Tủ sách của tôi
Nhân đọc tạp bút : “Tủ sách của ba tôi" lại nhớ về tủ sách của tôi . Tôi đã từng có một tủ sách . Gọi là tủ sách cho nó oách chứ thật thì, nói ra xấu hổ, đó chỉ là mấy chiếc thùng carton cũ . Sách mua về, đọc xong tôi xếp vào đó . Một thùng, hai thùng rồi ba thùng …Thời trai trẻ, tôi sống như một tên Bohémien chính cống . Không một nơi nào cố định, chỗ năm ba tháng, chỗ một vài năm . Mỗi lần dịch chuyển, một ba lô quần áo, một tủ sách di động theo sau . Nhẹ tênh . Mãi đến khi bị Người Kia tóm được thắt lưng tôi mới chịu dừng bước giang hồ và đoạn tuyệt cái cảnh cơm hàng cháo chợ .
Tôi mê sách . Tôi thường xuyên mua sách . Tôi xin phép lan man với Nguyễn Vỹ một chút. Không biết sao hồi đó tôi rất thích Nguyễn Vỹ . Phải thừa nhận Nguyễn Vỹ là người đa tài, viết văn, làm thơ hay làm báo, ở lãnh vực nào ông cũng nỗi trội . Các đầu sách của ông như Dây Bí Rợ, Hai Thiêng Liêng, Chiếc Áo Cưới Màu Hồng, Tuấn Chàng Trai Đất Việt tôi dều có đủ . Ông là chủ soái của Tao Đàn Bạch Nga . Cách đây cả nửa thế kỹ ông đã biết cách sử dụng lời bài hát để làm slogan cho tờ nhật báo Dân Ta của mình . Thật vậy, dưới hai chữ Dân Ta to tướng bao giờ cũng có dòng chữ : “ Dân Ta hằng anh dũng, Dân Ta vẫn oai hùng, Dân Ta dù nguy biến không nao…” . Ông là chủ biên cùa tờ Phổ Thông Bán Nguyệt San ( một dạng như tờ Kiến Thức Ngày Nay bây giờ ) mà tôi không bỏ sót số nào . Ngoài ra, ông còn dich Bonjour Tristesse ( Buồn ơi, chào mi ) của Francoise Sagan rồi đăng trên Phổ Thông BNS . Tôi khâm phục nhưng không ngưỡng mộ ông, bỡi rằng, qua mắt tôi, Nguyễn Vỹ là người có tài nhưng khiêm tốn một cách “ huyênh hoang “. Điều này, nếu ai có đọc chuyên mục “ Mình ơi! “ ông viết dưới bút danh Diệu Huyền hay ´Người tù 69 “ trên PTBNS ắt nhận ra ngay . Thôi chết, mình lạc đề xa quá rồi, hãy trở lại với tủ sách của tôi .
Trong đời, có lúc mình phải đưa ra một quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình . Tôi đã có một quyết định . Một quyết định mà mãi sau này mình mới nhận ra là ngớ ngẩn và dại dột . Cứ nhìn cái cảnh mỗi tuần, thứ bảy dắt díu nhau về Phanrang rồi chiều chủ nhật lại lót tót trở lên Đơn Dương để kịp sáng hôm sau lên lớp, tôi chợt có ý nghĩ, sao mình không về Phanarang ở quách cho nó tiện ? Mình đơn thương độc mã ở đâu mà chẳng được . Đang yên đang lành, công việc đang xuôi chèo mát mái bỗng nhiên giở chứng
.
Việc trước tiên là xếp sách vào thùng, buộc cẩn thận rồi chuyển theo xe lửa cho sách xuôi về Phanrang trước ..Nhà Người Kia có một cái tủ kính khá đẹp, tôi chiếm dụng ngay làm tủ sách . Bao năm nay nằm chật chội trong mấy cái thùng xấu xì, giờ được nắm tay nhau đứng dàng hàng trong chiếc tủ kính, trông sách mới đẹp làm sao . Nhưng, những quyển sách vô tri kia nào biết, tai họa đang chờ nó .
Năm 1964 – Cây lụt Giáp Thìn . Đon Dương lụt . Phanrang cũng lụt . Đơn Dương lụt vì thiếu kinh nghiệm điều tiết nước hồ Danhim . Phanrang lụt vì vỡ đê Sông Cái . Người Kia cứ thẩn thờ, không biết mẹ già em dại ra sao . Còn tôi, ngoài việc chia sẻ chuyện gia đình, lòng cũng rối bời không kém. Chẳng biết cái tủ sách giờ thế nào .Tôi bèn rũ vài người bạn đồng hành bằng xe đạp về Phanrang . Cung dường tám mươi cây số, chúng tôi phải vác xe trên vai mất mươi cây vì đoạn đường từ trên Tân Mỹ đến cuối Đồng Mé đã biến thành sa mac . Cát bồi lắp chẳng còn đường sá gì, chỉ nhắm hướng động mà tiến bước .
Phanrang . Điêu tàn . Nền nhà cao một thước mà mực nước ngập gần chạm nóc . Đến người mà ngấm mấy ngày dưới nước như thế cũng tơi tả rã rời huống gì là sách . Mấy trăm quyển PTBNS của tôi đã kết dính lại thành một đống nhão nhoẹt. Tổn thất trăm phần trăm . Tủ sách đầu tiên của tôi đã trở thành vật hiến tế cho thủy thần .
Làm lại từ đầu . Giờ đã có vợ con đàng hoàng rồi . Giờ đã ở trong căn hộ dàng hoàng rôi . Phải có một tủ sách đàng hoàng mới được . Tôi lại mua sách như điên . Mỗi lần năm, ba quyển . Có khi cao hứng lấy luôn chục quyển . Anh hùng hảo hớn trong Tự Lực Văn Đoàn đều đã đủ mặt . Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Vỹ, Vũ Trọng Phụng…..góp phần làm cho tủ sách thêm xôm tụ . Năm 1968 tôi lại phải :” Xếp bút nghiên theo việc binh đao “. Bốn năm biền biệt .Ngày trở về, thì ôi thôi rồi tủ sách của tôi ! Những quyển sách mà tôi thường nói, mếch lòng thì chịu, nhất quyết không cho ai mượn , đã được cậu em tốt bụng của tôi cho người này mượn vài quyển, người kia vài quyển .Vứt mỗi nơi mỗi quyển . Sách một ra đi là không trở về . Tính ra thiệt hai cũng non phân nửa .
Lại phải chỉnh trang tủ sách . Tôi lên Dalat tha về một chiếc tủ bằng ván ép dán formica . Kiểu dáng tủ khá hiện đại (lúc bấy giờ). Phía trên có hai phần kính trượt trên ray . Phần giữa là một cánh ngang, khi cần, kéo ra thả xuống thành bàn viết ; dùng xong, nâng lên đóng lai rất gọn gàng .Bên dưới là cửa gỗ có khóa . Sách giờ đã khá nhiều, phong phú hơn , lai được bày biện trong chiếc tủ xinh đẹp, ai trông thấy cũng phải trầm trồ khen ngợi . Phòng khách như sáng hơn, sang hơn . Rồi đến một ngày …
30.4 Ngày giải phóng .
Alô , alô…chú ý, chú ý : “ Ai đang cất giữ sách báo, những sản phẩm văn hóa đồi trụy, khẩn trương đem ra giao nộp cho chính quyền cách mạng . Ai không giao nộp sẽ bị …. Tiếng loa cứ rên rỉ, nhắc đi nhắc lai . Ôi, sách của tôi . “ Un bon livre est un bon ami “ ( Một quyển sách hay là một người bạn tốt ). Đau lắm chứ . Xót lắm chứ . Làm sao tôi có thể đem giao nộp những người bạn tốt của tôi để thiên hạ đốt đi một cách vô cảm . Tôi xin thề, tôi là một nhà giáo, tôi sống rất nghiêm túc . Sách của tôi cũng rất nghiêm túc . Nhưng tối biết giải bày điều này với ai ? Với ai mới được chứ ! Ở vào một thời điểm đặc biệt, khi mà người ta có thể giăng lên một banderole với dòng chữ : “ Con bò có cái cục u / Những người buôn bán thì ngu như bò “ thì mớ sách báo kia được gọi là sản phẩm văn hóa đồi trụy âu cũng là điều dễ hiểu .
Tôi lại có một quyết định . Cái quyết đinh này cũng chẳng hay ho gì hơn so với cái quyết định chuyển sách năm xưa, nhưng dù sao nó cũng làm cho tôi đỡ xốn xang, bứt rứt . Tôi mang tất cả sách báo chất vào một gian cầu tiêu hỏng, không sử dụng . Tôi định bụng, nếu ai hỏi, tôi sẽ nói, để đó chùi…đỡ phải mua giấy KissMe ..
Cái tủ sách trống huơ trống hoác ngơ ngác nhìn tôi như muốn hỏi : Gì vậy ? Có chuyện gì xãy ra vậy ? Tôi lại lần mò ra sau, đứng tần ngần trước cái cầu tiêu hỏng rồi nghĩ : “ Cái gì đồi trụy thì đồi trụy chứ Từ Điển thì nhất định không thể nào đồi trụy được . Thế là tôi gom gần chục quyển tự điển mang vào xếp lên tủ sách .Vài ba hôm sau, tôi lại trở ra . Cao Nguyên Miền Thượng này, Làng Xòm Việt Nam này, Hội Hè Đình Đám này, Tín Ngưỡng Việt Nam này, mấy thứ này sao gọi là đồi trụy được . Tôi lại gom góp mang vào xếp lên tủ sách . Thêm vài lần tuyển chọn như thế…Rồi một mùa mưa đi qua .Tôi trở ra thăm cầu tiêu sách, thì…trời ạ, từ ông cố, ông sơ cho dến cháu chắt chín đời họ nhà mối đã kéo về xây thành đắp lũy ngay trên đống sách ươt mèm của tôi . Đống sách mà giờ đây chỉ cần chạm nhẹ nó cũng rệu rả, bẹp di xuống. Tôi tiếc biết chừng nào . Hàng trăm quyển Hương Quê, một tư liệu rất quý cho nhà nông, trong đó, mỗi quyển lại có một truyện ngăn cực hay của Bình Nguyên Lộc .
Tủ sách của tôi giờ chẳng còn bao nhiêu quyển . Theo thời gian, nó cũng tàn tạ như chủ nhân của nó .Nhưng tôi tin rằng, rồi con tôi sẽ có một tủ sách thật hoành tráng như tôi hằng mơ ước . Và, hinh như điều đó đang dần dần trở thành hiện thưc .
há há... cháu nhìn thấy ảnh đồi trụy ngay trang bìa kìa, nhất định là đồi trụy ròi, bác ơi =))
ReplyDeletegiờ mình mới hiểu tại sao hồi nhỏ GM thích đọc cuốn CNMT :D
ReplyDelete... đại từ nhân xưng ngôi thứ 3.. "Người Kia" :)
ReplyDeletecó! có cái bìa dòm đồi trụy kìa bác ơi! =D
ReplyDeletehic, cái đó gọi là vẻ đẹp thiên nhiên nha)
Deletehic, "vẻ đẹp thiên nhiên" làm em liên tưởng tới vụ "chụp ảnh vì môi trường".
DeleteChưa hết, dòm sang bên phải: Dayssss "Đi hiến tinh" Đông A "Sao không làm đi?"
ReplyDeleteExodusinthewind : Như thế gọi là : " Tự nhiên như người dân tộc thiểu số , đâu phải ca sĩ mà xét nét chuyện lộ hàng .
ReplyDeleteem có cảm giác giọng văn cũng có tính "di truyền" (sinh học hoặc xã hội)?!
ReplyDeleteEm đã hiểu lý do anh chọn căn hộ tầng 13 làm nơi cư ngụ !
ReplyDeleteBa em ngày xưa cũng mất mấy thùng carton sách vì chạy loạn. Đã thế, dân miền Trung, bão lũ ẩm dột quanh năm, mỗi lần thế lại cống nộp một mớ sách nữa cho thủy thần và mối mọt. Có những bộ sách rất quý như Chiến Tranh Và Hòa Bình, Sông Đông Êm Đềm hay như Thành Ngữ Điển Tích cũng đều chung số phận.
ReplyDelete