Đôi khi tôi băn khoăn tự hỏi trước khi có VTV3 thì chúng ta đến từ đâu? Xin đừng vội hiểu lầm, câu hỏi này không mang một ý vị triết học nào. Có phải là ta thường thấy các biên tập viên VTV trẻ trung, hầu hết là sạch sẽ và có vẻ thạo ngoại ngữ, tự tin đứng trước ống kính và…mở máy: Xin giới thiệu anh Nguyễn Văn Giai đến từ Nam Định, chị Trần Thị Gái đến từ Hưng Yên, em Lò Văn Tèo đến từ Mù Căng Chải, cô Lê Thị Bé Ba đến từ Chắc Cà Đao? Thoạt đầu, nghe cái cấu trúc câu đấy, ta thấy là lạ, chôi chối tai, vì hẳn là ta quen với cách nói “Tôi là Giai, quê Nam Định” hay “Tôi là Giai, người Nam Định” hoặc thậm chí “Tôi là Giai, ở Nam Định’. Thế đấy, trước khi có VTV3 chúng ta đâu có đến từ đâu. Nhưng sau một thời gian bị các anh chị biên tập viên VTV3 bỏ bom, nay thì bất cứ ai, từ bác hưu trí đến cô bé quàng khăn đỏ, từ anh nông dân bắt con cá gô bỏ vô gổ kêu gột gột đến chị nhân viên văn phòng iem iem, hễ xuất hiện trên VTV đều hăng hái tự giới thiệu theo mẫu: “Tôi là Giai. Tôi đến từ Nam Định”.
***
T. đến từ Mỹ. Trong trường hợp này, câu vừa rồi có vẻ diễn tả chính xác trạng thái của T., một người có cha mẹ Việt, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, mang quốc tịch Mỹ, hiện tại đang thực tập tại một công ty Mỹ ở Việt Nam. T. nghe hiểu tiếng Việt được khoảng 80%, có thể giao tiếp được bằng tiếng Việt, dù phát âm hơi lơ lớ. Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, giọng không lơ lớ mới lạ. Hỏi tại sao lại đi thực tập ở Việt Nam , T. nói tại vì T. thấy mình là người Việt và T. muốn sau khi ra trường sẽ làm việc và sinh sống luôn ở Việt Nam . Tôi bảo để sống ở đây, T. phải chịu khó nói tiếng Việt nhiều hơn nữa. T. gật đầu, rồi trèo lên xe máy phóng đi. Về văn phòng, tôi nhận được email của T.. Tên của T. trên email là một cái tên gồm ba chữ, và không có chữ tiếng Anh nào. Tôi trả lời email bằng một câu hỏi: Bạn có tên Mỹ không? Rất nhanh, T. trả lời: “Không, mặc dù ở Mỹ nhiều người vẫn nghĩ tên mình đánh vần là Tree”. T. tên là Trí. Không phải Johny Trí Nguyễn.
***
Cách đây vài tuần, Tuổi Trẻ có một bài viết về một người đàn ông Mỹ và cô con gái nuôi người Việt. Cách đây 13 năm, ông đến một trại trẻ mồ côi ở Việt Nam xin môt bé gái 8 tuổi làm con nuôi. 13 năm ông nuôi đứa bé lớn lên ở Mỹ, thế mà ngày về Việt Nam cô bé vẫn nói một thứ tiếng Việt chuẩn và đẹp. Ông bố Mỹ không biết nói tiếng Việt. Ông dạy con bằng cách thường xuyên chở con đến những khu người Việt để giao tiếp bằng tiếng Việt và yêu cầu những bạn bè người Việt chỉ nói tiếng Việt với cô con gái nuôi. Ông muốn con gái ông là một cô gái Việt, giỏi tiếng Việt và yêu văn hóa Việt, vì một người không yêu cội nguồn mình thì chẳng thế yêu ai. Tôi nghĩ đấy là một câu chuyện đẹp.
***
Hồng Nhung là một trong những ca sĩ Việt tôi thích nghe. Hầu như bài nào Hồng Nhung hát nghe cũng được, nếu không thành công xuất sắc thì cũng không đến nỗi dở tệ. Tôi nghĩ Hồng Nhung có khả năng cảm bài hát rất tốt. Tuy nhiên, khi cô hát tiếng Anh thì tôi thấy rất bực mình, đặc biệt là những bài nhạc Việt lời Anh. Trong album gì tôi quên tên toàn nhạc Dương Thụ, những bài như Cửa sổ mùa đông, Tháng tư về, Tiếng sóng tôi có thể nghe đi nghe lại nhiều lần. Nhưng cũng trong album này Hồng Nhung còn hứng chí hát ba bài cũng nhạc Dương Thụ bằng tiếng Anh. Mỗi lần nghe đến mấy bài này là tôi bấm qua cho nhanh. Hát cái gì mà “tờ mo râu quiu cằm”, thật tình là không thể chịu nổi. Không hiểu mấy bài tiếng Anh đấy để ai nghe. Người Việt như tôi chắc chắn thích nghe nhạc Việt lời Việt, còn mấy anh Tây mắt xanh da trắng tôi nghĩ sẽ không mua một đĩa nhạc Dương Thụ mười một bài tiếng Việt ba bài tiếng Anh để thưởng thức nhạc đại khái như “tờ mo râu quiu cằm”.
***
(đọc tiếp)
Em không có vấn đề gì khi nghe câu: "Nguyễn Văn Giai đến từ Nam Định" cả. Chẳng lẽ mình bị Tây hóa mất rồi?
ReplyDeleteNói chung, ngôn ngữ luôn vận động. Nếu cách nói trên ai cũng hiểu, lại hiện đại, thì tại sao phải chỉ trích chứ?
Bác đọc ra giọng chỉ trích à?
ReplyDeleteXin cảm ơn Goldmun vì bài viết ý nghĩa này, mình chờ đọc những phần tiếp theo nhé!
ReplyDeleteEskynews xin phép tác giả Goldmund để đăng bài viết Chúng ta đến từ đâu? + bìa báo minh họa tại địa chỉ:
ReplyDeletehttp://www.esky-news.co.cc/index.php?showtopic=53
Chúc Goldmund sức khỏe và có nhiều bài viết hay
Thân ái!
Eskynews
Em chả thích Hồng Nhung
ReplyDeleteEm nhớ có lần Trần Thu Hà có nhận xét là Hồng Nhung là người khéo léo, biết làm duyên nên ăn sân khấu chứ hát không hay.
Em thấy Hà nói đúng.
Em hay nghe bài Đi học vì thích bài này,Hồng Nhung hát nghe cứ gọi là cười đau bụng. Giọng phô không chịu được luôn!
Đang nghĩ “tờ mo râu quiu cằm” có phải "tomorow you'll come" không bác Mun nhẩy?
ReplyDeleteChưa nghe NH hát mấy bài đó nhưng trước đây có nghe mong manh tiếng Anh của nàng rất khá, một phần do nàng chịu khó kết bồ với mấy anh khoai Tây lắm
Mấy kiểu nói như VTV3 bảo là sai thì cũng hơi oan, nhưng đó là một kiểu "tiếng Việt xấu", thể hiện ở chỗ thành công thức, cứ lặp đi lặp lại đến nhàm chán, có màu sắc lai căng (không ý thức), và nghèo nàn đến đáng ngạc nhiên.
ReplyDeleteCái "đến từ" là một điển hình, chắc hẳn nó được dùng để dịch "from", nhưng có cái xấu là mặc định bắt chết cứ "from" là phải "đến từ", ngay cả một chương trình ai cũng biết là đang làm ở Hà Nội (quay trực tiếp chẳng hạn) mà vẫn cứ giới thiệu một nhân vật nào đó "đến từ Hà Nội" thì nghe rất chướng.
Kiểu bắt vít ngôn ngữ này còn bộc lộ ở các từ/cụm từ trở thành mốt. Ví dụ như một dạo trước đây cứ bình luận về thơ là nhất nhất phải nhét cho được từ "vâm váp" vào, còn bây giờ cứ hơi một tí là "tưng tửng". Nó là "tiếng Việt xấu", vì đó là biểu hiện của lười suy nghĩ và lười tư duy về/bằng ngôn ngữ. Ngôn ngữ đa dạng và (có thể) đẹp hơn rất nhiều.
Tớ nghĩ thế bạn GM ạ :)
Bác GM không phải chỉ trích VTV mà là đang chê veteve dốt và sính ngoại, em hiểu thế đúng không?
ReplyDeleteEm nghĩ ngôn ngữ ( ở đây là tiếng Việt) của hoặc trong lĩnh vực truyền thông, nhất là truyền thông đại chúng thì có thể lai căng hay sính ngoại một tí cũng được, cho nó có vẻ hiện đại ý mà. Vì thực ra đa số chương trình Gameshow hay talkshow của veteve đều lấy lại format của nước ngoài.
Chúng ta chỉ có thể tìm hay đòi hỏi thứ tiếng Việt trong sáng, tinh tế và đẹp đẽ trong một vài phạm vi nho nhỏ thôi, như văn học hoặc sân khấu chẳng hạn? ( mở ngoặc : hoặc là trong blog của thi sĩ hành nghề luật sư ,)
Em thích Hồng Nhung hát một vài bài, trong đó có Tháng Tư Về, em thấy giỏi tiếng Anh với hát hay một bài hát Việt dịch sang tiếng Anh là hai khả năng khác nhau.
Em nghĩ thế bác GM ạ
@Nhị Linh: "ngay cả một chương trình ai cũng biết là đang làm ở Hà Nội (quay trực tiếp chẳng hạn) mà vẫn cứ giới thiệu một nhân vật nào đó "đến từ Hà Nội" thì nghe rất chướng."
ReplyDeleteBác thấy chướng vì bác ngồi ở Hà Nội xem chương trình. Chứ khán giả nơi khác thì chắc thấy bình thường bác ạ.
Với lại cho dù chương trình có được quay trực tiếp chăng nữa ở thủ đô, nhân vật có thể đến từ nhiều nơi khác nhau, trong đó có Hà Nội. Ở ngữ cảnh ấy, em thấy chẳng có gì đáng phàn nàn cả.
Nói thật là em không xem VTV nên chỉ suy ra từ lời các bác tường thuật thôi ạ. Có gì các bác cứ dạy bảo thêm. Em xin nghe.
This comment has been removed by the author.
ReplyDelete"Tờ mò râu quiu cằm"...hihihi..that's funny. Anh GM có nghe/đọc những bài hát của Trịnh Công Sơn được/bị dịch sang tiếng Anh chưa? Cũng vô cùng mắc cười.
ReplyDeleteTiamo: Vâng.
ReplyDeleteVịt: Anh cũng thích Trần Thu Hà hơn.
Anh: Tôi không có bồ khoai Tây nên tiếng Anh chắc không bằng HN rồi. Tôi nghĩ HN nói tiếng Anh không dở, chỉ là khi hát nhạc Việt lời Anh thì nghe khó vào do cách nhấn âm theo tiếng Việt, cũng có thể do người đặt lời. Vấn đề là dịch ra tiếng Anh cho ai nghe cơ chứ?
Bạn Nhị Linh ở đâu ra mà ăn nói nuột nà đáng yêu nhỉ?:)
ReplyDeleteqt: Tôi chưa nghe/đọc nhạc bài hát TCS bằng tiếng Anh, nhưng tôi nghĩ lời TCS dịch ra tiếng Việt còn khó huống hồ dịch ra tiếng Anh:)
ReplyDeleteCó lẽ vấn đề hát tiếng Anh mà nghe như tiếng Việt đơn âm là vì nhạc khớp thanh dấu lời gốc tiếng Việt, từng từ tiếng Việt ứng với một đơn vị nốt rõ ràng. Vì thế chuyển sang lời Anh thì cái lên bổng xuống trầm ngay trong một từ được chia làm mấy đơn vị nốt sẽ ngang tai.
ReplyDeleteThử nghe Nhung Nhăng hát cái bài của tay Craig viết cho nhân dịp The Quiet America thì thấy rất nhạt nhẽo, vì nó là bài hát tiếng Anh thực sự, không phải là sở trường của một ca sĩ Việt lúc nào cũng có nhu cầu tròn vành rõ chữ làm rõ "sự trong sáng của tiếng Việt" - mất hết cái công phu tiếng mẹ đẻ.
Còn dịch tiếng Anh ra thêm bài hát bonus chắc là cho để lấp đầy dung lượng đĩa CD?
Các bác lại lăn tăn, gì mà ngôn từ xấu với chả đẹp ở đây. Lời nào mà thoát ra từ đôi môi mọng ướt của mấy em VTV đều là châu ngọc hết.
ReplyDeleteNgười ta có tham vọng đưa bài hát lên tầm quốc tế thì dịch sang TA thôi mà. Có điều làm được điều đó thành công quả thực không dễ tí nào vì hình như người dịch lời dễ mắc cái bệnh dịch sát nghĩa quá nên lời bài hát nghe rất vô duyên. Chẳng hạn như lời cái bài hát chính thức của thế vận hội Asean tại VN năm nào (Vì một thế giới ngày mai ấy), lí do để dịch lời bài hát rất chính đáng, k hiểu các bạn bè q.tế nghe thế nào nhưng với tôi nghe cái lời TA của họ thấy khó lọt lỗ tai lắm.
ReplyDeleteRất nhiều bài hát nước ngoài được chuyển thể ra Tiếng Việt khá hay nhưng chưa thấy bài hát Việt nào chuyển thể sang TA nghe ổn cả.
Thanh nhạc nói riêng và ca khúc nói chung là nghệ thuật của ngôn ngữ. Dân tộc nào có ngôn ngữ đó và nền ca hát riêng của mình. Sở dĩ nhạc Pháp, nhạc Anh, nhạc Mỹ, nhạc Tàu…. khác nhau là vì giọng điệu, nhạc điệu của ngôn ngữ khác nhau. Tôi “cực lực phản đối” ba cái trò dịch lời bài hát sang tiếng nước khác để hát. Nó là mất hết hồn vía của bài hát. Nhạc Trịnh Công Sơn hát bằng tiếng Anh, Quan họ hát bằng tiếng Anh, Serenade của Schubert hát bằng tiếng Việt. Tôi không chấp nhận kiểu đó! Đó là chưa kể đến việc sau khi (bị) dịch sang thứ tiếng khác, nội dung ca từ đã bị thay đổi khá nhiều. Trong một số trường hợp tinh thần bài hát cũng bị thay đổi. Các bác có thể bảo là em cực đoan, nhưng em thật sự ghét ba cái trò đó!
ReplyDeleteOasis: Cực đoan là động lực của phát triển. Bác cứ cực đoan thoải mái đê:)
ReplyDeleteCác anh, các bác tranh luận phức tạp quá. Chuyện "đến từ đâu" thì em nghe riết cũng quen tai, thấy bình thường..
ReplyDeleteNhưng mà chuyện "tờ mo rầu quiu cằm" thì đúng là từ Tuấn Ngọc cho tới Hồng Nhung hay lớp ca sỹ trẻ như Hà Anh Tuấn đều nghe rất chán..
Em thì em vẫn cứ yêu tiếng Việt. Chắc vì em "đến từ Việt Nam".. ^^
đọc bài này xong thấy nhột quá! :)
ReplyDeletenhột chỗ nào bác?:)
ReplyDelete:D
ReplyDelete