay nhất luôn luôn là câu mà Roberto Leydi dùng: “Còn nữa, thưa ngài, còn nhiều nữa,”  câu này làm đối phương tê cứng và đẩy anh ta vào trạng thái ngưỡng mộ sững sờ. Nhưng tôi thấy cách này tàn nhẫn và gây hấn. Giờ tôi rút lui về câu đáp này: “Không, đây là những cuốn  tôi phải đọc từ giờ cho đến cuối tháng.  Những cuốn khác tôi để ở chỗ làm,” một câu trả lời một mặt gợi ra một chiến lược tiện lợi tuyệt vời, và mặt khác khiến vị khách phải chong chóng cuốn gói ra về.

(GM dịch từ bài How to Justify a Private Library trong tập How to Travel with a Salmon của Umberto Eco, bản dịch tiếng Anh của William Weaver)

15 comments:

  1. Anh bị chứng Eco Obsession nặng ghê ha :P Mà anh đừng uống thuốc chữa bệnh chi nha, bệnh dễ thương, và bà con benefit từ bệnh của anh, có bài đọc hoài :D

    ReplyDelete
  2. Trời! Đọc đoạn đầu em tưởng nhân vật tôi chính là Goldmund hồi trẻ chứ! +_+ (mặc dù trong đầu nghĩ đến thư viện cá nhân là nghĩ đến U. Eco)

    HTp

    ReplyDelete
  3. Đọc bài này nhớ đến lần đầu được diện kiến tủ sách gia đình Quỳnh Vũ bằng xương bằng thịt, mà được chủ nhân cho biết: đây chỉ là một phần xương thịt được phô ra +_+ - HTp

    ReplyDelete
  4. Unzeitgemäße Betrachtungen!!
    khong duoc viet sai(sai 1 li, di mot dam):))

    ReplyDelete
  5. "không ai có bao giờ nghĩ rằng người khác có thể đã có ý tưởng giống như vậy trước đó." con k hiểu tại sao lại dịch ra như vậy? :D
    BB.

    ReplyDelete
  6. anh ơi, em nghĩ là anh thiếu 1 chữ o ở đâu đó trong câu này: "câu này làm đối phương tê cứng và đẩy anh ta và trạng thái ngưỡng mộ sững sờ."

    với lại câu "không ai có bao giờ nghĩ rằng người khác có thể đã có ý tưởng giống như vậy trước đó" dịch là "chẳng ai nghĩ rằng..." nghe có xuôi tai hơn không ạ?

    ReplyDelete
  7. em biết là em nhiều chuyện, nhưng mà cái câu "không ai có bao giờ nghĩ rằng trước đó người khác có thể đã có ý tưởng giống như vậy" dịch như vầy được không anh:

    [...] và, khi đã có một ý tưởng hiển nhiên, có ai nghĩ rằng trước đó người khác có thể đã có ý tưởng giống như vậy đâu. [...]

    thiệt tình là ba chữ "có bao giờ" làm em nãy giờ cứ "vỗ gối" không ngủ được. em biết là anh có ý của mình nên em chỉ muốn hỏi là dịch theo cách nghĩ của em có gì sai so với nguyên tác và dịch vậy có bình dân học vụ không?

    ReplyDelete
    Replies
    1. ui, bây giờ mà còn có người nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa vì vài chữ dịch không xuôi thực là quý quá

      để thư thư anh nghĩ xem cách nào xuôi hơn

      thanks nhiều nhé

      Delete
  8. Em cũng chẳng dám múa rìu với anh Gỗ Mun, nhưng hồi đầu đọc câu "chẳng ai có bao giờ nghĩ rằng trước đó người khác có thể đã có ý tưởng giống như vậy." em cũng thấy kỳ nhưng chưa biết nếu chỉnh thì chỉnh ra sao nên không dám nói gì cả, nhưng mà tình hình có vẻ như hông phải mình em thấy kỳ :D Em nghĩ cụm "có bao giờ" nó dư từ "có" thế nào ấy. "chẳng bao giờ ai lại nghĩ rằng..." thì có làm mất nghĩa câu dịch của anh ko? Em mạo muội nhiều chuyện ké. - HTp. :)

    ReplyDelete
  9. Thôi kệ để trúc trắc một chút cho nó duyên:) Xem như đọc thơ tự do không có vần:))

    ReplyDelete
  10. thôi thì cũng kệ :D Mà cảm ơn mấy bài dịch của anh lắm! :) HTp

    ReplyDelete
  11. Mấy ông nhà văn đúng là khó ưa :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. ừm, ít ông nhà văn nào dễ ưa lắm; mà nhà văn chỉ cần người ta ưa sách, cần gì ưa người:)

      Delete
  12. Đọc bài này tự nhiên thấy sướng sướng (ko hiểu tại sao, hehe)

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN