Saturday, 6 August 2011

Sách không phải để đọc

Trong đau khổ vô vọng tôi đọc Thomas Bernhard. Thực lòng mà nói, tôi chẳng có ý định đọc ông. Tôi chẳng có ý định đọc bất kỳ ai - tôi quá buồn chán nên chẳng thể nào suy nghĩ cho ra đầu ra đũa. Mở sách ra, đọc một trang, bước vào giấc mơ của ai đó - đây toàn là những cớ để giày vò tình trạng khốn khổ của tôi, là những lời nhắc nhở rằng mọi người khác trên thế giới đã xoay xở để tránh cái giếng khổ đau mà tôi sa vào. Khắp nơi người ta tự huyễn hoặc mình về những thành công và những sự tinh tế cỏn con của họ, những mối quan tâm, văn hóa, và gia đình của họ. Dường như mọi cuốn sách đều được viết bằng giọng những người đó. Bất kể họ tả cái gì - một vũ hội Paris thế kỷ mười chín, một chuyến đi khảo về nhân chủng ở Jamaica, những khu ngoại ô nghèo khổ của một thành phố lớn hay quyết tâm của một người dành cả đời nghiên cứu nghệ thuật - những cuốn sách về cuộc đời của những người mà kinh nghiệm của họ chẳng có dây mơ rễ má gì đến cuộc đời tôi, nên tôi muốn quên phứt hết thảy. Vì tôi chả tìm thấy gì trong những cuốn sách này phảng phất nỗi đau khổ đang dâng trào của tôi, tôi thấy bức bối với cả những cuốn sách ấy và cả chính mình: với những cuốn sách vì chúng phớt lờ nỗi đau tôi đang gánh chịu, với chính tôi vì tôi quá chừng ngu ngốc khi đắm chìm vào nỗi đau vô nghĩa lý này. Tôi chẳng muốn gì khác hơn  ngoài việc trốn thoát khỏi niềm đau khổ vô lý này. Nhưng sách đã sắp đặt tôi cho cuộc đời, sách hầu như là thứ khiến tôi tiếp tục sống, nên tôi cứ tự nhủ lòng rằng nếu tôi muốn kéo mình ra khỏi đám mây đen này, tôi nên tiếp tục đọc sách. Tuy nhiên bất cứ lúc nào tôi mở một cuốn sách để nghe giọng điệu một tác giả chấp nhận thế giới như nó hiện hữu, hoặc giả ngay cả khi ông ta muốn thay đổi nó nhưng vẫn đồng cảm với nó, tôi lại sẽ thấy mình cô độc. Sách xa cách với nỗi đau của tôi. Vả lại, chính sách đưa tôi đến cái ý tưởng rằng nỗi đau khổ mà tôi đang vận vào là duy nhất, rằng tôi là một gã đáng thương ngốc nghếch chẳng giống ai. Đó là lý do mà tại sao tôi cứ tự nhủ lòng, “Sách không phải để đọc, mà để mua đi bán lại.” Sau mấy trận động đất, bất cứ khi nào sách làm tôi bực bội, tôi lại có lý do để quẳng chúng đi. Và như vậy tôi đã đưa cuộc chiến bốn mươi năm với sách của tôi đến hồi kết trong tinh thần thù ghét và giải trừ ảo tưởng. 

(Orhan Pamuk - một đoạn trong bài về Thomas Bernhard.)

PS. Tôi cũng đang buồn chán lắm đây:)


7 comments:

  1. Chú đừng buồn chán nhé!

    ReplyDelete
  2. hic, câu này không biết của một bác nào hay một cháu nào đây:)

    ReplyDelete
  3. Trong "buồn chán lắm đây" tôi dịch Orhan Pamuk. He He...

    ReplyDelete
  4. buồn sắp chết chưa? khéo mà sắp chết lại có ai tặng sách thì sống lại ngay nhề :P

    ReplyDelete
  5. hoặc là ngược lại, tôi dịch Orhan Pamuk nên lâm vào cảnh buồn chán lắm đây:)

    ReplyDelete
  6. chú cafe khỏi phải lo cho anh; anh mà show mấy chồng sách mới được tặng không khéo lắm người ngất vì ganh tị:)

    ReplyDelete
  7. không sách không khóc, em bảo, không sách không khóc :((

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN