Phim này tôi không xem ngoài rạp, mặc dù đã được nghe đồn đãi rằng nó lấy đi không ít nước mắt của không ít người. Chẳng phải tôi bận rộn hay gì cả, mà chỉ vì tôi hơi bị có định kiến với phim Việt Nam nói chung, và anh Phước Sang nói riêng. Không hiểu sao mà cứ nhắc đến anh Phước Sang là tôi lại nhớ đến mì. Tôi vốn không thích mì, bất kể ăn liền hay nấu kỹ. Thế nên tôi rất là thờ ơ khi phim vẫn còn chiếu ê hề ngoài rạp.
Bẵng đi một thời gian thì tôi lại nghe nhắc đến Áo lụa Hà Đông, trên báo, nhân dịp ồn ào về việc lập lờ tên gọi giải thưởng Kim Kê Ô Kê gì đó. Tôi hơi ngạc nhiên một tí tẹo, vì phim của anh Sang mà lại được giải, dù rằng tôi cũng chẳng biết giải Kim Kê ấy thực ra nó là con gà con vịt gì.
Thế xong rồi tôi đọc blog của một bạn kể chuyện đi mua đĩa lậu, và một bạn khác vào khóc lóc thương xót cho tình hình phim Việt Nam bị giết chết một phần là vì những người có ý thức nhưng vẫn dùng hàng lậu. Tôi vẫn còn đang phân vân không hiểu phim của anh Sang thì có gì mà phải khóc lóc thương xót thế, thì đùng một cái, một đĩa DVD Áo lụa Hà Đông tự dưng rơi vào tay tôi. Dĩ nhiên, nó vẫn là hàng lậu. Tôi mở ra xem với một tâm trạng hơi tò mò nhưng chẳng phấn khích gì mấy. Gì chứ, mì vẫn là món ăn khó nuốt.
Thế mà, ngay những cảnh đầu tôi đã rất ngạc nhiên. Góc máy quay khá lạ và đẹp mắt. Nhạc nền hay. Diễn viên đẹp, diễn xuất tốt. Chừng đó đã thấy quá ưu tú so với những là Trai nhảy, Gái nhảy hay một số bộ phim Việt Nam khác mà tôi đã không may xem phải. Non sông cẩm tú nước nhà cứ gọi là tươi non mơn mởn qua từng góc máy. Cảnh làng quê Bắc Bộ cổ kính, cảnh phố cổ Hội An thâm trầm hay rừng vàng biển bạc núi kim cương gì cũng đẹp. Thậm chí những cảnh nghèo hèn khắc khổ như cào hến trên sông, lặn lội bùn đất trong cuộc hành tẩu phương Nam của đôi vợ chồng nghèo cũng đẹp làm sao. Tôi chợt vỡ ra rằng mì thì cũng có năm bảy loại mì, có loại trần trụi không thèm cho vào giấy gói như mì Miliket, có loại thường thường bậc trung như là Aji-ngon, cũng có loại hảo hạng và trình bày đẹp mắt như là mì ly Hàn Quốc, mì bát Nhật.
Diễn viên diễn cũng tốt. Trương Ngọc Ánh ngoại trừ việc cô vẫn đẹp một vẻ đẹp bất biến theo thời gian của người mẹ 4 con, trong hoàn cảnh nghèo rớt mấy giậu mùng tơi, còn lại thì cô diễn tốt. Tốt nhất là cảnh cô thất thểu bước ra khỏi trại giam, tuyệt vọng đuổi theo nhặt từng mảnh vải áo dài, hoặc cảnh cô lật từng manh chiếu tìm con, gào lên một cách đau đớn tận cùng trước cái chết của đứa con ngoan. Cảnh này chắc hẳn đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả.
Anh Quốc Khánh thì tôi chả biết bình luận sao. Chắc tại tôi vẫn quen nhìn thấy anh í đóng vai hài tự dưng lại vào vai chính, mà lại còn bi nữa, nên nhìn mãi vẫn không quen. Nói chung tôi bị bệnh định kiến khá nặng, tôi biết. Tôi cứ thắc mắc mãi về cái lưng gù của anh í. Không hiểu dụng ý của đạo diễn là gì khi đặt cục bướu lên lưng anh ấy, làm tôi cứ lẫn lộn lung tung rằng không biết cái mặc cảm mà anh ấy thể hiện là mặc cảm của người nghèo hay của người tật nguyền? Nếu chỉ nghèo không thôi thì mặc cảm chưa đủ ép phê hay sao mà còn cần phải tật nguyền dị dạng nữa? Cứ thấy có cái gì đó không xuôi lắm, khi anh vừa nghèo, vừa tàn tật, vừa thấp bé nhẹ cân, thế mà lại lấy được một cô vợ đẹp như... người mẫu, hết lòng hết dạ vì chồng con. Hay chính là đạo diễn muốn dùng hình ảnh anh chồng tật nguyền, xấu xí, nghèo hèn, bất lực để làm nền cho hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam? Khéo có khi xem phim này xong bạn bè thế giới tưởng nước mình thời đó sống trong chế độ mẫu hệ.
Dàn diễn viên nhí thì diễn tốt, nhất là bé Ngô. Đoạn diễn của em trong cảnh chuẩn bị đtôi chị đi chôn, hoặc một mình em đi ngang qua ngôi nhà bỏ hoang, mường tượng lại cảnh ngày nào hai chị em còn vội vàng đổi áo cho nhau là những đoạn gây xúc động nhất. Tất nhiên là không kể đến cái đoạn tôi vác chiếc áo dài treo phất phơ chạy theo dòng người, chiếc áo dài bay phần phật như cờ khởi nghĩa nhìn phản cảm không chịu được.
Ngoài ra còn có những yếu tố lịch sử không thể không nghĩ đến. Người có để ý về lịch sử và mốc thời gian một chút thì chắc là khi xem phim ít nhiều cũng cảm thấy khó chịu vì sự vô lý của bối cảnh lịch sử trong phim. Xem cảnh dân nghèo vùng lên khởi nghĩa, đốt nhà, giết cường hào ác bá, tôi chắc mẫm rằng đây là thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh hay đại loại thế. Vẫn còn đang phân vân không hiểu làm sao thời kỳ này mà có quả áo dài đẹp thế, mẹ anh Gù ắt hẳn sành điệu đi trước thời đại và ẳt là giàu có, không hiểu ra nông nỗi nào mà lại bỏ con, thì lại thấy thông báo là đến năm 1954. Xong rồi tự dưng áo lụa Hà Đông lại xuất hiện vào cuối phim, rợp trời như một đàn bướm trắng một cách hết sức khiên cưỡng, và được thông báo đấy là năm 1975, lúc đất nước thống nhất. Thời gian quả là trôi nhanh như tên bắn.
Không hiểu sao xem chị Dần mà tôi cứ nhớ đến chị Dậu. Những cảnh chị Dần bị bà chủ nhiếc móc, cảnh chị đi bán... sữa, hoặc cảnh sữa của chị bị đổ cho chó liếm, làm tôi cứ nhớ đến cái sự nghèo đến tận cùng của chị Dậu. Xem phim thì chị Dần cũng nghèo thật, đạo diễn nói thế và tôi biết thế. Nhưng tôi vẫn không hiểu vì sao chị phải hy sinh để làm một việc động trời là đi làm vú nuôi cho một ông già bú, rồi sau đó vẫn không may ra được một chiếc áo dài mới, mà vẫn phải lấy áo dài cũ đtôi sửa lại. Thế thì vì sao không đem sửa ngay từ đầu mà phải khổ thế? Thế thì công tình chị đi làm vú nuôi để làm gì? Ý đồ nghệ thuật ở đây là gì tôi không hiểu.
Còn vô khối những điều không hiểu nữa. Mà thôi, trong một ngày mà tôi vẫn còn bị bội thực vì bữa tiệc thịnh soạn và nhiều cholesterol mà bạn Murakami bày ra bên bờ biển, thì cũng không nên cố hiểu thêm cái gì nữa kẻo mà tẩu hỏa nhập
ma. Gì chứ, mì vẫn là món ăn khó nuốt, dù rằng mì lần này được chế biến cũng khá ngon lành và trình bày đẹp mắt.
Disclaimer: Bài viết không phản ánh quan điểm chủ nhân blog này, đơn giản vì chủ nhân blog này không phải là tác giả! Tác phẩm gốc có thể xem ở đây. Nếu không xem được ấy là lỗi của bạn. Đa tạ!
Ơ hơ hơ :D
ReplyDeleteĐồng ý với anh về nhận xét chung của phim. Hihi, một entry của em cũng có ý kiến gần tương tự. Nói chung là được, ngoại trừ việc vì muốn tạo ra những cảnh quay gây ấn tượng nên phim có những chi tiết rất thiếu thực tế và phi logic.:D
ReplyDelete@Solna: KHông đọc disclaimer à?
ReplyDelete@ Nhị Linh: Chắc là nói bạn kia phải không?
@Saigonese: Entry hay không?
Nói bạn kia là càng lớn càng điệu. Còn nói bác là càng lớn càng đệu. Thưa gửi đầy đủ ngắn gọn súc tích chưa?
ReplyDeleteỪ, hay ở title mà "đệu" (từ của bạn Nhị Linh) cũng ở title.
ReplyDeleteÀ mà cái chương trình auto replace của anh hơi bị xịn đấy. Cứ có "em" là replace thành "tôi" tất, bất kể là em hay đem hay xem...
ReplyDeleteHệ hệ càng lớn càng đệu.
ReplyDeleteEm cứ thấy buồn cười là các bạn cứ nhất định đè đạo diễn lẫn nhà sản xuất ra bắt cắt nghĩa tại sao cho tôi cái lưng gù. Gù là gù là gù là gù là gù là gù, cần gì phải có dụng ý. Các bác giờ ra đường thấy những người tật nguyền túm lại hỏi xem trời hay bố mẹ người ta có dụng ý gì khi đẻ ra người ta bị thế.
ReplyDeleteHỏi thế khéo bị nó đánh cho đừng có kêu.
Bác này buồn cười nhở. Ở ngoài đời bác đâu có quyền quyết định mình gù hay không gù, còn trong phim thì được. Làm phim chứ có phải buôn dưa lê đâu mà không cần dụng ý, bác.
ReplyDelete