Monday, 31 January 2011

Wish list tháng 2



Trong lịch sử Việt Nam cận đại, tháng 2 có tầm quan trọng tương đương tháng 5.


Lẽ ra chỉ lặng lẽ kỷ niệm, thế nhưng có người yêu cầu post wish list.  Để cho công bằng, nay công bố cái wish list này vậy.  Các bác yên tâm đi, thuần khiết lắm, không có kiểu biệt thự có bể bơi bên bờ biển, penthouse Sunrise City hay Tố nữ kinh đâu.


Wish list chỉ đơn giản thế này:



  1. Tuyển tập Kafka;
  2. Thằng ngốc của Dos;
  3. Tuyển tập Nguyên Ngọc;
  4. Các bản dịch tiếng Việt Camus và Gide trước 75 (trừ bản dịch của Bùi Giáng);
  5. Platform và The Possibility of an Island của Houellebecq (bản tiếng Anh, dĩ nhiên);
  6. Đường sống của Tolstoy;
  7. Bộ The Paris Review Interviews;
  8. Cổng tỉnh và Mùa sạch của Trần Dần (bản in);
  9. Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên (bản in);
  10. Các tập Di cảo thơ của Chế Lan Viên (bản in - cái này từng có, cho gái mượn rồi mất luôn);
  11. Đi tìm sự thật biết cười (Umberto Eco)
Tạm thế thôi.  Nhớ ra gì sẽ bổ sung sau.


Wednesday, 26 January 2011

Tấm ảnh ám ảnh












Đây là tấm ảnh  khỉ đầu đàn núp sau thân cây một mình chứng kiến con người vây bắt, tàn sát gia đình mình.  Ảnh của Lê Hoài Phương.  Xem toàn bộ phóng sự tại đây.


Tôi không biết những người ưa ăn "đặc sản rừng" nghĩ gì khi nhìn thấy tấm ảnh này.



Tuesday, 25 January 2011

Hội họa Việt Nam đương đại (II)


Tác phẩm: Ngôi nhà có hoa
Trường phái ấn tượng
Tác giả: Alpha





Tác phẩm: Tên tranh dành cho khán giả
Trường phái trừu tượng
Tác giả: Pi

Monday, 24 January 2011

Thì Roth

Mấy ngày này oải lắm, không viết lách gì đâu nhé.  Sẽ post hình vài entry liên tiếp.  


Để chào mừng bác kia mới ấy xong  và thông đường, tôi cũng xem thử mình có gì của Roth.  Thì đây:


Wednesday, 19 January 2011

...And the morning seems so grey


Tiệc thì đã tàn rồi
Pháo hoa thì tịt mít
Buổi sáng thì xám xịt
Chả giống gì hôm qua
Chỉ còn bạn với ta
Rầu rĩ và mất mát
Sâm banh dù có nhạt
Thì cũng đã nhẵn xừ
Tiên sư mấy thằng cu
Cứ nghĩ mình khôn lắm
Thế giới thì tươi tắn
Chân đất sét làm gì
Mà cứ lê bước đi
Ngoẻo cả mơ cùng mộng
Trên sàn toàn giấy vụn
Mười năm đã trôi qua
Chẳng biết ta sẽ ra -
sao trong mười năm nữa
Thôi mặc kệ chúng nó
Năm mới đã đến rồi
Ta cứ hy vọng thôi
Không thì ta đổ uỵch. 


(Phóng tác từ lời bài Happy New Year của ABBA)

Tuesday, 18 January 2011

Gáy sách quay vào










Thực sự buồn ngủ, mở mắt không lên, không làm được việc gì cả.  Đấy mà thay vì đi ngủ, thì viết nhăng nhít vài dòng, hồi tưởng buổi café thứ sáu thành công tốt đẹp (như ĐHĐ) tuần rồi.

------------

Khi người ta có nhiều hơn một kệ sách trong nhà, thường ở vị trí dễ thấy nhất người ta để những cuốn sách mà người ta muốn người ta thấy nhất. Tất nhiên, ở đây người ta nói chuyện thông thường, nghĩa là chuyện đúng với hầu hết người ta bình thường, đầu óc vận hành một cách trơn tru, hợp lý, không lập dị mà cũng chẳng quay mặt vào tường nói chuyện một mình, chứ còn với số ít người ta khác, người ta có thế giấu biến sách đi vì sợ bị mượn. Dù gì đi nữa, nếu không trưng sách ra thì người ta giấu đi, chứ đã khoe kệ sách mà gáy lại quay vào trong thì xưa nay hiếm.

***

Chiều thứ sáu vừa rồi lại là một chiều bội thu sách. Chỗ hẹn là một quán cà phê nằm trong một khu chung cư cũ có lối vào tối tăm, ngai ngái, giữa trung tâm Sài Gòn,.  Sách được tặng bao gồm Mr. Vertigo  - mảnh ghép cuối cùng của bộ Paul Auster, The Writer and The World của Naipaul, Đấu trường sinh tử của Suzanne Collins (dịch giả là một bạn trẻ tuổi tài cao bắn máy bay giỏi), và bản Dos trước 75 của Nguồn Sáng là Đầu xanh tuổi trẻ, và một nữa cũng của Dos mà tôi đang tìm lâu nay là Bút ký dưới hầm. Sách tự tặng gồm ba cuốn cũ mèm là A Passage to India (Forster), Baudolino (Eco) và The First Circle (Solzhenitsyn).  Tết này tha hồ bò ra đọc. Trong buổi cà phê, có bạn trầm trồ cái kệ sách trên bìa báo xuân Sài Gòn Tiếp Thị - tờ có những hai bài của một tay vừa chê báo Tết là hủ tục vừa tích cực viết bài, thậm chí, còn đi phỏng vấn. Bạn kia cứ xuýt xoa kệ nhà ai đẹp thế, sách nhiều thế, lại cả sách tiếng Anh nữa, nhưng không hiểu vì sao gáy sách lại được quay vào trong.

***

Tối hôm đó, khi cầm tờ SGTT xuân trên tay, tôi ngắm bìa báo.  Bìa có hình  một cậu bé mặt rất sáng trước một kệ rất nhiều sách, nhưng hầu hết gáy sách quay vào trong.  Có thể nhận ra ngay đó không phải là một kệ sách gia đình, bằng vào độ phẳng phiu của các trang sách - sự phẳng phiu chỉ còn giữ được khi sách chưa hoặc hiếm khi được lật ra.  Còn màu ngà ngà của giấy sách thì rõ là màu của sách nước ngoài, cụ thể là tiểu thuyết paperback.  Giấy sách Việt Nam thường trắng và dày hơn.

Đến đây thì tôi nhớ ra từng nhìn thấy cái kệ sách này ở đâu và lờ mờ đoán ra cả cái lý do mà người ta quay gáy sách vào trong. Đấy chính là kệ sách fiction trong tiệm Art Book trên Đồng Khởi.  Tôi từng đứng trước cái kệ sách đó không dưới chục lần, nghẹo gãy cả cổ hòng tìm một cuốn “coi cho được.”  Nhưng đấy thực sự là một việc rất khó.

--------

Bây giờ đi ngủ thực sự đây. Phù!

Wednesday, 12 January 2011

Tớ thích... (Chuyện của Pi)

Tớ thích…

Ba tớ nói, đàn ông phải có đam mê.  Tớ không thích dùng từ to tát như ba tớ, tớ dùng từ đơn giản hơn, thích.  Tớ thích nhiều thứ.

Tớ thích ăn sô cô la.  Tớ không nhớ lần đầu tiên ăn sô cô la khi nào, tớ chỉ biết tớ thực sự phát cuồng vì cái thứ đồ ăn màu nâu, hơi đắng nhưng cực thơm đấy.  Có lần ba tớ đang tắm cho tớ, nhưng tớ còn mải nghĩ về sô cô la, tớ bèn tâm sự ngay với ba trong khi ba xịt nước lên người, ba ơi, con thích ăn sô cô la.  Ba có vẻ rất ấn tượng với tâm sự này của tớ nên hay nhắc đi nhắc lại với mọi người.  Nhưng tớ hơi rầu là ba chẳng mấy khi mua sô cô la cho tớ.  Có lần, ba nhớ ra, chủ động mua cho tớ một gói M&M không cần tớ gợi ý, nhưng về nhà mở ra lại phát hiện loại M&M đó nhân đậu phộng.  Ba sợ tớ mắc cổ nên ba chén sạch. Cách đây vài hôm, mẹ mang một mẩu sô cô la hình vuông ra, định cho tớ một nửa, ba mẹ chia nhau một nửa.  Tớ phản đối ầm ĩ, nước mắt ngắn nước mắt dài, thế là ba mẹ đành cho tớ ăn tất.  Tớ nín khóc ngay, chén nguyên miếng sô cô la to đùng rất nhanh, hậu quả mồm và tay tớ đều nhoe nhoét.

Tớ thích xe.  Tớ có khá nhiều xe, nhưng mỗi khi vào hiệu sách hay cửa hàng đồ chơi, tớ lại dán mắt vào những chiếc ô tô đủ kiểu đủ màu trong đó.  Noel vừa rồi, trong lúc tớ ngủ ông già Noel trèo qua cửa sổ (nhà tớ không có ống khói) vào tặng quà cho chị Alpha và tớ. Tớ được một cái xe đua và một cái máy bay bé, cầm rất vừa tay, tớ rất thích, đi chơi tớ cũng mang theo, đi ngủ tớ cũng mang theo.  Nhiều lúc đãng trí, tớ không nhớ để xe của tớ ở đâu, thế là tớ hỏi ba, ba ơi, xe đua của con ở đâu?  Nếu vui vẻ, ba sẽ đi tìm, thường ba chỉ cần kéo sofa ra là thấy ngay xe dưới gầm ghế.  Nhưng nếu ba không vui, ba  sẽ gắt, xe của con chứ phải xe của ba đâu mà con hỏi ba.  Tớ chán ba tớ gớm.  Người đâu mà rất thờ ơ với xe cộ.    

Tớ thích đứng ở ban công nhà buổi chiều tối, nhìn từng đoàn xe sáng nhấp nháy nối đuôi nhau không bao giờ ngớt.  Tớ có thể một mình đứng nhìn xe suốt cả buổi tối, cho đến khi nào mẹ gọi vào ăn cơm hay tắm. Tớ vẫn chưa hiểu vì sao xe cứ chạy hoài hoài mà không mỏi chân, và tại sao xe chạy mãi ngoài đường mà không ai gọi xe về nhà để ăn cơm.

Tớ thích xe đạp. Hiện tại tớ không có xe đạp.  Alpha thì có một chiếc màu hồng, bị hỏng, mãi ba chẳng chịu sửa, tớ sửa giúp thì ba la tớ bày bừa.  Dù sao, ba đã hứa sau Tết ba sẽ mua cho tớ một xe đạp xanh dương và sửa lại xe của Alpha để hai chị em đạp đua.  Tớ chờ xem ba có giữ lời hứa không.

Tớ cũng thích đươc gãi lưng.  Tớ thích nằm trên đùi ba, gác đầu lên vai ba, để ba xoa lưng cho tớ.  Nhưng thường ba chỉ xoa vài cái rồi bảo tớ đứng dậy để ba đi làm việc.  Tớ chả biết ba làm gì mà lúc nào cũng cắm đầu vào máy tính.  Thỉnh thoảng, mẹ cũng vào nằm cùng tớ, gãi lưng cho tớ.  Mẹ gãi lâu hơn, đến khi tớ ngủ thiếp đi.

Tớ còn thích ăn tôm.  Hôm nào mẹ cho ăn cơm với tôm, tớ sẽ tự xúc hết rất nhanh, nhanh hơn cả Alpha.  Alpha thì chỉ thích ăn thịt gà, đúng là cái đồ con gái.  Lần duy nhất tớ bỏ tôm để ăn món khác là lần đi Phú Quốc.  Ở đó, có món cua rang me ngon tuyệt.

Tớ còn thích cả các bạn gái.  Hôm nọ tớ xem video, thấy một bạn mặc đầm trắng nhảy múa xinh ơi xinh, tớ bảo, sao bạn này xinh thế.  Chỉ vậy mà ba mẹ cũng mang ra làm đề tài trêu tớ suốt mấy ngày.

Nói chung, tớ thích nhiều thứ, nhưng có lẽ tớ thích nhất những buổi tối khi ba đi làm về sớm.  Lúc đó, cả nhà sẽ ngồi vào bàn ăn cùng nhau.  Ba một ghế, mẹ một ghế, Alpha một ghế, tớ cũng có một ghế.  Nhưng tớ vừa ăn vừa nhảy nhót sau lưng mẹ.

Friday, 7 January 2011

Cái chân, cái mông, cái tít


Chuyện cái chân

Hôm ở Phú Quốc, tôi vừa bơi vừa trông chừng hai bạn Alpha và Pi, nhất là bạn Pi, luôn ngọ nguậy như con bọ gậy.  Đang từ hồ bơi trẻ con, bạn lao lên bờ và chạy qua hồ massage, sâu hơn.  Bạn chạy, làm tôi cũng chạy theo bạn.  Chỉ hai ba bước chân, tôi chợt nghe rốp, rốp rồi thấy trọng tâm người bị hạ thấp, lần lượt từng chân cắm xuống rãnh thoát nước bên mép hồ bơi.  Thì ra lớp nắp che rãnh làm bằng một thứ nhựa có lẽ không tốt lắm, lại phơi mưa phơi nắng nên rất giòn, chỉ chực chờ một trọng lượng không lấy gì làm bao la của tôi đè lên là vỡ vụn.  Đường chạy thì đã vỡ, anh cu Pi đã được mẹ tóm lại, hai chân tôi thì ở dưới hố.  Tôi chẳng còn biết làm gì nên ngồi thừ ra nhìn máu bắt đầu tươm trên ống quyển. 

Các bạn Tây đang nằm phơi nắng, đọc sách bên hồ bơi, ngồi bật cả dậy, hỏi han rối rít, Are you OK?  Tôi bảo, OK, chỉ bị trầy sơ thôi.  Một bạn đứng dậy đi lại cạnh tôi, nhìn thấy cặp ống đồng rướm máu, bảo ngay, No, you’re not OK.  Mày phải nói chuyện với bọn quản lý.  Vài nhân viên khu resort chạy lại, nhìn chân tôi một cái, rồi có lẽ thấy chân tôi chưa gãy, nên tất cả xoay sang lúi húi nhặt những mảnh nhựa vỡ dọn đi, kiếm mấy miếng khắp lắp vào chỗ bị gãy.  Có lẽ, cái chân của tôi tuy rướm máu, và thú thực là cũng khá đau, nhưng chưa đủ rùng rợn để bất kỳ ai trong số các bạn nhân viên mở miệng xin lỗi, hỏi thăm, hay chăm sóc vết thương cho tôi.  Mãi đến khi tôi yêu cầu “làm gì đó” với cái chân tôi, thì mới có một bạn cầm chai ô-xy già, bông gòn và băng keo cá nhân ra sát trùng vết thương và dán mấy miếng băng keo.

Chuyện cái mông

Sau hôm đó, tình cờ vào Facebook, tôi thấy có một bạn kể chuyện, bạn đi xuống cầu thang trong khi cầm laptop trong tay, và bạn bị trượt chân nên laptop văng ra còn mông thì tưng qua mấy bậc cầu thang nên hết sức ê ẩm.  Kể cả chính bạn, cũng như những người tham gia comment, đều tập trung lo lắng, hỏi han sức khỏe cái laptop của bạn ấy.  Tôi nói đùa, mông thì có một, laptop thì sản xuất hàng loạt, sao không ai hỏi han cái mông mà chỉ hỏi han cái laptop.

Chuyện cái tít

Chuyện cái tít là chuyện cũ.  Đó là chuyện tôi bất bình với  Vnexpress, khi đưa tin vụ tảng bê tông rơi trúng một chiếc Civic làm một gia đình bị thương nặng, đã giật tít, “Bê tông bốn tấn đè bẹp xe Civic ở hầm dẫn cầu Phú Mỹ,” và đặt câu hỏi, “Từ bao giờ thì xe quý hơn người?”

***

Đành rằng, cái chân của tôi bị thương không lấy gì làm nghiêm trọng, nhưng tôi hơi phiền lòng về cách các nhân viên resort tập trung vào sửa chữa tài sản của resort hơn là chăm sóc cái chân của tôi.

Đành rằng, cái mông của bạn kể trên có thể chỉ hơi ê ẩm, nhưng tôi cũng hơi băn khoăn về cách mọi người tập trung hỏi han lo lắng cho cái laptop.  Trong trường hợp này, tôi cũng hiểu mọi người có thể đã giả định rằng mông bạn ấy không sao, mà bạn ấy cũng chỉ ca thán laptop thôi, nên chẳng việc gì phải hỏi thăm bạn ấy.  Biết thế, nhưng vẫn băn khoăn.

Vì tôi e rằng, cứ như thế  thì mỗi lúc có sự cố gì xảy ra, thay vì hỏi nhau, “Bạn có sao không?”, ta lại chỉ hỏi nhau, “Xe bạn có sao không?”, hay, “Bạn có mất không?”, hay, “Có hư hỏng không?”

Và rồi thì báo chí sẽ chỉ còn giật những cái tít như Vnexpress từng giật.

Nhưng tôi cũng tin, sự thể không đến nỗi bi đát thế.  Tôi lạc quan, vì tôi là người Việt.  Mà người Việt thì lạc quan nhất thế giới.

Wednesday, 5 January 2011

Những đại lộ


 … là tên cuốn tiểu thuyết của Trần Dần kế sau cuốn Những ngã tư và những cột đèn, kiểu như Cô gái đùa với lửa là phần hai của Cô gái có hình xăm rồng.  Sở dĩ ta biết được điều này là nhờ mấy câu thơ mang tính tiên tri sau đây:), đố các bác biết là thơ của ai:

bất cứ ngã tư nào
cột đèn nào
đại lộ nào
hàng cây nào
cũng làm tôi nhớ Người

Tiểu thuyết Những đại lộ chưa biết bao giờ mới ra mắt.  Nếu biết Những ngã tư và những cột đèn phải mất đến 45 năm mới ra mắt được bạn đọc, thì Những đại lộ có khả năng lâu hơn thế nhiều, mà khả năng dễ xảy ra nhất là không bao giờ.  Vì, tất nhiên, nó chưa bao giờ tồn tại.

Tôi tán nhảm thế chỉ vì tôi chưa có cuốn này, chưa nhìn thấy cuốn này; nhưng tôi biết chắc tôi sẽ mua ngay khi nào nhìn đó, thậm chí không chỉ một bản.  Rút kinh nghiệm cuốn Thơ Trần Dần của NXB Đà Nẵng cách đây mấy năm, hồi đấy tôi chỉ mua một bản, và sau đó không còn thấy nó ở đâu nữa.   Có lẽ bản sách này đã được đưa vào sách đỏ, không quá nhiều người sở hữu.

Về cuốn Những ngã tư và những cột đèn, Sài Gòn Tiếp Thị sáng nay đã có bài review của Nguyễn Vĩnh Nguyên, nhưng chịu không thể nào tìm được link bài này trên SGTT online [cập nhật: đã có link].  Nghe đâu tác giả bài điểm sách này chuẩn bị chuyển sang nghề đi chụp ảnh mướp:).  SGTT  là tờ báo có mục điểm sách đầy đặn nhất hiện nay trên cả nước, luôn giới thiệu được rất sớm những cuốn quan trọng.  (Nhận xét này tất nhiên chủ quan, vì tôi chẳng biết cách nào để khỏi chủ quan.  Đằng nào thì tôi cũng có đọc Tiền phong, Công an, An ninh thế giới, và vô số tờ báo khác đâu, kể cả một tờ tôi mà trong vòng 10 năm qua tôi chưa bao giờ  nhìn thấy trên sạp báo là Văn Nghệ Trẻ:))


Tuy chưa cầm cuốn này, nhưng tôi nhận thấy ưu điểm đầu tiên của nó là bìa đẹp.  Không có ngã tư hay cột đèn nào trên bìa. Trên một cái nền xám như cuộc đời và số phận Trần Dần, có một góc người liêu xiêu.  Trên bàn, có cái gì trông giống như một con dấu.  Và, như là có một cánh tay cơ bắp thò ra từ trong tường. Tất cả đều gợi nhiều liên tưởng.


+ Trang này đã quảng cáo bán cuốn này giảm giá 30%: http://www.zokik.com/book/detail/id/2900000059283/Nhung_nga_tu_va_nhung_cot_den.  Tôi chưa mua thử ở trang này bao giờ.


Tuesday, 4 January 2011

Đầu năm, tâm sự loài chim biển



Bởi vì ta sống trong một thế giới dạt dào ảo tưởng, nên nếu chẳng may thêm một chút ảo tưởng nữa thì cũng chẳng chết ai. [Hic, thỉnh thoảng viết được một câu cũng có mùi tiểu thuyết phết.]  Ảo tưởng rằng ta giàu: các em bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản dạo này thường gọi ta, gạ gẫm ta vay tiền, mua bảo hiểm, mở thẻ tín dụng, mua căn hộ.  Ta lịch sự ngắt các cuộc gọi, rằng ta không có nhu cầu, nhưng lòng ta không lịch sự lắm, ta chửi thầm bố chúng chứ, moi số điện thoại của ta ở đâu ra. Ảo tưởng rằng ta đẹp trai: con gái ta Alpha chẳng suốt ngày khen ta đẹp trai hơn em Pi là gì. Có hôm hai chị em còn cãi nhau, thằng em thì rống tướng, ba xấu trai, con chị rống to không kém, ba đẹp trai.  Nhưng đến lúc rống không lại em thì con gái vùng khóc rống.  Ấy thế mà có hôm hỏi em Pi đẹp trai giống ai, chẳng hiểu con gái nghĩ ngợi gì lại bảo, em Pi đẹp trai giống bác Ng. tức là ông anh già cáu của ta. Ta buồn năm phút còn bác Ng. nó nghe chuyện chắc phổng mũi.

Ngày xưa,  lúc còn mài đũng quần đùi ở đại học bên xứ Down Under, ta có viết một bài essay, dĩ nhiên rác rưởi như nhiều bài essay khác, về sự riêng tư trong luật pháp Việt Nam dưới ánh sáng của công nghệ thông tin hay một cái gì đó tương tự, lâu quá ta đếch nhớ rõ.  Ta viết 10.000 chữ nên bà giáo sư đọc rối mắt quá, thương cái công tầm chương trích cú, bôi chữ dày đặc nên cho 6 điểm trên 7, vì cho 7/7 thì oan khiên mà cho thấp hơn 6 thì không nỡ.  Dù sao, bài viết đó cũng giúp ta từ đó trở đi quan tâm hơn đến đề tài sự riêng tư.  Ta nói, ta cũng hơi cáu kỉnh vì mấy năm qua từ khi lấy vợ rồi có con, 2/3 số tin nhắn trong điện thoại của ta là tin nhắn rác, quảng cáo từ dục lạc chân kinh đến nhà đất, phong thủy, nhạc nhẽo gì đó.  Bố nó chứ, nó lấy số điện thoại của ta từ đâu ra.

Ta hỏi câu hỏi tu từ thế thôi, chứ ta còn lạ lùng gì cái trò rao bán hàng triệu số điện thoại, hàng triệu địa chỉ email trên mạng.  Ta còn lạ gì  khi bất cứ form mẫu nào cũng đòi ta  kê khai vô số thông tin cá nhân không cần thiết, đăng ký account ở web nào cũng bị tra hàng tá thông tin chỉ thiếu mỗi nước bắt ta khai cả Lịch sử tình yêu [nghe đồn là một cuốn đọc được] rồi khi ta điền vào những phiếu bốc thăm may mắn ở các trung tâm thương mại, chẳng có gì đảm bảo những thông tin cá nhân ta cung cấp không bị tuồn ra nơi khác.  Nói chung ta chẳng lạ gì bất cứ trò gì trên đất nước này.  Tuy nhiên, ta cũng biết còn bao nhiêu điều khác bức xúc hơn, cay đắng hơn, nên chẳng trách mọi người chẳng mấy quan tâm đến việc bảo vệ thông tin cá nhân.

Khi bắt đầu gõ mấy dòng  này, ta đang có ý định chia sẻ một số tâm sự riêng tư cho blog bớt phần khô khan thêm phần ướt át.  Nhưng gõ đến đây ta quên mất ta định tâm sự gì rồi. À, hình như định ta nói lâu rồi ta không say, nên quyết tâm trong tuần này phải kiếm cớ say.  Say có cái hay của say chứ phải không hự?  Nhưng không, hình như ta định nói chiện khác, nhưng thôi khi nào nhớ ra ta sẽ kể sau.

Bonus nóng hổi:

+ Ta có thể tin các bài review tới đâu?  Mạy mọ trong này, ta sẽ thấy Hoàng đế và Giai nhân là một trong những cuốn được đánh giá kém nhất,  giống như tôi từng bình luận.  Bên cạnh đó, danh sách những cuốn kém nhất còn có Những kẻ thiện tâm :) - cuốn này tôi vẫn chưa đọc.

+ Năm 2011, tôi đợi xem cuốn này - một cuốn có vẻ rất hấp dẫn và sẽ rất controversial.  Đề tài là chuyện xảy ra khi Christ quay về trái đất và sống ở New York thế kỷ 21, and “having plenty of sex with both men and women”:)

Saturday, 1 January 2011

Đứng trước biển





Mấy ngày gần Giáng sinh và cuối năm bận rộn, rồi lại có chuyến đào tẩu đi Phú Quốc, nên nhận được nhiều lời chúc của nhiều bạn mà chưa trả lời.  Cảm ơn các bạn đã để lại lời chúc.


Nhân ngày đầu năm, cảm ơn các bạn đã ghé thăm và đọc blog này.  Các bạn là cảm hứng để tôi tiếp tục blogging.  Tôi cũng cảm kích khi thấy lượng người đọc ngày càng tăng, dù các đề tài của blog này không lấy làm gì hot cho lắm.  


Xin chúc tất cả một năm mới 2011 mọi điều tốt lành.  Thiệp mừng năm mới đây ạ:)







Alpha và Pi trên bãi biển Phú Quốc

Bánh mì kẹp và Ocean Vương