Monday, 30 November 2009

Màu

Tất cả những câu thơ sau đều trích trong tập Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm. Chỉ trong một tập thơ, mà số từ chỉ màu sắc đã nhiều như thế này, liệu Hoàng Cầm có phải nhà thơ "màu mè" nhất Việt Nam?:)


Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc

Tràng mày xếch vòng cung
bắn nát chiều mai ráng
đỏ

Đằm ca dao sáo diều chiều lịm
tím lưng trâu


Chùa Phật Tích ruỗi trong màn lụa
bạch
Tượng Quan Âm má ửng
bồ quân

Gió vào trăm cửa
Gió ra
hồng da trinh nữ
Gió vào
xanh quan lục
Gió ra
vàng thớ mít
ong bay vai áo tiểu thon mình

Cuối năm rì rầm tiếng khóc
Chàng ôi ngựa
tía võng đào

Lụa
vàng xé lộc rắc tro tiền

bạc đầu lên núi thổi cơm chiều

Tay rẽ lá giở trang
vàng diễm sử

Chợt thấy mấy hài nhi khăn
trắng

Tóc
trắng bồng bênh trước án


Đi
bứt lá
xanh giữ cỗi cành gầy
níu cuộng lá
vàng qua trận bão

Sợi tóc
trắng quấn vòng Khiêm lăng
chẳng dứt

nghểnh xem diều tầng
xanh đảo cánh


Dù gục khóc dưới chân thành
đã mất giải khăn
đào hứng lệ
Người đổi kiếp ra mô đất
xám

Đập rập tám lọng vàng đô đốc
cha truyền con nối
đã xơ lơ


Tin lửa đến giục thôn
vàng ngái ngủ
Giặc tràn sang cỏ rạp ải quan rồi

Cánh dăng dăng quan lộ
áo nẹp
vàng lên chín ngọn Hùng Sơn


đến Hà Giang dựng Cổng Giời
xanh


Cô gái quê thả tấm khăn
điều
bay nối đường tre liền ngọn thác
bạc phau đổ xuống tự vòm mây
Mắt ướt môi se không nức nở
Răng
đen rưng rức
nghiến oán thù
tím ngắt
nắng Phong Châu


Ba hồi chiêng lảo đảo các toà lầu
cong mái
đỏ quanh thành
Cờ xua hết mây đi
toà
biếc lắng xem

thổi bã ngất trời bụi
trắng

Thùng thùng trống chuyển nhịp tơi bời
Nhiễu
đỏ bên trái lên
Nhiễu
xanh bên phải xuống

Lưng vàng rạp cỏ

Giọt rượu
hồng hoen bố tử


Chiều
tím bặt sa trường màu giun chết

Đêm
vàng Kinh Bắc

Bến về nghe sợi đập làng
xanh


Gấc
đỏ mặt ngoài vườn

Mắt sư nữ chùa Thầy
thoắt mang màu
xanh xứ Lạng

Vạt áo
chàm vòng bạc
sương muối đầu năm

Những hạt đậu
xanh già nắng
óng mùa thơm

Nồi cám lợn kê
vàng khê khét

Chị gọi đôi cây
trầu cay má
đỏ
kết xe
hồng đưa Chị đến quê Em

Tướng sĩ
đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì

Em đi đêm tướng
điềuđỏ
đổi xe
hồng đưa Chị đến quê Em

Năm sau giặc giã
Quan Đốc đồng áo
đen nẹp đỏ
thả tịnh
vàng cưới Chị
võng mây trôi


Lắc đầu hoa tím rụng
ngó rừng
xanh Em hỏi ngọn nguồn
Biết rồi
Thôi
nghe hoa
tím hát


Em vắt quả cam
vàng đầu ngọn sông Thương

Chuỗi trân châu trút xuống mâm
vàng


Trách gì ai cặm cụi vót tre
đan lồng
vàng tía
ngỡ trời mây
trăm sắc ước ao

Chiếc lá mơ rừng
hát lừng ngọn gió
khóc
đỏ chiều quê


Gà con nhớ mẹ
cỏ
vàng rung chân

Chim
vàng phải tên dưới bụng
giận mình bay quá cao
Bướm
ngũ sắc rã rời tay trẻ xé
trách mình quá lộng nắng tàn xuân

hồng Em lại nổi
đồng mùa nước lụt mông mênh

Đào giếng sâu rồi
đừng lấp vội ngày
xanh

Những hội hè Kinh Bắc
có thi nhau giật giải pháo toàn
hồng


Tóc quấn cột nhà
Con trăn
đen thoi thóp

Bụng đâu chứa hết những bãi sông
xanh ngắt

Má xuân
hồng
lồng khói
tím
lịm sang thu


Đùi chảy búp dài thon nhún vội
Bàng hoàng tia chớp liệng nghiêng
xanh


Chuỗi pháo đùng thèm bay
bùng giấy
đỏ liều thân


Một mái rạ
vàng ấm Châu Long Dương Lễ
Ngơ ngẩn đường khâu áo lạnh Lưu Bình

Chợt bừng nghìn cây nến
đỏ
như sững sờ nghìn tội

xanh ngây ngây đêm sông Cầu
Em anh giờ lẩn trốn bụi bờ đâu


Vớt Trương Chi về gấm đỏ lầu Tây


Những lá Diêu Bông
với đôi xe
hồng

Cây đu đủ sau nhà vừa bấm ngọn
đội mũ niêu
đen
đi trong đêm mưa dầm

Dẫy tre xa giấu biệt giải khăn
điều

chiêm chiếp xó nhà mưa mọt
xanh gì chỏm tóc lên ba

Chị lỡ xe
hồng
Mẹ đi lấy chồng
cỗ cưới chênh vênh khoai luộc
Mật
vàng mọng rách vỏ nâu non


ổ sáo
đen mái chèo khua vỡ trứng

Đi tìm con bướm
bạc đầu
Liếc qua hoa nhài nhuộm
nâu

Cúc vàng sóng sánh
khăn nhiễu tam giang

Ơi chiều Kinh Bắc
Chuông chùa nhuộm
son


Và dai dẳng em ơi
là cơn say khát lá
cứ thon mềm
xanh lả
trong men quê bồi hồi

Ta con bê
vàng lạc dáng chiều xanh
đi mãi tìm sim chẳng chín

Ô này tám đỏ ra hoa

Ta con chim cu
về gù dặng tre
đưa nắng ấu thơ
về sân đất
trắng

Friday, 27 November 2009

Bằng

Cách gieo bằng trắc trong thơ thất ngôn Đường luật (tứ tuyệt và bát cú) dĩ nhiên luôn tuân theo quy tắc chặt chẽ, hỏng bằng trắc là coi như hỏng bài thơ. Khi các nhà Thơ Mới làm thơ bảy chữ, tuy có lúc thay đổi về cách ngắt nhịp, nhưng tựu trung họ vẫn không thay đổi nhiều về cách gieo bằng trắc. Bằng trắc trong từng khổ thơ bảy chữ bốn câu trong các bài thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử .v.v. không khác so với bằng trắc trong các bài tứ tuyệt ngày xưa. Nếu lấy nhịp 4/3 làm chủ đạo, thì trong từng cụm 4 và cụm 3 luôn có bằng trắc xen kẽ, chứ không có chuyện toàn thanh bằng hay toàn thanh trắc trong cụm; hoặc nếu xét về một câu bảy chữ thì không có chuyện năm đến sáu thanh bằng đứng liền nhau. Thỉnh thoảng, có những câu những bài ngoại lệ, mà nhiều người biết nhất là bài Tỳ bà toàn thanh bằng của Bích Khê, có hai câu mà hầu như ai đọc thơ cũng nhớ và Hoài Thanh tán tụng là thuộc loại hay nhất trong thi ca Việt Nam:

Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông

Xuân Diệu trong bài Nhị hồ cũng sử dụng rất nhiều thanh bằng, ví dụ như hai câu này:

Sương nương theo trăng ngừng lưng trời

Tương tư nâng lòng theo chơi vơi

Còn trong Tống biệt hành, Thâm Tâm viết:

Đưa người ta không đưa sang sông

….

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.

Khi đọc nguyên một tập thơ Quang Dũng tôi từ đầu đến cuối, tôi thấy Quang Dũng thường xuyên viết những câu thơ bảy chữ không theo cách kết hợp bằng trắc “truyền thống” kể trên, thường là sử dụng nhiều thanh bằng đứng liền kề nhau, hoặc nếu có kết hợp thanh trắc thì đặt vào những vị trí lạ lẫm, khiến cho câu thơ thường mang âm điệu chơi vơi.

Trong những bài đầu tiên, đã thấy Quang Dũng viết những câu như thế:

Chiêu Quân sang Hồ xừ hồ xang

(Chiêu Quân)

Ngồi đây năm năm miền ly hương, hay

Tịch mịch sầu vơi bèo râm ran, hay

Em ơi! Em ơi! Đêm dần vơi

(Cố quận)

Trong những bài nổi tiếng như Mắt người Sơn Tây hay Tây Tiến thì có:

Vầng trán em mang trời quê hương

Mắt em dìu dịu buồn Tây phương

hay

Mường Lát hoa về trong đêm hơi, hay

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi, hay

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi, hay

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Trong những bài ít nổi tiếng hơn cũng không thiếu những câu mang âm điệu như thế. Ví dụ:

Trong bài Thu, có câu: Cánh hồng nhạt nhạt mây phiêu lưu, hay Ngồi đây vời tưởng đường quê hương, hay Buồn nhớ thương ai lòng hiu hiu.

Trong bài Hồ Nam, có câu: Ai biết Hồ Nam giờ ra sao

Trong bài Bố Hạ, có: Tơi nón trung du em về đâu, hay Rừng xa Yên Thế hùm thiêng nằm

Trong Pha Đin, có: Dừng xe trong mây nhìn phương Nam.

Thơ Quang Dũng có một chất đặc biệt. Đặng Tiến thì gọi đó là chất mơ, “một thoáng mơ phai”. Người khác thì gọi đó là chất hào hoa, chất Hà thành. Riêng trong những bài bảy chữ, tôi nghĩ, cách sử dụng bằng trắc thế kia cũng góp phần tạo nên nét độc đáo của thơ Quang Dũng.

(Có lẽ tôi không nên nói rằng entry sắp tới sẽ viết về nhà thơ "màu mè" bậc nhất Việt Nam, kẻo có bạn đi theo chằng chằng đòi nợ:))

Thursday, 26 November 2009

Khi [cha] mẹ vắng nhà

Cha mẹ rất quan trọng đối với sự phát triển của con cái.

Câu này hiển nhiên, và nhắc lại ở đây có vẻ thừa đúng không ạ?

Thôi thì chỉnh nó đi một chút, coi thử có còn hiển nhiên không: Cha mẹ cần dành nhiều thời gian cho con cái.

Cái câu sửa lại này, sự hiển nhiên có vẻ vẫn còn, nhưng có vẻ như (có vẻ thôi) bắt đầu gợi ra vấn đề. Hay dà, cha mẹ làm đầu tối mặt tối cả ngày, tối về mệt rũ, chưa kể thi thoảng phải đi tiếp khách/ sinh nhật đồng nghiệp/ dự tiệc khai trương v.v., bao nhiêu sự kiện xã hội cần sự có mặt của những người làm cha làm mẹ, làm thế nào dành nhiều thời gian cho con được. Thế nhưng, các cha mẹ ơi, dù bận rộn đến đâu, hãy về nhà sớm với con cái, đặc biệt là khi con bạn đang tuổi teen.

Hãy giở thử truyện Kiều ra xem, có phải chỉ vì cha mẹ đi ăn tiệc về muộn, mà nàng Kiều ta, một hot teen, đã đang đêm hôm tót sang nhà giai, đàn hát rồi thề bồi này nọ kia không:

Đến nhà vừa thấy tin nhà,
Hai thân còn dở tiệc hoa chưa về.
Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình

Các bậc cha mẹ cứ mải đi ăn tiệc đi, rồi con gái mình nó chạy theo trai hết.

Chẳng những chạy theo trai, mà còn nói thế này:

Đừng điều nguyệt nọ hoa kia .
Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai

Chỉ không có chuyện hoa nguyệt thôi, ngoài ra thì chẳng tiếc gì cả. Ghê gớm chưa cái cô hot teen này!

Phụ lục: Vì sao Kiều là hot teen?

Hot, vì dựa vào câu này:

Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

Còn teen, vì dự vào câu này:

Xuân xanh xấp xỉ đến tuần cập kê

Bác Nguyễn Tài Cẩn thì cho rằng Kiều gặp Kim khi đã hai mươi mốt tuổi, nhưng tôi không tin bác ấy lắm. Thời đó, gái hai mươi mốt tuổi hẳn đã là gái già!

Tuesday, 24 November 2009

Bằng trắc

Bà Huyện Thanh Quan:

Lối xưa/ xe ngựa/ hồn thu thảo
Nền cũ/ lâu đài/ bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan/ cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt/ với tang thương


Nguyễn Khuyến:

Mấy chùm trước giậu/ hoa năm ngoái
Một tiếng trên không/ ngỗng nước nào


Xuân Diệu:


Gió sáng bay về/ thi sĩ nhớ
Thương ai không biết/ đứng buồn trăng
Huy hoàng trăng rộng/ nguy nga gió
Xanh biếc trời cao/ bạc đất bằng


Nguyễn Bính:

Tôi lạnh đầu sông/ giá ngọn nguồn
Nhớ nhà thì ít/ nhớ em luôn
Chênh vênh bóng ngả/ sầu lau lách
Chiều ngái hương rừng/ lối nhạt son

Huy Cận:

Người ở phương trời/ta ở đây
Sầu mong phương nọ/ nhớ phương này
Tương tư đôi chốn/ tình ngàn dặm
Vạn lý sầu/ lên núi/ tiếp mây


(Cái này coi như mở đề. Entry kế tiếp tôi sẽ viết về một nhà thơ có lối sử dụng bằng trắc rất đặc biệt. Stay tuned!)


Monday, 23 November 2009

Từ Ngầm đến Facebook

Điều tôi nhớ nhất khi đọc xong Ngầm của Murakami không phải là bất cứ thứ gì trong cuốn sách, mà là những khó khăn Murakami gặp phải khi thực hiện cuốn sách. Tất nhiên cuốn sách có một thông điệp – sách nào chẳng có một thông điệp, và cách cuốn sách được trình bày cũng lạ - cuốn sách là tập hợp các cuộc phỏng vấn các nạn nhân và những kẻ thực hiện vụ đầu độc hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo bằng chất độc sarin năm nào. Nhưng nhìn chung cuốn này của Murakami đoc không thích lắm, có thể vì những cuộc phỏng vấn có nhiều điểm tương tự nhau quá nên dễ gây nhàm chán. Có cảm giác chỉ cần đọc một phần ba những cuộc phỏng vấn trong đó là đủ. Thêm nữa thì quá nhiều. Chính vì vậy, tôi mới nói rằng cái làm tôi nhớ nhất về cuốn sách không phải là bản thân về cuốn sách mà là về tinh thần tuân thủ pháp luật của người Nhật và điều đó đã gây khó khăn như thế nào cho Murakami trong việc thực hiện cuốn sách.

Nhật Bản cũng như hầu hết các nước phát triển khác coi trọng sự riêng tư và họ luật hóa điều đó thông qua những đạo luật bảo vệ thông tin cá nhân. Luật này quy định những vấn đề như những loại thông tin nào được coi là thông tin cá nhân, trong trường hợp nào thì một tổ chức được phép thu thập thông tin cá nhân, khi thu thập thông tin cá nhân rồi thì phải bảo vệ và sử dụng những thông tin cá nhân đó như thế nào .v.v. Hầu hết các nước có luật bảo vệ thông tin cá nhân đều quy định hồ sơ bệnh nhân là một loại thông tin cá nhân được bảo vệ. Lý do vì sao? Thử tưởng tượng xem con trai bạn dị ứng với đậu phộng, kẻ thù của bạn biết được thông tin này và dùng đậu phộng để khống chế con bạn (cảnh này trong phim gì có Harrison Ford đóng, quên tên). Ví dụ khác bạn bị viêm dạ dày và thông tin đó bị website của bệnh viện công bố. Cô gái bạn đang định tán tỉnh tình cờ truy cập được thông tin đó. Vì sợ lây, cô ta nhất định không cho bạn hôn:) Có thể hình dùng việc lộ những thông tin y tế cá nhân như thế có thể gây thiệt hại cho bạn như thế nào.

Để thực hiện được các cuộc phỏng vấn đối với các nạn nhân của vụ đầu độc tàu điện ngầm, điều trước tiên Murakami cần làm dĩ nhiên là phải tìm ra được những nạn nhân đó. Họ ở đâu trong thành phố Tokyo rộng lớn? Họ không phải là người nổi tiếng như những nhân vật của bạn Cát Khuê để bạn có thể dễ dàng truy tìm họ thông qua các mối quan hệ. Họ là những người bình thường: một thư ký, một nhân viên bán hàng, một người soát vé .v.v. lẫn đâu đó trong ba mươi triệu dân Tokyo. Murakami chỉ có đầu mối duy nhất là danh sách nạn nhân đăng báo vào ngày xảy ra vụ đầu độc, nhưng khi tìm đến các bệnh viện nơi đã cứu chữa các bệnh nhân thì chẳng khác húc đầu vào đá. Hồ sơ về họ được các bệnh viện nhất mực giữ kín: họ tuân thủ luật pháp nghiêm nhặt.

Giả sử ở Việt Nam có một đạo luật tương tự và một chuyện tương tự xảy ra ở Việt Nam (giả định thôi, chứ ở ta không cần chất độc sarin người ta vẫn có thể chết dần chết mòn vì vô khối chất độc khác) và có một nhà văn/nhà báo muốn thực hiện những cuộc phỏng vấn tương tự như cách Murakami đã làm, hẳn là anh ta/cô ta sẽ không gặp những khó khăn tương tự. Có hai lý do chính: thứ nhất, việc thực thi luật ở ta bao giờ cũng là một thách thức lớn; thứ hai, ý thức về sự riêng tư người dân ở nước ta “khác” người dân ở những xã hội phát triển. Tại sao “khác” thì là chuyện khác, và là chuyện dài.

Cách đây vài hôm, có bạn (bạn nào thì tự biết là bạn nào nhỉ) tuyên bố trên Facebook rằng bạn có một nghìn mấy trăm bạn trên đó, vì ai muốn kết bạn, bạn cũng chấp nhận. Bạn nhiều thì cũng được thôi, nhưng nên cài lại chế độ riêng tư, ví dụ bạn thân thì được đọc thông tin nào, bạn mới quen thì được đọc thông tin nào. Tôi chứng minh cho bạn thấy rằng căn cứ vào thông tin của bạn để trên Facebook, tôi có thể dễ dàng lấy mật khẩu yahoo của bạn, mà trình độ IT của tôi phò phạch thôi, có phải ba đầu sáu tay gì!

Khuyến mãi thêm một số tips về bảo vệ mình trong thời đại số. Trình độ IT của bạn này chắc chắn ít phò phạch hơn tôi. Đằng nào bạn đấy cũng đã xong PhD về Computer Science!:)

Friday, 20 November 2009

How to kill a dream in one day

Khi người ta trẻ, người ta thường có nhiều ước mơ. Có một số ước mơ cháy bỏng, một số khác chỉ hơi âm ấm. Tuổi càng nhiều, số lượng ước mơ mà người ta có càng giảm dần. Ở khoảng giữa cuộc đời, tức là tầm ba mươi mấy, số lượng ước mơ mà người ta tích lũy khi còn trẻ có thể chia thành bốn nhóm:

  • Nhóm 1: Các ước mơ đã hoàn thành;
  • Nhóm 2: Các ước mơ đã chết;
  • Nhóm 3: Các ước mơ được chuyển thành kế hoạch;
  • Nhóm 4: Các ước mơ tiếp tục được mơ ước.

Khi tôi còn trẻ, rất trẻ, tôi có một ước mơ thuộc loại cháy bỏng tay, là ước mơ trở thành giáo viên. Cụ thể là giáo viên văn cấp 3. Những bạn quen biết tôi đều biết rõ là hiện tại tôi không phải là giáo viên văn cấp 3. Như vậy, ước mơ này của tôi có thể phân loại vào nhóm 2.

Có nhiều lý do khiến cho ước mơ kể trên của tôi bị rơi vào nhóm 2, nhưng lý do cơ bản nhất khiến tôi bức tử ước mơ của mình hơi buồn cười. Đó là một hôm một số bạn nữ trong lớp 12 nhờ tôi đọc giùm bài văn của các bạn ấy trước khi nộp. Chả là văn tôi thường cao điểm nhất lớp. Những bài này được làm ở nhà, nên các bạn tha hồ vẽ vời, mỗi bài khoảng 4 tờ giấy đôi chi chít chữ. Mặc dù thế, rất khó để biết các bạn ấy viết cái gì. Tôi tự nhủ: nếu tôi trở thành giáo viên văn, thì cuộc đời tôi sẽ như thế này đây. Hàng tuần, sẽ phải đọc mấy chục bài văn dài dằng dặc, phải tìm ý, phải sửa lỗi, phải cho điểm. Liệu đó có phải là cuộc đời mà mình hướng tới? Tôi đã trả lời câu hỏi này như thế nào thì các bạn biết rồi.

Hôm qua, sau khi lượn ra phố tìm mua quà cho cô giáo của con gái, tôi chợt nghĩ nếu tôi trở thành giáo viên văn cấp 3 như ước mơ cháy bỏng một thời, thì vào ngày 20/11, tôi có khả năng được tặng rất nhiều sữa tắm và dầu gội đầu. Các hãng hóa mỹ phẩm thật là nhanh nhạy. Nhân ngày 20/11, họ tung ra những gói quà xinh xắn dành cho thầy cô, trong đó có một chai sữa tắm, một chai dầu gội đầu, kèm một cây bút hoặc một cuốn sổ nho nhỏ. Thật là một món quà tiện lợi cho các vị phụ huynh bận rộn. Người ta mua ùn ùn, các nhân viên siêu thị gói quà không kịp thở. Có vẻ như ngày 20/11 đang trên đường trở thành ngày tẩy trần các thầy cô giáo toàn quốc?

Bonus bài này của bạn Trần Thu Trang, viết nhân ngày này cách đây hai năm.


Thursday, 19 November 2009

Muốn

  • Đã lâu không viết entry nào nay lại viết thử xem ra sao lục khắp đầu óc bàn ghế gầm tủ gầm giường đề tài chửa thấy đọc báo Tuổi Trẻ bỗng thấy đề tài "muốn" vút lên cao.
  • Là báo Tuổi Trẻ ngày hôm qua chứ không phải ngày hôm nay. Dạo này tôi toàn đọc báo muộn. Mà phải là báo giấy chứ báo mạng sẽ không bật ra được cái đề tài "muốn" ấy. Trang 4 báo Tuổi Trẻ ngày 18/11/2009 có một mẩu tin tiêu đề hết sức gợi cảm: "Việt Nam muốn Singapore...". Nghe cứ như em muốn anh, hay anh muốn em:) Đọc trang 1, mới biết tiêu đề đầy đủ là "Việt Nam muốn Singapore trở thành đối tác kinh tế chiến lược".
  • Vụn vặt: bộ xương trong góc tủ: Nhờ Google Analytics, tôi mới biết một trong những câu tìm kiếm thông dụng dẫn đến blog này là "cho anh làm chuyện đó một tí đi"! Chắc các bạn vẫn nhớ truyện dịch "Em làm ơn im đi, được không?" mà các bạn đã bàn rất hăng về chuyện nên dịch chữ "come" như thế nào. Câu tìm kiếm trên dẫn đến entry đấy. Buồn cười là nếu "muốn' như thế việc gì người ta phải lên Google tìm kiếm nhỉ?
  • Vừa mới thuyết phục thành công bạn Teen ở nhà mua một cái laptop Dell màn hình 13 inch dùng chip Intel Core 2 Duo thay cho một cái HP màn hình cảm ứng chạy chip AMD Turion. Chuyện là Teen được cấp một cái laptop để chủ yếu là phục vụ mục đích học hành. Tất nhiên ai cũng biết laptop bây giờ là một thế giới giải trí nữa, chứ không phải chỉ để học hành hay làm việc. Ngân sách thì giới hạn mà Teen lại trót mê laptop màn hình cảm ứng. Phải mất mấy ngày để phân tích cho Teen thấy rằng cần phải cân đối giữa ý muốn và nhu cầu, rằng trong phạm vi ngân sách được cấp, để có màn hình cảm ứng thì phải hy sinh về cấu hình; và rằng là màn hình cảm ứng trông thì cool đấy nhưng nó phục vụ cho nhu cầu thời trang nhiều hơn, còn không có gì laptop với màn hình cảm ứng làm được mà laptop không có màn hình cảm ứng không làm được cả. Thêm vào đó, công nghệ máy tính cũng như công nghệ vi xử lý phát triển rất nhanh, với một số tiền nhất định thì nên mua máy với cấu hình mạnh nhất có thể, chứ không nên phí tiền vào những chức năng không thiết thực. Rất vui vì cuối cùng Teen đã chịu nghe ra. Nếu có bạn nào định mua laptop thì tôi sẵn lòng tư vấn nhé, và dĩ nhiên khi tôi tư vấn thì phải mua máy chạy chip Intel rồi:)

Friday, 13 November 2009

The Bourne Identity

Cách đây vài tuần, tôi đi sao y chục bản Chứng minh nhân dân, thế quái nào mà đã hết veo. Tuần này phải chuẩn bị đi sao y thêm vài bản Chứng minh nhân dân nữa. Nghĩ cũng lạ, đằng nào thì tôi cũng là nhân dân – không là nhân dân thì còn là ai được nữa, vậy mà ở nơi nào ở chỗ nào cũng có ai đó cần phải biết rằng tôi có phải là nhân dân hay không. Đâm ra tôi hoài nghi, nếu chẳng may mất Chứng minh nhân dân thì cái thằng tôi còn tồn tại hay không. Đây là câu hỏi dành cho chàng Hăm-nét.

Trong một chừng mực nào đó có thể nói cụm từ “chứng minh nhân dân” thay cho “thẻ căn cước” là một ví dụ mẫu mực của tiếng Việt cũ nhường chỗ cho tiếng Việt mới (chào cụ Kundera), hay nói cách khác đấy cũng là một thành quả của “cách mạng”. Với tôi thì về mặt ngôn ngữ “thẻ căn cước” vẫn luôn có ý nghĩa hơn “chứng minh nhân dân” nhiều lần. Căn cước có ý nghĩa xác định ai là ai về phương diện pháp luật, còn chứng minh nhân dân nghe hơi buồn cười: sao tôi phải chứng minh tôi là nhân dân? Nói vậy thôi, cũng như “sống chỉ còn như một thói quen”, từ dùng nghe riết quen tai, chỉ có ai không phải là nhân dân mới không biết chứng minh nhân dân chính là chứng minh nhân thân:) Căn cước hay chứng minh nhân dân, đằng nào thì khi có tấm thẻ nho nhỏ đó trong tay, người ta bị ràng buộc bởi pháp luật của đất nước cấp cho họ tấm thẻ đó.

Trong thế giới ảo (được dùng với nghĩa thế giới mạng), nickname trong một chừng mực nào đó là căn cước. Tất nhiên không ai cấm bạn dùng nhiều nickname khác nhau, vì vậy, mới có cái qualification “chừng mực nào đó”. Nhưng khi sử dụng một nickname nhất định trong một cộng đồng mạng nhất định, vẫn trong một chừng mực nào đó, người ta bị ràng buộc bởi những quy tắc ứng xử của cộng đồng mạng đó. Nói cách khác, khi phát ngôn dưới một nickname quen thuộc, người ta có khuynh hướng phát ngôn có trách nhiệm đối với nickname đó. Còn ở trong cõi ẩn hình, người ta sẽ cho phép mình phát ngôn tự do hơn, vì chẳng ai chịu trách nhiệm hay cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm về phát ngôn của một nick nặc danh cả. Khi rũ bỏ được cái trách nhiệm vô hình đó, người ta chợt thấy mình tự do, không ngần ngại gì mà không tuôn ra những lời man rợ. Nhưng không là ai cả, người ta cũng đáng thương hơn.

Sự nhập nhoạng của căn cước là một chủ đề trở đi trở lại trong bộ ba tiểu thuyết ngắn của Paul Auster về New York (The New York Trilogy: gồm City of Glass, Ghosts, và The Locked Room). Trong ba tiểu thuyết này, có lúc nhân vật này đóng vai nhân vật kia, nhân vật trở thành tác giả, tác giả trở thành nhân vật, kẻ theo dõi trở thành người bị theo dõi rồi cả hai nhập thành một, có người thì đột nhiên biến mất không để lại mảy may dấu vết. Gấp sách lại, hoặc không gấp sách lại, một câu hỏi lúc nào cũng lơ lửng: rốt cuộc thì ai là ai? Nhưng có lẽ câu hỏi đó không quan trọng bằng cảm giác mà bộ ba tiểu thuyết này tạo ra: nhu cầu về tìm kiếm sự thật.

Mà thôi, mọi sự thật chỉ là tương đối. Tôi quan tâm đến điều đó làm gì khi tôi còn phải bận đi sao y chứng minh nhân dân? Ít ra tôi không phải băn khoăn như chàng Bourne trong loạt phim cùng tên, người đã chạy khắp châu Âu sang đến Ấn Độ, trèo lên mái nhà, bắn súng hai tay, cưỡi mô tô, nhảy xuống nước, rồi leo lên bờ trong hành trình đi xác định mình.

Wednesday, 11 November 2009

Mềm mại quá mềm mại không chịu nổi


1. Nhạc vàng đúng là thuốc độc.

Sáng nay, trên đường đi làm, nghe đĩa nhạc mới của Duy Quang. Chao ôi, cái giọng mềm mại, dịu dàng đấy làm người nghe lòng cũng cành biếc run run chân ý nhi. Sáng, không tập thể dục, người ngợm cứng đơ xương khớp răng rắc, vậy mà nghe giọng hát này người chợt mềm oặt như bún. Chợt thấy một cô gái thất thểu đi ngược chiều dắt chiếc xe máy hẳn là bể bánh mà lòng cảm thương chi lạ. Đúng là thứ âm nhạc này làm băng hoại một tâm hồn trong trắng ngây thơ. Thảo nào ngày xưa các anh nghe Thanh Thúy, Mai Lệ Huyền ảo não sầu bi phải thua tan tác trước các anh nghe nhạc đỏ hừng hực khí thế chiến đấu.

2. Miên man thế nào lại nhớ về thơ chính mình thời mười chín, hai mươi tuổi, cái thời trong sáng và mộng mơ. Mười chín tuổi – ai mà không trong sáng và mộng mơ? Thơ thời ấy nhờ vậy cũng mềm mại, vần điệu nhịp nhàng, và đảm bảo không có quần đùi hay bao cao su.

Chép lại một bài làm chứng dưới đây. Bài tên là Ngọc Lan, ai cùng tên thì tặng luôn nhe:)

NGỌC LAN

Giá trời không mưa vào những buổi chiều

Và chiều ấy không phải chiều tháng sáu

Sẽ không hương ngọc lan về đậu

Có nghĩa là anh không quắt quay


Vó ngựa nào chở tình yêu qua tay

Cỏ chân trời ủ mờ sương khói

Nẻo hạnh phúc dòng chân em có mỏi

Vai anh đâu sóng chòng chành


Lá không còn xanh nữa dưới chân mình

Thương buổi hồng hoang nhạt nhòa gió cuốn

Kỷ niệm ôm anh bồng bềnh xuôi ngược

Mặc nỗi buồn phố xá đún đùn ra


Có những ngày buồn đi mãi không qua

Anh hớp mặt trời để thắp những chiều mưa tháng sáu

Đom đóm lập lòe những đêm trăng náu

Khi ngọc lan thơm như tình ta.

13/7/94

Monday, 9 November 2009

Sững sờ và run rẩy

1. Thế là AIG cũng khép lại. AIG ở đây không phải là công ty bảo hiểm Mỹ. AIG là Asian Indoor Games, phiên bản tiếng Kinh treo trên các nẻo đường Sài Gòn là Đại hội thể thao châu Á trong nhà, hoặc Đại hội thể thao trong nhà châu Á, tùy chỗ, cái nào cũng được, vì đằng nào cũng có ai quan tâm đâu, trừ các quan chức ngành thể thao Việt Nam và cái ao bèo là mấy trang báo thể thao còm cõi nước nhà.

AIG là một đại hội thể thao gần như vô tiền – trước đây chỉ có hai lần được tổ chức – và chắc chắn là khoáng hậu – sau lần này, nó sẽ được dẹp đi. Một đại hội gần như không quá khứ và chẳng có tương lai, đã được các quan chức thể thao Việt Nam hồ hởi mang về nhà, tiêu tốn hết 100 triệu USD ngân sách Nhà nước. Và, để tương xứng với con số 100 triệu đô đó, hẳn người ta đã làm hết sức để Việt Nam vơ vét huy chương đến mức có thể. Nhờ đó, kết thúc đại hội, Việt Nam về nhì với 42 huy chương vàng, chỉ sau Trung Quốc (vuốt mặt chắc còn nể mũi), còn các đại ca châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.v.v. Việt Nam cho ngửi khói cả. Quả là một bước đại nhảy vọt về thành tích nếu biết rằng AIG lần đầu Việt Nam đứng thứ 21 không có huy chương vàng nào, AIG lần hai Việt Nam đứng thứ 13 với 2 huy chương vàng. Giá như thành tích kinh tế hay giáo dục nước nhà cũng đại nhảy vọt như vậy!

Xem lại danh sách các môn thi đấu, mới thấy chúng ta toàn đưa vào những môn chả ai thèm chơi, như đá cầu, lặn, vovinam, pencak silat; có môn chỉ có hai hay ba đoàn tham gia thi đấu. Chẳng những thế, với các môn “thế mạnh”, chẳng hạn như Vovinam, chúng ta “lấy” huy chương cũng thật mạnh tay. Chính ông Phó trưởng ban tổ chức AIG trả lời phỏng vấn còn công nhận điều này.

2. Tôi không xem trận bóng đá giữa U23 và U23 Trung Quốc vừa rồi (hàng quán thì nhiều, nên ăn cũng phải chọn lọc chứ!), nhưng hôm sau xem tin trên báo cũng không khỏi sững sờ và run rẩy. Cái gì mà đè bẹp! Chênh lệch có hai bàn, 3-1 thì khác gì 2-0, mà cũng phải đến phút cuối mới thêm bàn nữa, còn thì cũng đá trối chết. Đấy là chưa kể, Trung Quốc tuy mang tiếng U23, nhưng nhiều cầu thủ chỉ 19, 20 tuổi. Nói chung, đội nhà thắng, lại là thắng các bạn láng giềng môi hở răng lạnh thì cũng thích, nhưng nhà báo giật tít như thế thì hơi ấy quá!

3. Mà, nói chung, tôi cứ tưởng là các bạn phóng viên văn hóa nghệ thuật là ấy lắm rồi, sau mới biết các bạn phóng viên thể thao còn Điêu Thuyền gấp bội. Lấy các bạn viết bóng đá quốc tế làm ví dụ, hễ đội bóng nọ thắng một trận thì các bạn cho ngay là “nòng pháo vươn lên trời” “gầm vang” “đè bẹp”, còn thua hay hòa một trận thì các bạn cho ngay “vấn đề về bản lĩnh’ “đứng trước thảm họa” vân vân và vân vân. Ít có bạn nào đủ tỉnh táo để nhìn ra cái được trong thất bại và cái chưa được trong chiến thắng của một đội bóng. Tôi rất khoái câu nói của một bác quên mất là bác nào: Sports writers are either failed sportsmen or failed journalists! Hơi quá đáng nhưng rất đích đáng.

Lại nhớ, ngày trước, có một bạn chuyên viết về giải ngoại hạng Anh. Phong cách của bạn này khá đặc biệt: trong mỗi bài bình luận bạn sẽ cố nèo cho được một câu trích dẫn của một bác rậm râu hay hói đầu, bạn ví trận này như giao hưởng của Beethoven, trận kia như một bức tranh siêu thực. Đọc một vài bài đầu của bạn còn thấy thinh thích, có khi còn có cảm giác sung sướng một cách trí thức (đấy, bóng đá cũng triết học cũng văn chương chứ đâu phải chỉ cắm đầu chạy hùng hục!). Được tán thưởng, bạn lậm vào phong cách đấy. Bạn đem cả Nietzsche, Hegel vào minh họa cho bình luận bóng đá; Mozart, Bach, Haydn thay phiên diễu hành trong bài viết của bạn; đến già nua như bi kịch Hy Lạp bạn cũng không tha. Đến lúc ấy thì người đọc thấy quá đủ: cơ bắp của bạn cứ gọi là lồ lộ cả lên. Bình luận bóng đá thì cứ bình luận bóng đá, việc gì phải gồng mình như thế chứ!

Bánh mì kẹp và Ocean Vương