Saturday 20 November 2010

Đồng phục tinh thần và mélodrame



Nhân đọc lại Thiên sứ của Phạm Thị Hoài bản giấy in đen thui của NXB Trẻ 1989 mượn của chị So, copy & paste một đoạn cho nó khoan khoái cái cuối tuần
-----------------------------

“Ruồi trâu” không làm tôi xúc động, tôi từ chối các trò ú tim săn đuổi, những bí mật nửa kín nửa hở, những hồi hộp lên dây cót sẵn, những khung cảnh tạo dựng để thi thố một vài phẩm chất không cố định của con người, như lòng dũng cảm-hèn nhát, đức cao thượng-đê tiện... xoay xung quanh một người đàn ông và một người đàn bà, Đó không phải một tác phẩm chân thực, âu cũng là một dạng cổ tích viết tồi, dẫu dài hơn mọi chuyện cổ tích tôi từng biết.

“Thép đã tôi thế đấy” còn thiếu chân thực hơn. Có lẽ không phải lỗi ở người viết. Ông ta thực lòng tin một câu chuyện giả, và thuyết phục không ít kẻ tin theo. Cái tên sách, cũng như anh chàng Pavel, gợi cảm giác xa lánh nơi tôi, như xa lánh hết thảy những gì tỏ ra mạnh mẽ mà không cuồng dại. Lời tuyên bố của anh ta về cái chết; “... để đến khi nhắm mắt xuôi tay, khỏi thấy mình sống hoài sống phí...” đã sổ một nét tàn nhẫn phân cách đời sống và cõi bên kia, đặt một câu hỏi vô lí về ý nghĩa cuộc đời. Phải, ý nghĩa cuộc sống, chính tôi cũng không ngừng băn khoăn về nó trong vòng luẩn quẩn của bốn trăm ô vuông nâu và một khuôn hình chữ nhật biến ảo, nhưng làm sao có thể đặt một câu hỏi choáng ngợp, thậm chí che lấp cả bản thân sự sống như thế. Anh ta hẳn không bao giờ biết tới những thiên sứ pha lê vụt đến, vụt đi, ban phát và trao tặng không hỏi vì sao, bí ẩn và mỏng manh như bé Hon của tôi.

Hai cuốn sách quyết định bộ mặt tinh thần của cả một thế hệ. Con đẻ của thế hệ ấy, không thành những Ruồi Trâu thì thành Pavel Kortshagin, đi dứng, nói năng, tư duy, sống và yêu đương trong bộ đồng phục tinh thần may sẵn, hiệu Voynich hay Ostrovsky. Có vài mẩu tinh thần khác phụ thêm, tạo cảm giác nào đó như thể phong phú và sinh động trong khuôn khổ, đại loại “Jane Eyre”, mélodrame lâm li hậu hĩnh, “Nam tước Phôn Gôn-rinh”, mélodrame lâm li không hậu hĩnh cho lắm, hay Pautovsky – Bông hồng vàng, mélodrame ngọt ngào cố tỏ vẻ anti-mélodrame thông tục.

Tôi khước từ thế hệ ấy, không chỉ bằng lễ rửa tội vĩ đại năm mười bốn tuổi. Tôi khước từ quan hệ họ hàng với những nhân vật xa lạ kia, khước từ những sản phẩm confection may hoàng loạt.

Có những thế hệ may mắn – hoặc bất hạnh hơn, ai biết? – ra đời trong những đồng phục tinh thần khác. Có lẽ bố mẹ tôi đã lớn lên với Scholochov, Balzac, hay các “Tiểu thuyết thứ bảy” và “Tự lực văn đoàn” nào đó. Baudelaire, Lermontov, Tschechov, hết thảy người Nga và người Pháp. Nếu buộc lòng phải chọn một mô hình nào đó, tôi cầu chúc cho các thế hệ sau một hành trình văn hóa dài hơi hơn. Đừng bỏ quên mảnh đất nào trên địa cầu, nhất đừng quên mảnh đất ngay dưới chân mình.

Tôi từ chối không đứng vào bất kì thế hệ nào. Tôi từ chối bất kì bộ đồng phục quá chật hoặc quá rộng nào. Hãy để tôi trần truồng với cơ thể còm nhom sớm đình tăng trưởng của tôi.

[Trích Thiên sứ - Phạm Thị Hoài]

15 comments:

  1. Ơ, bác Hoài này quên mất rằng chỉ có những tính cách yếu mới dễ bị choàng đồng phục thôi. Nếu cả nước VN có nhiều cá tính như các nước văn minh khác thì sợ giề ...hế hế :-P

    ReplyDelete
  2. đúng là bọn trẻ sao về mặt thông tin tự do hơn thế hệ sinh trước năm 1973 nhiều!chúng tôi ngày đó còn phải học tiếng nga,học văn hóa XHCN chính thống nên sao bằng các anh sau này!

    ReplyDelete
  3. Thực ra thời điểm năm 88 thì mấy anh Ruồi với anh Pavel đều lỗi thời với rất nhiều người rồi, có điều không nhiều người dám nói hay nói cũng không sâu được như chị Hoài.
    Chứ nếu chị thuộc cái thế hệ lúc Ruồi hay Pavel còn đình đám, chắc gì chị đã chọn cái bộ quần áo của hoàng đế ấy

    ReplyDelete
  4. Mình cũng nào cũng nể chị Hoài. Hồi khoảng 1996 lần đầu tiên đọc truyện của bà ấy, choáng vật bởi vì khác hẳn với những quan niệm được nhồi sọ của mình.

    Nhưng có lẽ bà ấy ra nước ngoài sớm cho nên được tiếp thu các tinh thần tự do của phương tây sớm hơn.

    ReplyDelete
  5. Đọc xong choáng vật! (@chị Nkd)

    ReplyDelete
  6. Hải ngoại đồn đấy là bà Phạm Thị Hoài phóng tác từ The Tin Drum của Gunter Grass

    ReplyDelete
  7. phóng tác là thế nào nhở?

    Trang đầu PTH đã ghi "Cuốn sách bắt đầu từ một điển tích của nhà văn G.G" thế còn lăn tăn nỗi gì?

    ReplyDelete
  8. Tân choáng chị Dung hay choáng chị Hoài:)

    ReplyDelete
  9. Đã có một thời viết như thế. Talawas đóng cửa rồi. Không hiểu PTH có quay lại nghề viết hay không?

    ReplyDelete
  10. em choáng, chị Hoài dậy thì sớm quá :D

    Hồi xưa em cũng thích Ruồi trâu và Pavel với toàn vẹn niềm thơ ngây thánh thiện. Công nhận đọc Pavel xong hơi bị ẩn ức, ra đường gặp đồng chí nào cũng muốn thoi một quả vào mặt hehe. Mà bây giờ em có thấy mình bị làm sao đâu? :D

    ReplyDelete
  11. chắc lắm người giống Tân, đọc Pavel xong ra đường cứ thích thoi vào mặt đồng chí khác, đâm ra ngoài đường lắm đám đánh nhau thế:)

    ReplyDelete
  12. có thể là nhiễm phim Thành Long với truyện Kim Dung nữa anh :D

    ReplyDelete
  13. Link truyện Thiên Sứ: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nqn0nmn0n31n343tq83a3q3m3237nvn

    ReplyDelete
  14. Hay quá ý! Ngày xưa khi còn học lớp 6, em đã đọc Ruồi Trâu và Thép đã tôi thế đấy rồi. Phải nói đó là một khoảng thời gian khổ sở khi em muốn cố đọc hết những cuốn sách mà chả có chút hứng thú nào. Em không cảm thấy được sự đồng cảm hay sự yêu quí nào của mình dành cho nhân vật. Và khi tuổi đời còn trẻ như thế, có lúc em đã nghĩ rằng mình thật khác người khi nghĩ thế và khổ sở vì nó. Nhưng rồi khi em lớn lên 1 chút, em thấy rằng khác người có sao đâu, có khi lại hay ý chứ :D. Đúng là những đồng phục tinh thần sẽ không thể thoải mái nếu nó quá rộng hoặc quá chật nhỉ ^^!

    ReplyDelete
  15. Choáng, chưa đọc thiên sứ nhưng mới đọc mấy dòng này đã cảm thấy nhiều người muốn nã đại bác vào quá khứ.Hãy coi đó như lich sử phát triển của nhân loại , có gì đâu. Tôi cũng đã từng là fan của Ruồi trâu và Thép đã tôi thế đấy.
    vẫn sống vui đến tận bây giờ

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN