Entry của guest blogger, chị Bùi Thị Bích Liên. Như mọi khi, copy không xin phép:)
--------
Nhận thức của tôi về Ấn Độ giống như một bức tranh không định dạng với muôn vàn những miếng ghép lộn xộn và chẳng hề khớp với nhau.
13 năm trước, tôi đã từng có 3 bạn cùng lớp người Ấn Độ: 2 bạn nam và 1 bạn nữ, nhưng giao tiếp của tôi với họ gần như bằng không. Sau một năm chung giảng đường tôi vẫn không thể nghe được hai bạn nam nói gì. Bạn nữ nói tiếng Anh chuẩn mực và có phong thái của một cô gái hiện đại, nhưng dường như bạn ấy ở một thế giới hoàn toàn tách biệt với thế giới của tôi. Các bạn khác kể với tôi rằng nhà bạn ấy giàu lắm, bố bạn ấy là một nhà tài phiệt và bạn ấy đi học bằng trực thăng riêng của gia đình. Thời đó, tôi cũng có một bạn người Anh thỉnh thoảng phải đi làm việc ở Ấn Độ. Tôi hỏi anh ấy Ấn Độ thế nào thì câu trả lời của anh gói gọn trong mấy chữ: nghèo đói, nóng, và cà-ri.
Sau này, tôi có thêm những người bạn mới và đôi khi Ấn Độ trở thành chủ đề trong câu chuyện của chúng tôi. Một người bạn từ Bắc Mỹ, có nguồn gốc từ thổ dân da đỏ mà tiếng Anh cũng gọi là Ấn Độ (Indian) nói rằng cô ấy không bao giờ có ý định tới Ấn Độ nhưng không giải thích lý do tại sao. Một người Bắc Mỹ khác, nguồn gốc Do Thái, lại đam mê Ấn Độ đến mức đi chu du miền Nam Ấn bằng xe máy để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của mình. Một số bạn Việt của tôi thì tới Ấn Độ vì mục đích tâm linh, và thi thoảng tôi được nhận vài món quà từ đất Phật.
Dường như tôi không có mối quan tâm đặc biệt nào tới Ấn Độ dù đã thử một số loại hình yoga. Tôi mua sách của Hồ Anh Thái nhưng bộ nhớ của tôi chẳng chịu ghi những gì mà tôi đã đọc. Tôi đã được chứng kiến một đám cưới Hin-đu nhiều màu sắc ở Kuala Lumpur, nhưng những nghi lễ và thủ tục đơn thuần đó không chạm vào vùng cảm xúc của một khách du lịch. Tôi đã xem lõm bõm vài phần của Ký sự sông Hằng trên TV, nhưng chương trình đó cũng giống như hàng loạt phim discovery khác. Tôi chưa từng xem một bộ phim Bolywood. Phim Holywood về Ấn Độ duy nhất mà tôi nghĩ xem được là Tỷ phú khu ổ chuột, nhưng những người trao giải Oscar lại cũng nghĩ như thế. Tuy nhiên, gần đây tôi đã phát hiện ra 2 mảng ghép lớn trong bức tranh không hình thù của mình.
Mảng thứ nhất chính là một cửa hàng đồ Ấn yêu thích của tôi và cô bạn thân. Tiếc rằng tôi sẽ không có gì nhiều để nói về mảng này ngoài việc chúng tôi sung sướng làm đầy cái dạ dày của mình vào buổi trưa và sau đó thì tôi thường bỏ luôn bữa tối.
Mảng thứ hai là (một phần của) văn học đương đại về Ấn Độ. Tôi đến với nó rất tình cờ. Một ngày nọ một người bạn (lại một người Bắc Mỹ khác, gốc Scotish) đưa cho một quyển truyện và bảo đọc đi, được đấy. Tên quyển đó là “The Six Suspects” (6 kẻ tình nghi). Tôi đọc vì … nghe lời bạn chứ thật ra không ham hố gì thể loại tiểu thuyết tội phạm - chưa bao giờ tôi đủ kiên nhẫn để nhai hết 1 cuốn của John Grisham. Dần dà tôi bị hút vào quyển sách lúc nào không biết. Tác giả không phải là nhà văn chuyên nghiệp. Ông cũng là một nhà ngoại giao như Hồ Anh Thái. Truyện viết về một tội phạm, nhưng thực ra là một bức tranh sinh động về xã hội Ấn Độ đương đại. Nhãn quan sắc sảo của tác giả mổ xẻ những vấn đề xã hội từ nhiều góc độ khác nhau. Lối dẫn dắt chuyện tài tình, bố cục truyện và cách xây dựng nhân vật… chẳng giống ai. Trên hết, tính hài hước của ông làm tôi bật cười trước những trang sách. Ẩn dưới những nhân vật, sự kiện là triết lý sâu sa, nhưng thứ triết lý ấy không làm đầu óc tôi nặng trịch, vật vã như khi đọc các tác giả phương Tây (Suối nguồn là một ví dụ). Đọc hết cuốn sách, tôi biết mình đã được … nếm một món Ấn thực sự.
Vẫn người bạn đó đưa cho tôi quyển truyện thứ hai về Ấn Độ. Tên nó là “The Song of the cuckoo Bird” (Tiếng hát chim cúc cu). Tác giả là một phụ nữ Ấn, lấy chồng người Đan Mạch. Truyện viết về tầng lớp “những người cùng khổ” trong xã hội Ấn Độ và sự thay đổi cuộc sống của họ do phát triển kinh tế mang lại. Cũng giống như cuốn thứ nhất, tôi đọc một lèo hết cuốn thứ hai. Tác giả cũng là một người kể chuyện cừ khôi. Giống như bao câu chuyện khác, truyện này không thiếu những bi kịch, những cuộc vật lộn, những nút thắt, nhưng tất cả như được trải ra dần trong mắt người đọc như là cái gì phải đến sẽ đến. Tôi lờ mờ tự hỏi không biết có phải đó là vì cái “chất” của văn hóa Ấn Độ mà nhà văn mang trong mình không.
Cuốn thứ ba về Ấn Độ do chính tôi mua. Tên nó là “The Marriage Bureau for Rich People” (Môi giới hôn nhân cho những người giàu). Tôi nhặt nó lên giữa một đống sách ngoại văn vì nhớ đến sự thích thú của mình khi đọc hai cuốn trước. Tôi chưa bao giờ nghe đến tên tác giả, và chưa có ai đọc trước để bảo tôi nó có được hay không. Nhưng rất may là tôi đã không lãng phí sự “đầu tư” của mình. Lần này tác giả là một người Ấn di cư sang Anh từ năm 1990 và làm việc cho một ngân hàng đầu tư ở London. Không “chuyên nghiệp” như hai tác giả trước, anh có vẻ hơi “sến” trong cách tiếp cận của mình và chuyện kết thúc theo đúng kiểu cổ truyền “happy-end” - tất cả những người tốt thì đều gặp nhau hoặc gặp điều tốt. Dù sao, tôi vẫn bị hấp dẫn vì lối dẫn chuyện rất đỗi nhẹ nhàng và hài hước. Kiểu mô tả chi tiết các sự kiện của anh không làm tôi thấy nhàm chán mà ngược lại tìm ra những mối liên hệ nhất định với thế giới của tôi. Xuyên suốt cả 3 câu chuyện (chẳng liên quan gì đến nhau) là sự vật lộn giữa truyền thống và hiện đại, là những cái giá phải trả cho sự phát triển. Cả 3 tác giả đều là người Ấn, nhưng rõ ràng thế giới của họ không hoàn toàn thuộc về nơi họ sinh ra.
3 cuốn truyện mà tôi đã đọc không phải dạng best-seller, càng không phải là những tác phẩm văn học xuất chúng. Nhiều người có thể không thích, hoặc không thể đọc được chúng. Nhưng với tôi, chúng đã làm cho bức tranh vô hình thù trở nên rõ nét và màu sắc hơn. Giống như những bữa trưa ngon mà thỉnh thoảng tôi và bạn tôi vẫn muốn khi cần đổi món. Hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ được đặt chân lên đất nước này, chạm tay vào nền văn hóa ngàn năm tuổi và Namskar!
“We struggle so much for money, power, and love, but the world doesn’t care. It just goes round and round in its own circle” – Farahad Zama (Excerpt from “The Marriage Bureau for Rich People”)
Có lẽ vì nhiều cái khắc khổ của văn hóa Ấn mà người Ấn tại Mỹ là một dân tộc rất đáng gờm, phấn đấu rất ghê, rất aggressive và khá thành công.
ReplyDeleteVề vụ tiếng Anh Ấn thì dân Việt thực ra còn sách dép chạy theo dân Ấn. Dân Ấn nói khó nghe với dân Việt chứ dân khác họ nghe là hiểu tuốt, tư duy của họ đã là tiếng Anh rồi. Còn dân Việt nói thì dân bản xứ nhiều khi cũng pó tay.
Dân Ấn ở đâu cũng aggressive hết bác.
ReplyDeleteCòn vụ tiếng Anh, đương nhiên là họ giỏi, vì tiếng Anh với tầng lớp có học của họ gần như là mother tongue còn gì.
Bạn đã cung cấp cho mọi người những nhận thức mới về Ấn Độ (India). Chúc mọi sự tốt lành.
ReplyDeleteVề Ấn Độ, tôi có kinh nghiệm làm việc với người Ân, nên có một số nhận xét như thế này:
ReplyDelete- Tiếng Anh của dân thường ít học: tôi phải mất từ 3 - 4 tuần, mới hiểu là họ nói tiếng Anh và họ nói gì. Trước đó, tôi cứ tưởng họ nói tiếng Hindi, trong thực tế họ cũng hay chen tiếng Hindi như kiểu Singlish vậy. Sử dụng từ tiếng Anh nhiều khi cũng kiểu cách, cầu kỳ khác hẳn so với người bản ngữ (Anh, Mỹ, Úc chẳng hạn);
- Có đến 16 ngôn ngữ chính thức (theo trí nhớ kém cỏi của tôi), trong đó có tiếng Anh. Hai người Ấn với nhau có khi phải sử dụng tiếng Anh để giao tiếp;
- Ấn Độ giáo hay Hinduism không phải là một tôn giáo mà chỉ là tập hợp thế giới quan, thế giới tâm linh của người Ấn của người nước ngoài (Anh) khi muốn tìm hiểu về Ấn Độ và người Ấn;
- Tất cả những người Sikh có họ là Singh, nhưng không phải tất cả những người mang họ Singh đều là Sikh;
- Chênh lệch giàu nghèo rất lớn: có những người rất giàu nhưng cũng có nhiều người nghèo;
- Về kinh tế, có giai đoạn Ấn Độ chủ trương độc lập kinh tế nên không có đầu tư trực tiếp hay liên doanh với nước ngoài (FDI v.v.) mà chỉ có sản phẩm Ấn Độ mua bản quyền (patent) của nước ngoài. Chính sách này chỉ có tác dụng cho sản xuất nội địa chứ không hiệu quả khi cạnh tranh trên quốc tế;
- Indian curry và chapati nếu ăn quen sẽ khá là ngon;
- Dân Ấn Độ nói chung rất có cảm tình với Việt Nam;
Hai điều không thích về Ấn Độ:
- Chế độ đẳng cấp (caste) quá nghiêm ngặt có thể cản trở tiến bộ xã hội; &
- Hồi môn (dowry) ở nhiều vùng nhất là nông thôn sẽ là gánh nặng cho những gia đình có con gái và có thể là nguyên nhân của một số vấn đề xã hội;
Cảm ơn về comment dài và nhiều thông tin của bác
ReplyDeleteEcho Goldmun để nói cám ơn bạn. Tuy nhiên, mình hơi ngạc nhiên khi thấy bạn nói Hinduism không phải là một tôn giáo. Theo Hồ Anh Thái (Xin chào Ấn Độ) thì đó là tôn giáo lớn nhất ở Ấn Độ). Mình không biết sự thật là gì nên không dám phát biểu quan điểm cá nhân. Mình chỉ thấy Anh Thái viết cuốn đó nghiêm túc và có sử dụng nhiều tài liệu khác nhau. Anh ấy cũng đã học, sống, và làm việc tại Ấn Độ nhiều năm. Theo những gì mình được mắt thấy tai nghe về Hiduism ở đảo Bali thì mình cũng nghĩ đó là một tôn giáo vì họ có rất nhiều vị thần và nghi lễ.
ReplyDeleteNhững vấn đề bạn nói (dowry, caste, economic policies, politics) đều là "nền/sân khấu" cho các nhân vật của 3 câu chuyện được nói lên trong bài.
Chúc bạn năm mới nhiều may mắn.
Liên
thưa tác giả Bùi Thị Bích Liên, người gốc da đỏ ở mỹ gọi là Native Indian chứ không phải là Indian!!!
ReplyDeleteThật vui khi đọc bài viết này về Ấn Độ. Tôi vừa trải qua 2 tháng tại đất nước này và cũng có nhiều kỷ niệm.
ReplyDeleteThực sự khó có thể nói về Ấn Độ chỉ trong một vài câu hay một vài bài viết. Chỉ có thể nói là nó rất rất đặc biệt và sống động.
Tôi xin đính chính về đạo Hindu: Hindu là tôn giáo lớn nhất tại Ấn Độ, có khoảng 672 triệu tín đồ (so với 95,2M tín đồ Đạo Hồi, 19M Thiên chúa giáo, 16,3M Sikhs, còn lại là đạo Phật, Jainism,...)
Trong blog của tôi cũng có một loại các bài về thời gian tôi học tập tại đây, với những trải nghiệm về thức ăn, con người, các danh thắng, các thành phố... tôi đã từng đi qua. Hi vọng sẽ giúp thêm một chút thông tin cho những ai muốn tìm hiểu về Ấn Độ. (Tôi sẽ còn viết thêm về đất nước này, cũng như sẽ trở lại Ấn Độ ASAP- 1 trong những kế hoạch cho năm 2011 của tôi).