Một đứa bé ra đời, sau khi được bố hay mẹ báo tin vui, người được báo tin thường sẽ chúc mừng và hỏi ngay bé nặng mấy ký, dài bao nhiêu, tên gì? (Câu hỏi gái hay trai càng ngày càng trở nên ít thông dụng hơn vì thường thì mọi người đã được thông báo về giới tính của bé từ lúc mẹ nó bụng còn lặc lè.) Cân nặng và chiều dài thì quá dễ để trả lời. Nhưng còn tên? Hỏi đến tên thì căng đây.
Theo quan sát của tớ, phần lớn ông bố bà mẹ gặp khá nhiều khó khăn trong việc chọn tên cho con. Vì khó nên cũng phần lớn cứ tắc lưỡi thôi cứ để nó ra đã rồi hẵn tính. Có một số cặp vợ chồng ngại khó bèn đẩy việc cho ông bà. Một số cặp khác lại bị ông bà, hay ông bác bà cô nào đó, cưỡng đoạt mất cái quyền thiêng liêng này. Có nhà thì vợ hoặc chồng độc quyền đặt tên cho con bất chấp nỗi đau thầm lặng của đồng tác giả đứa bé (nói “đồng tác giả” liệu có chủ quan quá không?). Một số khác thì đi nhờ thầy đặt tên cho con, hậu quả có trường hợp tất cả các bé trai trong một lớp nhà trẻ đều tên Nam Khánh.
Theo điệu tuyên huấn: Muốn có tên hay cho con, chúng ta cần phải tránh xa các biểu hiện phi dân chủ và hoặc mê tín dị đoan. Chúng ta phải phát huy dân chủ trong nội bộ gia đình. Thêm vào đó, chúng ta cần phải có quy trình làm việc bài bản, khoa học. Tuyệt đối không nhờ vả, xin xỏ thầy bà gì cả. Đặt tên con là vinh dự lớn lao, có phải ai cũng có đâu, mà ta lại từ bỏ cái quyền thiêng liêng ấy, còn tốn tiền một cách vô ích cho những cái tên sản xuất hàng loạt.
Ở nhà tớ, về cơ bản dân chủ là cảm hứng chủ đạo. Tuy nhiên, do lường trước dân chủ quá trớn có thể đến bất ổn cho nên theo chỉ đạo của vợ, nhà tớ áp dụng nguyên tắc đồng thuận mở rộng, nghĩa là trường hợp không đồng thuận thì vợ có quyền phủ quyết. Riêng việc đặt tên con, dân chủ được phát huy cao độ, nghĩa là hai vợ chồng tranh luận đến lúc đồng thuận thì thôi.
Đầu tiên, cần liệt kê các tiêu chí mà tên phải đạt được. Cái này thì hai vợ chồng nhanh chóng thống nhất các tiêu chí sau: (i) nghe hay hay (những tên như Bánh, Đậu, Xu dứt khoát bị bỏ ra); (ii) có ý nghĩa; và (iii) ít đụng hàng. Tất nhiên, những tiêu chí này có phần chủ quan, nhưng làm sao xác định được một tiêu chí không chủ quan.
Tiếp đến là brainstorming. Vợ lấy một tờ giấy khổ A4, chia làm hai cột, một bên tên con gái, một bên tên con trai. Hai vợ chồng bắt đầu brainstorming, ghi lại bất kỳ tên nào vụt đến trong đầu. Ở bước này càng nghĩ ra nhiều tên càng tốt. Sau nhiều lần ngủ gục lên ngủ gục xuống, khoảng gần bốn chục cái tên cả trai lẫn gái được ghi vào tờ giấy.
Giai đoạn quan trọng nhất và ác liệt nhất dĩ nhiên là giai đoạn tranh luận để đồng thuận. Cần phải đánh giá, phân tích từng tên một trong số gần bốn chục cái tên đã nghĩ ra ở bước hai, so sánh từng tên với nhau, đối chiếu tên với các tiêu chí đề ra ở bước một. Cả tớ và vợ đều có một vài cái tên favourite (kiểu như “đệ tử ruột” hay “gà nòi’) mà mỗi người đều gắng sức bảo vệ trước sự tấn công của đối phương. Có vài cái tên tớ rất tâm đắc, thỏa mãn cả ba tiêu chí kể trên, đã bị vợ thẳng thừng loại vì một tiêu chí thứ tư vợ tự ý thêm vào: không được “Tàu” quá. Ví dụ về tên bị loại do vấp phải tiêu chí này là Gia Viên (ý tớ là anh là gia trưởng, em là gia phó, nên con là Gia Viên), Triều Nguyên (lấy từ câu “Tam hoa tụ đỉnh, ngũ khí triều nguyên”) hay Kiến Văn.
Anyway, nhờ phát huy dân chủ và ứng dụng lề lối làm việc khoa học như trên, con gái Alpha đã có tên từ lúc mới được ba tháng trong bụng mẹ, còn con trai Pi đến năm tháng cũng đã có tên. Alpha tên thật là An Khuê, còn Pi tên thật là Tùng Quân.
tình yêu dùng font chữ gì mà không đọc được cái gì cả
ReplyDeleteTên là Tùng Quân chắc dựa theo câu gì "bóng tùng quân". Tên hay.
ReplyDeleteP.S: duyệt blog bằng Fire Fox thì font gì cũng đọc được cả
Câu bác nói chắc là "Cát đằng nương bóng tùng quân". Theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, tùng là cây thông ruột chắc, quân là cây tre mắt thẳng, tùng quân chỉ người khí tiết vững vàng, ngay thẳng.
ReplyDeleteHehe, mai mốt em đẻ con gái sẽ đặt tên là Cát Đằng :p
ReplyDeleteSao không đặt là Đằng Nương? hay chơi luôn Nương Bóng đi.
ReplyDelete