Có những tiểu thuyết, những bộ phim, cho dù tác giả khăng khăng khẳng định rằng tôi kể chuyện thật mà người đọc người xem vẫn thấy giả. Ngược lại, có những câu chuyện ta biết chắc bịa trăm phần trăm mà ta vẫn bị chinh phục bởi sự chân thật của nó. Ba đoạn trích dưới đây nằm trong ba tiểu luận của Umberto Eco, Orhan Pamuk, David Grossman cho ta thấy phần nào về quan điểm và lao động của các nhà văn lớn khi xây dựng một tiểu thuyết sao cho nó đạt độ khả tín cao nhất. Đoạn của Eco là do Hoàng Ngọc Tuấn dịch, tôi lấy từ Tiền Vệ, còn hai đoạn kia tôi trích lần lượt từ Other Colors và Writing in the Dark. Cuốn cuối cùng này mới cầm trên tay sáng nay, do một bạn từ Anh mang về giúp.
1.
"Đó là tại sao, khi tôi viết cuốn Danh Tính của Hoa Hồng, nếu tôi nhớ đúng, tôi đã bỏ ra nguyên một năm không viết một dòng (và tôi đã bỏ ra ít nhất hai năm như vậy cho cuốn Quả Lắc của Foucault và, cũng thế, cho cuốn Hòn Đảo của Ngày Trước). Thay vì viết, tôi đọc, làm những bản vẽ và những biểu đồ, phát minh ra một thế giới. Cái thế giới này phải chính xác tối đa, để tôi có thể di chuyển trong đó một cách hoàn toàn tự tin. Cho cuốn Danh Tính của Hoa Hồng, tôi đã vẽ hằng trăm lối đi ngoằn ngoèo phức tạp và hằng trăm sơ đồ của các tu viện, dựa trên những bản vẽ khác và trên những nơi chốn tôi đã viếng, bởi tôi cần mọi sự trôi chảy mạch lạc, tôi cần biết hai nhân vật vừa bước đi vừa nói chuyện với nhau từ chỗ này đến chỗ khác thì mất bao lâu. Và điều này cũng quyết định độ dài của những mẩu đối thoại.
Nếu trong cuốn tiểu thuyết tôi phải viết "trong khi xe lửa dừng ở ga Modena, chàng nhanh nhẹn nhảy xuống xe và mua tờ nhật báo," thì tôi không thể viết như vậy trừ khi tôi đã đến Modena để soát lại xem xe lửa có dừng ở đó đủ lâu không, và từ sân ga đến sạp báo thì bao xa (và điều này cũng phải đúng thật như thế ngay cả nếu xe lửa phải dừng ở ga Innisfree). Tất cả những điều này có thể chẳng mấy liên hệ đến việc khai triển câu chuyện (tôi tưởng tượng thế), nhưng nếu tôi đã không thực hiện như vậy, thì tôi đã không thể kể câu chuyện.
Trong cuốn Quả Lắc của Foucault, tôi nói rằng hai nhà xuất bản Manuzio và Garamond nằm trong hai toà nhà cao tầng khác nhau nhưng kề với nhau, ở giữa người ta có xây một hành lang, với một khung cửa lớn lắp kính mờ và một bậc tam cấp. Tôi đã bỏ ra một thời gian dài để vẽ một số sơ đồ và tính toán xem làm thế nào để có thể xây một hành lang giữa hai toà nhà cao tầng, và liệu hai toà nhà cao tầng này có phải nằm trên hai mảnh đất có độ cao khác nhau không. Độc giả lướt qua bậc tam cấp ấy mà không để ý gì đến nó (tôi tin thế), nhưng đối với tôi nó lại hết sức quan trọng".
(Umberto Eco, Hoàng Ngọc Tuấn dịch, nguồn tienve.org)
2.
"Với hy vọng miêu tả khoảng thời gian Ka lưu lại Frankfurt trong những năm tám mươi và đầu chin mươi mà không phải phạm quá nhiều sai sót, năm năm trước, tức năm 2000, tôi từng đến đây. Trong cử tọa hôm nay có hai người đã rất nhiệt tình giúp đỡ tôi, và chính là trong lúc họ dẫn tôi đi thăm thú vòng quanh mà chúng tôi đã ghé cái công viên nhỏ đằng sau những tòa xưởng cũ kỹ gần Getleustrasse nơi nhân vật của tôi trải qua những năm cuối đời. Để hình dung tốt hơn lộ trình Ka đi mỗi sáng từ nhà đến thư viện thành phố, nơi anh sẽ vùi cả ngày ở đó, chúng tôi đi bộ từ quảng trường phía trước trạm xe điện, dọc phố Kaiserstrasse, ngang qua những tiệm bán đồ tình dục và cửa hàng rau quả của người Thổ, tiệm hớt tóc và tiệm kebab trên phố Münchnerstrasse đến tận Quảng trường Tháp đồng hồ, băng qua trước ngôi nhà thờ mà chúng ta tụ họp hôm nay. Chúng tôi đi vào cửa hàng Kaufhof, nơi Ka mua chiếc áo khoác mà anh cảm thấy thoải mái khi mặc nó trong bao nhiêu năm. Suốt hai ngày, chúng tôi lượn quanh khu phố cũ nghèo mà người Thổ ở Frankfurt lấy làm nhà, thăm viếng các nhà thờ, tiệm ăn, hội đoàn cộng đồng và quán cà phê. Đây là tiểu thuyết thứ bảy của tôi, nhưng tôi nhớ là đã ghi chép chi tiết tỉ mỉ một cách không cần thiết giống như người mới vào nghề, cân nhắc từng chi tiết một, hỏi những câu đại loại, Liệu tàu điện có thực sự đi qua góc phố này trong những năm tám mươi không?"
(Orhan Pamuk, bài In Kars and Frankfurt, tập Other Colors)
3.
"Khi tôi dựng nên một nhân vật, tôi muốn biết, cảm nhận, và trải nghiệm được thật nhiều đặc điểm và khía cạnh tâm linh càng tốt, bao gồm cả những thứ khó gọi tên. Ví dụ, trương lực của nhân vật, cả về lý tính và cảm xúc: số đo sự năng động, độ nhạy cảm và độ co giãn của con người vật lý và con người cảm xúc của anh hay cô ta. Tốc độ suy nghĩ của cô ta, nhịp điệu khi nói của anh ta, thời gian dừng giữa các chữ khi cô ta nói. Độ thô ráp của da anh ta, độ mượt của tóc cô ta. Tư thế yêu thích nhất của anh ta, cả khi làm tình lẫn khi ngủ.
Dĩ nhiên, không phải tất cả thứ này đều xuất hiện trong sách. Tôi tin tốt nhất chỉ phần nổi của tảng băng, chỉ một phần mười tất cả điều mà nhà văn biết về các nhân vật của mình, sẽ xuất hiện trong sách. Nhưng nhà văn phải biết và cảm thấy cả chín phần mười kia nữa, ngay cả khi chúng chỉ chìm dưới nước. Bởi vì không có chúng, cái nổi trên mặt nước sẽ không có tính xác thực. Khi những yếu tố bổ sung này tồn tại trong ý thức nhà văn, chúng sẽ tự phát xạ đến những khía cạnh hiển thị và đóng vai trò là bục tăng âm và nền tảng ổn định cho nhân vật, và chính nhờ chúng mà nhân vật hiện hữu trọn vẹn".
(David Grossman, trích bài The Desire to Be Gisella, tập Writing in the Dark)
Một lăn tăn rất nhỏ: Em đọc cuốn "Đi tìm sự thật biết cười" thấy The Name of the Rose được dịch là "Tên của hoa hồng". Em thấy thế đơn giản, bớt trầm trọng.
ReplyDeleteThe Name of the Rose đã được dịch và xuất bản ở VN phải không anh?
Đúng, Tên của hoa hồng đã được dịch và in ở Việt Nam. Trong bài này bác HNT dịch như thế nên cứ để như thế.
ReplyDelete:P Trả lời nghiêm trang quá.
ReplyDeleteHay quá. :)
ReplyDeleteCũng mạn phép in cái này ra để phát tán nhỉ?
ReplyDeletephát cho sinh viên à:)
ReplyDeleteBài này hay quá, cám ơn bác Mun. Đúng là phải tìm cách trải nghiệm thì viết mới thật được. Không biết có bác nhà văn nào thử chết một lần để viết về cái chết không nhỉ?
ReplyDeleteChúc bác Mun và đại gia đình một năm mới thật nhiều hạnh phúc! Mấy hôm trước bác Mun về quê hay sao?
Cảm ơn bác. Tôi có đi đâu đâu. Bác vào tienve mà đọc trọn bài của Eco.
ReplyDeleteChết thì hơi khó nhỉ, bác hỏi khó:) Nhưng nếu chẳng may suýt chết thì sẽ viết được kha khá thứ.
Người không biết viết thì có trải nghiệm đến mấy cũng thế thôi, còn nhà văn tài năng thì trải nghiệm nào cũng có ích cả. Thế nên, đồng ý với bác, ông nào đã có tài mà suýt chết thì viết về cái chết chắc chắn hay; hoặc bị thất tình mà viết về tình yêu thì hẳn cũng rất hay. Nhiều nữ sĩ ma chê quỉ hờn nhưng cứ nhất định cho các nữ nhân vật của mình sắc nước hương trời, đọc chối không chịu được. Sợ nhất là cứ bay bổng như thể là chính mình. Hay mấy bác nam sĩ quắt queo, cứ nhất định cho các nam nhân vật của mình quắc thước oai phong, các em theo cả dàn...
ReplyDeleteMột nữ văn sĩ VN khá nổi tiếng nữa cơ đấy (TTT) đã là tôi tức phát điên khi đọc (có lẽ vì tôi có liên hệ đến những địa danh ở đây) một truyện mà nữ văn sĩ này cho nhân vật đi tàu hoả (chứ không phải ô tô hay xe máy tàu thuỷ nhé) từ Nam ra Bắc để đến được Thanh Hoá phải thành phố qua Nam Định.
ReplyDeleteEco, Pamuk & Grossman cũng kỳ công như (Roger Martin) Du Garr viết Les Thibualts nhỉ.
xin sửa ở trên: 1. làm tôi, 2. qua thành phố 3. Thibaults
ReplyDeleteHôm qua đọc entry này, tối lại xem film Derail, xem đến giữa chừng bực quá bởi tình huống rất vô lý. Tắt rồi lại bật film đến đoạn cuối để gỡ gạc hơn 1 tiếng dán mắt vào màn ảnh. Thì ra nó ẩn chứa một bí mật, một ý định của tác giả kịch bản. Bằng bí mật ấy, nó nâng sự vô lý trở thành "bố" của hợp lý. Do đó mọi sự chân thật đều mang tính tương đối, cái quan trọng là phải làm chủ sự chân thật trong thế giới phi thật (fictional)
ReplyDelete