Tuesday 4 August 2009

Bóng ai trong đáy cốc

Bài Đôi bờ Quang Dũng viết năm 1949 có hai câu này:

Thoáng hiện em về trong đáy cốc

Nói cười như chuyện một đêm mơ

Hẳn khi viết như thế, Quang Dũng có nghĩ đến mấy câu của Nguyễn Bính trong Một trời quan tái:

Chiều nay... thương nhớ nhất chiều nay
Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy
Tôi uống cả em và uống cả
Một trời quan tái, mấy cho say!

Hôm nay mới đọc được trọn bài Lòng chiến sĩ của Trần Huyền Trân trong tập Rau tần do chị Sonata gửi tặng. Nhớ thế, mới phát hiện ra cái hình ảnh bóng em bóng ai trong cốc rượu rất có thể xuất hiện đầu tiên trong thơ Trần Huyền Trân:

Mặt trận đêm nay mừng đắc thắng
Rượu nồng sôi máu đỏ, ô hay
Men buồn nhẹ bốc trong lòng vắng
Thoáng bóng ai trong cốc rượu đầy

Trần Huyền Trân viết bài này năm 1939 ở Ô Chợ Dừa. Theo nguồn tin chưa kiếm chứng trên internet, Nguyễn Bính viết Một trời quan tái năm 1940 tại Lạng Sơn (có câu Tôi đi đi mãi vào sơn cước). Nếu đúng Nguyễn Bính mượn thơ bạn mình là Trần Huyền Trân lẽ ra ông cần phải chú thích như thế. Riêng Quang Dũng có lẽ cũng cần chua một câu “mượn hình ảnh trong thơ Trần Huyền Trân và Nguyễn Bính’.

Trong ba bác này, bác Nguyễn Bính "máu me" nhất. Hai bác kia chỉ thấy thoáng bóng ai trong đáy cốc rồi thôi. Bác Trân viết giùm Phạm Ngũ Lão nên chừng mực, bác Dũng thấy bóng em về thì trò chuyện với bóng em. Riêng bác Bính thấy bóng em trong đáy cốc rồi bác chơi cạn cốc luôn. Hình ảnh uống bóng em có vẻ rất lãng mạn, như là biểu hiện của tình yêu say đắm. Tuy nhiên, có thể có cách giải thích khác, đó là vì "em" khó ưa quá mà cứ hiện hình ảm ảnh hoài, nên cạn cốc quách cho rồi khỏi phải thấy bóng hình "em" nữa.

Đó cũng có thể là lý do tại sao ngày nay ở các quán nhậu người ta thường cụng ly trăm phần trăm:)


12 comments:

  1. Như thế này thì có bị tính không bác:

    "Lòng ta cũng như tàu ta cũng uống/Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân" (dị bản: .../Mặt anh em trong suối cạn hội nhà văn)

    Hay là vẫn Nguyễn Bính, lần này với Xuân Diệu:

    "Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh/Tơ liễu theo nhau chảy xuống hồ" (Viếng hồn trinh nữ - Nguyễn Bính)

    và "Anh một mình nghe tất cả buổi chiều/Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh" (Tương tư chiều - Xuân Diệu)

    ReplyDelete
  2. Bác Lữ Liên thì "thấy thấp thoáng bóng em về chìm trong đáy cốc/đôi mắt u buồn thiên thu"

    ReplyDelete
  3. Nếu cứ truy nguyên như thế thì chắc phải bắt đầu từ câu chuyện Mỵ Nương thấy bóng Trương Chi trong đáy cốc mất bác ạ.

    ReplyDelete
  4. Trường hợp Quang Dũng có thể chỉ là liên tưởng, nhưng còn câu của Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân quá giống nhau bác không thấy thế sao? Hình ảnh có thể giống nhau nhưng cách thể hiện phải khác chứ.

    ReplyDelete
  5. người ta là đồng chí với nhau coi như quý nhau mà lấy tạm của nhau một câu, như là lẩy thơ ấy bác thắc mắc cái gì, giống như nhìn thấy anh B mặc áo anh A đi ra ngoài đường thì người ta cũng chẳng thắc mắc gì nếu biết A và B bạn thân cánh hẩu, chẳng lẽ lại nghĩ thằng B giết thằng A lấy áo?

    bây giờ bác quý em bác đặt tên em cho con bác thì em có nói gì bác đâu :))

    ReplyDelete
  6. Em tham gia Hướng Đạo Sinh (boyScout) anh ạ. Boyscout thì không liên quan đến tôn giáo, không chính trị luôn !

    Em bận nên chưa đọc bài viết mới cuả anh, để tối đọc rồi comment sau. (Viết câu này để thấy comment của mình đỡ vô duyên ! ^^)

    ReplyDelete
  7. Hình như là:
    Thoáng hiện em về trong đáy cốc
    Nói cười như chuyện một đêm mơ. (thay vì đêm mưa) anh GoldMund à???

    ReplyDelete
  8. Đã sửa, cảm ơn bác. Trí nhớ của em suy tàn thật rồi:)

    ReplyDelete
  9. Em nói thật là em không rành các thể loại văn thơ cổ, nó xa thế hệ cuả em quá !

    Nhưng em thích cái liên tưởng cuả anh, nhất là chyện cụng ly trăm phần trăm. Ngồi bên bàn nhậu mà lôi mấy chuyện này ra tán dóc thì quả là hết sẩy. Chẳng hạn "tôi đố các ông, tại sao uống thì phải cạn trăm phần trăm ? Ai trả lời sai là phải trăm phần trăm nhá !"

    Ấy là em nói vậy thôi, chứ em không biết uống bia ! ^^

    -Land-

    ReplyDelete
  10. Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân vốn cùng 1 phái " Áo bào gốc liễu " mà .

    ReplyDelete
  11. "Thoáng hiện em về trong đáy cốc
    Nói cười như chuyện một đêm mơ."

    Câu này QD chơi chữ đồng âm chứ bác Mun? Đang nói sông nước, chắc không phải cốc rượu đâu.

    ReplyDelete
  12. chắc không phải vậy đâu bạn ơi, phía trên có thuốc, phía dưới có rượu cũng hợp mà

    chứ "cốc" theo nghĩa bác nói mà có "em" hiện về thì em giống "ma" quá:)

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN