Thursday 22 November 2007

Hôm nay post một bài thơ

...thuộc loại gần đây nhất của mình. Viết năm 2004. Nằm ngoài tập Ngày vắng mặt trời.

MỘT THẾ GIỚI

Không còn ai trong thế giới này

Những rừng cây sừng sững mọc lên đen nghìn như ngàn cánh tay vẫy vùng từ đầm lầy của quỷ

Cánh tay trắng xóa

Ánh sáng trắng xóa

Rừng cây ngoác miệng cười ha hả

Sự hù dọa không hướng đến ai và không làm ai hoảng sợ

Không còn ai trong thế giới này

Đôi cánh bé tẹo này sẽ được dành cho em, người sinh ra dưới một ngôi sao trong vắt (không phải như tôi, sinh ra dưới một ngôi sao ngái ngủ nên lúc nào cũng ngái ngủ), cặp mắt trong vắt, nước mắt trong vắt như nước cam lồ của Quan Âm Bố Tát có thể dùng để gột rửa sạch mọi bụi bặm. (Nhớ câu này:…Thở ra khói và hít vào toàn bụi – làm sao anh dừng lại – gác chân lên vỉa hè - làm sao anh đứng đợi – rụng lên vai mình lấm tấm lá me). Đôi cánh dành cho em đơn giản vì nó thuộc về em, dẫu rằng không có nó em vẫn có thể chấp chới bay trên ngàn cánh tay vẫy. Dành cho em vì không thể thuộc về ai khác, kể cả tôi. (Không có sự nhân nhượng.)

Nhữnghammuốncôlạithànhbùnsềnsệtđặcquánh

Không thể di chuyển được, trừ loài rắn

(Mà cũng có thể đấy chính là người, em nhỉ?

Còn tùy vào định nghĩa người

Chỉ em có thể trả lời được khi bay luợn từ trên cao)

Lời của thiên thần:

- Chớ bận tâm về loài người, hay loài rắn

Thế giới còn hay không còn ai

Nếu có thể hãy bay lên, và ngắm

Nếu tìm ra đôi cánh thứ hai.

Tháng 5/2004

Lời bình (của ai ấy nhở - vừa mới tìm lại được trong ổ cứng)

..... Chưa nói đến những cái mới đó, mới nói đến vài thủ pháp cơ bản mà bài thơ này sử dụng: Trước hết đó là sự tương phản: tương phản giữa “Một thế giới” và “không có ai”, giữa trắng và đen, giữa bẩn thỉu và thanh cao, giữa nặng nề (đầm lầy) và nhẹ nhõm (đôi cánh), giữa quỷ và thiên thần, giữa cái khổng lồ (rừng cây sừng sững) và bé nhỏ (đôi cánh bé tẹo). Nhưng đó là những sự đối lập và tương phản không hoàn toàn: bởi vì cuối cùng, không thể biết giữa người và rắn quẫy đạp ở dưới kia khác gì nhau, thế có nghĩa là cái nhìn từ góc độ nào, từ đống bầy nhầy ghê tởm đó hay từ trên cao, trên đôi cánh thiên thần, thật ra cũng không có ý nghĩa.

Có bốn chỗ mở ngoặc đơn. Ngoặc đơn thứ nhất để giải thích sự tương phản, ngoặc đơn thứ hai có hoặc không có cũng không ảnh hưởng gì đến toàn bài thơ, dù nó cũng là những câu thơ hay, nhất là “làm sao anh đứng đợi - rụng lên vai mình lấm tấm lá me”, nó hay kiểu không biết giải thích làm sao nó lại hay, đọc lên thì thấy sướng vậy thôi. Ngoặc đơn thứ ba nhấn mạnh tính tuyệt đối của sự không có loại trừ. Ngoặc đơn cuối cùng thì dở, bỏ ngoặc đơn đi cho nó thành câu bình thường tiếp theo mấy câu kia cũng được; nó không mở ra được không gian nào mới, mà sa vào giải thích dài dòng.

Câu “Nhữnghammuốncộlạithànhbùnsềnsệtđặcquánh” là một câu đáng chú ý. Nó thể hiện trước nhất một ý tưởng mới: một ý muốn dùng chính hình thức của chữ để miêu tả cái nội dung mà nó chứa đựng. Không có chỗ cách, nó cố gắng miêu tả sự sền sệt, cô đặc... Một cố gắng dùng chữ, cùng với một số cố gắng khác như sử dụng liên tiếp từ láy.

Khổ thơ cuối cùng, Lời của thiên thần, không gây ấn tượng nhiều lắm. Nó còn tạo ra cảm giác nhà thơ Goldmund đang đổi mới nhưng vẫn tiếc nuối về một thời thơ học trò ngày xưa, nhất định phải làm thơ có vần vè đàng hoàng đọc lên cho du dương. Không biết có đúng không?


5 comments:

  1. Mình thích bài thơ này! Có tầm đấy tác giả ạ!!!

    ReplyDelete
  2. Ừ, bỏ bốn câu cuối ra thì đúng là thơ.

    ReplyDelete
  3. Ban nay, cai tap tho "Ngay vang mat troi" hoi do nghe noi duoc xuat ban ma sao tac gia khong tang minh 01 cuon nhi? :-D

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN