Giáo sư Ngô Bảo Châu, một thời là Hòa thượng Thích Học Toán (mở đầu nhắc đến tên bác chắc ăn khách - từ ngày chuyển nhà đến giờ view rớt thê thảm - tưởng ai cũng biết địa chỉ mới hóa không phải; thỉnh thoảng vẫn có người nhảy chồm lên hỏi blog đâu rồi!), từng có bài viết về thú đọc sách, trong đó có câu đại ý, (đại ý thôi nhé, search Google thể nào cũng ra nguyên bài, nhưng lười) giáo sư coi sách như bạn, nên giáo sư không bôi bẩn sách, vì ai mà bôi bẩn vào mặt bạn mình.
Đứng trên quan điểm của giáo sư, ắt hẳn tôi coi sách như kẻ thù, vì tôi là chuyên gia bôi bẩn sách; cuốn nào càng đọc nhiều càng thê thảm. Tôi không dùng bút chì hay bút mực, mà dùng hẳn bút highlight, tức bút bôi ra màu ấy. Xanh lòe cũng được, cam lóe cũng xong, nhưng tôi chuộng nhất vàng chóe. Trong nhà, có năm bảy chỗ để đọc sách, tôi phải để bút highlight năm bảy nơi, theo phương châm trong bán kính một mét có bút highlight, tương tợ phương châm của Google, trong bán kính 20 mét phải có đồ ăn. Thực ra năm bảy chỗ là tôi nói giảm, chứ chỗ nào mà đọc sách chả được; càng đọc nhiều thì càng năng chuyển chỗ đọc, thực chất là chuyển tư thế cho nó đỡ mỏi. Các bác đọc Calvino Nếu một đêm đông có Lao công công với cả KBL rồi đấy, nhiều tư thế lắm. Những khi di chuyển bằng máy bay, tôi nhét bút highlight trong hành lý xách tay cho dễ lấy ra; còn đi rửa xe hay khám bệnh thì thủ bút trong túi quần.
Tôi bôi vàng những chỗ nào?
Hẳn nhiên, những câu những từ đắc ý phải bôi cật lực, để khi nào lật lại thấy cho nhanh, vả lại cũng tiện lôi ra chém gió hoặc cho lên Facebook làm status:) Vừa rồi, đọc lại Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, tay lật sách, còn tay kia tôi bôi vàng chi chít, như ngày xưa các cụ khuyên mí lại son. Cụ Nguyễn dùng từ quả hiểm hóc. Tài dùng từ của cụ xưa nay nhiều người nói rồi, nhưng một kết luận chỉ thực sự là của mình khi mình là người kết luận. Tôi biết câu này tôi viết nhì nhằng lắm, nhưng kệ nó. Ý tôi là đánh giá gì hãy tin ở mình, đừng tin người. Hãy chỉ coi đánh giá của người khác chỉ là tham khảo. (Câu này giống Phật nói nhỉJ)
Tôi còn bôi vàng những chỗ có vấn đề, tức lỗi typo, lỗi dịch, hay lỗi dùng từ. Chẳng phải nhăm nhăm tìm lỗi đâu, chỗ nào đập vào mắt thì mình đánh dấu thôi. Nhìn ra lỗi của người khác cũng là một cách học. Sẽ có bác thắc mắc, hay cũng bôi, dở cũng bôi, vậy nhìn lướt lại làm sao phân biệt. Thực ra thế này, chỗ hay sẽ được bôi chỉn chu hơn, hoặc vạch ngang tha thướt, hoặc sổ dọc bên lề; còn chỗ dở sẽ bị bôi kiểu ngoáy tít lên, thể hiện sự cáu bẳn, giận dữ vào thời điểm đó. Đôi khi còn di di đầu bút muốn lủng cả giấy.
Tôi cũng bôi vàng những chỗ nhắc đến tên sách, tên người. Chuyện này đặc biệt xảy ra khi đọc các tiểu luận văn chương. Đánh dấu để có dịp thì crosscheck. Ấy nhưng cái này phải điều độ, vì nếu gặp một cuốn như Between Parentheses của Bolano mà tuân theo nguyên tắc trăm trăm này thì cả cuốn sách sẽ vàng chóe. Nguyên tắc nào cũng có ngoại lệ: Kurt Vonnegut đã nói thế trong Người không quê hương. Cuốn Between Parentheses, là cái cuốn đẹp ơi là đẹp tôi có đăng hình cách đây vài entry ấy, hôm nọ bác nào thống kê ra Bolano nhắc đến đâu chừng hai chục cuốn ông xếp vào hạng phải đọc trước khi chết; còn đơn thuần nhắc đến các nhà văn, nhà thơ khác phải tròm trèm vài trăm.
Trên đây là cách tôi đối xử vởi “kẻ thù”. Tôi biết mỗi người có cách đối xử với sách khác nhau: một số bác viết vào sách, chữ xấu như gà bới mà viết vào sách quả là cách đích đáng để “hạ nhục kẻ thù”; một số bác mân mê góc trang sách, xong rồi giật ra một ít, vê vê lại nhét tai (không cố ý đâu, chỉ là ngoáy tai với móng tay dính giấy thôi); một số bác khác thì bày tỏ tình cảm với sách bằng cách… nhểu.