Monday, 29 November 2010

Đường tới đỉnh vinh quang

Đã từ lâu, tôi chẳng còn thiết theo dõi các vận động viên nước ta thi đấu thế nào ở các giải thể thao lớn như Asiad hay Olympic nữa.  Số môn tôi thích xem thì có vài: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, thi thoảng thêm điền kinh và bơi lội - nhưng ta cứ thua nhiều hơn thắng, xem mãi cũng nản. Còn các môn như võ thì chịu: thấy các bạn vận động viên nhảy loi choi, loi choi, chả biết đánh đấm thế nào thì được điểm, thế nào thì không, chờ mãi chẳng thấy bạn nào nhảy lên mái nhà, phi trên đầu ngọn tre hay ít ra đánh cũng vù vù tiếng gió như phim chưởng nên chẳng thể nào kích cái hứng được. 

Thế cho nên cái Asiad vừa rồi tổ chức ở bên nhà bạn láng giềng môi hở răng lạnh tám hay mười sáu chữ vàng tôi không để ý lắm. Ấy thế nhưng tôi cũng biết Việt Nam đoạt được những một tấm huy chương vàng.  Thứ hạng trong bảng tổng sắp dường đâu là không khả quan lắm, kém cả những “thằng” mà ta hay nhìn nó khinh khỉnh mỗi kỳ SEA Games như Myanmar, Malaysia hay Philippines, chứ đừng nói tới vạt áo sau của các đại ca Trung, Nhật, Hàn mà ta ngỏng cổ mãi vẫn không thấy đâu. Thành tích này so với cái Đại hội thể thao châu Á trong nhà gần đây quả là một trời một vực - thật là ức chết đi được.

Kéo một đoàn vận động viên đông nhất trong lịch sử đi dự giải thể thao lớn nhất khu vực mà về được mỗi cái vàng không trong dự tính, tình trạng bi đát này khiến người ta không khỏi nháo nhào truy tìm nguyên nhân.  Báo Tuổi Trẻ gõ cửa nhà một cựu quan chức thể thao, ông này bảo thua thế là may, chứ chẳng may ta vẫn được ba hay bốn cái huy chương vàng, thì hẳn ai ai hẳn còn ung dung lắm.  Theo ông, vấn đề mấu chốt của thể thao Việt Nam, hóa ra không phải ở là thể thao đỉnh cao, mà là thể thao học đường (- nếu có cái gọi là thể thao học đường).  Rất ít trường học có sân chơi, nói gì đến sân tập thể thao; ngoài ra , cũng rất ít có chỗ để mọi người tập thể thao.

Thật ra tôi thấy ông ấy nói thế vừa đúng vừa không đúng.  Đúng ở chỗ thiếu sân chơi thể thao nói chung, nhưng sai ở chỗ ấy là phần lớn học sinh nói riêng và mọi người nói chung không chịu chơi… golf!  Sân golf ở ta thì thiếu gì, thậm chí  đây là một trong số không nhiều điều ta có thể tự hào khi so cùng thế giới: chẳng hạn theo bài này thì [số bằng phát minh sáng chế, à quên] số lượng sân golf Việt Nam có thể sẽ gần bằng Hàn Quốc, còn theo phát biểu ở đây thì [thu nhập bình quân đầu người, à không] sân golf Việt Nam nhiều gấp 10 lần bình quân thế giới. 

Với số lượng sân golf dồi dào như thế, lẽ ra môn golf nên được xác định là môn thể thao chiến lược ở Việt Nam.  Hãy phát động phong trào nhà nhà chơi golf, người người chơi golf.  Hãy tổ chức giải golf dành cho sinh viên, học sinh cấp III, II, I, mẫu giáo, nhà trẻ. Hãy trao giải thưởng Trăm golf đua nở cho tỉnh có nhiều sân golf được cấp phép nhất trong năm.  Kinh phí cho những giải thưởng này có thể vận động bà con nông dân đóng góp.  Với chiến lược đầu tư như thế, chắc chắn chẳng bao lâu nữa ta sẽ có vận động viên đoạt huy chương vàng Olympic môn golf. Ngày đó, cũng có thể là ngày ta bắt đầu nhập khẩu …gạo.

Friday, 26 November 2010

Andre Gide hay Bùi Giáng?


Thử đọc đoạn này trong Kẻ vô luân của Andre Gide, bản dịch của Bùi Giáng:

“…Phần nào là phần của chim ưng bởi chưng thương mẻ chuột. Phần nào là phần của trau chuốt cho lấp liếm hội đàm hồng lâu thập lý, với bích lạc thiên thai. Hoàng tuyền chẻ một ra hai? Suối vàng chín ngọn xin mài miệt mơ? Chẩm ma trầm túy căn cơ? Tầm sưu yến tuyệt xin tờ dửng dưng? Hùng tâm tiêu táp gội lừng? Niềm đau tiểu đệ xin mừng đại ca? Tiều phong kiều vũ giang hà? Rừng liêu quốc dậy giang hà cố nhân?”

Đọc đoạn này xong, ắt hẳn phần lớn chúng ta sẽ nhìn nhau bối rối: Andre Gide viết cái gì vậy? Hay, câu hỏi đúng ra phải là, Bùi thi sĩ viết cái gì vậy?

Chẳng riêng bản dịch này mà cả trong nhiều bản dịch khác, Bùi Giáng cũng dùng toàn một thứ ngôn ngữ đặc Bùi Giáng.  Chưa kể nhiều đoạn ngẫu hứng ông phóng thành thơ lục bát luôn.  Đọc bản dịch của ông, có lẽ ta cần thêm một “dịch giả” nữa để dịch từ tiếng Việt Bùi Giáng ra tiếng Việt phổ thông.  Các bản dịch của Bùi Giáng có lẽ có ích hơn để ta tìm hiểu về Bùi Giáng, chứ nếu muốn tìm hiểu về Andre Gide hay Heidegger thông qua Bùi Giáng e rằng hơi vất vả.


Thursday, 25 November 2010

Mở rộng phạm vi đấu tranh


Năm nảo năm nao đọc cái Hạt cơ bản  của bác gì Dơ bét do bác gì có làn da mịn màng như ^.^ trẻ con dịch, xong chỉ nhớ mỗi màn deep petting.

Năm nảy năm nay, sau mấy ngày day dứt, lôi cuốn Lanzarote mong mỏng và có vẻ ít được nhắc tới cũng của anh giai ngỗ nghịch này ra đọc, xong ấn tượng nhất màn threesome trên bờ biển của “tôi” với hai chị les người Đức.

Đầu tôi hình như lập trình để nhớ toàn những chi tiết như vậy.

Đùa chứ, cuốn Lanzarote này gọn ghẽ nhưng không kém phần chói lòa, nhiều chủ đề trong này hình như được triển khai chi tiết hơn trong các tiểu thuyết khác, nhưng đại khái cũng đủ mùi tình dục, nhân bản vô tính, fringe religion (tôn giáo bên lề? hay tôn giáo cực đoan?) và nổi trội hơn là sự bế tắc trong đời sống tinh thần  - chủ đề quen thuộc của anh giai này thì phải. Trong cuốn này có một câu đại ý, hoàn toàn có thể sống mà không mong đợi gì ở cuộc đời.

Cái bọn Tây đúng thật  suy đồi, no cơm ấm cật rững mỡ đâm nghĩ ra đủ trò kỳ dị, tâm tư kỳ quái, hành tung kỳ quặc.  Cứ đày chúng sang xứ mà ai cũng biết là xứ nào đấy cho lội nước năm tiếng đồng hồ chiều mưa tan sở, chạy trường cho con vào lớp một, thỉnh thoảng cho vào ATM giật phát là tỉnh ngộ, nhận ra ngay người ta mong đợi gì ở cuộc đời.

Btw, người mới tặng cuốn Whatever của cùng bác này, lật qua lật lại một hồi mới biết chính là Mở rộng phạm vi đấu tranh, chả hiểu sao bọn Mẽo phóng thành Whatever.  Dịch thế này hẳn đồng chí Dâu Tây sẽ phản đối kịch liệt:)

À quên, nói thêm, văn nhân nước mình có bác cũng sắp so được với Houellebecq, ít ra về khoản tình dục, và bị ném đá, nếu sách của bác ấy được in ra.  Khiếp, sách gì toàn chữ với chữ, xuống dòng cũng không có, thương nhau thế bằng mười hại nhau, may mà có mấy đoạn erotic cứu vãn:)




Wednesday, 24 November 2010

Cũ, sến, nhưng đáng yêu:)

Em Có Biết


Em có biết ta một ngày đông lạnh
Co ro trên ghế ngồi
Con chim sẻ xù lông đón nắng
Tách cà phê bốc khói
Điếu thuốc ngượng ngùng ngọ ngoạy trên môi

Em có biết ta một ngày đông lạnh
Lang thang trên phố không người
Cô gái thạch cao cười qua tủ kính
Trái đất này băng giá - chỉ em thôi!

Em có biết ta một ngày đông lạnh
Con gấu tìm hang trú qua mùa đông
Ta chết cóng ngoài vòng tay một người quen xa lạ
Hồn lắt lay một đóa môi hồng.

Noel 1993 






Saturday, 20 November 2010

Đồng phục tinh thần và mélodrame



Nhân đọc lại Thiên sứ của Phạm Thị Hoài bản giấy in đen thui của NXB Trẻ 1989 mượn của chị So, copy & paste một đoạn cho nó khoan khoái cái cuối tuần
-----------------------------

“Ruồi trâu” không làm tôi xúc động, tôi từ chối các trò ú tim săn đuổi, những bí mật nửa kín nửa hở, những hồi hộp lên dây cót sẵn, những khung cảnh tạo dựng để thi thố một vài phẩm chất không cố định của con người, như lòng dũng cảm-hèn nhát, đức cao thượng-đê tiện... xoay xung quanh một người đàn ông và một người đàn bà, Đó không phải một tác phẩm chân thực, âu cũng là một dạng cổ tích viết tồi, dẫu dài hơn mọi chuyện cổ tích tôi từng biết.

“Thép đã tôi thế đấy” còn thiếu chân thực hơn. Có lẽ không phải lỗi ở người viết. Ông ta thực lòng tin một câu chuyện giả, và thuyết phục không ít kẻ tin theo. Cái tên sách, cũng như anh chàng Pavel, gợi cảm giác xa lánh nơi tôi, như xa lánh hết thảy những gì tỏ ra mạnh mẽ mà không cuồng dại. Lời tuyên bố của anh ta về cái chết; “... để đến khi nhắm mắt xuôi tay, khỏi thấy mình sống hoài sống phí...” đã sổ một nét tàn nhẫn phân cách đời sống và cõi bên kia, đặt một câu hỏi vô lí về ý nghĩa cuộc đời. Phải, ý nghĩa cuộc sống, chính tôi cũng không ngừng băn khoăn về nó trong vòng luẩn quẩn của bốn trăm ô vuông nâu và một khuôn hình chữ nhật biến ảo, nhưng làm sao có thể đặt một câu hỏi choáng ngợp, thậm chí che lấp cả bản thân sự sống như thế. Anh ta hẳn không bao giờ biết tới những thiên sứ pha lê vụt đến, vụt đi, ban phát và trao tặng không hỏi vì sao, bí ẩn và mỏng manh như bé Hon của tôi.

Hai cuốn sách quyết định bộ mặt tinh thần của cả một thế hệ. Con đẻ của thế hệ ấy, không thành những Ruồi Trâu thì thành Pavel Kortshagin, đi dứng, nói năng, tư duy, sống và yêu đương trong bộ đồng phục tinh thần may sẵn, hiệu Voynich hay Ostrovsky. Có vài mẩu tinh thần khác phụ thêm, tạo cảm giác nào đó như thể phong phú và sinh động trong khuôn khổ, đại loại “Jane Eyre”, mélodrame lâm li hậu hĩnh, “Nam tước Phôn Gôn-rinh”, mélodrame lâm li không hậu hĩnh cho lắm, hay Pautovsky – Bông hồng vàng, mélodrame ngọt ngào cố tỏ vẻ anti-mélodrame thông tục.

Tôi khước từ thế hệ ấy, không chỉ bằng lễ rửa tội vĩ đại năm mười bốn tuổi. Tôi khước từ quan hệ họ hàng với những nhân vật xa lạ kia, khước từ những sản phẩm confection may hoàng loạt.

Có những thế hệ may mắn – hoặc bất hạnh hơn, ai biết? – ra đời trong những đồng phục tinh thần khác. Có lẽ bố mẹ tôi đã lớn lên với Scholochov, Balzac, hay các “Tiểu thuyết thứ bảy” và “Tự lực văn đoàn” nào đó. Baudelaire, Lermontov, Tschechov, hết thảy người Nga và người Pháp. Nếu buộc lòng phải chọn một mô hình nào đó, tôi cầu chúc cho các thế hệ sau một hành trình văn hóa dài hơi hơn. Đừng bỏ quên mảnh đất nào trên địa cầu, nhất đừng quên mảnh đất ngay dưới chân mình.

Tôi từ chối không đứng vào bất kì thế hệ nào. Tôi từ chối bất kì bộ đồng phục quá chật hoặc quá rộng nào. Hãy để tôi trần truồng với cơ thể còm nhom sớm đình tăng trưởng của tôi.

[Trích Thiên sứ - Phạm Thị Hoài]

Wednesday, 17 November 2010

Ứng xử với sách dở

Có một bạn băn khoăn rằng đọc một cuốn sách vài chục trang thấy dở thì nên làm gì, bỏ đi cho đỡ tốn thời gian, hay đọc tiếp và mong chờ thấy được điều gì đó hay ho trong cuốn sách, kiểu như biết đâu thấy ánh sáng cuối đường hầm, hay ít ra đọc cho biết nó dở thế nào để còn chê?

Về chuyện này thì chẳng ai khuyên ai được vì rốt cuộc ứng xử với một cuốn sách dở như thế nào là tùy lựa chọn của mỗi người. Có phải Auschwitz đâu mà không có quyền lựa chọn?

Trong Bốn mùa, Trời và đất, có một đoạn Marái Sándor kể đại ý  rằng ông rất khoan khoái vứt một cuốn sách đi sau khi đọc mỗi một câu.  Và ông nghĩ những cuốn sách không được đọc xứng đáng với số phận của nó. Lẽ dĩ nhiên ta cũng có thể từ chối đọc một cuốn sách có quá nhiều dấu chấm than, hoặc quá thiếu dấu chấm.

Ngày xưa còn trẻ, tôi từng cảm thấy rất áy náy nếu đọc không xong một cuốn sách. Ngày nay, khi trẻ hơn ngày xưa nhiều, tôi bớt áy náy khi khám phá ra rằng những nhà văn lớn - những nguời đọc rất nhiều sách và cũng có rất nhiều sách để đọc - cũng là những người thường xuyên vứt sách đọc dở chừng vào xó nhà.  Huống hồ tôi không phải nhà văn.

Rốt cuộc là có quá nhiều sách trên đời, trong đó có nhiều sách hay và rất rất nhiều sách dở, cho nên xét về tỷ lệ thì nếu ta bỏ qua một cuốn sách sau vài trang đọc, có đến chín chín phần trăm thậm chí hơn đó là một cuốn sách dở và do đó ta không phải hối tiếc gì.  Thế giới quả nhiên rộng lớn và đúng là có rất nhiều việc phải làm mà.  Chẳng hạn thay vì đọc một cuốn sách dở ta hãy đi uống sữa.


[Entry này được viết dưới sự tài trợ của Vinamilk, Cô gái Hà Lan và Hiệp hội Các bà mẹ cho con bú Việt Nam]

Monday, 15 November 2010

Tôi và chúng ta

Bài viết của chị Bùi Thị Bích Liên trên Facebook, post  lại chưa có sự đồng ý của tác giả:)  Chị Liên là cũng là tác giả entry Vietnam Airlines - Cùng non sông cất cánh; vậy có thể xem chị Liên là guest blogger của blog này:)


-----------------------



(Với tất cả lòng kính trọng, xin phép được mượn Anh Lưu Quang Vũ tiêu đề này vì hiện giờ tôi chưa nghĩ ra được cái gì phù hợp hơn)
--------------

Vừa dắt xe đạp ra khỏi ngõ nhà người quen, tôi thấy con ngõ đã bị bịt kín bởi một chiếc xe bán tải chở đầy gỗ. Ngõ này không phải là nhỏ so với chuẩn mực thông thường của Hà Nội, nhưng thông thường thì chẳng có xe chở hàng nào được phép vào sâu trong lòng ngõ như thế. Vài thanh niên đứng lố nhố quanh xe - chắc họ là chủ nhân của chiếc xe hoặc của chỗ gỗ này. Thấy bộ mặt ngán ngẩm của tôi, một chàng cất tiếng: "tại người chị to quá nên không đi qua được đấy, giá chị cho em tí thịt thì tốt". Không thấy phản ứng gì, chàng nhanh nhẹn đỡ lấy chiếc xe đạp. Khéo léo tuyệt vời, chàng lách qua khoảng không rộng chừng 25cm cùng với chiếc xe đạp của tôi (chưa bao giờ thử đo, nhưng chắc chiều rộng của ghi đông cũng phải 40cm).

Thế là sự việc được giải quyết nhanh chóng, và ổn thỏa. Mục đích của tôi là ra khỏi ngõ để đi tiếp tới đường cái đã đạt được mà không phải cố gắng gì cả. Tôi không hề có ý định kiện chàng thanh niên về tội xâm phạm uy tín, danh dự, và nhân phẩm của người khác. Tôi chấp nhận sự quá khổ của mình. Tôi thỏa hiệp với cái lý lẽ của chàng rằng chính số kg thịt thừa của tôi là cái lỗi làm tôi không thể lưu thông được bình thường. Tôi cũng ước gì có thể chia cho chàng được ít thịt, nếu thế thì cả hai chúng tôi sẽ cùng đẹp lắm. Sáng thu dịu mát nhưng chàng vẫn cới trần (chắc chàng quen với phòng điều hòa rồi) phô những dẻ sườn mảnh dẻ. Gương mặt chàng khá thanh tú, và như môn sinh vật học đã dạy thì những người có vẻ bề ngoài ưa nhìn thường nhận được sự dễ dãi trong đối xử của người khác. Tôi biết rằng hành động của chàng chứng tỏ rằng chàng cũng có chút gì đó "biết điều". Nơi nào đó trong thâm tâm, chàng có thể thấy có lỗi vì đã chiếm dụng không gian chung, và thấy có trách nhiệm trong việc giải quyết sự rắc rối gây ra cho tôi.

Lách qua phía bên kia của chiếc xe, tôi thấy một, rồi hai, rồi ba người đàn ông đang đứng chờ để được vào ngõ. Mặt họ có vẻ đỏ dần lên vì sự cạn dần của lòng kiên nhẫn. Bỏ tất cả họ lại phía sau, tôi tiếp tục hành trình của mình với nhiều ý nghĩ lộn xộn. Mỗi người chúng ta đều cần một không gian để ngọ nguậy. Và tất cả chúng ta cần một không gian chung để cục cựa. Những loại không gian ấy đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Vẫn biết rằng người Việt chúng ta vô cùng linh hoạt, và truyền thống quý báu "9 bỏ làm 10" là cứu cánh đắc lực, thậm chí là một phần của khả năng sinh tồn trong tiến trình thay đổi này, nhưng hình như cái không gian chung mà chúng ta chia sẻ đang đòi hỏi "9 bỏ làm 12 hoặc thậm chí là 15 hay 20. Vấn đề giữa tôi, xe đạp của tôi và chàng thanh niên với chiếc xe bán tải của chàng có thể giải quyết êm thấm. Nhưng những người đàn ông kia có thể sẽ không nhìn chàng thanh niên giống tôi, đơn giản vì ... họ cũng là đàn ông. Và chàng trai trẻ kia dù có 3 đầu 6 tay thì cũng không thể lách một chiếc xe máy qua một khoảng không 25cm. Tôi không thể có câu trả lời cho những câu hỏi (có thể là rất ngây ngô) của mình. Tôi chỉ biết viết chúng ra, hy vọng sẽ có một ngày mùa thu Hà Nội trả lời cho tôi, sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi.


Saturday, 13 November 2010

Bảy vặt vãnh cho một cuối tuần

  1. Mang tiếng cuối tuần, nhưng cứ bắt đầu bằng giữa tuần trước.  Giữa tuần có chuyến công tác chớp nhoáng Hà Nội, sáng đi chiều về xen kẽ trưa ăn chả cá, ngửi mùa thu Hà Nội phát rồi về.  Tiệm chả cá là cái tiệm gì mà thằng Tây nào bảo là một trong những chỗ nên đến trước khi chết.  Lần này đến là lần thứ hai, thấy chả cá dở hơn xưa, dù cá vẫn nóng và mặt các chị em phục vụ vẫn lạnh:) Anh bạn đi cùng gọi ly đá để uống cùng soda được phát cho một phích đá to vật vã tự phục vụ lấy, nhân tiện, anh phục vụ luôn cho cô gái bàn bên.  Cô kia đi một mình, được gắp đá cho không cảm ơn gì, chỉ len lén nhìn hai anh bên này suốt buổi:)

  2. Trên máy bay từ HN vào SG, chén gần xong cuốn Có được là người của Primo Levi. Cho dù trang 200 cuốn này có một lỗi typo:), thì đây vẫn là một cuốn rất nên đọc, đặc biệt khi đang ngán ngẩm các thể loại tiểu thuyết hoặc Linda Lê:)  Đọc cuốn này để thấy rằng những nỗi đau kiểu nhổ răng:), bị bồ đá, vợ la, cha mẹ rầy, hay thậm chí phải ăn cơm khê:) chẳng có nghĩa lý gì so với bị nhốt vào Auschwitz:)

  3. Sáng thứ bảy mới mở mắt đã nghe bác này gọi, báo bài này đã lên Tuổi Trẻ, nhân tiện nhắc lại vụ rủ rê đi Cà Mau thăm chị này:) Thích thì thích lắm, nhưng tình hình hơi ban-căng, để thử nịnh phù thủy của bạn Alpha xem sao. Cái bài trên Tuổi Trẻ, sao cứ nhè mấy câu duyên duyên mà cắt là sao là sao là sao:) (copyright saurieng).

  4. Sáng thứ bảy uống cà phê với chị này, cho dù tâm hồn chị đang thơ thẩn tận Canada thì chuyện vãn vẫn rất vui. Nghị quyết của buổi nói chuyện là: (i) phải đọc Nhiều cách sống:), (ii) đọc lại Tự của Y Ban để xem đàn ông bị bỉ thế nào, và (iii) tuần sau cho mượn Phạm Thị Hoài đấy nhé.

  5. Cũng sáng thứ bảy, chạy vào nghe chị này giới thiệu sách. Ối trời ơi, người đâu ăn nói dịu dàng dễ nghe, lại còn duyên dáng nữa mới chết chứ.  Vài ghi nhớ từ buổi nói chuyện: (i) gốm vỡ là chữ cái của khảo cổ, (ii) thường nghe nói Sài Gòn ba trăm năm, nhưng thực ra dưới lòng đất Sài Gòn có di tích ba ngàn năm, (iii) nhà khảo cổ giống công an ở chỗ tìm thấy vàng thì sẽ ghi là tìm thấy “kim loại màu vàng”, (iv) mốt đeo bông tai một bên của nam teen ngày nay chả có gì mới mẻ, cách đây 2000 năm đàn ông đã đeo bông tai đá một bên, với điều kiện phải giàu và quyền lực, và (v) chị từng tìm thấy một cái linga to vật vã đến nỗi tất cả đàn ông trong đoàn phải tiu nghỉu, buồn bã vì…tự ti:)

  6. Chiều thứ bảy, cho hai bạn Alpha và Pi đi khám bệnh. Trong lúc chờ, chén xong cuốn Chàng sumô không thể béo.  Cuốn này mỏng dính, chưa đến trăm trang, khổ sách lại nhỏ nên đọc nhanh chẳng có gì lạ.  Nói ngay là không thích nhé, mặc dù rất thích cuốn cùng tác giả là Nửa kia của Hitler. Dạng như truyện ngụ ngôn, thông điệp rõ ràng rành mạch. Mà tôi chỉ thích những gì mờ mờ ảo ảo, kiểu như áo em trắng quá nhìn không ra, chứ lộ liễu thế kia nhất định không phải taste của mình.

  7. Cuối cùng, Cốm Xanh đã mở cửa trở lại, nên sáng mai Chủ nhật sẽ cho hai bạn Alpha và Pi ra đấy ăn bún ngan và xôi xéo! 

Friday, 12 November 2010

Hội họa Việt Nam đương đại


Tác phẩm: Phù thủy, chất liệu màu sáp trên giấy A4 bỏ đi
Tác giả: Alpha, 2010
Người mẫu: Mẹ



Tác phẩm: Công chúa, chất liệu như trên
Tác giả: như trên



Tác phẩm: Nhà ngói [cũng như nhà tranh khi tắt đèn], chất liệu như trên
Tác giả: như trên


Tác phẩm: Ký họa em Pi, chất liệu như trên
Tác giả: như trên

Monday, 8 November 2010

Ôi ta buồn ta đi lang thang...:)



(Bài cũ, viết tháng 10/2007)

Gọi điện cho con


Ba ở Sài Gòn. Mẹ, Alpha và Pi ở Hà Nội. Ba gọi điện cho mẹ một ngày nhiều lần, để xem Alpha và Pi ăn, ngủ có ngoan không, và nhiều lúc gọi điện chỉ để… gọi điện. Ba với mẹ nói chuyện với nhau không cần phải có “nội dung”.

Ba nói là gọi điện cho Alpha và Pi, thật ra là gọi điện cho mẹ, thỉnh thoảng mẹ sẽ cho con “nói chuyện” với ba. Alpha lớn hơn, Alpha gần được 14 tháng tuổi rồi, Alpha biết cầm điện thoại, Alpha còn biết giằng cả điện thoại. Nếu mẹ bảo Alpha nói chuyện với ba, Alpha sẽ cầm điện thoại áp vào tai rất điệu nghệ (mẹ tả thế), lắng nghe chăm chú, lâu lâu sẽ ứ é vài tiếng.Được một hai phút, Alpha sẽ bắt đầu tiết mục…liếm điện thoại. Mẹ sẽ cười nắc nẻ và xin Alpha trả lại điện thoại. Ngày mẹ bắt đầu có mang Alpha, ba, như nhiều ông bố khác mơ mình sẽ có con trai. Nhưng đến khi Alpha ra đời rồi, ba thấy mình là ông bố hạnh phúc nhất trần gian vì có một cô con gái xinh nhất trần gian và nghịch ngợm, láu lỉnh nhất trần gian. Tất nhiên là ba chủ quan. Ông bố bà mẹ nào chả chủ quan. Alpha làm ba muốn có thêm một cô con gái nữa, để ba được duy trì vị thế đẹp trai nhất nhà thì Pi lại ra đời. Pi chia sẻ ngôi đẹp trai nhất nhà cùng với ba, nhưng không vì thế mà ba “ganh tị” với Pi. Pi làm ba nhớ Pi theo kiểu của Pi.

Pi được hơn hai mươi ngày tuổi rồi. Pi chưa biết cầm điện thoại. Có ai biết cầm điện thoại lúc hai mươi ngày tuổi đâu. Mẹ bảo Pi ngoan hơn chị Alpha ngày xưa, cứ ăn xong là ngủ, khi nào đói bụng lại thức dậy và gào toáng lên. Pi nói chuyện với ba bằng cách oe oe trên điện thoại. Ba bảo mẹ từ từ cho Pi bú, để ba nghe tiếng Pi kêu một lúc. Sau này lớn lên, Pi đừng dỗi ba vì chuyện này nhé. Chả là ba nhớ Pi quá đấy thôi. Mỗi lần Alpha hay Pi nói chuyện với ba như thế, là ba chùng lòng lại, đôi lúc mắt hơi cay cay. Ba đếm từng ngày cho đến ngày bay ra Hà Nội để chơi với Alpha và Pi. Chỉ còn một tuần nữa thôi, đó cũng là ngày Pi đầy tháng.

Làm bố rồi, ba thấy mình trở thành người khác. Ba quan tâm tin tức liên quan đến trẻ con nhiều hơn. Ba ngắm trẻ con ngoài đường nhiều hơn. Ba bần thần khi nghe những tin tức không vui liên quan đến trẻ con. Ba ước gì vòng tay ba là vô tận để lúc nào Alpha và Pi cũng ở trong vòng tay ba.Nhưng các con sẽ phải lớn lên và ra khỏi vòng tay ba mẹ chứ. Cho nên, ba chỉ có một yêu cầu nho nhỏ: sau này lớn lên, Alpha và Pi có đi đâu xa thì cũng nhớ gọi điện về cho ba mẹ.









Trời mỗi ngày lại sáng



ĐƯỢC TIN CON TẬP ĐI

Huy Cận

Được tin con tập đi
Cha mừng không ngủ được
Cha nằm đếm thầm thì
Từng bước chân con bước

Đặt tên con Hà Vũ
Ý muốn nói đời con
Sẽ đi vào vũ trụ
Thăm sao sáng trăng tròn

Nhưng con ơi, trước mắt
Sống cuộc đời trái đất
Con tập đi cho ngay
Đất dày chân bám chặt

Bước này con theo mẹ
Bước này con theo cha
Bước này lại bác bế
Bước này cháu theo bà

Con bước, cha cùng bước
Mặt trời cười phía trước
Con chim hót sau lưng
Cái bướm vờn bên ngực

Đi lên Hà Vũ ơi!
Chân con bước vào đời
Cha chín mùa thơ mới
Tặng con vần thơ vui.

Cẩm Phả. 21 - 9 - 1958

(Bài này trong tập Trời mỗi ngày lại sáng của Huy Cận)

Sunday, 7 November 2010

Tắc đường tùy tản tập (III)



Sự tinh khiết

Tác phẩm nghệ thuật khi được sáng tác ở trình độ cao nhất đều giống nhau đến kỳ lạ: Chúng đều tinh khiết.


Sự im lặng của bầy cừu

Để tránh bị sói ăn thịt, đàn cừu đành im tiếng.

Khi im tiếng, chúng thật sự là cừu, là cừu, là cừu.


Có một người nằm trên mái nhà

Khi trời mưa to.

Friday, 5 November 2010

Cà phê ngon - Ngày đẹp trời


Chú ý, có dấu gạch ngang ở giữa.  Đó là một dấu gạch ngang vô vọng nhằm nối kết hai sự việc không liên quan gì nhau mấy thuộc về hai thời điểm khác nhau: cà phê của thời điểm này, gần 12 giờ đêm một ngày thứ năm, hay chính xác hơn là đêm thứ năm, còn ngày đẹp trời, thuộc về hôm qua, một ngày thứ tư, một ngày Sài Gòn trời không thể đẹp hơn, đẹp đến nỗi dù biết rằng nơi nào đang mưa lũ vẫn không thể không xuýt xoa mà không áy náy, đẹp đến nỗi chỉ muốn nằm lăn ra vỉa hè đường Đồng Khởi cho nắng ruộm vàng thân, đẹp đến nỗi trưa sẵn sàng không ăn cuốc bộ một vòng quanh quận 1, đẹp đến nỗi thấy mình bất lực vì không thể níu giữ lại được những giờ phút ấy, chỉ còn biết âm thầm hít thở, âm thầm ngắm nhìn, âm thầm vui sướng, âm thầm tan ra hòa lẫn với phố phường xe cộ.  Giờ phút ấy Sài Gòn không mùa thu chẳng phải mùa đông - gọi đúng tên phải là mùa lâng lâng - và khi đi trên phố phải kìm nén mình hết cỡ, giẫm chân mạnh hết cỡ bằng không rất dễ bay tuốt lên trời như bong bóng.

[Xong phần đẹp trời, chuyển sang phần cà phê.]

Lâu rồi tôi không uống cà phê về đêm.  Lý do là tôi sống làm việc theo lời khuyên của các bác sĩ nên hạn chế uống cà phê buổi tối nhằm giữ gìn cho làn da trắng như tuyết và mái tóc đen nhưng khung cửa gỗ mun [của tôi, của tôi!].  Như có lần đã nói, đêm - nếu cần chống chọi với kẻ thù mang tên buồn ngủ, tôi thường uống trà đặc.  Nhưng đêm nay chả hiểu vì sao lại thèm cà phê, thế là tự tay nấu nước và pha một phin cà phê bột Highlands nén chặt vừa phải, nước thật sôi, xong pha một ít sữa đặc.  Uống xong ly cà phê thấy lòng phơi phới, nhìn ra bóng đêm mà tưởng là nắng mới, suýt nữa hét lên, may kịp kiềm lại chứ không thì con sẽ khóc toáng và hàng xóm gõ cửa nhà. 

[Đoạn kế tiếp không phải trời đẹp cũng chẳng phải về cà phê - họa may thì về cái gạch ngang.]

Cảm giác hoàn thành tốt một việc cũng tuyệt như cảm giác hưởng thụ một ngày đẹp trời hoặc uống một ly cà phê ngon.  Phải cố lắm mới không hét và phải ghìm mình hết cỡ mới không bay lên.
  

Monday, 1 November 2010

Làm gì khi buồn ngủ

Về cơ bản, khi buồn ngủ tốt nhất là đi ngủ.  Ngủ một giấc dậy xong chắc chắn sẽ hết buồn ngủ.  Nếu ngủ xong, mà vẫn buồn ngủ, thì hãy đi ngủ tiếp:)  Tuy nhiên, theo một thống kê xã hội học đáng tin cậy, 99% trường hợp được khảo sát sau khi ngủ xong thì ...hết buồn ngủ.

Tuy nhiên, có một số trường hợp, dù buồn ngủ nhưng đương sự không thể ngủ được, chính xác hơn là không được phép ngủ, chẳng hạn như khi lái xe, thì làm thế nào?  Có một lần tôi rơi vào tình trạng kinh hoàng đó: buồn ngủ lúc 5 giờ chiều, do hậu quả của một trận jet lag.  Suốt trên đường từ công ty về nhà, tôi liên tục tự cấu, véo, giật tóc, vả vào mặt, tự sỉ nhục mình. v.v. mà vẫn buồn ngủ.  Có lúc thậm chí tôi phải tấp xe vào lề, ra khỏi xe, đi vòng vòng quanh xe cho tỉnh, rồi chạy tiếp.  May mà không sao cả.  Về tới nhà, trèo thẳng lên giường phò phò luôn!

Đấy là trường hợp hãn hữu.  Thường xuyên hơn, là những tối ở nhà tôi muốn thức để làm việc gì đó, nhưng mắt cứ díp lại.  Cà phê với tôi hoàn toàn không có tác dụng.  Trà tốt hơn nhiều, với điều kiện phải uống một hai tiếng trước khi buồn ngủ.  Chẳng hạn nhắm 10 giờ buồn ngủ thì hãy uống từ lúc 8 giờ, chứ đợi đến lúc mắt nhắm măt mở mới đi pha trà thì đảm bảo uống được hai ba tách sẽ lăn ra khò khò chẳng khác gì uống thuốc ngủ.

Một mẹo khác để tránh cơn buồn ngủ là hãy đổi từ hoạt động này sang hoạt động khác.  Chẳng hạn như đang đọc sách hay soạn bài hay nghiên cứu tài liệu gì đó mà buồn ngủ quá thì hãy vào mạng xem thử có chị nào già già ưa cãi cọ, bắt bẻ:) online cãi nhau một tăng, hoặc cũng có thể vào Facebook cà khịa ai đó  là tỉnh ngủ.  Một cách nữa là bật tivi xem lướt qua có kênh nào cướp đốt giết hiếp gì không:), khi hết buồn ngủ thì quay lại làm việc tiếp.

Tôi gõ mấy dòng này khi đang rất buồn ngủ, nhưng bây giờ hết buồn ngủ rồi:)


+P.S: Dạo này có bạn nào cứ đi tìm Cathedral của Carver, suốt ngày rơi vào blog này!


+ Bonus đoạn này trong Snow của Pamuk (không liên quan gì đến chuyện buồn ngủ):


- [Ka:] Life's not about principles, it's about happiness.
- [Kadife:] But if you don't have any principles, and if you don't have faith, you can't be happy at all.
- [Ka:] That's true.  But in a brutal country like ours where human life is cheap, it's stupid to destroy yourself for the sake of your beliefs.  Beliefs, high ideals - only people in rich countries can enjoy such luxuries.
- [Kadife:] Actually, it's the other way round.  In a poor country, the only consolation people can have is the one that comes from their beliefs.

Đọc đoạn này xong thực sự tỉnh ngủ.  Không ngạc nhiên tại sao Pamuk bị ném đá ở Thổ Nhĩ Kỳ!




Bánh mì kẹp và Ocean Vương