Wednesday, 31 August 2011

Before sunset: Đối xử với kẻ thù


Giáo sư Ngô Bảo Châu, một thời là Hòa thượng Thích Học Toán (mở đầu nhắc đến tên bác chắc ăn khách - từ ngày chuyển nhà đến giờ view rớt thê thảm - tưởng ai cũng biết địa chỉ mới hóa không phải; thỉnh thoảng vẫn có người nhảy chồm lên hỏi blog đâu rồi!), từng có bài viết về thú đọc sách, trong đó có câu đại ý, (đại ý thôi nhé, search Google thể nào cũng ra nguyên bài, nhưng lười) giáo sư coi sách như bạn, nên giáo sư không bôi bẩn sách, vì ai mà bôi bẩn vào mặt bạn mình.

Đứng trên quan điểm của giáo sư, ắt hẳn tôi coi sách như kẻ thù, vì tôi là chuyên gia bôi bẩn sách; cuốn nào càng đọc nhiều càng thê thảm. Tôi không dùng bút chì hay bút mực, mà dùng hẳn bút highlight, tức bút bôi ra màu ấy. Xanh lòe cũng được, cam lóe cũng xong, nhưng tôi chuộng nhất vàng chóe.  Trong nhà, có năm bảy chỗ để đọc sách, tôi phải để bút highlight năm bảy nơi, theo phương châm trong bán kính một mét có bút highlight, tương tợ phương châm của Google, trong bán kính 20 mét phải có đồ ăn. Thực ra năm bảy chỗ là tôi nói giảm, chứ chỗ nào mà đọc sách chả được; càng đọc nhiều thì càng năng chuyển chỗ đọc, thực chất là chuyển tư thế cho nó đỡ mỏi.  Các bác đọc Calvino  Nếu một đêm đông có Lao công công với cả KBL  rồi đấy, nhiều tư thế lắm. Những khi di chuyển bằng máy bay, tôi nhét bút highlight trong hành lý xách tay cho dễ lấy ra; còn đi rửa xe hay khám bệnh thì  thủ bút trong túi quần.

Tôi bôi vàng những chỗ nào?

Hẳn nhiên, những câu những từ đắc ý phải bôi cật lực, để khi nào lật lại thấy cho nhanh, vả lại cũng tiện lôi ra chém gió hoặc cho lên Facebook làm status:) Vừa rồi, đọc lại Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, tay lật sách, còn tay kia tôi bôi vàng chi chít, như ngày xưa các cụ khuyên mí lại son. Cụ Nguyễn dùng từ quả hiểm hóc. Tài dùng từ của cụ xưa nay nhiều người nói rồi, nhưng một kết luận chỉ thực sự là của mình khi mình là người kết luận.  Tôi biết câu này tôi viết nhì nhằng lắm, nhưng kệ nó. Ý tôi là đánh giá gì hãy tin ở mình, đừng tin người. Hãy chỉ coi đánh giá của người khác chỉ là tham khảo. (Câu này giống Phật nói nhỉJ)

Tôi còn bôi vàng những chỗ có vấn đề, tức lỗi typo, lỗi dịch, hay lỗi dùng từ.  Chẳng phải nhăm nhăm tìm lỗi đâu, chỗ nào đập vào mắt thì mình đánh dấu thôi. Nhìn ra lỗi của người khác cũng là một cách học. Sẽ  có bác thắc mắc, hay cũng bôi, dở cũng bôi, vậy nhìn lướt lại làm sao phân biệt. Thực ra thế này, chỗ hay sẽ được bôi chỉn chu hơn, hoặc vạch ngang tha thướt, hoặc sổ dọc bên lề; còn chỗ dở sẽ bị bôi kiểu ngoáy tít lên, thể hiện sự cáu bẳn, giận dữ vào thời điểm đó.  Đôi khi còn di di đầu bút muốn lủng cả giấy.

Tôi cũng bôi vàng những chỗ nhắc đến tên sách, tên người. Chuyện này đặc biệt xảy ra khi đọc các tiểu luận văn chương.  Đánh dấu để có dịp thì crosscheck.  Ấy nhưng cái này phải điều độ, vì nếu gặp một cuốn như Between Parentheses của Bolano mà tuân theo nguyên tắc trăm trăm này thì cả cuốn sách sẽ vàng chóe. Nguyên tắc nào cũng có ngoại lệ: Kurt Vonnegut đã nói thế trong Người không quê hương. Cuốn Between Parentheses, là cái cuốn đẹp ơi là đẹp tôi có đăng hình cách đây vài entry ấy, hôm nọ bác nào thống kê ra Bolano nhắc đến đâu chừng hai chục cuốn ông xếp vào hạng phải đọc trước khi chết; còn đơn thuần nhắc đến các nhà văn, nhà thơ khác phải tròm trèm vài trăm.

Trên đây là cách tôi đối xử vởi “kẻ thù”. Tôi biết mỗi người có cách đối xử với sách khác nhau: một số bác viết vào sách, chữ xấu như gà bới mà viết vào sách quả là cách đích đáng để “hạ nhục kẻ thù”; một số bác mân mê góc trang sách, xong rồi giật ra một ít, vê vê lại nhét tai (không cố ý đâu, chỉ là ngoáy tai với móng tay dính giấy thôi); một số bác khác thì bày tỏ tình cảm với sách bằng cách… nhểu.

Tuesday, 30 August 2011

Before lunch

Có rất nhiều lý do để mua và đọc Người phàm.  Lý do thứ nhất vì nó của Philip Roth, là cuốn đầu tiên của ông được dịch ở Việt Nam.  Đúng ra là cuốn thứ hai, nhưng cuốn thứ nhất thì chỉ một số rất ít người có thôi:), nên cứ coi là đầu tiên. Thứ hai, là nó mỏng, đọc không mất quá nhiều thì giờ. Tôi chưa cầm bản tiếng Việt, nhưng tiếng Anh đâu đó 200 trang; cho nên dịch giả tiếng Việt có vừa dịch vừa sáng tác thêm (giả dụ thế, chứ ai làm thế bao giờ, thường dịch giả chỉ có cắt bớt:))  cũng khó quá 300 trang. Thứ ba, vì tôi đã đọc nó, và không chê:) Thứ tư, vì có một bác, ngày xưa đáng tin cậy lắm, giờ thì bớt rồi, âm mưu chọn cuốn này làm cuốn sách của năm. Đành rằng bác ấy nói quá, nhưng discount chừng năm mươi phần trăm thì cũng huề vốn.:).  Thứ năm, nếu năm nay Roth được Nobel, thì ta có thể tự hào ta đã chạy trước thời đại:). Thứ sáu, phụ nữ nên đọc cuốn này để hiểu đàn ông hơn.  Thứ bảy, đàn ông nên đọc cuốn này để thấy bóng dáng mình ở đó, everyman mà!


---------

"Hồi trẻ măng tôi có những lần cảm thấy hụt hơi không biết làm sao để yêu một cô gái cho đủ. Đến bây giờ, tôi cảm thấy mình quá gầy gò so với sức nặng của tình yêu dành cho những đứa con."

Nếu bạn thích câu vừa đọc, bạn có thể đọc trọn bài ấy ở đây.

Monday, 29 August 2011

After lunch

Đầu tiên là thông báo: Sau hai đợt dọn kệ sách trên Facebook, tôi nhượng lại cho bằng hữu gần xa khoảng 30 cuốn sách. Việc thanh lý sách định kỳ như thế này là cần thiết, nhất là sau khi đã nhận quá nhiều sách tặng từ khắp nơi. Những cuốn tôi cho đi là những cuốn tôi có trùng bản, hoặc nghĩ rằng có ích cho người khác hơn cho mình, hoặc đơn giản tôi không thích giữ nữa. Số chỗ trên kệ sách có hạn, nên cũng không thể giữ quá nhiều, tránh những nguy cơ không cần thiết đối với bản thân, gia đình và hàng xóm.  Hiện tại còn những cuốn sau vẫn chưa ai thỉnh đi, nếu bạn nào thích lấy thì nhắn lại nhé:

1/ Bóng đè  - Tập truyện của Đỗ Hoàng Diệu - NXB Đà Nẵng 2006
2/ I am đàn bà - Tập truyện của Y Ban - NXB Phụ Nữ 2007
3/ Bài học đầu tiên - Truyện đoạt giải nhất Văn học tuổi 20 lần III của Trần Thị Hồng Hạnh
4/ Hiểu và làm việc với thế giới thương mại của Nhật Bản - Hiroki Kato & Joan Kato - NXB Thống Kê 1997 

Thứ hai, là, cái gì quên rồi.  Thông cảm dạo này tôi cũng hơi lú lẫn, gần bằng công chúa Alpha nhà tôi. Hôm qua, Alpha, mới sinh nhật 5 tuổi xong, rất hí hửng vì nhận được rất nhiều quà, toàn những thứ phục vụ cho người sành điệu như gương, lược, vòng vèo, túi xách, etc, nói, "Mẹ ơi, con định nói với mẹ cái này, nhưng con quên mất rồi!"  


Thứ ba, là, gì nhỉ? À, có một bác mà ai cũng biết là ai đấy hay giới thiệu sách, trước đây thì uy tín lắm, giới thiệu cuốn nào tôi mua cuốn đó; nhưng giờ thì tôi không tin người như thế nữa rồi. Hễ giới thiệu cuốn nào nhất quyết tôi không mua cuốn đó. Chẳng hạn, sau khi có kinh nghiệm cay đắng với Hồ Quý Ly, một nhân vật tôi rất thích, bây giờ tôi nhất quyết không mua/đọc Đội gạo lên chùa đâu.  


Thứ tư, là, các bạn thấy cuốn này đẹp không?:)






Thursday, 25 August 2011

After wine

Một trong những trò tôi rất khoái, chính xác hơn, trò tôi khoái nhất, là nhại theo phim, bài hát, hay thơ. Tôi dường như có một chút năng khiếu trong trò này. Đầu tôi dường luôn sẵn sàng để nhại một cái gì đấy. Ai đọc blog tôi nhiều, ắt nhận ra. Ngay cả tên entry này, after wine, đúng là after wine thật, nhưng khi viết như thế tôi nghĩ đến After Dark của Murakami và After Dark của Andy Gibbs, cậu út trong nhà Bee Gees (?).  Câu mới nhất tôi vừa nghĩ ra, dĩ nhiên nghĩ ra after wine, là too much food and too much wine/wonder how I stay alive. Tôi vừa nghĩ vừa hát thầm trong đầu, theo Seasons in the sun, tất nhiên là thế. Hà Nội hôm nay thời tiết tuyệt đẹp, cho dù phải đi họp cả ngày, thì vẫn thấy trời đẹp. Tối chỉ đi ăn với sếp thôi, nhưng được cái  đồ ăn ngon và rượu ngon, và sếp là người nói chuyện rất thú vị. Có sếp như thế kể cũng là điều may. May hơn, tôi kiếm được quán ăn ngon, rất ngon, và sếp chọn được vang ngon, rất ngon, ít ra đối với tôi, nên ăn uống xong rồi cảm thấy rất phè phỡn. Life is beautiful.

Ngay khi viết những dòng này, đột nhiên liên tục nhận được tin nhắn của một thằng bạn cũ, cùng ở SG nhưng hai ba năm không gặp. Nó nhắn toàn thơ của tôi hồi năm hai, năm ba đại học, những là rồi một ngày, một ngày, một ngày, lối đi cũ lơ ngơ cuội trắng, với cả, em ở lại cưới mùa xuân lộc nõn.  Tôi  hỏi mày xỉn hả. Nó nói xỉn *éo đâu, nhớ mày thôi, tao đang uống cuốc lủi. Tôi nhắn lại, tao cũng mới uống xong, thỉnh thoảng nhớ mày ghê, hôm nào gặp đi. Rồi nó nhắn cái gì mà tao tự hào về mày, rồi tôi cũng nhắn tao cũng tự hào về mày, rồi cái gì tao yêu mày, tao cũng yêu quý mày hiếm có, nói chung là rất gay. Tin nhắn qua lại liên tục một hồi rất vui và rất cảm động, thằng chó chết ạ.  Thằng chó chết này đang làm Tổng thư ký tòa soạn một tờ kha khá.

À, tôi đang lảm nhảm cái quái gì nhỉ, tài năng parody của tôi. Có lần đi Singapore, tôi nhớ nhại Bob Dylan tôi hát, how many trees that you have planted/before you become so green. Còn mỗi lần nhớ về Hà Nội, tôi hát Tháng tám mua thu, nắng rơi vàng chưa nhỉ... Ngày thu sang, anh lót ổ em nằm. Lót ổ nghe hay hơn lót lá đúng không? Tình cảm hơn là cái chắc. Hic, rồi những là mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện đường, mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện cầu, sững sờ và run rẩy, sống trong sách chết vùi trong sách/ những trái tim như mọt, sáng ngời  .v.v., nhưng tự thấy ưng ý nhất là cú vừa đi đường, vừa kể chuyện.

Too much [good] food and too much [good] wine...

--------

Thơ Tagore:

cõi đời ơi khi tôi đã chết rồi

thì trong cõi vắng lặng của người

chỉ một lời còn lại

tôi đã từng yêu


-------


Thơ Chế Lan Viên: 



Từ thế chi ca

I
Anh không ở lại yêu hoa mãi được

Thiêu xong, anh về các trời khác cũng đầy hoa

Chỉ tiếc không có tình yêu ở đó!

II

Anh thành một nhúm sương tro trong bình

Em đừng khóc

Ngoài vườn hoa cỏ mọc

III

Cho dù trái đất không còn anh

Anh vẫn còn nguyên trái đất

Tặng cho mình.

IV

Những kẻ nguyền rủa anh sẽ buồn

Chả còn anh cho họ giết

Dao sẵn rồi, họ không dễ để yên

V

Những bạn bè yêu anh sẽ gặp anh

trong cỏ

trong hạt sương

trong đá

trong những gì

không phải anh

Anh tồn tại mãi

Không bằng tuổi tên

Mà như tro bụi

Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên.
 

Saturday, 20 August 2011

Chọn sách cho con (hay Alpha bàn về tình yêu)

Tôi bắt đầu lạc vào thế giới của chữ từ năm năm tuổi. Năm tuổi tôi vào lớp Một, sớm một năm, và biết đọc từ đó.  Tôi còn nhớ ngay khi biết đánh vần rành rẽ, tôi đọc một trọn một bài dài trong sách Tập đọc lớp Năm thì phải  (chắc chắn không phải sách lớp Một) về cao nguyên Bô lô ven ở Lào, đọc xong thì mắt cay xè. Kể từ đó, tôi nổi tiếng trong nhà về hai việc: một là, mỗi khi được nhắc đi tắm, đi ăn, hay làm gì đó, tôi sẽ kỳ kèo, để con đọc hết chỗ này đã; và hai, thường xuyên tra vấn ba má anh chị một từ nào đó nghĩa là gì. Một hôm  ba tôi mang về nhà cuốn Từ điển học sinh, tôi sung sướng tuyên bố có cuốn này con sẽ không phải hỏi ba má nữa. Nhưng rồi tôi mau chóng nhận ra tôi vẫn phải tiếp tục hỏi, vì chẳng có cuốn từ điển nào thay thế cha mẹ được.

Về khía cạnh này, tôi nhìn thấy hình dáng mình trong Alpha, cô con gái sắp tròn năm tuổi của mình.  Alpha không đi học sớm như tôi ngày xưa nên năm tuổi Alpha chưa biết đánh vần, nhưng mỗi khi nghe đọc truyện, Alpha thường xuyên hỏi chữ này  chữ kia nghĩa là gì. Mới tối qua, khi đọc cho Alpha và Pi nghe truyện Ông khổng lồ ích kỷ của Oscar Wilde, Alpha hỏi ngay  từ “ích kỷ”. Tôi nói ích kỷ là chỉ biết nghĩ tới mình, chỉ biết lo cho mình, không để ý tới người khác, chẳng hạn, ai có đồ chơi mà chỉ khăng khăng chơi một mình, không cho người khác chơi cùng thì đó là ích kỷ. Nghe xong, Alpha rút ra luôn kết luận, như vậy ích kỷ là xấu đúng không ba.  Còn có hôm, nghe đọc truyện Pinocchio, có câu “bác thợ mộc đẽo một chú người gỗ”, Alpha lập tức hỏi, “đẽo” là gì?.  Nghe giải thích xong, Alpha hỏi tiếp, “nhưng trong truyện kia (tức một cuốn khác cũng có truyện Pinocchio), bác thợ mộc tạo ra chú người gỗ, vậy tạo có giống như đẽo không ba?”

Trong tập sách Viết trong bóng tối, David Grossman, nhà văn  nổi tiếng người Israel, kể lại kinh nghiệm đọc của mình. Ông kể rằng, khi bé, ông đọc những cuốn sách mà không phải từ nào cũng hiểu.  Việc này tuy không giúp cho sự đọc trôi chảy, nhưng ông tin chính việc đó làm ông trở nên nhạy cảm với ngôn ngữ hơn, và trong niềm vui đọc của ông có niềm vui ẩn trong sự bí ẩn hay lạ lùng của những con chữ.  Ông còn nói thêm rằng những cuốn sách được viết đơn thuần cho thiếu nhi, dùng những từ ngữ phù hợp với trình độ các em, có thể giúp sách đến với nhiều độc giả nhí hơn; tuy nhiên, chính  những cuốn sách với ngôn ngữ “khó” hơn trình độ của các em một tẹo sẽ giúp các em qua vô thức học được nhiều từ vựng phong phú hơn.

Thoạt đầu, khi con mới làm quen với sách, tôi chọn cho con những cuốn  thật dễ hiểu.  Dần dần, tôi chọn những cuốn dài hơn, phức tạp hơn. Khi đọc truyện cho con, có lúc tôi sẽ dừng lại giải nghĩa từ khó, có lúc Alpha, và cả Pi, chủ động hỏi.  Nhưng nhiều lúc, tôi cứ đọc, không giải thích gì cả. Tôi nghĩ con không hiểu  ngay cũng không sao, quan trọng là con thích nghe đọc sách, còn về từ ngữ dần dần con sẽ tự hiểu ra. Tình cờ quan điểm của tôi cũng gần với quan điểm của David Grossman.

Để kết thúc bài này, tôi xin kể một mẩu chuyện về Alpha.

Một hôm, chẳng hiểu nghĩ ngợi gì, Alpha hỏi:  Ba ơi, tại sao ngày xưa ba lấy mẹ làm vợ?

Trong lúc ba mẹ còn đang bối rối nhìn nhau, Alpha tự trả lời luôn: Con biết rồi, vì tình yêu đúng không?

Ba mẹ cười suýt rớt xuống ghế.

Không biết Alpha đã học ở đâu từ “tình yêu”. Có lẽ, trong một truyện kể về một công chúa hay hoàng tử nào đấy mà ba mẹ đã đọc cho.

Friday, 19 August 2011

Vài chuyện


  • Nhân dịp Nhã Nam chuẩn bị cho ra mắt cuốn Người phàm của Philip Roth, cuốn thứ hai của ông ở Việt Nam (phải không hè? không chắc, nhưng không phải cuốn đầu tiên), xin thân ái nhắc nhở các bạn có lần tôi đã nhắc đến cuốn này ở đây. Cuốn đầu tiên của Roth ở Việt Nam hẳn là Một ngày cho người yêu dịch ở Sài Gòn trước 75 từ Goodbye, Columbus. Hiện tại, tôi đang đọc một cuốn khác của Roth là Portnoy's Complaint.  Hic, cuốn này tôi đọc thì không sao, chứ để mấy bạn đang vất  vả như bạn này đọc thì khó lường trước hậu quả lắm.



  • Blogspot mấy hôm nay chập chờn, lúc vào được lúc không, thật là đáng cáu. Nhưng Facebook thì vào ngon ơ.

Tuesday, 16 August 2011

Hãy đi mở nhạc

Tôi nói điều này các bạn đừng cười nhé: Pamuk đúng là một nhà văn tầm cỡ.

Sẽ có người bảo, hâm à, ông ấy giải Nobel mà, đợi đến anh khen. Nhưng không, Nobel chẳng qua chỉ là một cái giải do mấy ông già bảo thủ ở Thụy Điển lui cui ngồi chấm.  Không có gì bảo đảm một nhà văn Nobel xong thì thành nhà văn lớn, đầy nhà văn đoạt giải xong mà sách của họ vẫn mốc meo với thời gian (mốc về mặt tinh thần, không phải vật lý).  Ấy là chưa nói đến đoạt giải Nobel  cũng cần khá nhiều may mắn: với những nhà văn không viết bằng những ngôn ngữ mà các cụ già kia có thể đọc được, thì cần người dịch giỏi; rồi phải thêm là vào ngày các cụ đọc tác phẩm của mình, các cụ phải không đau đầu hay đau bụng, chứ sách có hay mấy mà nhằm lúc bị ngộ độc thực phẩm cứ đọc vài trang lại phải chạy thì chắn chắn sẽ bị loại từ vòng gửi xe.  Pamuk là người may mắn, đoạt giải khi mới 54 tuổi; Vargas Llosa tưởng không may nhưng rồi cũng may, nổi tiếng từ thời lâu lắc lâu lơ tưởng là chẳng có duyên với giải, nhưng rồi năm ngoái cũng được, lúc 74 tuổi. May mà bác còn khỏe, chứ nói dại nhỡ có việc gì thì lại ngậm một khối hờn căm xuống tuyền đài. 

Tôi không thích đánh giá các nhà văn (hoặc bất kỳ ai) thông qua giải thưởng. Giải thưởng suy cho cùng chỉ như vật trang sức. Người đẹp mang đồ trang sức đẹp thì đẹp hơn, người xấu mang đồ trang sức đẹp thì vẫn là người xấu mang đồ trang sức đẹp, chưa kể đồ trang sức có thể xấu đi. Đánh giá nhà văn phải bằng vào tác phẩm của người ấy, mà muốn đánh giá tác phẩm không có cách nào khác là phải đọc tác phẩm. Nhớ hồi cuối năm ngoái, trên một trang mạng văn chương, có một nhà văn viết bài tổng kết năm, khen một nhà thơ nọ là hiện tượng của năm, nói rằng kỳ thực tôi không đọc thơ của nhà thơ kia, nhưng tôi thấy nhà thơ kia thường xuyên đăng thơ ở đây, mà ban biên tập ở đây là những người khó tính lắm lắm, thế nên tôi nghĩ là thơ ấy phải hay. Nghe thật là hay!

Tôi rút ra kết luận nói trên đêm qua sau khi loay hoay với diễn văn nhận giải Nobel của Pamuk: Cái vali của cha tôi. Tôi thích thú khi thấy bài diễn văn nhận giải của ông không giống một bài diễn văn lắm. Ông như kể một câu chuyện về người cha của mình, những giấc mơ viết lách của cha ông, chuyện cha ông mỗi lần đến thăm ông lại mang cho ông một thanh sô cô la cho dù ông đã gần năm chục tuổi đầu. Khi ta nghĩ rằng ta sẽ được đọc một bài diễn văn với đầy những vấn đề trọng đại của văn chương, thì ta được đọc một câu chuyện. Nhưng khi ta nghĩ rằng ta đang đọc một câu chuyện tình thân qua cái giọng thủ thỉ thù thì của ông, thì ta thấy ông khéo léo đặt ra bao nhiêu vấn đề đúng là trọng đại của văn chương:  tính chân thực của nhà văn, những giằng xé giữa Đông và Tây, mặc cảm bên lề trung tâm văn chương, nỗ lực lao động nghệ thuật.  Nói chung ta bị lừa đến hai lần.

Nhưng tôi thú nhất cái cách ông bình luận về văn chương của cha mình.  Sau khi mất gần tám trang  để diễn tả nỗi ngần ngại trước việc mở cái vali đựng bản thảo của cha, ông thực sự mở vali của cha và bắt đầu đọc. Ngay lúc ta nghĩ sắp được nghe ông nói về văn của cha mình, thì ông kể chuyện hồi nhỏ mỗi lần cha mẹ ông sắp sửa cãi nhau, cha ông lại vặn ra đi ô để thay đổi không khí và âm nhạc sẽ làm mọi người dịu đi.  Ông viết tiếp, “Hãy để tôi thay đổi không khí bằng vài từ ngữ ngọt ngào mà tôi hy vọng sẽ có tác dụng như thứ âm nhạc đó.” Và như thế, ông thay đổi không khí, không quay lại đề tài văn của cha mình.

Ta có thể rút ra hai bài học nhỏ từ đây:

1)      Khi chuẩn bị cãi nhau với vợ/chồng: Hãy đi mở nhạc;

2)      Hãy đi mở nhạc, nếu được tác giả yêu cầu nhận xét về tác phẩm của anh ấy/cô ấy.

3)      Pamuk quả thật là một nhà văn tầm cỡ.


Monday, 15 August 2011

Múc múc múc

Có một ông Múc



Hàng trên từ trái sang (như giới thiệu các văn nghệ sĩ chụp hình biểu tình, nhở): Istanbul, Snow, Pháo đài trắng.

Hàng giữa: Other Colors, The New Life, The Museum of Innocence, Tên tôi là Đỏ (kịch liệt phản đối bạn nào chê Tên tôi là đỏ chán ốm nhé - theo tôi đây là một cuốn kỳ vĩ, pha trộn giữa nghệ thuật kể chuyện của Ngàn lẻ một đêm và nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây)

Hàng dưới: The Naive and the Sentimentalist Novelist (cuốn mới nhất của Pamuk), The Black Book, Tuyết.

Friday, 12 August 2011

Nhà văn viết cho ai (II)



"Nghề văn là nghề thanh cao, văn giới mỗi lúc lại mỗi đông đảo, phức tạp. Thỉnh thoảng có nghe nói đến những vị viết vì một nhu cầu nội tại, vì những bức xúc trong tâm hồn, nếu không viết ra thì không thể chịu nổi; ngoài ra họ không cần biết có ai đọc mình hay không. Đã có kẻ bảo thế thì hẳn phải có thế. Nhưng đó chắc chắn là chuyện của một số hiếm hoi ở tầng lớp cao chăng. Còn từ hạng Nguyễn Du xuống đến đa số chúng ta, viết là viết cho người đọc.

Sách hoàn tất, tác giả Tố Như có bản dâng vua: vua đây được dâng trong tư cách độc giả đấy, trong tư cách kẻ mua vui vài trống canh đấy thôi. Vua mà còn bé, chưa biết chữ, thì tất chẳng ai dâng thơ dâng truyện.

Đến cụ Nguyễn Du còn vậy, chúng ta thất lễ với độc giả được sao?"

Đoạn trên đây trích từ cuốn này:

 

Còn đây là chứng cớ Võ Phiến khen chị Tư Sầu Riêng:



Mình chưa có cuốn Tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư.

:) 

Thursday, 11 August 2011

Đọc sách cùng Alpha và Pi


Alpha và Pi vừa xem phim Shrek lần thứ n. Chỉ ngày lễ hay cuối tuần, hai chị em mới được xem trọn một bộ phim ngay một lúc.  Ngày thường, một bộ phim như thế này vượt quá quy định xem ti vi một giờ một ngày của ba mẹ. Do đã được rèn luyện, nên mỗi khi ba mẹ nhắc hết quota xem ti vi rồi là hai chị em dù đang xem gì và thích đến mấy cũng tranh nhau tắt ti vi và đầu máy.

Tối nay tôi không xem cùng hai bạn mà ngồi làm việc trong góc của mình. Tiếng nhạc cuối phim vừa trỗi lên, Alpha đã nhanh nhảu chạy lại bàn, thương lượng , “Ba, tối nay mình đọc mấy truyện?”.  Câu đó có nghĩa là Alpha sẽ được ba đọc cho mấy câu chuyện trước khi đi ngủ.  Đó cũng là câu hỏi mà Alpha hỏi mỗi tối. Hôm nào, tôi bảo một, Alpha sẽ kỳ kèo hệt như con heo con Olivia trong bộ truyện cùng tên, “Hay là hai đi ba, hai truyện ngắn thôi”. Nếu tôi bảo ba truyện, Alpha sẽ gật đầu hết sức mãn nguyện. 

Kể từ khi Alpha hai tuổi đến giờ, tôi luôn cố gắng dành ra từ mười đến mười lăm phút mỗi tối đọc truyện cho con. Thời gian đầu, rất khó để Alpha ngồi yên.  Đọc sách cho Alpha lúc đó cũng có nghĩa là phải chống đỡ những âm mưu giật sách, xé sách, thậm chí có khi nôn trớ ra sách.  Nhưng khi đã quen rồi, thì tối nào Alpha cũng nhắc.  Đọc sách bây giờ đã trở thành một nghi thức không thể thiếu trong chuỗi các thủ tục mỗi tối bao gồm xem ti vi, đi dạo, tắm, uống sữa, thay quần áo ngủ, đọc sách, đánh răng và vào giường ngủ.

Rất thường xuyên sẽ diễn ra cảnh Alpha chọn hai, ba cuốn, rồi Pi cũng chọn hai, ba cuốn; hai chị em chành chọe nhau, bạn nào cũng chí chóe đòi ba đọc “sách của mình”.  Nếu ba chưa kịp đưa ra quyết định đọc cuốn nào, hai chị em sẽ xông vào nhau thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Buổi đọc sách khi đó phải bắt đầu từ một màn hòa giải, còn trọng tài là ba sẽ “dĩ hòa vi quý” bằng cách chiều mỗi bạn một cuốn.  

Thế nhưng, hòa bình chưa thực sự lập lại ở đó, vì đọc cuốn nào trước thì thể nào cũng có một bạn hớn hở, và một bạn quay ra dỗi, tuyên bố “con không nghe đâu.”  Là một ông bố đầy kinh nghiệm, tôi sẽ phớt lờ, bắt đầu đọc như thể chưa có sự cố nào xảy ra.  Đọc được một, hai trang sẽ thấy bạn đang dỗi dần nhích lại gần, nhưng vì vẫn còn phải dỗi nên chưa thèm nhìn vào trang sách, và nếu bị bắt quả tang đang nhích lại, vẫn ngoan cố tuyên bố “con chỉ đứng đây chơi thôi, không nghe đâu”. Nhưng thêm vài trang nữa, kẻ dỗi  hờn sẽ hoàn toàn quên mất mình đang dỗi, tai đã vểnh lên, mắt dán vào trang sách, còn miệng chực chờ tuôn ra những câu hỏi bất tận.  Pi thường hay hỏi về hình ảnh, đặc biệt những chi tiết về ngựa, xe, hay kiếm.  Lớn hơn một tuổi, những câu hỏi của Alpha đã “trừu tượng” hơn, thường yêu cầu ba giải thích một từ nào đó nghĩa là gì.

Đến giờ, sách của Alpha và Pi đã chiếm được vài ngăn trong tủ sách gia đình. Còn Alpha, gần năm tuổi, đã tuyên bố “con muốn học chữ để tự đọc sách!” 

Wednesday, 10 August 2011

Danh sách các cuốn đang tìm


  1. Sách của Dostoeyvsky: Gã khờ (Thằng ngốc);  Người chồng muôn thưở; Bút ký dưới hầm; Là bóng hay là hình.  Cuốn cuối cùng kiếm thêm cho em Nhã Thuyên chứ mình đã có một cuốn:)
  2. Albert Camus: Vương quốc và nơi lưu đày;
  3. Kafka: Tuyển tập Kafka; Hóa thân (có nhưng đã tặng, chỉ còn bản tiếng Anh, được bản dịch của Vũ Hạnh càng tốt), Vụ án (từng có nhưng đã tặng).
  4. Umberto Eco: Đi tìm sự thật biết cười;
  5. Calvino: Mr Palomar (bản dịch Vũ Ngọc Thăng)
  6. Các tập thơ của Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê.
  7. Tùy bút, tiểu luận của Võ Phiến (đã có các cuốn in ở hải ngoại, nhưng chưa có các bản in trước 75).
  8. Các tập Di cảo thơ Chế Lan Viên: Từng có. Cho gái mượn. Mất. Bài học: Không cho gái mượn sách.
  9. Tiểu thuyết của Thuận: Paris mười một tháng tám; Made in Vietnam;
  10. Tiểu luận của Octavio Paz;
  11. Các bản dịch Borges ở Việt Nam (hiện tại chỉ có các bản tiếng Anh và một số truyện lẻ);
  12. Thanh Lãng: Bảng lược đồ văn học Việt Nam cuốn Thượng; Phê bình văn học thế hệ 1932;
  13. Gen vị kỷ
  14. Siêu lý tình yêu (Vladimir Soloviev)
  15. Vườn thú người (Desmond Morris)
  16. Roberto Bolano: Amulet; Distant Stars;
  17. Phạm Thị Hoài: Thiên sứ; Mê lộ; Man nương; Marie Sến.

----------

Danh sách này đã post ở FB, post lại ở đây để nhiều người nhìn thấy hơn:)  Không nhất thiết cứ phải tặng đâu ạ.  Có thể mua hay trao đổi cũng được.

Monday, 8 August 2011

Tên entry dành cho độc giả:)

Trong buồn ngủ vô vàn tôi đọc Murakami. Đây là một trong ba tập truyện ngắn của Murakami trong số năm cuốn sách tôi được một nữ sĩ xinh đẹp tặng và nằm trong hai chồng sách tôi nhận được cuối tuần vừa rồi.  Nữ sĩ này tôi chưa gặp nhưng tôi chắc chắn nàng xinh đẹp. Tất cả những người tặng sách cho tôi đều đẹp. Tặng một cuốn thì đẹp một lần, hai cuốn đẹp hai lần, ba cuốn đẹp ba lần cứ thế mà nhân lên như bảng cửu chương.  Tất nhiên đẹp nhất là vợ tôi do nàng tuy ít khi trực tiếp tặng sách cho tôi nhưng lại để mặc tôi tự ý mua sách mà không phàn nàn chi. (Câu này thêm vào với mục đích phòng thân.) Mà số sách tôi mua tất nhiên ăn đứt số sách được tặng.  Tôi hay toang hoang nên mọi người cứ tưởng tôi được tặng nhiều lắm. Thật ra mỗi năm tôi chỉ được tặng chừng chín chục cuốn là cao.  Cộng với độ mười cuốn mà một số người hứa tặng mà chưa tặng hay hứa trao đổi sách nhưng trao rồi mà chưa thấy đổi thì mới chẵn trăm. Cũng chẳng là bao. Tuy vậy tôi không than phiền gì vì tôi vẫn chủ trương trọng chất chứ không trọng lượng. Những cuốn tôi tàng trữ trong nhà đều là những cuốn ít nhiều tôi thích và đã đọc hoặc tâm niệm là sẽ đọc lúc này hay lúc khác.

Tôi xin nhắc lại tôi đang đọc truyện ngắn Murakami, nhưng vừa nhắc tới Murakami tôi đã lan man sang chuyện tặng sách. Tôi tự ngưng lại ở đó, vì tôi luôn tự ý thức là mình lan man. Nếu cứ thả dàn tôi sẽ lan man tới chuyện răng khôn mọc dại không chừng. "Thả dàn" viết thế nào cho đúng nhỉ. Chính tả tôi ngày càng tệ. Mà trong cái sự vụ này, cũng như cái sự vụ tra cứu ngữ nghĩa, các từ điển tiếng Việt nước nhà không lấy gì hữu ích cho lắm.  Chẳng hạn có một thời tôi đinh ninh “xao lãng” đúng, “sao lãng” sai, giở từ điển ra lại thấy chấp nhận cả hai, thật chẳng biết đường nào mà lần. Các từ điển tiếng Việt lại còn có một điểm rất đáng yêu là bất cứ khi nào băn khoăn về một từ nào, thì y như rằng từ điển không có từ ấy.  Chẳng bù với từ điển tiếng Anh, ôm một bộ Oxford phiên bản mới nhất cộng thêm một bộ Macmillan dưới gối thì có thể ngủ ngon lành.  Hiện tại tôi rất cần một từ điển từ đồng nghĩa, nhưng chẳng kiếm đâu ra. Có bộ Việt ngữ tinh nghĩa từ điển của Nguyễn Văn Minh soạn cẩn thận, nhưng bộ ấy gần gấp đôi tuổi tôi rồi, mà cũng còn nhiều hạn chế.

Tôi xin nhắc thêm một lần nữa tôi đang đọc Murakami, nhưng một lần nữa tôi lại lan man sang chuyện từ điển. Trong lịch sử văn học có một ông bố của lan man là ông Laurence Sterne, tác giả cuốn Tristram Shandy.  Ông này viết một tiểu thuyết gồm 9 quyển, đến quyển thứ ba vẫn kể chưa xong một vụ sinh đẻ, tại vì ông có tài lèm bèm chuyện nọ xọ chuyện kia.  Cuốn này tôi chưa có, cũng chưa đọc, nhưng tôi biết về nó. Kể ra nếu tôi không tự thú khối người sẽ nghĩ tôi đọc rồi. Thật ra có khá nhiều kỹ thuật để gây ấn tượng rằng ta đã đọc một cuốn sách, và có nguyên một cuốn sách bày người ta cách nói về những cuốn sách chưa đọc. Cuốn đó là How to talk about books you haven’t read. Cuốn này tôi có, và đã đọc ngay khi mới rước về với mục đích nhỏ mọn là học cách nói về những cuốn sách chưa đọc. Thật ra cả cuộc sống và thời gian đều hữu hạn, đọc nhiều hay ít sách xét cho cùng cũng chẳng có nghĩa gì lớn, quan trọng là đọc sách có làm ta vui hay không thôi.

Tôi nhận ra đến đây tôi vẫn chưa nói gì về những truyện ngắn Murakami đang đọc. Murakami kể ra rất có duyên với độc giả Việt Nam. Khối tác giả hoành tráng chả bao giờ hoặc rất ít được dịch ở Việt Nam, hoặc có dịch cũng không mấy người biết, nhưng Murakami chắc chỉ còn mỗi 1Q84 chưa dịch. Tiểu thuyết của Murakami tôi có đủ và đã đọc trọn. Truyện ngắn của ông tôi gặp nhiều lần nhưng cứ lần lữa không mua, phần vì tôi ưu ái tiểu thuyết hơn, phần vì cứ đợi có người tặng.  Murakami là người hâm mộ Raymond Carver và từng dịch nhiều truyện của Carver.  Truyện ngắn của ông có phảng phất hơi của Carver, nhất là những đoạn đối thoại. Tuy nhiên, đọc Carver ta có cảm giác không khí bị dồn nén, lúc nào cũng có cái gì đấy chực chờ nổ tung. Truyện Carver luôn cho ta cảm giác bất an, khi một lời chào tạm biệt cũng nặng nề, mà một dấu chấm câu cũng tiềm tàng nguy hiểm.  Truyện ngắn của Murakami lại cho ta cảm giác không khí loãng ra, đôi khi làm ta khó thở, nhưng phần nhiều là thấy cơ thể mình bị kéo giãn.  Truyện ngắn của Murakami có thể đọc hết truyện này sang ngay truyện khác; nếu không buồn ngủ lắm, tôi có thể đọc một mạch hết một tập, trong khi với Carver, người ta cần nhiều thời gian hơn để “hồi phục” trước khi đọc sang một truyện khác.

Phù, lan man một hồi mới nói được đoạn muốn nói. Tạm thế đi, hôm khác lan man tiếp.
  

Saturday, 6 August 2011

Sách không phải để đọc

Trong đau khổ vô vọng tôi đọc Thomas Bernhard. Thực lòng mà nói, tôi chẳng có ý định đọc ông. Tôi chẳng có ý định đọc bất kỳ ai - tôi quá buồn chán nên chẳng thể nào suy nghĩ cho ra đầu ra đũa. Mở sách ra, đọc một trang, bước vào giấc mơ của ai đó - đây toàn là những cớ để giày vò tình trạng khốn khổ của tôi, là những lời nhắc nhở rằng mọi người khác trên thế giới đã xoay xở để tránh cái giếng khổ đau mà tôi sa vào. Khắp nơi người ta tự huyễn hoặc mình về những thành công và những sự tinh tế cỏn con của họ, những mối quan tâm, văn hóa, và gia đình của họ. Dường như mọi cuốn sách đều được viết bằng giọng những người đó. Bất kể họ tả cái gì - một vũ hội Paris thế kỷ mười chín, một chuyến đi khảo về nhân chủng ở Jamaica, những khu ngoại ô nghèo khổ của một thành phố lớn hay quyết tâm của một người dành cả đời nghiên cứu nghệ thuật - những cuốn sách về cuộc đời của những người mà kinh nghiệm của họ chẳng có dây mơ rễ má gì đến cuộc đời tôi, nên tôi muốn quên phứt hết thảy. Vì tôi chả tìm thấy gì trong những cuốn sách này phảng phất nỗi đau khổ đang dâng trào của tôi, tôi thấy bức bối với cả những cuốn sách ấy và cả chính mình: với những cuốn sách vì chúng phớt lờ nỗi đau tôi đang gánh chịu, với chính tôi vì tôi quá chừng ngu ngốc khi đắm chìm vào nỗi đau vô nghĩa lý này. Tôi chẳng muốn gì khác hơn  ngoài việc trốn thoát khỏi niềm đau khổ vô lý này. Nhưng sách đã sắp đặt tôi cho cuộc đời, sách hầu như là thứ khiến tôi tiếp tục sống, nên tôi cứ tự nhủ lòng rằng nếu tôi muốn kéo mình ra khỏi đám mây đen này, tôi nên tiếp tục đọc sách. Tuy nhiên bất cứ lúc nào tôi mở một cuốn sách để nghe giọng điệu một tác giả chấp nhận thế giới như nó hiện hữu, hoặc giả ngay cả khi ông ta muốn thay đổi nó nhưng vẫn đồng cảm với nó, tôi lại sẽ thấy mình cô độc. Sách xa cách với nỗi đau của tôi. Vả lại, chính sách đưa tôi đến cái ý tưởng rằng nỗi đau khổ mà tôi đang vận vào là duy nhất, rằng tôi là một gã đáng thương ngốc nghếch chẳng giống ai. Đó là lý do mà tại sao tôi cứ tự nhủ lòng, “Sách không phải để đọc, mà để mua đi bán lại.” Sau mấy trận động đất, bất cứ khi nào sách làm tôi bực bội, tôi lại có lý do để quẳng chúng đi. Và như vậy tôi đã đưa cuộc chiến bốn mươi năm với sách của tôi đến hồi kết trong tinh thần thù ghét và giải trừ ảo tưởng. 

(Orhan Pamuk - một đoạn trong bài về Thomas Bernhard.)

PS. Tôi cũng đang buồn chán lắm đây:)


Friday, 5 August 2011

Không ai cả

Nói chung tôi không ở trong nhà các bác ấy, nên không biết các bác ấy xót xa thế nào.  Nhưng tôi biết một điều hiển nhiên các bác ấy rất quan tâm đến việc vi phạm bản quyền, chắc chắn thế.  Tất cả sách của các bác ấy, tức bác Nhã Nam, đều có mấy dòng về bảo hộ bản quyền thế này: “Bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ[….] Không ủng hộ, khuyến khích những hành vi vi phạm bản quyền. Chỉ mua bản in hợp pháp.”

Mấy dòng tuyên bố vừa hùng hồn vừa thê lương ấy, buồn cười thay, cũng không thoát khỏi cảnh bị sao chép.  Một số công ty khác cũng cho in trên sách mình mấy dòng y sì như vậy. Kêu gọi người ta tôn trọng bản quyền, mà có đoạn văn cỏn con, đầy “cá tính” như thế, cũng đi chép là sao, là sao?  Mà cái đoạn ấy, có phải là không có vấn đề đâu chứ. Cái gì mà không ủng hộ với khuyến khích!

Xét ra, AlphaBooks oách hơn, vì câu tuyên bố bản quyền của họ đậm đà bản sắc Alpha, chứ không thèm chép lại chỗ khác.  Câu của họ thế này: “Không phần nào trong xuất bản phẩm này được phép sao chép hay phát hành dưới bất kỳ hình thức nào hoặc bằng bất kỳ phương tiện nào, hay được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu hoặc hệ thống truy cập, mà không có sự cho phép trước bằng văn bản của Công ty sách Alpha.”

Chỉ có điều, câu này gợi tôi nhớ đến câu chuyện chàng Ulysses trên hành trình về nhà bị một gã khổng lồ một mắt bắt giữ, sau Ulysses nghĩ ra kế tự đặt tên cho mình là “Không ai cả” để thoát thân. Khi Ulysses đâm vào con mắt duy nhất của gã khổng lồ,  người ta hỏi ai đâm, gã hét lên “Không ai cả”!

PS. Hôm nay trên đường về nhà tôi có trót ghét qua một hàng sách cũ.  Thấy cuốn Gã khờ của Dostoyevsky đẹp đẽ, hoành tráng, định cầm về thì được nghe giá là 950.000 đồng.  Bán sách giá ấy thì đi giết người đi chứ bán làm gì, nhỉ!

Tuesday, 2 August 2011

Châm ngôn (từ những thứ đang có trên bàn)

Vì cái tật đọc một lúc năm, bảy cuốn nên sẽ có châm ngôn từ năm, bảy cuốn.

Trước hết, xem thử cái giọng chua ngoa của bạn Giò Trắng có thể từ đâu ra:

"Thưa quý vị, cố nhiên là tôi pha trò, và tôi cũng biết rằng những câu pha trò của tôi là vô duyên, tuy nhiên cũng không hẳn là pha trò cả đâu. Có thể tôi vừa pha trò vừa nghiến răng lại cũng nên."  Câu này trích trong Bút ký dưới hầm của Dostoyevsky!

Sau khi nói xấu Giò Trắng, ta hãy nói xấu phụ nữ, nhưng kỳ thực là để quy chiếu về những đám đông xuất hiện gần đây:

"Tính giản đơn và phóng đại những tình cảm của đám đông đã khiến nó không biết đến nghi ngờ và lưỡng lự. Giống như phụ nữ, những tình cảm lập tức đi tới cực đoan."  Câu này dĩ nhiên của chuyên gia đám đông Gustave le Bon (Tâm lý học đám đông).

Kế tiếp, không phải châm ngôn mà là sự phân biệt giữa hai từ "đĩnh đạc" và "đĩnh đạt".
  • Đĩnh đạc: - Đĩnh: thẳng; đạc: đo. Đĩnh đạc là đo thẳng, nghĩa bóng là nghiêm nghị, đứng đắn.
  • Đĩnh đạt: - Đĩnh: thẳng; đạt: thấu. Đĩnh đạt là thấu tới, ngay thẳng, thẳng thắn.
Sự phân biệt này là của tác giả Long Điền Nguyễn Văn Minh trong cuốn Việt ngữ tinh nghĩa từ điển.

Ai không ưa Sartre (như tôi chẳng hạn:), hẳn khoái trá khi đọc câu này của Vargas Llosa viết về các tác phẩm của Sartre: "They have aged terribly."  Cũng trong bài này, Vargas Llosa còn viết: "There is no great art without a certain measure of unreason, because great art always expresses the whole of human experience, in which tuition, obsession, madness and fantasy play their part as well as ideas.  In Sartre's work, man seems to be made of ideas alone."  Câu này trong tập Making Waves.


Câu kế tiếp sẽ là một châm ngôn thực sự: "In omnibus requiem quaesivi, et nusquam inventi nisi in angulo cum libro." - "Tôi đã tìm kiếm sự an ngơi trong tất cả, nhưng tôi chỉ có thể tìm thấy nó trong góc đọc sách mà thôi".  Câu này trích trong cuốn Tên của đóa hồng của Umberto Eco, nhưng không phải là câu của Eco. Eco chỉ dẫn lại một người khác.

Kết thúc bằng một khổ thơ Tô Thùy Yên vậy:


Ta ngồi bên đống lửa man rợ
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi.
(Trường Sa hành)

Monday, 1 August 2011

Linkhay

Chỉ một link thôi:

http://sgtt.vn/Goc-nhin/148681/De-nhan-ra-cai-bien-chung-la-lung-va-tat-yeu-cua-lich-su.html

(Quyết định copy lại luôn lỡ nay mai link không còn.)


Để nhận ra cái biện chứng lạ lùng và tất yếu của lịch sử

SGTT.VN - Trong kỳ thi đại học vừa qua, điểm thi môn sử thấp một cách thảm hại. Nói chung chỉ độ 4% trên điểm trung bình. Nhiều trường có tới 99% điểm dưới trung bình, mà chủ yếu là điểm 0 và điểm 1. Có trường chỉ một thí sinh có điểm 5 là cao nhất. Vẫn biết chuyện dạy sử và học sử từ trước đến nay đã có nhiều vấn đề nhức nhối, nhưng một kết quả như năm nay thực sự làm cho xã hội xôn xao, và làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục, các nhà sử học, các thầy giáo, học sinh và cha mẹ học sinh.

Đây là chuyện hết sức nghiêm túc, nên cũng phải nói với nhau rất nghiêm túc
Hãy coi trọng các giá trị tinh thần.
Học sử là nhận ra được biện chứng lạ lùng và tất yếu của lịch sử để mà biết làm người cho xứng đáng người, làm công dân độc lập, tự chủ, sáng tạo, đầy trách nhiệm của nước Việt và của thế giới.
Trong ảnh là giờ học môn Lịch sử của học sinh lớp 12A6, trường THPT Hùng Vương, Q5,TP.HCM (niên khoá 2010 -2011 - ảnh chỉ mang tính minh hoạ. 
Ảnh: Trần Huy
Những biến chuyển thời đại đòi hỏi hơn bao giờ hết phải coi trọng khoa học xã hội nhân văn, trong đó có sử và môn sử (và cả môn văn nữa, mà kết quả vừa rồi cũng chẳng hay ho hơn mấy). Đứng trước những vấn đề như vậy, cách đây mấy năm, trường đại học Harvard của Mỹ đã rà soát lại toàn bộ chiến lược của họ, và nghiêm khắc nhận ra, mặc dù đã cố gắng rất nhiều, họ vẫn còn coi trọng chưa đủ các môn xã hội nhân văn và quyết chuyển hướng mạnh mẽ hơn nữa vào các môn ấy. Bởi vì đối với bất cứ xã hội nào, ở bất cứ thời đại nào, khi khoa học kỹ thuật công nghệ càng phát triển thì càng khẩn thiết hơn, chính khoa học xã hội nhân văn là hết sức cần thiết để giữ cái nền bền chắc cho xã hội và con người. Nó làm cho con người dẫu có khoa học công nghệ cao đến đâu, vật chất nhiều đến đâu, cũng vẫn còn là con người chứ không phải là những cái máy khô cằn, nhất là những cái máy chỉ biết hau háu làm ra tiền và nhai tiền.

Giữ cho nhân loại còn là nhân loại, chứ không là một đống những vật tinh xảo mà vô cảm và vô lương. Một xã hội quay lưng lại với các khoa học xã hội và nhân văn là một xã hội suy đồi.

Một nền giáo dục trong thực tế liệt khối C xuống hạng bét, để cho “chuột chạy cùng sào mới vào khối C”, là một nền giáo dục bế tắc. Và đừng nói rằng điều đó không liên quan gì đến tội ác gia tăng trong xã hội, và cả trong học đường, làm nhức nhối toàn xã hội. Tất nhiên, vấn đề ở đây lớn hơn vấn đề giáo dục, lớn hơn vấn đề của ngành giáo dục, nhưng muốn nói gì thì nói, ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm chính. Bởi vì nó được sinh ra, xã hội bỏ tiền mồ hôi nước mắt ra nuôi nó, là để nó làm trước hết công việc ấy: giữ cái nền bình ổn lâu dài vững chãi cho xã hội, cho sự tồn tại và phát triển của xã hội.

Quả đã đến lúc cần rà soát lại một cách căn bản toàn bộ chiến lược của nền giáo dục này; và câu hỏi căn bản, đầu tiên là: nó định chế ra máy hay đào tạo ra người? Nếu đào tạo ra người thì nhất thiết không vì bất cứ lý do gì có thể để mặc cho khối C lủi thủi như vậy, không thể coi kết quả thảm hại của thi sử năm nay là bình thường. Bởi vì đấy không chỉ là chuyện kết quả học sử, thi sử như thế nào, mà là dấu hiệu con người coi nhẹ các giá trị tinh thần và nhân văn!

Học sử là để có cái mà không bất cứ con chuột hiện đại nào nhấp ra được cho ta: nhận ra được biện chứng lạ lùng và tất yếu của lịch sử để mà biết làm người cho xứng đáng người, làm công dân độc lập, tự chủ, sáng tạo, đầy trách nhiệm của nước Việt và của thế giới.
Nhìn vào lõi của vấn đề.
Mấy hôm nay nhiều người đã bàn tán xôn xao về sự cố này, và nhiều ý kiến đã tập trung vào cách dạy và học sử. Chắc đều đúng. Tuy nhiên hình như cũng chưa đến lõi của vấn đề. Hẳn ai cũng biết trong các môn học ở trường hiện nay, bị học sinh sinh viên chán nhất, ghét nhất, do đó cũng học kém nhất, học một cách đối phó nhất, kết quả tất cũng tệ nhất là môn sử và môn văn – cùng một vài môn khác thuộc cái gọi là “chương trình cứng”. Vì sao? Rất đơn giản vì đó là những môn bị chính trị hoá nhiều nhất, nặng nề nhất! Chính trị chắc chắn không có gì là xấu, trái lại là khác. Học chính trị là quá cần thiết, và có thể dạy thật hay. Nhưng sử là sử, văn là văn, chính trị là chính trị, không thể và hoàn toàn không nên lẫn lộn, dùng cái này để làm cái kia, đem cái này làm công cụ cho cái kia. Mỗi môn có chức năng riêng không thể thay thế của nó để làm nên con người ra người.

Học sử, học văn như thế, thú thật đến tôi cũng chán ghét, và đi thi chưa chắc đã được 0,5 điểm như thí sinh tội nghiệp vừa rồi.
Gần đây, giáo sư Ngô Việt Trung, viện trưởng viện Toán học Việt Nam, đã nói rất thẳng thắn: Phải tách khoa học ra khỏi thế quyền. GS Hoàng Tuỵ thì nói: Phải “thế tục hoá”nền giáo dục của chúng ta. Ai cũng biết cuộc cách mạng về giáo dục ở châu Âu đưa đến nền giáo dục hiện đại rực rỡ ngày nay, là kết quả tuyệt vời của cuộc đấu tranh thế tục hoá giáo dục, giải phóng giáo dục ra khỏi kiềm chế lâu dài của nhà thờ. Cần hiểu lời Hoàng Tuỵ trong ý nghĩa đó.

Nhân nói chuyện sử, xin kể điều này, ở Pháp có một tổ chức do các nhà sử học độc lập lập ra, tên là CVUH (Comité de Vigilance face à l’usage public de l’histoire), có thể dịch là uỷ ban Cảnh giác đối mặt với việc đưa lịch sử ra sử dụng trong công chúng. Vậy đó, lịch sử luôn rất dễ bị lợi dụng, thậm chí bóp méo, cắt xén, cắt nghĩa tuỳ tiện bởi các thế lực khác nhau nhằm làm công cụ cho những mục đích phi lịch sử. Ở nhà trường, cảnh giác với lợi dụng này càng phải ráo riết hơn. Học lịch sử cũng tuyệt nhiên không cần nhớ thuộc lòng đến mụ mị bất cứ ngày tháng phiền phức và vô ích nào, khi chúng ta đang sống trong thời đại chỉ cần nhẹ tay nhấp chuột là ra tất cả. Học sử là để có cái mà không bất cứ con chuột hiện đại nào nhấp ra được cho ta: nhận ra được biện chứng lạ lùng và tất yếu của lịch sử, để mà biết làm người cho xứng đáng người, làm công dân độc lập, tự chủ, sáng tạo, đầy trách nhiệm của nước Việt và của thế giới.
NGUYÊN NGỌC

Bánh mì kẹp và Ocean Vương