Tuesday 16 August 2011

Hãy đi mở nhạc

Tôi nói điều này các bạn đừng cười nhé: Pamuk đúng là một nhà văn tầm cỡ.

Sẽ có người bảo, hâm à, ông ấy giải Nobel mà, đợi đến anh khen. Nhưng không, Nobel chẳng qua chỉ là một cái giải do mấy ông già bảo thủ ở Thụy Điển lui cui ngồi chấm.  Không có gì bảo đảm một nhà văn Nobel xong thì thành nhà văn lớn, đầy nhà văn đoạt giải xong mà sách của họ vẫn mốc meo với thời gian (mốc về mặt tinh thần, không phải vật lý).  Ấy là chưa nói đến đoạt giải Nobel  cũng cần khá nhiều may mắn: với những nhà văn không viết bằng những ngôn ngữ mà các cụ già kia có thể đọc được, thì cần người dịch giỏi; rồi phải thêm là vào ngày các cụ đọc tác phẩm của mình, các cụ phải không đau đầu hay đau bụng, chứ sách có hay mấy mà nhằm lúc bị ngộ độc thực phẩm cứ đọc vài trang lại phải chạy thì chắn chắn sẽ bị loại từ vòng gửi xe.  Pamuk là người may mắn, đoạt giải khi mới 54 tuổi; Vargas Llosa tưởng không may nhưng rồi cũng may, nổi tiếng từ thời lâu lắc lâu lơ tưởng là chẳng có duyên với giải, nhưng rồi năm ngoái cũng được, lúc 74 tuổi. May mà bác còn khỏe, chứ nói dại nhỡ có việc gì thì lại ngậm một khối hờn căm xuống tuyền đài. 

Tôi không thích đánh giá các nhà văn (hoặc bất kỳ ai) thông qua giải thưởng. Giải thưởng suy cho cùng chỉ như vật trang sức. Người đẹp mang đồ trang sức đẹp thì đẹp hơn, người xấu mang đồ trang sức đẹp thì vẫn là người xấu mang đồ trang sức đẹp, chưa kể đồ trang sức có thể xấu đi. Đánh giá nhà văn phải bằng vào tác phẩm của người ấy, mà muốn đánh giá tác phẩm không có cách nào khác là phải đọc tác phẩm. Nhớ hồi cuối năm ngoái, trên một trang mạng văn chương, có một nhà văn viết bài tổng kết năm, khen một nhà thơ nọ là hiện tượng của năm, nói rằng kỳ thực tôi không đọc thơ của nhà thơ kia, nhưng tôi thấy nhà thơ kia thường xuyên đăng thơ ở đây, mà ban biên tập ở đây là những người khó tính lắm lắm, thế nên tôi nghĩ là thơ ấy phải hay. Nghe thật là hay!

Tôi rút ra kết luận nói trên đêm qua sau khi loay hoay với diễn văn nhận giải Nobel của Pamuk: Cái vali của cha tôi. Tôi thích thú khi thấy bài diễn văn nhận giải của ông không giống một bài diễn văn lắm. Ông như kể một câu chuyện về người cha của mình, những giấc mơ viết lách của cha ông, chuyện cha ông mỗi lần đến thăm ông lại mang cho ông một thanh sô cô la cho dù ông đã gần năm chục tuổi đầu. Khi ta nghĩ rằng ta sẽ được đọc một bài diễn văn với đầy những vấn đề trọng đại của văn chương, thì ta được đọc một câu chuyện. Nhưng khi ta nghĩ rằng ta đang đọc một câu chuyện tình thân qua cái giọng thủ thỉ thù thì của ông, thì ta thấy ông khéo léo đặt ra bao nhiêu vấn đề đúng là trọng đại của văn chương:  tính chân thực của nhà văn, những giằng xé giữa Đông và Tây, mặc cảm bên lề trung tâm văn chương, nỗ lực lao động nghệ thuật.  Nói chung ta bị lừa đến hai lần.

Nhưng tôi thú nhất cái cách ông bình luận về văn chương của cha mình.  Sau khi mất gần tám trang  để diễn tả nỗi ngần ngại trước việc mở cái vali đựng bản thảo của cha, ông thực sự mở vali của cha và bắt đầu đọc. Ngay lúc ta nghĩ sắp được nghe ông nói về văn của cha mình, thì ông kể chuyện hồi nhỏ mỗi lần cha mẹ ông sắp sửa cãi nhau, cha ông lại vặn ra đi ô để thay đổi không khí và âm nhạc sẽ làm mọi người dịu đi.  Ông viết tiếp, “Hãy để tôi thay đổi không khí bằng vài từ ngữ ngọt ngào mà tôi hy vọng sẽ có tác dụng như thứ âm nhạc đó.” Và như thế, ông thay đổi không khí, không quay lại đề tài văn của cha mình.

Ta có thể rút ra hai bài học nhỏ từ đây:

1)      Khi chuẩn bị cãi nhau với vợ/chồng: Hãy đi mở nhạc;

2)      Hãy đi mở nhạc, nếu được tác giả yêu cầu nhận xét về tác phẩm của anh ấy/cô ấy.

3)      Pamuk quả thật là một nhà văn tầm cỡ.


9 comments:

  1. Ăn trưa xong thì đọc bài này thật là thích! :P

    ReplyDelete
  2. ăn trưa xong thì đi mở nhạc à?:)

    ReplyDelete
  3. Ghi trên người Goldmund: Đừng đeo trang sức đẹp cho tui!

    ReplyDelete
  4. :), có duyên quá đi mất! Cả Pamuk va GM. Ước gì được đọc "cái vali của cha tôi" nhỉ... Tks

    ReplyDelete
  5. 'cái vali của cha tôi' sao nghe giống tựa đề sách ''giấc mơ của cha tôi''của Obama quá

    ReplyDelete
  6. Ta có thể rút ra vài bài học nhỏ ở đây:
    1) Sau bữa trưa, hãy bật máy tính lên và đọc blog Goldmund,
    2) Nếu bạn muốn nói về một tác phẩm/tác giả nào đó mà bạn chưa đọc, hãy đọc blog Goldmund,
    3) Goldmund quả là một người đọc tầm cỡ.
    Tôi nói thế các bác đừng cười he he.

    ReplyDelete
  7. "Hãy đi mở nhạc, nếu được tác giả yêu cầu nhận xét về tác phẩm của anh ấy/cô ấy" câu này có địa chỉ không đấy;p

    ReplyDelete
  8. Chị So mới ngủ dậy à? :)

    Địa chỉ gì đâu, ngẫu hứng đấy

    ReplyDelete
  9. Hôm qua em về đến nhà lúc 1h sáng, và vì cái entry này mà em thức tới hơn 2h đọc "cái vali của cha tôi". Hức hức..

    Ngáp..

    -Land-

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN