Cuốn sách này được dịch và in ở Việt Nam năm 1986, 9 năm sau bản gốc, nghĩa là khá sớm. Nhưng không hiểu sao nó không có được danh tiếng như Trăm năm cô đơn. Có lẽ vì không như tác giả Trăm năm cô đơn, cái mác nhà văn Nobel đến với Vargas Llosa khá muộn.
Cuốn sách gồm hai mưoi chương. Những chương số lẻ là chuyện tình giữa cậu sinh viên luật 18 tuổi ôm mộng trở thành nhà văn và người dì họ 32 tuổi, đã một đời chồng. Ở những chương số chẵn, thoạt đầu ta đọc được những truyện ngắn ly kỳ có kết thúc lửng lơ. Sau rồi ta sẽ biết những truyện ngắn ấy là tác phẩm của một nhà văn quèn, chuyên viết kịch truyền thanh. Dần về sau, nhân vật của các truyện ngắn lẫn lộn vào nhau, thay thế hoàn cảnh nghề nghiệp của nhau, thậm chí tên của nhân vật này bị gán cho nhân vật kia, ấy là khi nhà văn quèn bắt đầu bị tâm thần và nhầm nhọt các nhân vật trong các vở kịch truyền thanh của mình với nhau.
Vargas Llosa kể chuyện lôi cuốn và hài hước. Chẳng hạn trong một chương khi cậu sinh viên đang thất vọng vì tình, thì cậu được nhà văn khuyên hãy uống thuốc nhuận tràng, bởi lẽ “trong đa số trường hợp cái gọi là nỗi buồn trong tâm can chỉ là hậu quả của việc khó tiêu hoá món đồ quá khô, món cá thiu hoặc chứng táo bón. Một liều thuốc nhuận tràng mạnh mẽ thanh toán được những nỗi rồ dại của tình yêu.” Quả nhiên là một lý do rất tốt để trữ sẵn Antibio Pro bên người.
Sách dịch vòng qua bản tiếng Nga, so với bản tiếng Anh dịch từ tiếng Tây Ban Nha thấy sai sót không đáng kể. Tiếng Việt rất nhuần nhuyễn. Cuốn này quả là một kiệt tác bị bỏ quên (ở Việt Nam). Những năm gần đây, Vargas Llosa được dịch thêm hai cuốn nữa nhưng hình như ít người đọc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét