Thursday 17 March 2011

101 mẹo vặt (0): Làm thế nào để xem phim truyền hình?




Lẽ dĩ nhiên, để xem phim truyền hình, trước hết bạn cần có một cái tivi. Thời này tivi dứt khoát phải có màu, màn hình nhất định phải phẳng, plasma thì tốt, còn không LCD cũng tạm được.  Kế, tivi phải được nối với ăng-ten, hoặc sang hơn thì nối cáp.  Ở Sài Gòn, bạn có thể lựa chọn giữa SCTV và HTVC. (Tất nhiên, lựa chọn chỉ là một khái niệm tương đối, vì không phải cứ muốn đài nào được đài nấy - có những địa bàn bạn chỉ có thể đăng ký SCTV, địa bàn khác chỉ đăng ký HCTV, nên không có chuyện chán đài này thì nhảy sang đài kia.  Cả hai đều có giá thuê bao hàng tháng bằng nhau, và chất lượng cũng khó lòng phân biệt.) Ngoài ra, còn có VTC chuyên bán đầu thu kỹ thuật số, mỗi năm bán một mẫu đầu thu mới mà không có gì đảm bảo mẫu đầu thu đó sẽ tiếp tục dùng được trong các năm kế tiếp khi mẫu đầu thu mới hơn ra đời.

Giải quyết xong vụ tivi, ăng ten, cáp, kỹ thuật số, bạn đã giải quyết xong yếu tố vật chất.  Tiếp theo là yếu tố con người - nghĩa là bản thân bạn. Bạn cần phải có thời gian, không phải nửa tiếng, một tiếng mà là nhiều tiếng một tuần, và rất nhiều tiếng một tháng, vì phim truyền hình đúng nghĩa phải kéo dài năm này sang tháng nọ.  Tôi có biết một anh bạn, đi đâu thì đi, cứ tới chín rưỡi hàng đêm là phải ngồi trước tivi. Như vậy, ngoài thời gian, người ta cần phải có cả kỷ luật nữa.

Có tivi, có thời gian và sẵn sàng ghép mình vào kỷ luật, bạn đã sẵn sàng để xem phim truyền hình chưa? Có khi là chưa…

Hôm nọ, tôi ghé vào hàng bánh cuốn gần nhà.  Đó là một hàng bánh cuốn gia đình, nghĩa là phòng khách được tận dụng làm cửa hàng, chủ nhà đích thân ngồi tráng bánh cuốn, còn giữa nhà thì tivi vẫn bật.  Tôi đi ăn một mình, chẳng phải trò chuyện với ai, thế là vừa ăn tôi vừa nghếch mắt lên tivi.  Xem không đầu, không đuôi, nên tôi không biết phim tên gì, đề tài gì, diễn viên là ai, nhưng trong khoảng 15 phút ở hàng bánh cuốn, tôi thấy ba nhân vật chính thường xuyên xuất hiện là một nhóm bạn hai cậu con trai và một cô gái tầm ngoài hai mươi một chút.  Cô gái thường xuyên đội một cái mũ lưỡi trai trên đầu.  CHÚ Ý: Đây là một chi tiết quan trọng, quan trọng như con mèo của Hermione Granger lúc nào cũng chực vồ con chuột của Ron Weasley vậy! Sỡ dĩ tôi cố thu hút sự chú ý của bạn, là vì, với kinh nghiệm mấy chục năm làm người, cho dù cô gái kia  lúc nào cũng sùm sụp mũ lưỡi trai, thì rõ ràng với nước da ấy, giọng nói ấy, điệu bộ ấy, hình thể ấy (you know what I mean, huh?) chỉ có thế là con gái chứ chẳng thế nào khác được.  Thế cho nên, tôi thấy hết sức bình thường khi cô ấy bị mẹ giật mũ lưỡi trai làm xõa mái đóc đen mà bóng mượt (chắc nhờ gội dầu Sunsilk trị gàu).  Ấy vậy mà khi đó khuôn hình máy quay cho thấy vẻ sững sờ trên mặt cậu con trai (“cậu-sững-sờ”).  Cảnh tiếp theo, cậu này tìm cậu bạn kia uýnh một cái vì cho rằng cậu kia toa rập (“cậu-toa-rập”) lừa dối mình. Cảnh tiếp theo nữa, hai cậu con trai và cô gái  - lúc này không đội mũ lưỡi trai nữa - ngồi với nhau, cậu-sững-sờ chất vấn cô gái: “Nè, rốt cuộc thì bạn là con gái hay con trai hả?”.

Không bút nào tả xiết sự sững sờ, à không, sự choáng váng của tôi lúc đó. Mèn ơi, bây giờ năm 2011, còn có mỗi năm là tận thế, chớ có phải thời Hoa Mộc Lan với Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài đâu mà gái giả trai dễ dàng đến vậy?  Có chăng, là các nhà sản xuất phim truyền hình có công làm cho mọi sự trở nên đơn giản, dễ dàng hơn gấp ngàn lần; hoặc là, họ tưởng họ đang làm phim cải lương, nơi nhân vật có quyền trúng đạn ( trúng tên/ trúng độc) ngã xuống trên đường băng tân sơn nhất nhưng bỗng vụt đứng lên ca thêm một hơi dài.  Tôi ra khỏi hàng bánh cuốn quên cả lau mồm.

Thế mới biết, để xem phim truyền hình, người ta cần phải rất… độ lượng.  (Hay, giật tít theo kiểu Vietnamnet: Cần lắm sự độ lượng khi xem phim truyền hình.)*

* Chú ý: Chỉ áp dụng với phim truyền hình Việt Nam.  Phim truyền hình Hàn, Trung, Nhật, Mỹ.v.v. cần những phẩm chất khác.

17 comments:

  1. Hà hà... oánh tráo khái niệm quá. Phải là " cần lắm sự dễ dãi khi xem phim truyền hình" chứ

    ReplyDelete
  2. Bác Mun à, mấy lần tôi đến chơi nhà ai đấy, mà không dám bước vào vì tưởng đang có cãi nhau bên trong. Sau mới biết cả nhà người ta vẫn hòa thuận êm ấm chỉ có các diễn viên truyền hình VN là đang cãi nhau trong phim thôi. Từ đó để ý thì tôi phải công nhận cãi nhau là cảnh đạt nhất của phim truyền hình VN bác ạ, đến độ người xem có cảm giác diễn viên không cần đọc kịch bản, không cần học thuộc thoại, không cần tập trước, cứ thoải mái chơi tá lả và nấu cháo điện thoại đợi đến lượt mình mà vẫn diễn ngon lành.

    ReplyDelete
  3. kể ra thời nay trai gái cũng khó phân biệt thật đó anh.

    ReplyDelete
  4. Đồng ý với bạn. Rất cần "độ lượng" và tin ở "hoa hồng" mà người làm phim muốn trao, đừng nghĩ tới hệ luỵ của nó và sự phí tiền mua tivi, trả truyền hình cáp, thời gian ngó phải cũng như sự oải đến mức cần phải nói với nhau cho xả bớt.

    ReplyDelete
  5. Hahah....
    Đúng là cần sự độ lượng để xem phim Việt.
    Nhưng cái phim mà anh vừa coi chắc để cho lứa tuổi mộng mơ, khi mà người ta vẫn còn "ngây ngây thơ thơ" chưa biết/giỏi phân biệt thật giả.

    ReplyDelete
  6. Titi: "khái niệm" vẫn còn nguyên đấy, có ai tráo đi đâu:)

    bác Azur: vâng, chắc vì ai cũng có tài cãi nhau, nên diễn nó nhập:)

    ReplyDelete
  7. nd: èo, tuổi mộng mơ không biết phân biệt trai gái à? tôi hơi nghi ngờ đấy:))

    ReplyDelete
  8. Bây giờ con người đang đa hệ, cần chi phải hỏi tách bạch là giai hay gái nữa. Nhà đài thật phiền phức quá.

    ReplyDelete
  9. "Phim truyền hình Việt, thước đo sự độ lượng", "hé lộ sự độ lượng khi xem phim truyền hình Việt" :)

    ReplyDelete
  10. Anh cần độ lượng để xem được mọi thứ trên truyền hình Việt Nam, đừng trách mỗi chuyện phim truyền hình. Khủng khiếp là tại hướng đình, cả làng khiếp cả chứ mình nó đâu?

    ReplyDelete
  11. Ơ, luật sư không hiểu cụm từ "phim Việt phủ sóng" à? Phủ được đầy sóng là quý rồi nhé.

    ReplyDelete
  12. MM: Về cơ bản thì anh không xem truyền hình, nhân xem được một đoạn phim, thì chỉ nói về phim thôi, chứ không lại bị bảo vơ sóng cả nắm:)

    TQ: ừ, quý, quý lắm, Quý:)

    ReplyDelete
  13. Cái chiện phim TH Việt làm giở thì báo chí nói cứ như là "tát nước vào mặt", nhưng đâu vẫn vào đấy. Suy cho cùng đó là do các nhà làm phim thiếu cả ba chữ T, đó là Tâm, Tiền và Tài

    ReplyDelete
  14. À, thông báo để bác Mun biết là phim truyền hình Hàn Quốc đang chiếm trọn trái tim khán giả Rumanie, Bulgarie và Ukraine. Sau một hồi bội thực phim truyền hình cả Nam Mỹ lẫn Bắc Mỹ, giờ đây các bạn Đông Âu tuyên bố phim Hàn "thanh cao, vị tha, đầy tình người".
    Theo bác, nếu phim truyền hình ta mà chịu khó chút nữa (đóng trai ra trai, gái ra gái chẳng hạn), có khả năng tìm được đầu ra ở các nước bạn Đông Âu hay không?
    Trong lúc chờ đợi câu trả lời của bác, mong bác mau chóng thoát khỏi 10 thế kỷ văn chương.

    ReplyDelete
  15. Bác Azur: Trước khi chiếm trọn trái tim khán giả Đông Âu, chắc phim truyền hình HQ đã chiếm trọn trái tim khán giả nhà chứ ạ?

    10 thế kỷ văn chương của em vẫn còn đóng thùng bác!

    ReplyDelete
  16. Ừ, thì vì tim mình bị chiếm rồi, nên mình thấy ai để tim sơ suất thì mình tìm cách chiếm.

    Bác làm ơn làm thành thùng nhỏ, xếp xung quanh tường chịu lực. Nói thật chứ, tôi ái ngại cho ai ở lầu dưới nhà bác lắm.

    ReplyDelete
  17. Đề nghị bác làm thành ebook tuyển tập làm thế nào :)

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN