Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2025
Hemingway trả lời phỏng vấn
Thứ Năm, 12 tháng 6, 2025
Không có gì
+ Tiếp tục tóm tắt các bài phỏng vấn quan trọng trên The Paris Review, nếu có thời gian thì dịch hẳn một vài bài, chẳng hạn bài Faulkner;
+ Viết về các cuốn mới đọc gần đây: Âm thanh và cuồng nộ (phù, cuối cùng đã thực sự đọc xong); Death in Spring, The Tunnel.
+ Bonus tấm ảnh một kiệt tác khuân từ Barcelona về:
Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2025
James Baldwin trả lời phỏng vấn
Theo chỗ tôi biết, hiện diện của James Baldwin trong tiếng Việt còn khá ít ỏi: một bản dịch Điệu buồn cho Charlie của Sài Gòn trước 1975 (Phan Lệ Thanh dịch - PLT cũng là người dịch Goodbye, Columbus của Philip Roth) , bản dịch Căn phòng của Giovanni (Duy Đoàn dịch) gần đây do Tao Đàn in; tôi cũng từng nhìn thấy bản dịch của If Beale Street Could Talk có lẽ dịch thời bao cấp. Hình như chỉ có thế. James Baldwin viết nhiều, cả tiểu thuyết và tiểu luận đều có những cuốn xuất sắc. Bài phỏng vấn James Baldwin do The Paris Review thực hiện năm 1984. Dưới đây là những điểm đáng lưu ý:
+ James Baldwin có một thời tuổi trẻ sống ở Paris, chính thời gian ấy tạo cảm hứng cho ông viết tiểu thuyết đầu tay Căn phòng của Giovanni. Khi đến Paris, ông không biết một chữ tiếng Pháp nào. Lý do ông chọn Pháp là, thực ra ông không chọn Pháp, mà chỉ muốn thoát khỏi New York. Là người da đen sống ở New York thời kỳ đó, theo ông chỉ có hai lựa chọn: giết hay bị giết.
+ James Baldwin học cách viết từ ai? Ông đọc rất nhiều. Hai nhà văn có ảnh hưởng lớn đến ông là Dostoievski và Balzac, đặc biệt là Balzac.
+ TBC
Thứ Hai, 19 tháng 5, 2025
Không còn tình yêu - Javier Marías
Truyện ngắn của Javier Marías
Rất có thể mục tiêu chính của các hồn ma, nếu họ vẫn tồn tại, là ngăn cản mong muốn của những người còn sống, hiện ra khi sự có mặt của họ không được chào đón và lẩn biến đi nếu có ai trông chờ hay đòi hỏi. Tuy vậy, các tài liệu mà Ngài Halifax và Ngài Rymer thu thập được trong những năm 1930 cho ta biết, đôi khi, có những thỏa thuận giữa ma và người.
Một trong những trường hợp khiêm nhượng và cảm động nhất là chuyện về một bà cụ sống ở thị trấn Rye, khoảng năm 1910: một nơi chốn phù hợp cho những mối quan hệ lâu bền, vì cả Henry James lẫn E.F. Benson đều từng sống ở Rye độ vài năm trong cùng ngôi nhà có tên là Lamb House, (họ sống ở đó trong những quãng thời gian khác nhau, Benson thậm chí còn trở thành thị trưởng), hai nhà văn rất mực bận rộn với những chuyến viếng thăm và sự trông đợi, hay có lẽ, niềm hoài nhớ ấy. Thời trẻ, bà cụ này (nhũ danh Molly Morgan Muir) là người hầu cho một quý bà cao tuổi, giàu có; Molly giúp việc cho bà, gồm cả việc đọc tiểu thuyết để bà dịu nỗi buồn chán vì bà chẳng có nhu cầu gì mấy mà lại gánh chịu cảnh góa phụ từ sớm và không thể tránh khỏi: theo người dân trong thị trấn, bà Cromer-Blake đã phải chịu đựng sự thất vọng ngang trái thi thoảng trong tình yêu sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi, và có lẽ điều này - hơn là cái chết của ông chồng ít được hay hoàn toàn không được nhớ tới - đã khiến bà có vẻ cáu bẳn và thu mình vào cái tuổi mà những phẩm chất ấy ở một phụ nữ không còn hấp dẫn hay duyên dáng hay là đối tượng đùa cợt nữa. Sự chán nản khiến bà uể oải đến nỗi bà gần như không thể tự mình đọc cái gì một mình trong im lặng, vì vậy bà sai người hầu đọc to cho bà nghe những chi tiết về các chuyện tình và cảm xúc mà với mỗi ngày trôi qua - và chúng trôi qua rất nhanh và đơn điệu - dường như càng xa cách hơn căn nhà ấy. Bà luôn lắng nghe thật lặng lẽ, tuyệt đối đắm chìm trong câu chuyện, và thảng hoặc lắm mới yêu cầu Molly Morgan Muir đọc lại một đoạn hay một mẩu đối thoại mà bà không muốn giã từ mà trước hết không cố tỏ ra lưu luyến. Mỗi khi Molly đọc xong, nhận xét duy nhất của bà là: “Molly, giọng của cô thật dễ thương. Với chất giọng đó cô sẽ tìm thấy tình yêu.”
Chính trong những buổi đọc ấy hồn ma của ngôi nhà xuất hiện: mỗi tối, khi Molly đang đọc những câu văn của Stevenson, Jane Austen, Dumas hay Conan Doyle, cô có thể nhận ra hình dáng một chàng trai trẻ, thuần hậu, một anh chàng vững chải. Lần đầu thấy anh, đứng tì hai khuỷu tay trên lưng ghế bà già đang ngồi, như thể anh ta đang chăm chú lắng nghe truyện cô đang đọc, cô suýt rú lên vì sợ hãi. Nhưng chàng trai trẻ ngay lập tức nhấc một ngón tay lên môi trấn an, ra hiệu cô cứ tiếp tục và đừng tiết lộ sự có mặt của anh. Anh có một gương mặt hiền lành, và một nụ cười bẽn lẽn thường trực trong đôi mắt giễu cợt, thỉnh thoảng nhường chỗ cho, giữa những đoạn u sầu, vẻ nghiêm túc ngây thơ và đầy cảnh giác của một người không rành rọt cách phân biệt giữa cái có thực và cái tưởng tượng. Cô gái nghe theo, cho dù trong ngày đầu tiên đó, cô không thể không ngước lên quá thường xuyên nhìn qua cái chỏm trên đầu bà Cromer-Blake, người cũng nhìn lên theo, như thể tự hỏi một cái mũ giả định nào đó đang bị lệch hay như thể đèn không đủ sáng. “Gì thế, cô bé?” bà nói, hơi bực mình. “Sao cô cứ ngước nhìn cái gì hoài vậy?” “Không có gì ạ,” Molly Muir đáp, “chỉ là cách cháu cho mắt nghỉ ngơi trước khi quay lại cuốn sách thôi. Đọc lâu thế này làm cháu mỏi mắt.” Chàng trai khăn quấn quanh cổ khẽ gật đầu và cử chỉ đó có nghĩa là cô gái sau này có thể tiếp tục thói quen ngước nhìn và nhờ đó ít ra có thể thỏa mãn con mắt tò mò của mình. Vì, kể từ đó, đêm nào cũng thế, trừ rất ít ngoại lệ, cô đọc cho bà già mà cũng là đọc cho anh, mà bà già chưa bao giờ ngoảnh lại hay khám phá ra sự hiện diện của chàng trai trẻ.
Chàng trai không nấn ná hay xuất hiện vào bất cứ lúc nào khác, do đó trong suốt bao năm trời Molly Muir chưa bao giờ có cơ hội nói chuyện với anh hay hỏi anh là ai hay từng là ai hay tại sao anh lại nghe cô đọc sách. Cô ngẫm tới khả năng anh biết đâu là nguyên do của sự thất vọng trong tình yêu bị cấm đoán mà bà chủ của cô gánh chịu đâu đó trong quá khứ, nhưng bà chủ chưa bao giờ chia sẻ bí mật nào, bất chấp những lời bóng gió của những trang sách được đọc to ấy và của chính Molly trong những cuộc trò chuyện chậm rãi, trong đêm suốt cả nửa cuộc đời. Có lẽ tin đồn là không đúng và bà chủ chẳng có gì đáng để kể lại, ấy là lý do tại sao bà đòi nghe những câu chuyện xa xôi nhất, lạ lẫm nhất và khó xảy ra nhất. Hơn một lần, Molly có ý định làm điều tử tế, nói cho bà nghe chuyện gì diễn ra sau lưng bà để bà chia sẻ với cô niềm hào hứng nho nhỏ hằng ngày, kể cho bà nghe về sự hiện diện của một người đàn ông giữa những bức tường vô tính, trầm tư trong đó chỉ có tiếng vọng, đôi khi nguyên cả ngày đêm, của giọng họ; giọng của bà chủ ngày càng già hơn, lẫn thẫn hơn, còn giọng của Molly Muir, mỗi sáng, bớt đẹp đi một tí, yếu ớt hơn và nhợt nhạt hơn, và trái ngược với dự đoán, không mang đến tình yêu cho cô, ít nhất không phải là một thứ tình yêu sẽ ở lại, một thứ tình yêu có thể cầm nắm được. Nhưng bất cứ khi nào cô định đầu hàng sự quyến rũ đó, cô sẽ đột nhiên nhớ lại cử chỉ ra hiệu im lặng của chàng trai - ngón tay trên môi, thỉnh thoảng lặp đi lặp lại với ánh nhìn hơi có vẻ trêu chọc - và thế là cô giữ im lặng. Cô không muốn chọc giận anh chút nào. Có lẽ ma cũng dễ chán chường như góa phụ.
Sau khi bà Cromer-Blake mất, Molly vẫn ở trong ngôi nhà ấy, buồn và mất phương hướng nên cô ngừng đọc sách mất mấy ngày: chàng trai không xuất hiện. Tin rằng chàng trai quê muốn có được học vấn mà chàng rõ ràng là đã thiếu trong cuộc đời, nhưng cũng sợ rằng không phải vậy mà sự hiện diện của chàng gắn một cách bí ẩn với bà già mà thôi, cô quyết định đọc to trở lại để gọi anh về, lần này cô không chỉ đọc tiểu thuyết, mà còn cả sách về lịch sử và khoa học tự nhiên. Mất ít lâu chàng trai mới xuất hiện trở lại - có lẽ ma cũng để tang, họ có lý do làm điều ấy hơn ai hết - nhưng cuối cùng chàng cũng xuất hiện trở lại, có lẽ bị thu hút bởi những nội dung mới, mà chàng tiếp tục lắng nghe với cùng vẻ chăm chú, nhưng lần này chàng không đứng, tì vào lưng ghế, mà thoải mái ngồi hẳn xuống ghế bành, thỉnh thoảng vắt chân chữ ngũ, cầm tẩu thuốc trên tay, như một vị trưởng tộc mà anh không bao giờ trở thành.
Cô gái, ngày càng già đi, càng nói chuyện thân mật hơn với anh, nhưng chưa bao giờ được trả lời: ma không phải lúc nào cũng nói được, mà cũng không phải lúc nào cũng muốn nói. Và như thế mối liên kết đơn phương ấy phát triển, năm tháng cứ thế trôi qua, cho đến một ngày nọ chàng trai không hiện ra, rồi cả những ngày và tuần kế tiếp cũng không thấy chàng đâu. Cô gái, giờ đã khá già, thoạt tiên lo lắng như một người mẹ, sợ một tai nạn hay chuyện không may nghiêm trọng nào đó đã xảy ra với anh, không nhận thức được rằng những chuyện ấy chỉ có thể xảy ra với người sống, chứ ai không còn sống thì lại an toàn. Hiểu ra điều này, nỗi lo lắng của bà chuyển sang tuyệt vọng: tối tối, bà nhìn chằm chằm vào cái ghế bành trống rỗng và nguyền rủa sự im lặng, hỏi những câu hỏi đau buồn với hư không, ném những lời trách móc vào không gian vô hình, bà băn khoăn không biết mình đã phạm phải lỗi lầm gì và bà háo hức tìm những cuốn sách mới có thể khơi dậy lòng hiếu kỳ của chàng trai để khiến chàng quay trở lại, những thể loại mới và tiểu thuyết mới, và bà nôn nao chờ đợi từng kỳ truyện Sherlock Holmes mới, vì bà tin tưởng kỹ năng và văn chương của ông hơn bất kỳ món mồi khoa học hay văn chương nào khác. Bà tiếp tục đọc to mỗi ngày, để xem chàng trai có đến hay không.
Một tối nọ, sau nhiều tháng sầu muộn, bà phát hiện ra cái đánh dấu sách kẹp trong một cuốn của Dickens mà bà đã kiên nhẫn đọc cho chàng trai trong khi chàng vắng mặt không còn ở chỗ bà đánh dấu nữa, mà đã được dời sang chỗ khác cách đó nhiều trang. Bà cẩn thận đọc trang chàng đánh dấu, và rồi, cay đắng bà hiểu ra và gánh chịu nỗi thất vọng vốn có thể đến trong mọi cuộc đời, cho dù cuộc đời ấy kín đáo hay tĩnh lặng đến thế nào chăng nữa. Trong trang sách ấy, có một câu như thế này: “Và khi cô già đi và nhăn nheo, chất giọng mờ đục của cô không còn làm chàng vui sướng nữa.” Ngài Rymer nói rằng bà già ấy trở nên phẫn uất như một người vợ bị từ chối, và rằng, hoàn toàn không chấp nhận phán xét này và không chịu câm lặng, bà lớn tiếng mắng mỏ khoảng không: “Ngươi không công bằng. Ngươi không già đi và ngươi cứ muốn có những giọng đọc trẻ trung, tươi tắn, ngươi muốn ngắm những gương mặt đầy căng rạng rỡ. Đừng nghĩ là ta không hiểu ngươi, ngươi trẻ trung và vẫn mãi trẻ trung. Nhưng ta đã dạy dỗ ngươi, giải khuây cho ngươi bao nhiêu năm nay, nếu nhờ ta mà ngươi học được bao nhiêu điều, kể cả học đọc, thì cũng đừng tới mức mà ngươi để lại cho ta những lời nhắn phũ phàng qua chính cuốn sách mà ta luôn chia sẻ với ngươi. Hãy nhớ rằng khi bà mất đi, ta có thể dễ dàng đọc trong im lặng, nhưng ta đã không làm vậy. Ta biết ngươi có thể đi tìm những giọng nói khác, không có gì ràng buộc ngươi với ta và đúng là ngươi chưa từng đòi hỏi gì ở ta, nên ngươi chẳng nợ nần gì ta. Nhưng nếu ngươi có chút lòng biết ơn nào, ta yêu cầu ngươi ít nhất một tuần một lần đến nghe ta đọc và hãy kiên nhẫn với giọng của ta, cho dù giọng ta không còn đẹp đẽ và không còn làm ngươi vui sướng, bởi vì giờ đây nó sẽ không bao giờ mang tình yêu đến cho ta. Ta sẽ cố tiếp tục đọc tốt hết sức mình. Nhưng hãy tới, bởi vì giờ đây ta đã già, ta mới là người cần ngươi đến đây giải khuây cho ta.”
Theo Ngài Rymer, hồn ma thanh xuân thuần hậu vĩnh hằng đó không phải là hoàn toàn không hiểu biết và chàng đã nghe rõ lý do hay ít ra cũng hiểu biết ơn nghĩa là gì: từ đó, cho đến khi chết, Molly Morgan Muir hào hứng và sốt sắng đợi đến mỗi thứ Tư, ngày mà tình yêu câm lặng và không chạm tới được của bà chọn để trở về với quá khứ của thời của chàng, mà thực ra, ở đó không có quá khứ và không có thời gian. Và người ta nghĩ rằng chính điều ấy đã khiến bà sống thêm nhiều năm nữa, tức là, với một quá khứ và một hiện tại và cả một tương lai hay có lẽ chỉ là niềm hoài nhớ.
Dịch từ truyện "No More Loves" trong tập When I was Mortal của Javier Marías, theo bản tiếng Anh của Margaret Jull Costa
Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2025
William Faulkner trả lời phỏng vấn
+ Tác phẩm mới quan trọng, tác giả thì không, nếu không có người này thì người khác sẽ viết. Quan trọng là Hamlet và Giấc mộng đêm hè đã được viết, chứ không phải là Shakespeare hay ai đó khác đã viết những vở kịch ấy. "The artist is of no importance. Only what he creates is important, since there is nothing new to be said."
+ Quan điểm rất buồn cười về tiểu thuyết gia, có lẽ nhiều phần tự trào: làm thơ không được, nên mới viết truyện ngắn, mà ông cho là "the most demanding form after poetry", và viết truyện ngắn không xong mới viết tiểu thuyết. Ai lý giải được vì sao nước Nam là cường quốc thơ mà tiểu thuyết gia đếm trên đầu ngón tay? và tất cả nhà văn đều viết truyện ngắn?
+ Làm thế nào để trở thành một tiểu thuyết gia nghiêm túc?: Cần chín mươi chín phần trăm tài năng, chín mươi chín phần trăm kỷ luật, chín mươi chín phần trăm lao động. "An artist is a creature driven by demons." Người nghệ sĩ hoàn toàn vô luân, ăn cắp ăn trộm gì cũng được miễn là xong việc. " He is completely amoral in that he will rob, borrow, beg, or steal from anybody and everybody to get the work done." Trách nhiệm duy nhất của nhà văn là đối với nghệ thuật của mình. "The writer's only responsibility is to his art." Nếu cần, thì trấn lột cả mẹ mình. " If a writer has to rob his mother, he will not hesitate."
+ Trả lời câu hỏi "what would be the best environment for a writer", Faulkner bảo không quan trọng, chỗ nào cũng được, miễn là có "peace" và "solitude". Ông còn bảo công việc lý tưởng nhất cho ông là làm chủ nhà thổ: không sợ đói, có nhà để ở, sổ sách thì đơn giản có tú bà lo hết, chỉ cần hối lộ cảnh sát là xong, buổi sáng thì yên tĩnh tha hồ viết lách, buổi tối nếu buồn chán thì sẵn có "social life"!
+ Nhà văn có cần tự do về kinh tế không? Trả lời: không, chỉ cần giấy và bút chì. "Good art can come out of thieves, bootleggers, or horse swipes.... Nothing can destroy the good writer. The only thing that can alter the good writer is death. Good ones don't have time to bother with success or getting rich." Nhà văn tồi thì sẽ than vãn nếu như không có ruồi (câu này tôi thêm vào.)
+ Về kỹ thuật viết văn: "The young writer would be a fool to follow a theory. Teach yourself by your own mistakes; people learn only by error. The good artist believes that nobody is good enough to give him advice."
+ Tác giả đánh giá tác phẩm của mình bằng sự khách quan, trung thực và lòng can đảm. Ông cho rằng không tác phẩm nào của mình đáp ứng tiêu chuẩn của chính ông, và do đó, ông đánh giá tác phẩm của mình dựa trên tiêu chí tác phẩm nào khiến ông đau buồn nhất (grief and anguish), và đó là The Sound and The Fury.
+ "A writer needs three things: experience, observation, and imagination, any two of which - at times any one of which - can supply the lack of the others."
+ Khi được hỏi sao không đề cập inspiration, ông trả lời: "I don't know anything about inspiration because I don't know what inspiration is - I've heard about it, but I never saw it."
+ Faulkner đọc ai? Ông không đọc các tác giả cùng thời. Ông đọc đi đọc lại Cựu Ước, Dickens, Conrad, Cervantes, Flaubert, Balzac, Dostoyevsky, Tolstoy, Shakespeare.
+ Về các nhà phê bình: Nghệ sĩ không có thời gian nghe nhà phê bình nói! "The ones who want to be writers read the reviews, the ones who want to write don't have the time to read reviews."
+ "Life is not interested in good and evil. Don Quixote was constantly choosing between good and evil, but then he was choosing in his dream state. He was mad. He entered reality only when he was so busy trying to cope with people that he had no time to distinguish between good and evil."
+ Về nghệ sĩ, nghệ thuật, sự hữu hạn và bất tử: "The aim of every artist is to arrest motion, which is life, by artificial means and hold it fixed so that a hundred years later, when a stranger looks at it, it moves again since it is life. Since man is mortal, the only immortality possible for him is to leave something behind him that is immortal since it will always move. This is the artist’s way of scribbling “Kilroy was here” on the wall of the final and irrevocable oblivion through which he must someday pass."
Thứ Tư, 14 tháng 5, 2025
Graham Greene trả lời phỏng vấn
Interviewer: Do you see much of your fellow authors?
Greene: Not much, they are not one's materials. A few of them are very dear friends of mine, but for a writer to spend much of his time in the company of authors is, you know, a form of masturbation.
Một câu trả lời thật đích đáng. Nhà văn thực sự thì cần phải viết, chứ không cần đàn đúm. Đàn đúm chỉ tổ dẫn tới phê bình thù tạc. Nhớ tới mấy bài kiểu Sương Nguyệt Minh tán tụng Đất mồ côi của Cổ Viên Tạ Duy Anh mà chạnh lòng. Quả thực là masturbation - mutual masturbation.
Đoạn phỏng vấn trên là trong bài phỏng vấn The Paris Review. Giờ đây, sau khi đã đọc kha khá sách của Graham Greene, tôi mới quay trở lại đọc bài ông trả lời phỏng vấn tạp chí này. Cảm giác của tôi là Greene có vẻ khó gần, không hề cởi mở. Ông trả lời có vẻ dè dặt và chủ động kết thúc bài phỏng vấn. Ông không chia sẻ, không nói nhiều như một số nhà văn khác, ví dụ như Faulkner (bài này rất đã) hay Baldwin. Không thu nhặt được quá nhiều thứ trong bài trả lời phỏng vấn của ông. Một vài điểm để nhớ:
+ Greene có một bộ sưu tập chai whiskey cỡ nhỏ (miniature). Không lạ nếu nhớ lại whiskey tràn ngập các tiểu thuyết của ông.
+ Người phỏng vấn nói rằng England Made Me là cuốn favorite của anh. Bản thân Greene cũng thích cuốn này. (Về sau thì ông nói ở đâu đó The Honorary Consul là cuốn ông thích nhất.) Để tìm đọc.
+ Greene không cho là Mauriac có nhiều ảnh hưởng lên ông.
+ Greene có xây dựng nhân vật từ đời thực không? Câu trả lời là không, "one never knows enough about characters in real life to put them into novels. One gets started and then, suddenly, one cannot remember what toothpaste they use, what are their views on interior decoration, and one is stuck utterly. No, major characters emerge; minor ones may be photographed."
Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2025
Our Man in Havana - Graham Greene
Our Man in Havana thuộc nhóm giải trí, đọc nhẹ hơn các cuốn khác thật, buồn cười mà châm chích tệ quan liêu rất sâu cay. Trong cuốn này, một anh người Anh chuyên bán máy hút bụi sống ở Havana, bị vợ bỏ và có cô con gái tuổi teen tiêu tiền như nước cuốn, được MI6 - cơ quan tình báo Anh tuyển dụng làm điệp viên, trở thành "our man in Havana". Để moi tiền từ MI6, anh ta phịa ra mạng lưới tình báo của mình, phịa ra các báo cáo mà London tin sái cổ. Đặc sắc nhất là chuyện phịa ra một công trình quân sự, có bản vẽ hẳn hòi - anh đã tháo tung một cái máy hút bụi ra và vẽ kết cấu của nó! Rồi đến ngày phát hiện ra anh nói xạo, thì các cấp trên của anh để khỏi phải bẽ mặt đành theo thế phóng lao: anh không những không bị trừng phạt mà còn được trao huân chương.
Our Man in Havana có tính giải trí cao nhưng vẫn mang một chút Kafkaesque trong đó - một Kafka hài chứ không bi. Văn của Greene thì vẫn đỉnh như mọi khi.
Thứ Tư, 7 tháng 5, 2025
Văn Cao nói về thơ
Ngoài việc viết bài hát, làm thơ, vẽ, Văn Cao còn viết tiểu luận về thơ. Mấy dòng dưới đây trích trong bài Mấy ý nghĩ về thơ, tôi lưu giữ lâu nay trong sổ tay, không nhớ bản gốc đăng ở đâu.
Thứ Ba, 6 tháng 5, 2025
Gửi VB - Phan Thị Vàng Anh
Khi người ta trẻ, ý là khi tôi còn trẻ, tôi thấy bạn bè mình ai cũng đọc truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh. Vàng Anh là tác giả ngôi sao đối với giới trẻ đầu những năm 90. Bọn sinh viên chúng tôi hồi ấy thấy mình đâu đó trong những truyện của chị, mê cái không khí lành lạnh, kiểu nói năng của các nhân vật trong truyện chị, thậm chí có những kẻ còn quy ước khi viết thiệp không viết những lời chúc bởi “chúng chẳng bao giờ trở thành sự thật” như quan niệm một nhân vật của chị. Rồi chị lảng đi đâu đó, đám độc giả của chị ra trường đi làm, chẳng mấy khi sờ tới sách vở. Rồi một ngày tự nhiên thấy Phan Thị Vàng Anh xuất hiện với tư cách nhà thơ. Thơ chị cũng không giống thơ ai, mà đám độc giả ngày xưa sau những vấp ngã đầu đời lại một lần nữa thấy chị như viết cho mình, những là “Quờ tay tìm viên thuốc/ Ba năm rồi không sợ đụng nhầm tay ai” và “Chúng ta là bánh mì và chả lụa/ bán riêng và ăn chung”, và nhất là “giờ nằm yên và ngửa cổ/ cho đầu thõng xuống cạnh giường/ đề phòng nước mắt có chảy/ chầm chậm ngược dòng mà tuôn.”
Rồi chị cũng chẳng làm thơ nữa.
Gửi VB, in 2006, 51 trang, giá bìa 15.000 đồng, bằng giá một ổ bánh mì chả lụa.
Thứ Hai, 28 tháng 4, 2025
Cá tháng Tư
dẫu vui hay buồn, bàng quan hay háo hức
ta có thể lựa chọn thái độ
nào có thể lựa chọn tọa độ
Như là cá, ta bơi trong nước
nguyền rủa số phận cá nào có ích gì
Thứ Ba, 22 tháng 4, 2025
Nostalgia - reading notes
Prologue: Trong phần này, có truyện The Roullet Player.
Nostalgia: Phần này bao gồm các truyện Mentardy, The Twins và REM
Epilogue: Truyện The Architect.
Tới lúc này tôi đã đọc xong The Roullet Player, Mentardy, The Twins. Đây đều là các truyện độc lập và chưa nhìn thấy mối liên kết giữa chúng.
+ The Roullet Player kể về một tay chơi trò cò quay Nga trong thế giới ngầm của Bucharest. Trò này đại để là nhét một viên đạn vào khẩu súng ngắn, ổ đạn súng ngắn thì có chỗ cho sáu viên, sau đó kê lên thái dương bóp cò. Xác suất chết là 1/6. Nếu chết thì tòi, nếu không chết thì thắng tiền cá cược. Tay chơi trong truyện này sẽ làm trò điên rồ là nâng dần số viên đạn trong ổ đạn lên, nghĩa là xác suất chết ngày càng lớn. Chắc chắn không nên kể câu chuyện kết thúc như thế nào. Bản thân câu chuyện hấp dẫn và gây sốc, nhưng đó chắc chắn không phải là ý đồ duy nhất của tác giả. Ông khẳng định lý do ông kể câu chuyện này là: "I knew the Roullet Player. Of this I cannot have doubts. In spite of the fact that it was impossible for him to exist, still, he existed. But there is a place in the world where the impossible is possible, namely in fiction, that is, literature." Đấy có phải là nói về quyền năng của văn chương? Nếu các truyện trong tập có mối dây liên kết với nhau, thì đây liệu có phải là một trong những chủ đề?
+ Trong truyện này, còn có một điểm đáng chú ý khi tác giả lý giải về vận may của tay chơi: "When he lifted the pistol to his temple, he divided himself....". Lưu ý về sự phân tách của identity. Có thể đây cũng là một chủ đề khác.
------------
+ Trong truyện Mentardy, cậu nhóc tới sau từ một đứa bị bắt nạt lại trở thành nhà vua (hành vi ngồi trên ngai vàng), chinh phục được tất cả bọn trẻ ở trong khu nhà đó bằng những câu chuyện. Trong khi đám trẻ kia ban đầu chơi với nhau bằng những trò chơi trẻ con thông thường, một số mang màu sắc độc ác (nhân chi sơ, tính bản ác), thì Mentardy - kẻ đến sau lại có một khả năng mà mấy đứa trẻ kia không có: khả năng kể chuyện. Bằng việc kể những câu chuyện mà cậu ta đã đọc và những câu chuyện cậu ta bịa ra, cậu ta trở thành thủ lĩnh của đám trẻ, đặt ra những luật lệ, quyết định những việc được làm và không được làm. Nhớ lại trong truyện The Roullet Player, khi tác giả sáng tạo ra nhân vật tay chơi roullet, tôi nghĩ đến quyền năng của văn chương. Trong truyện này, ta thấy quyền năng của người kể chuyện. Người kể chuyện giỏi là người người có thể thu phục đám đông, có nhiều bằng chứng như vậy trong lịch sử. Vừa đi đường, vừa kể chuyện thì còn thu phục được nhiều người hơn nữa. Lãnh đạo giỏi chẳng qua là người kể chuyện giỏi. Tạo ra được huyền thoại thì còn giỏi nữa.
----------------
+ Lời của Mentardy: "There are four different kinds of people: those who have not been born, those who are living, those who have died, and those who have not been born, are not living and have not died. They are the stars."
-------------
+ Trong các truyện đã đọc tới lúc này, The Twins có lẽ là truyện gây "bấn loạn" nhất.
+ Mở đầu truyện này, là một màn mô tả trang điểm rất dài dòng, từ từ rồi ta sẽ nhận ra người đang trang điểm là đàn ông, trang điểm cho thành phụ nữ, và mặc đồ của một người chị/em gái có chiều cao bằng anh ta. Cuối phần mở đầu, bức ảnh của hai đứa trẻ nắm tay nhau xuất hiện, dưới tấm ảnh có dòng chữ: THE TWINS. Đoạn mở đầu này viết bằng ngôi thứ hai "you". Nghe nói trong nguyên tác là một đại từ ngôi thứ ba nhưng không rõ chỉ nam hay nữ; khi dịch sang tiếng Anh thì dịch giả tiếng Anh chọn chuyển thành ngôi thứ hai để giữ nguyên sự mập mờ về giới tính đó.
+ Đoạn tiếp theo, người kể chuyện xưng tôi xuất hiện, và anh ta nói gì: " I will write not to construct a story, but to exorcise an obsession, to protect my poor soul from a monster, a monster terrifying not through hideousness but beauty." Tác giả nhắc tới hành động viết: "Since I began writing..."; nhiều lần về sau trong truyện này, ta sẽ lại thấy hành động viết được nhắc tới, như nhắc nhở người đọc rằng bạn đang đọc một câu chuyện ai đó viết ra thôi.
+ Sau hành động viết, ký ức bắt đầu ùa về... " a few lightining-like memories awaken". Người kể chuyện kể rằng khi nhỏ, mẹ anh mặc cho anh đồ bé gái, và hàng xóm sẽ gọi anh là Andriusa hay Andrea - đây là những cái tên con gái. Sau rồi ta sẽ biết tên anh là Andrei. Cậu bé mặc đồ con gái này sẽ chơi với một đứa con gái giống con trai tên là Marcela, và khi chúng chơi trò bác sĩ, chúng sẽ phát hiện ra cơ thể chúng khác nhau, và điều đó khó chấp nhận đối với cả hai. "I remember how difficult it was to accept the evidence."
+ Đoạn tiếp theo lại kể về trại hè năm lớp ba. Đoạn này có một cậu bé mộng du tên là Traian. Fast forward, ta sẽ được biết về mối quan hệ khó khăn giữa người kể chuyện và con gái nói chung. Cậu ta nghĩ: "It seemed to me the most shameful thing was for someone to think I was in love." Tầm mười ba, mười bốn tuổi, cậu ta yêu một cô gái trong lớp tên là Lili. Tình yêu này làm cậu phát sốt. Tới đây thì người kể chuyện ngưng kể và nhìn vào gương. Cần chú ý điểm này. Cái gương đã xuất hiện ở đầu truyện và bắt đầu lặp đi lặp lại. Có chỉ dấu là người kể chuyện đang bị bệnh gì đó, bởi vì có chi tiết "I explained to them... I needed to write story and once I was done she could call as many doctors as she liked."
+ Giai đoạn dậy thì, cậu trai này có những ý tưởng điên rồ và mâu thuẫn nhau. Một mặt, cậu ta nghiên cứu tranh ảnh khỏa thân, một mặt cậu ta cho rằng mình khác biệt mọi người, tình yêu không dành cho cậu, và cậu đang đi trên con đường sẽ đưa cậu "beyond the banal human condition" - vượt khỏi những thứ tầm thường của con người. Cậu tin rằng:" I didn't have the right to get to know a girl because I had a higher commisison to fulfill. I was convinced that immortality depends upon chastity and the moment you love or make love you taint yourself past all hope."
+ Năm cuối trung học, một cô gái chuyển từ trường khác tới, tên là Gina, làm cậu ta điêu đứng. (Ôi thuở học trò, ta luôn điêu đứng vì các cô gái chuyển trường, bất kể chuyển đến hay chuyển đi.) Phần chính của câu chuyện này sẽ là chuyện tình giữa Andrei và Gina, con quỷ cái xỏ mũi Andrei.
+ Có một đoạn tả Andrei và Gina ngồi trong phòng Gina rất siêu thực, và cũng liên quan tới gương. Copy lại thì dài lắm, nhưng có câu này đáng lưu ý: "There was no longer any diffrerence between us, the mirrored and the real." Và rồi khi Andrei nhìn vào mắt Gina, thay vì thấy gương mặt mình, thì lại thấy gương mặt của chính Gina.
+ Tới đây, ta sẽ nhận ra người viết đang ở trong một nơi có lẽ là bệnh viện tâm thần. Những người tới thăm người kể chuyện được gọi là "her old folks", "her mother" rất confusing - "her" ở đây chỉ ai? Có lẽ chỉ người viết. Vì ta sẽ thấy rằng người viết được đưa vào khu nữ bệnh nhân: " The fact that they brought me to the women's ward disturbed me at first but I got used to it fairly quickly."
+ Mức độ confusion sẽ tăng lên chứ không giảm bớt, tới lúc người viết còn không rõ những trang viết này là của ai - "Are they her work or mine? Can I still discern what is hers and what is mine?."
+ "At times, we felt like twins clustered together inside a hallucinatory uterus without exit, twins whose birth was refused from their very incipience."
+ Và khi hai người make love lần đầu tiên thì sự chuyển hóa xảy ra: Andrei trở nên mang thân thể của Gina và ngược lại.
Tôi note những đoạn trên để mình dễ theo dõi câu chuyện. Còn vài chi tiết quan trọng nữa cuối câu chuyện này nhưng tôi cố ý bỏ qua. Tấm gương quả thật đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện hết sức bấn loạn này.
======
+ REM là truyện dài nhất trong tập và có lẽ thể hiện rõ nhất tham vọng của Mircea Cărtărescu. Đúng là sau khi đọc REM xong thì tôi thấy tham vọng của Mircea Cărtărescu rõ ràng hơn. Ở trong The Roullet Player, MC đã nói tới quyền năng của văn chương trong việc kiến tạo ra nhân vật bất khả - dạng con người không thể tồn tại trong đời thực, trong Mentardy, MC nói tới quyền năng của người kể chuyện hay người bịa chuyện, còn trong REM thì sao? Giữa chập chùng mơ và thực, có những chỉ dấu cho thấy MC muốn sánh ngang với Thượng đế. Thượng đế tạo ra thế giới trong bảy ngày. Trong REM có bảy bé gái, bảy trò chơi, bảy giấc mơ, và giấc mơ thứ bảy tạo nên một vòng lặp đồng thời một cầu nối với thực tại, xóa nhòa thực tại.
+ Những dòng đầu tiên của REM tả các kệ sách. Những cái tên người, tên tạp chí nhắc ở đây ắt có ý đồ cả: Julio Cortazar, Garcia Marquez là hai cái tên mà MC thừa nhận là chịu ảnh hưởng; còn The Library for All chắc là một tribute tới Borges, và The Universe là chỉ dấu cho tham vọng của MC.
+ Những trang đầu của truyện này, MC đổi narrator liên tục, khi thì chàng trai, khi thì là con chó (?), khi thì là omniscient narrator. Cũng như trong các truyện khác, MC thường xuyên thu hút người đọc tới hành động viết. Thỉnh thoảng lại kêu "dear reader" rất tha thiết.
+ Chàng trai, Vali, trong truyện này được tiết lộ sẽ là tác giả của truyện The Roulete Player! Cô gái, trong một đêm giao thừa, đi ra một bờ hồ băng giá đầy sương, gặp một cậu bé đang quỳ trên băng. Chi tiết này chính là chi tiết trong truyện The Twins và cậu bé nọ chính là Andrei.
+ Phần chính của truyện này là câu chuyện mà cô gái, Nana, sẽ kể cho chàng trai sau khi ngủ với nhau. Nghe giống Nghìn lẻ một đêm không? Chính thế, chàng trai sẽ gọi cô gái là Scheherazade. Trong phần này, Nana, khi là cô bé 12 tuổi sẽ gặp gỡ Egor - người khổng lồ, được Egor tặng một cái vỏ sò mà với cái vỏ sò này cô sẽ mơ bảy giấc mơ; cùng thời gian đó chơi trò Nữ hoàng với sáu người bạn gái của mình trong bảy ngày.
+ Một đoạn Egor nói với Nana: "I dream incessantly of a creator who, through his art, can actually influence the life of all beings, and then the life of the entire universe, the most distant star, to the end of space and time. And then to substitute himself for the universe, to become the World itself. Only in such a way can a man, an artist, fulfill his purpose." - Đoạn này rồi sẽ vang vọng trong truyện cuối cung của tập, The Architect.
+ Trong mười sáu năm liên tục, Egor viết hàng nghìn trang giấy. Anh viết gì? Chỉ một chữ "no". Nhưng anh nói gì: " I don't write mechanically. I want that every single no, and I mean every single one of them, to be thought and felt from the depth of its marrow. To be lived with all my nerves, with all my flesh.
+ Thời gian là kẻ hủy diệt vĩ đại, hơn tất cả bom đạn, chiến tranh, thiên tai. Không ai chống chọi nổi thời gian.
=====
+ Truyện cuối cùng, The Architect thì mọi chuyện khá rõ ràng, mà mỏi tay quá cũng không note nữa.
Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2025
Bài thơ về con mực
Tất cả đều tự hào, không ai nên phiền toái
Tất cả mưa rơi, tất cả nắng cháy
Sau tất cả, chỉ còn tất cả thôi
Còn xó xỉnh nào cho em và tôi
Nói bậy, chửi thề, cười mỉa và hôn nhau bất chấp những tiếng ồn
Ngày hôm qua cổng thành đã sập
Đàn bò bất chấp luật giao thông tràn ra lòng đường
Kỳ lạ thay mắt nhìn cùng một hướng
Em rên khẽ, trong đáy ly bia mắt em sáng rực
Con mực ống ngày mai lên bìa trang nhất
Sự man rợ không phải là ảo tưởng
Cái nóng điên rồ không giết nổi tiếng karaoke
Tất cả đồng lòng nhấn còi xe.
Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2025
Mắt trần - Yoko Tawada
Đang trong cơn đọc văn học Nhật nên tôi vớ lấy Mắt trần của Yoko Tawada xơi luôn. Cuốn này tôi mua sách cũ trên mạng.
Yoko Tawada là nhà văn Nhật sống ở Đức, viết bằng cả tiếng Nhật lẫn tiếng Đức, đã có Mắt trần và Chàng chó được dịch ở Việt Nam. Cần phân biệt nàng với Yoko Okawa, tác giả của Giáo sư và công thức toán, Quán trọ hoa diên vỹ, Kết tinh thầm lặng, Nhật ký mang thai. Mắt trần in ở Việt Nam từ 2011 nhưng hầu như không ai biết tới. Tôi còn đọc Chàng chó qua bản tiếng Anh trước khi biết Tawada đã từng được dịch ở Việt Nam. Nàng tới Việt Nam qua bàn tay bà đỡ của NXB Phụ Nữ, chắc là một trong vài nhà xuất bản còn tự làm sách mà không phụ thuộc vào các công ty liên kết.
Thứ Tư, 16 tháng 4, 2025
Kokoro (Nỗi lòng/ Lòng người) - Natsume Soseki
Kokoro có hai bản dịch ở Việt Nam, một là bản của Đỗ Khánh Hoan - Nguyễn Tường Minh dịch là Nỗi lòng và hai là bản của Đặng Lương Mô dịch là Lòng người. Tôi đọc bản của Đặng Lương Mô. Không phải do chọn lựa gì mà chỉ là vì không có bản kia. Đọc phần Lời người dịch của Đặng Lương Mô, thấy ông đề xuất cách dịch là Lòng người chứ không phải Nỗi lòng cũng khá thuyết phục.
Kokoro là một trong những cuốn đọc xong mà tôi không biết nói gì. Trên bề mặt, truyện có vẻ tẻ. Ở phần một, cậu thư sinh xưng tôi tình cờ làm quen với một người hơn tuổi mà cậu ta gọi là "thầy". Cậu thư sinh sẽ thường xuyên thăm viếng người gọi là thầy này, cũng có thể gọi là có chút thân thiết giữa hai người, nhưng người thầy vẫn giữ một khoảng cách và một chút bí ẩn nhất định. Điều đáng chú ý này là người thầy này không viết lách, không nghiên cứu, không giảng dạy và cũng không đi làm gì cả. Phần hai là chuyện cậu thư sinh tốt nghiệp đại học, về quê ở với cha mẹ, cha cậu khi đó đang ốm nặng. Phần ba là lá thư của người thầy gửi cho cậu thư sinh, kể lại chuyện của thầy khi trẻ, mối quan hệ bạn bè với một người bạn gọi là K - chính là người thầy đi thăm mộ hàng tháng. Lá thư này thực chất là di thư, vì khi cậu thư sinh nhận được thì người thầy đã tự sát rồi. Lá thư này vừa là lời thú tội, vừa phản ánh triết lý sống, vừa là sự dằn vặt của một con người không tha thứ cho chính mình. Tôi để ý thấy cả cậu thư sinh và ông thầy kia gần như không có bạn, cậu thư sinh chỉ có mối quan hệ với ông thầy, còn ông thầy kia dường như chỉ có một người bạn là K. Cả hai có vẻ đều cô độc.
Tôi không hiểu vì sao phần thứ hai lại cần thiết. Có thể bỏ hoàn toàn phần hai ra mà không ảnh hưởng tới cấu trúc của câu chuyện. Phần một và phần ba kết nối với nhau đủ thành một câu chuyện vừa đẹp, xoay quanh chủ đề lòng người, về việc lòng dạ con người ta có thể thay đổi như thế nào trước tiền bạc hoặc trước tình cảm trai gái.
Đọc nhiều văn học Nhật Bản rồi thì không còn bất ngờ nữa về việc người Nhật có thể dễ dàng tự sát như thế nào. Có vẻ đối với họ việc sống hay không sống không phải là vấn đề quan trọng. Danh dự là quan trọng, hẳn nhiên, nhưng ý nghĩa của đời sống cũng quan trọng, và do vậy khi họ thấy sống không có ý nghĩa thì đi tìm ý nghĩa trong cái chết. Có những thứ người phương Tây chẳng bao giờ hiểu được người Á Đông, mà giữa người Á Đông với nhau thì người Việt cũng khó mà hiểu được người Nhật. Tinh thần, cốt cách của họ hoàn toàn khác. Cho nên đọc truyện Nhật, xem phim Nhật ta sẽ thường thấy những thứ "weird".
Thứ Ba, 15 tháng 4, 2025
Người thủy thủ bị biển khước từ - Yukio Mishima
Tối qua đi làm về, ăn cơm xong nằm trên chiếc ghế kỳ diệu đọc All Our Yesterdays của Natalia Ginzburg được ba trang thì lăn ra ngủ mất. Tôi đọc cuốn này mấy ngày rồi mà chưa vượt qua ba chục trang vì khả năng ngủ siêu việt của mình. Thật ra cuốn nào đọc sau giờ ăn tối cũng thế thôi. Chủ yếu tôi đọc ban ngày, vào những ngày cuối tuần. Mắt dán vào máy tính cả ngày nên rất mỏi, tối rất dễ buồn ngủ, chưa kể tôi lại quen dậy sớm, nên đi ngủ cũng sớm như gà.
Ngủ được tí, đi tắm phát thì tỉnh ra. Trên đường lên giường tôi chộp đại một cuốn gì đó định bụng đọc vài trang thôi. Tình cờ đó lại là Người thủy thủ bị biển khước từ, bản in khá đẹp năm 2018, Nguyễn Như Đạt dịch. Ấy vậy mà tôi đọc luôn tới 10 giờ đêm, được hơn nửa cuốn, vì cuốn này cũng ngắn. Thực ra tôi đọc cuốn này nhiều năm trước rồi, không nhớ bản dịch nào. Đây chính là cuốn đưa tôi đến với Mishima.
Rất khó nhắc tới cuốn này mà không spoil một cái gì đó; nên cho dù định độc thoại chăng nữa thì vẫn phải xắt mỏng lương tâm như một miếng thịt luộc được xắt bởi một đầu bếp siêu hạng, rồi xăm lên đó dòng chữ Spoiler Ahead.
Người thủy thủ bị biển khước từ là chuyện tình giữa một thủy thủ và một góa phụ, cả hai người chỉ vừa mới ngoài ba mươi. Tuy nhiên, trung tâm của câu chuyện là Noboru - cậu con trai mười ba tuổi của góa phụ kia. Noboru là thành viên của một nhóm thiếu niên, cầm đầu là một thằng nhóc được gọi là thủ lĩnh (không thấy nhắc đến tên).
Lần đọc lại này, tôi mới thấy mình bỏ lỡ vài thứ trong lần đọc đầu. Mấu chốt kết nối các thành viên trong nhóm thiếu niên này không phải là tính cách nổi loạn ngầm hay sự dở hơi ương bướng đặc trưng của đám con trai đang dậy thì, mà là ghét bố. Cả đám đều ghét bố. Với Noboru, thì bố cậu đã mất, nhưng khi người thủy thủ Ryuji khi bước vào cuộc đời của mẹ Noboru thì Ryuji đã đóng vai người bố sâu trong tâm tưởng của Noboru mặc dù có thể Noboru không thừa nhận điều đó - đúng là một hình nhân thế mạng. Việc ghét bố lập tức khiến ta nghĩ ngay đến mặc cảm Ơ-đíp - yêu mẹ ghét cha. Ta không có nhiều thông tin về những đứa trẻ khác trong nhóm, nhưng ở Noboru sự yêu mẹ này thể hiện quá rõ ràng, thậm chí còn mang tính cách dục tính (ngắm mẹ khỏa thân qua kẽ hở phòng ngủ). Kể từ lúc nhận ra mặc cảm Ơ-đíp ở Noboru, ta đã biết được số phận của Ryuji.
Chỉ báo thứ hai về số phận của Ryuji nằm ở ngay tựa đề cuốn sách - bị biển khước từ. Chọn nghiệp làm thủy thủ nghĩa là chọn biển cả, chọn cái mênh mông, dữ dội đồng thời bất định lênh đênh - lựa chọn hiểm nguy đó mới tạo nên anh hùng. Tuy nhiên, khi Ryuji sa vào lưới tình, chọn mặt đất, chọn sự an lành, ổn định với những lớp học tiếng Anh và quy tắc xã giao thì Ryuji đã phản bội biển cả. Anh khước từ biển, do vậy, bị biển khước từ. Mọi sự phản bội đều phải trả giá. Noboru chỉ là kẻ được chỉ định thực hiện sự trừng phạt đó thôi.
Rất nhiều người không thích Mishima, cả về đời tư, tính cách, tư tưởng cũng như tác phẩm của ông. Họ nhìn nhận ông là một nhà văn giỏi, nhưng khó tìm được sự đồng điệu với tác phẩm của ông. Xét về fan base ở Việt Nam, thì fan base của Mishima nhỏ hơn fan base của Kawabata nhiều lần, và tất nhiên không có cửa so với Murakami. Đúng là hầu hết tác phẩm của Mishima không cho ta cảm giác dễ chịu - chúng đa phần u tối, khiến ta nhờn nhợn, bứt rứt. Người thủy thủ bị biển khước từ rõ ràng không phải là sách dành cho con ngoan, trò giỏi, đội viên xuất sắc.
Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2025
Tuyết xuân - Yukio Mishima
Mishima là một trong những nhà văn mà tôi mến mộ bậc nhất. Tôi đã đọc không dưới chục cuốn của ông. Tuy đã nghe nhiều về bộ tứ Bể phong nhiêu, mà Tuyết xuân là cuốn đầu tiên, nhưng tôi lại chưa đọc cho dù có đôi lần hạ quyết tâm. Nay Tuyết xuân đã hiện diện trong tiếng Việt, được dịch trực tiếp từ tiếng Nhật, đọc sướng hơn vòng qua tiếng Anh nhiều, tôi đọc luôn một mạch ngay khi vừa nhận được sách. Bản thân điều này đã đáng nói nếu biết lúc nào tôi cũng đọc dở dang chừng chục quyển và đã từ lâu không ước lượng số sách chưa đọc trong nhà.
Về căn bản, Tuyết xuân là một chuyện tình. Nhưng nó không phải là một chuyện tình lãng mạn theo lối thông thường. Nó không phải là chuyện thương thương nhớ nhớ tầm phào, không phải chuyện tình yêu sét đánh, cũng chẳng phải là chuyện tình ngọt ngào và man trá. Nó là một chuyện tình được viết bởi một nhà văn thấu đáo đến tận cùng bản thể con người.
Truyện lấy bối cảnh Nhật Bản đầu thế kỷ XX, khi làn sóng Tây phương dần dội vào tầng lớp quý tộc vốn đang rạn nứt. Kiyoaki Matsugae được miêu tả là một mỹ nam tử, là một thanh niên quý tộc được nuôi dạy trong nhung lụa, và Satoko Ayakura - cô tiểu thư mang vẻ đẹp chín chắn, điềm đạm là hai nhân vật chính của câu chuyện. Việc Mishima dành nhiều trang tả đi tả lại vẻ đẹp của Kiyoaki là có thể hiểu được, nếu ta biết về nhân thân của nhà văn.
Nhưng Tuyết xuân không đơn thuần là một câu chuyện tình giữa hai người trẻ tuổi. Đó còn là một cuộc va chạm giữa cảm xúc chân thật và khuôn phép xã hội - va chạm đó sẽ dẫn tới bi kịch. Đáng nói hơn cả, Mishima rất tài khi cho thấy để một người trẻ tuổi hiểu được cảm xúc thật của mình chẳng phải là điều dễ dàng gì, và bi kịch kia hoàn toàn có thể tránh được nếu các nhân vật trẻ tuổi của chúng ta hiểu rõ bản thân sớm hơn một tí. Nhưng tuổi trẻ, đúng là tuổi trẻ, luôn đầy hoài nghi, ngờ vực về bản thân; có mấy ai dám khẳng định lúc mười tám, hai mươi mình đã hiểu rõ bản thân muốn làm gì hoặc yêu ai đâu.
Đọc những trường đoạn phân tích tâm lý nhân vật của Mishima trong Tuyết xuân, tôi cứ băn khoăn ông có chịu ảnh hưởng của Dostoievski không. Câu trả lời dường như là có. Khả năng phân tích tâm lý, đặc biệt những mâu thuẫn trong tâm lý nhân vật của Mishima thật sự cao cường. Kiyoaki nói thẳng ra là một nhân vật khó ưa - cậu ta kiêu căng, ích kỷ, đầy mâu thuẫn, hành động bất nhất; nếu là bạn hay con ta thì ta chỉ muốn đá đít. Nhưng cùng lúc, ta thông cảm với cậu ta: trong sự do dự và yếu đuối của cậu ta, ta thoáng thấy chính mình.
Ngôn ngữ trong Tuyết xuân vừa mang nét thanh nhã truyền thống Nhật Bản, vừa thấm đẫm kiểu lãng mạn Tây phương. (Tôi nhớ tới Tình cuồng của Raymond Radiguet.) Những đoạn miêu tả cảnh vật luôn nhẹ nhàng, như thể người viết đang thả từng giọt mực lên nền giấy đã được hong khô bằng gió xuân. Mishima viết về tình cảm, tình dục thật gợi tình mà vẫn luôn tao nhã. Đoạn này, tả cảnh hai người yêu nhau trên bãi biển, dưới ánh trăng: "Mọi thứ xung quanh họ, bầu trời sáng trăng, mặt biển lấp lánh, cơn gió phiêu diêu trên cát, rặng thông rì rào phía xa xa, tất cả đều hẹn trước sự diệt vong", như viết lại thơ Xuân Diệu "Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt/ Những vườn xưa nay đoạn tuyệt dấu hài."
Tuyến nhân vật phụ của Tuyết xuân, có những nhân vật chỉ thoáng qua nhưng có những phát ngôn hay được miêu tả cực kỳ đặc sắc. Bà nội của Kiyoaki chẳng hạn, bà xuất hiện chắc chỉ ở hai, ba trang giấy khi gia đình có chuyện khủng hoảng, nhưng nói những câu "vô tiền khoáng hậu mang âm hưởng như tiếng ngựa phi nước đại". Giọng nói của bà được tả là "như vang vọng từ một thời đại đầy biến động đã bị lãng quên...những phụ nữ tầm tuổi bà thuộc thế hệ những bà nội trợ có thể bình tĩnh rửa bát trên những dòng sông lềnh bềnh xác chết." Riêng cậu bạn Honda rất mực trung thành của Kiyoaki thì có vẻ mang một chút hình bóng của Mishima: tình cảm của Honda dành cho Kiyoaki dường như trên mức tình bạn, đặc biệt ở những đoạn Honda ngắm Kiyoaki nằm ngủ.
Tuyết xuân có lẽ là cuốn sách dành cho những tình yêu bất khả, dành cho những kẻ từng yêu một ai đó trong đời, từng khao khát được gần mà phải chọn đứng cách xa, hoặc từng day dứt vì những điều không thể cứu vãn. Tôi chờ đọc ba phần còn lại của Bể phong nhiêu. (Có bản tiếng Anh đấy, nhưng tiểu thuyết Á đọc tiếng Việt vẫn hơn.)
Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2025
Những tiệm sách nhỏ
Giờ thì khác nhiều rồi. Có những người từ chỗ đọc sách, mê sách đã đứng ra mở tiệm sách. Can đảm hơn, có những bạn hoàn toàn chuyên bán sách ngoại văn, và không hề là những cuốn trinh thám, young adult hay best seller mà là những cuốn triết và văn học rất chọn lọc, rất có gu. Tôi biết ít nhất có hai nơi như thế: một là Sleepy Cat ở Hà Nội và hai là Tiệm sách Quýt ở Sài Gòn. Cả hai chủ tiệm thỉnh thoảng dịch những đoạn ngắn hay review ngắn rất ấn tượng. Bạn chủ Tiệm sách Quýt có hôm còn match những cuốn sách bạn yêu thích nhất với các bản nhạc cổ điển. Bạn tạo cảm hứng cho tôi mua và đọc lại The Blind Owl, tức Con cú mù. Nhiều năm trước, tôi đọc Con cú mù chắc đang trong lúc mệt mỏi thế nào ấy, toàn ngáp. Nhưng lần đọc lại này thì tôi thấy mình đã chạm vào được một kiệt tác.
Sự tồn tại của những tiệm sách nhỏ này cho thấy rõ ràng có một lớp độc giả rất chăm chú đọc tinh hoa hay những tác phẩm mới nhất trên thế giới từ bản gốc hoặc ít nhất qua tiếng Anh hay Pháp. Họ đọc thật sự, vì sách ba, bốn trăm ngàn một cuốn thì mua về chỉ có đọc thôi, chứ có phải sách giảm giá 50-70% đâu mà kéo về cho chật nhà. Tôi chỉ băn khoăn không biết các tiệm sách nhỏ này "sống" như thế nào: nhập sách thì vất vả, bán thì rõ là không nhanh như bán quần áo hay mỹ phẩm, lời cũng không thể nào nhiều. Dẫu sao, sự hiện diện của các bạn đúng là kiểu "may mà có em, đời còn dễ thương."
Ngày xưa tôi hay mua sách từ nước ngoài. Nhưng như thế thì khá lôi thôi, có lúc phải đi khai hải quan, có khi thì mất sách. Giờ tôi hay mua ở mấy tiệm này. Các bạn có thể tìm sách và đặt mua giùm luôn, rất tiện. Cả hai tiệm nói trên đều có Facebook và trang web, tìm một phát ra ngay, nên không cần để link làm gì.
Thứ Năm, 3 tháng 4, 2025
The Dry Heart - Natalia Ginzburg
Cuốn sách mở đầu như sau:
'Tell me the truth,' I said.
'What truth?' he echoed. He was making a rapid sketch in his notebook and now he showed me what it was: a long, long train with a big cloud of black smoke swirling over it and himself leaning out of a window to wave a handkerchief.
I shot him betwen the eyes.
Thứ Tư, 2 tháng 4, 2025
Tuyển tập ca khúc thiếu nhi Sài Gòn bao nhớ - Đàm Hà Phú
Tương tự bài này, đây là bài thứ hai trong tổng số hai bài tôi đã đóng góp cho trang điểm sách theo phong cách rất nghiêm túc và thiếu hiểu biết Danh Mục Sách.
Tương truyền, khi Đàm Hà Phú vừa nổi lên, ông hoàng show biz Đàm Vĩnh Hưng đã ngửa mặt lên trời, đấm ngực bành bạch mà than rằng: Trời sinh Hưng sao còn sinh Phú?
Thứ Năm, 27 tháng 3, 2025
My best reads of 2024
Liệt kê không theo thứ tự nào:
1/ If Beale Street Could Talk, James Baldwin
Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2025
Gối đầu lên cỏ - Natsume Soseki
+ [Tả tiếng con chim chiền chiện] "Dường như con chim ấy phải hót cho hết những ngày xuân êm ả, hót cả ngày lẫn đêm. Nó cứ không ngừng lên cao, cao mãi. Hẳn là nó chết trong mây trời. Có lẽ nó cứ lên cao mãi rồi lẩn vào trong những đám mây, và hình hài tan biến trong trạng thái bồng bềnh đó, chỉ còn tiếng hát vang vọng giữa bầu trời."
+ "Dòng sông không rộn lắm. Mà lòng sông cũng không sâu. Nước sông chảy lững lờ. Chúng tôi cứ tựa vào mạn thuyền này, trôi trên mặt nước này đến tận nơi đâu? Có lẽ là cứ trôi mãi qua lúc xuân tàn, trôi đến chỗ ồn ào đông đúc - nơi mà người ta cơ hồ muốn va chạm vào nhau."
+"Hoa rơi nhẹ đến mức tôi không biết là chúng rơi trên mặt đất hay là rơi xuống mặt ao."
+"Và những ngọn cỏ mùa xuân có còn nhớ đến người đã ngồi với chúng ngày xưa không nhỉ?"
Để tìm hiểu về vẻ đẹp Nhật Bản trong văn xuôi Nhật, nhất thiết chúng ta phải tìm tới những người như Soseki hay Kawabata, mà chắc chắn không phải là Murakami.
Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2025
Bức xúc không làm ta vô can - a review?
Hồi trước mấy ông bạn tôi lập ra trang Danh Mục Sách, chuyên review sách một cách tào lao. Đại để lấy một cuốn sách ra review, nhưng thực chất nói chuyện tếu táo, không liên quan gì tới cuốn sách cả. Tôi có tham gia hai bài. Đây là một bài trong hai bài đó, "review" cuốn Bức xúc không làm ta vô can của Đặng Hoàng Giang.