Friday 13 November 2009

The Bourne Identity

Cách đây vài tuần, tôi đi sao y chục bản Chứng minh nhân dân, thế quái nào mà đã hết veo. Tuần này phải chuẩn bị đi sao y thêm vài bản Chứng minh nhân dân nữa. Nghĩ cũng lạ, đằng nào thì tôi cũng là nhân dân – không là nhân dân thì còn là ai được nữa, vậy mà ở nơi nào ở chỗ nào cũng có ai đó cần phải biết rằng tôi có phải là nhân dân hay không. Đâm ra tôi hoài nghi, nếu chẳng may mất Chứng minh nhân dân thì cái thằng tôi còn tồn tại hay không. Đây là câu hỏi dành cho chàng Hăm-nét.

Trong một chừng mực nào đó có thể nói cụm từ “chứng minh nhân dân” thay cho “thẻ căn cước” là một ví dụ mẫu mực của tiếng Việt cũ nhường chỗ cho tiếng Việt mới (chào cụ Kundera), hay nói cách khác đấy cũng là một thành quả của “cách mạng”. Với tôi thì về mặt ngôn ngữ “thẻ căn cước” vẫn luôn có ý nghĩa hơn “chứng minh nhân dân” nhiều lần. Căn cước có ý nghĩa xác định ai là ai về phương diện pháp luật, còn chứng minh nhân dân nghe hơi buồn cười: sao tôi phải chứng minh tôi là nhân dân? Nói vậy thôi, cũng như “sống chỉ còn như một thói quen”, từ dùng nghe riết quen tai, chỉ có ai không phải là nhân dân mới không biết chứng minh nhân dân chính là chứng minh nhân thân:) Căn cước hay chứng minh nhân dân, đằng nào thì khi có tấm thẻ nho nhỏ đó trong tay, người ta bị ràng buộc bởi pháp luật của đất nước cấp cho họ tấm thẻ đó.

Trong thế giới ảo (được dùng với nghĩa thế giới mạng), nickname trong một chừng mực nào đó là căn cước. Tất nhiên không ai cấm bạn dùng nhiều nickname khác nhau, vì vậy, mới có cái qualification “chừng mực nào đó”. Nhưng khi sử dụng một nickname nhất định trong một cộng đồng mạng nhất định, vẫn trong một chừng mực nào đó, người ta bị ràng buộc bởi những quy tắc ứng xử của cộng đồng mạng đó. Nói cách khác, khi phát ngôn dưới một nickname quen thuộc, người ta có khuynh hướng phát ngôn có trách nhiệm đối với nickname đó. Còn ở trong cõi ẩn hình, người ta sẽ cho phép mình phát ngôn tự do hơn, vì chẳng ai chịu trách nhiệm hay cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm về phát ngôn của một nick nặc danh cả. Khi rũ bỏ được cái trách nhiệm vô hình đó, người ta chợt thấy mình tự do, không ngần ngại gì mà không tuôn ra những lời man rợ. Nhưng không là ai cả, người ta cũng đáng thương hơn.

Sự nhập nhoạng của căn cước là một chủ đề trở đi trở lại trong bộ ba tiểu thuyết ngắn của Paul Auster về New York (The New York Trilogy: gồm City of Glass, Ghosts, và The Locked Room). Trong ba tiểu thuyết này, có lúc nhân vật này đóng vai nhân vật kia, nhân vật trở thành tác giả, tác giả trở thành nhân vật, kẻ theo dõi trở thành người bị theo dõi rồi cả hai nhập thành một, có người thì đột nhiên biến mất không để lại mảy may dấu vết. Gấp sách lại, hoặc không gấp sách lại, một câu hỏi lúc nào cũng lơ lửng: rốt cuộc thì ai là ai? Nhưng có lẽ câu hỏi đó không quan trọng bằng cảm giác mà bộ ba tiểu thuyết này tạo ra: nhu cầu về tìm kiếm sự thật.

Mà thôi, mọi sự thật chỉ là tương đối. Tôi quan tâm đến điều đó làm gì khi tôi còn phải bận đi sao y chứng minh nhân dân? Ít ra tôi không phải băn khoăn như chàng Bourne trong loạt phim cùng tên, người đã chạy khắp châu Âu sang đến Ấn Độ, trèo lên mái nhà, bắn súng hai tay, cưỡi mô tô, nhảy xuống nước, rồi leo lên bờ trong hành trình đi xác định mình.

9 comments:

  1. Em xin được trả lời: Sao lại có cụ Kundera trong ngoặc thế kia hả anh?

    ReplyDelete
  2. em nghĩ là em thích cưỡi môtô nhảy xuống nước bắn súng hai tay và cả hai hơn là đi phô tô giấy chứng minh nhân dân (bác quên mất từ "giấy" làm chế độ ta bị chửi oan ghê quá hehe)

    mà phô tô nhiều thế chắc là lại lên chức rồi, chóng mặt quá bác ôi

    ReplyDelete
  3. Tôi cũng thích cách bác viết linh tinh kiểu này

    ReplyDelete
  4. Muốn biết tại sao có cụ Kundera trong ngoặc phải hỏi cụ Nhị Linh.

    thích nhảy xuống nước bắn súng hai tay thì cứ làm đi, có ai câm đâu chứ?:)

    ReplyDelete
  5. @GM ạ:
    Chứng minh nhân dân không sai đâu ạ. Như bọn chị, đâu phải là nhân dân thì làm gì có chứng minh. Cụ thể nhá.

    ReplyDelete
  6. Bọn Tây nó chỉ có mỗi 1 từ mà ta thì phức tạp nhỉ. Tên của ta đầy đủ là Chứng minh thư nhân dân. Nói chung là tui chả hiểu qué gì cả. Công dân hay nhân dân hay cư trú hay gỉ gì gì?

    ReplyDelete
  7. Hi bác GM, nghe phong phanh bác thạo luật, nên cho phép tôi nhờ bác tư vấn ngoài lề chút nhé.

    Nếu một cty nước ngoài đăng ký chức danh tổng GĐ cho người nước ngoài, mà người đó không ngồi tại VN để điều hành trực tiếp thì hình như có vi phạm luật VN phải không? và nếu bác dẫn được cái điều luật cụ thể (chương/điều...) dùm tôi thì tốt quá, tôi ngại search mấy cái luật quá

    ReplyDelete
  8. :-? Anh cho em muon may cuon cua Paul Auster duoc ko a?

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN