Wednesday, 25 April 2012

Kawabata

Bài này dịch 2004, đăng eVan. Post lại ở đây nhân dịp đang tìm kiếm Tuyển tập Kawabata của Đông Tây.  Cuốn đó, từng nhìn thấy nhiều lần, nhưng không lấy, bây giờ muốn có lại không thấy đâu. Bạn nào có, chỉ giúp, xin hậu tạ.





GIẢI  NOBEL VĂN CHƯƠNG 1968
Diễn  từ trao giải của tiến sĩ Anders Osterling, Viện Hàn lâm Thụy Điển

Người nhận giải Nobel văn chương năm nay, nhà văn Nhật Bản Yasunari Kawabata, sinh năm 1899 ở thành phố công nghiệp khá lớn Osaka, nơi cha ông, một bác sĩ có học thức cao và say mê văn chương, hành nghề.  Tuy nhiên, từ khi còn nhỏ, ông đã buộc phải xa rời môi trường trưởng thành thuận lợi này sau cái chết bất ngờ của bố mẹ.  Là đứa con độc nhất, ông được gửi đến ở với người ông mù lòa và đau yếu ở một vùng quê hẻo lánh.  Những mất mát bi kịch này, có ý nghĩa gấp bội khi khi xét đến tình cảm sâu nặng về quan hệ ruột thịt của người Nhật Bản, rõ ràng đã ảnh hưởng đến toàn bộ cái nhìn của Kawabata về cuộc đời và là một trong những lý do khiến ông nghiên cứu giáo lý Phật Giáo về sau này.

Ông đã quyết định theo nghề văn từ khá sớm, khi còn là sinh viên đại học hoàng gia ở Tokyo, và ông là tấm gương về niềm đam mê miệt mài vốn luôn là điều kiện cần thiết để theo đuổi nghiệp văn chương.  Trong một truyện ngắn viết khi còn trẻ, truyện đầu tiên khiến ông được chú ý ở tuổi hai mươi bảy, ông kể về một sinh viên nọ trong một mùa thu cô đơn thả bước dạo trên bán đảo Izu, tình cờ gặp một vũ nữ nghèo, bị khinh miệt và giữa hai người đã nảy nở một mối tình cảm động.  Cô gái mở rộng tấm lòng thanh khiết của mình và đưa chàng trai trẻ đến với những cảm xúc chân thật và sâu sắc.  Như một điệp khúc buồn trong môt bản dân ca, chủ đề này lặp lại nhiều lần với những biến tấu khác nhau trong các tác phẩm về sau của ông.   Ông đưa ra thang giá trị của riêng mình, và năm tháng trôi qua tiếng tăm của ông đã vượt xa khỏi biên giới Nhật Bản.  Thật vậy, cho đến bây giờ chỉ mới  ba tiểu thuyết và một vài truyện ngắn của ông được dịch ra các ngôn ngữ khác, rõ ràng là vì vấn đề dịch thuật ở đây là một khó khăn đặc biệt to lớn và dễ trở thành một màng lọc quá thô kệch mà qua đó nhiều tầng nghĩa tinh tế trong ngôn ngữ phong phú của ông bị mất đi.  Dù vậy những tác phẩm đã được dịch của ông vẫn cho chúng ta thấy được một bức tranh tiêu biểu về tính cách của ông. 

Cũng như người đồng hương cao niên quá cố Tanizaki, phải thừa nhận là ông đã chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực phương Tây, nhưng đồng thời ông vẫn lấy văn chương cổ điển Nhật Bản làm nền tảng và nhờ đó đại diện cho một khuynh hướng rõ rệt về sự hoài vọng và gìn giữ phong cách truyền thống thật sự của đất nước.  Trong nghệ thuật kể chuyện của Kawabata, ta có thể nhận ra chất thơ tình huống được tô đậm nhạt một cách tinh tế (sensitively shaded situation poetry) có nguồn gốc từ tranh sơn dầu về đời sống và phong tục Nhật Bản của Murasaki khoảng năm 1000. 

Kawabata đặc biệt được ca tụng là một nhà phân tích tâm lý phụ nữ tài tình.  Nghệ thuật bậc thầy này của ông biểu hiện trong hai đoản thiên tiểu thuyết Xứ Tuyết Ngàn Cánh Hạc.  Trong hai tác phẩm này chúng ta có thể thấy được khả năng miêu tả xuất sắc những trường đoạn gợi tình, sự quan sát sắc sảo tinh tế, sự đan xen những chi tiết nhỏ nhặt, bí ẩn làm lu mờ kỹ thuật kể chuyện của châu Âu.  Văn của Kawabata gợi lại nghệ thuật hội họa Nhật Bản, ông là người tôn sùng vẻ đẹp mỏng manh và ngôn ngữ đầy hình ảnh u uẩn về cuộc sống thiên nhiên và số phận con người.  Nếu sự phù du của hành động bề ngoài có thể so sánh với túm cỏ trôi dạt trên mặt nước, thì đó chính là nghệ thuật thu nhỏ đích thực Nhật Bản của thơ haiku được phản ánh trong phong cách hành văn của Kawabata.

Thậm chí nếu ta cảm thấy bị gạt ra, và đúng là như thế, khỏi cách viết của ông do vấp phải một hệ thống những tư tưởng và bản năng Nhật Bản cổ xưa khá lạ lẫm đối với chúng ta, có thể chúng ta vẫn thấy văn Kawabata hấp dẫn ở những điểm tương đồng với tính chất của các nhà văn châu Âu trong thời đại chúng ta.  Turgeniev là cái tên đầu tiên chúng ta nhớ đến, ông cũng là một nhà văn nhạy cảm một cách sâu sắc và là một họa sĩ phóng khoáng vẽ nên những cảnh tượng xã hội, với những nỗi cảm thông mang sắc thái bi quan trong một thời đại chuyển đổi giữa cái cũ và cái mới. 

Tác phẩm gần đây nhất, cũng là tác phẩm xuất sắc nhất của Kawabata, tiểu thuyết “Cố đô” hoàn thành cách đấy 6 năm và bây giờ đã được dịch ra tiếng Thụy Điển.  Truyện kể về cô gái trẻ Chieko, một đứa trẻ bị cha mẹ nghèo xơ xác bỏ rơi và được gia đình thương gia Takichiro nhận nuôi, ở đây cô được nuôi nấng dạy dỗ theo những nguyên tắc truyền thống của Nhật Bản.  Chieko là một cô bé nhạy cảm, trung thành, nhưng thầm ấp ủ câu hỏi về thân thế của mình.  Ở  Nhật Bản, người ta cho rằng một đứa trẻ bị bỏ rơi sẽ khổ ải với tai ương suốt đời, thêm vào đó,  theo một quan điểm hết sức lạ lùng của Nhật Bản, trẻ sinh đôi còn chịu sự nhục nhã đáng xấu hổ.  Một ngày nọ tình cờ cô gặp một cô gái lao động xinh đẹp trong rừng tuyết tùng gần thành phố và phát hiện ra rằng cô là người em song sinh của mình.  Họ gắn kết sâu sắc với nhau vượt qua hàng rào giai cấp xã hội – cô gái thô kệch, làm việc nặng nhọc Naeko và cô gái thanh nhã, luôn được bảo vệ cẩn mật Chieko, nhưng sự giống nhau lạ lùng giữa họ đã mau chóng làm phát sinh rắc rối, phiền toái.  Toàn bộ câu chuyện được đặt trong bối cảnh năm lễ hội tôn giáo ở Kyoto từ mùa xuân anh đào nở rộ đến mùa đông lấp lánh tuyết.

Bản thân thành phố thật sự là một nhân vật quan trọng, thủ đô của vương quốc xưa, từng là nơi đóng đô của Thiên hoàng và triều đình, sau hàng ngàn năm vẫn là một thánh địa lãng mạn, quê hương của mỹ thuật và hàng thủ công trang nhã, ngày nay tuy bị khai thác cho du lịch nhưng vẫn là địa điểm thăm viếng được ưa chuộng.  Với các chùa chiền phật giáo và các đền thờ thần, khu thủ công xưa và vườn thực vật, nơi này mang trong nó chất thơ mà Kawabata thể hiện bằng một phong cách dịu dàng,  nhã nhặn,  không ủy mị mà tự nhiên như một sự hấp dẫn đầy xúc động.  Ông đã sống qua thất bại nặng nề của đất nước và nhận thức chắc chắn rằng tương lai đòi hỏi gì về tinh thần cầu tiến, nhịp điệu và sức sống công nghiệp.  Nhưng trong làn sóng hậu chiến của sự Mỹ hóa mạnh mẽ, tiểu thuyết của ông là lời nhắc nhở nhẹ nhàng về sự cần thiết cứu lấy một cái gì đó trong vẻ đẹp và cá tính của Nhật Bản xưa cho một Nhật Bản mới.  Ông mô tả những lễ nghi tôn giáo ở Kyoto một cách tỉ mỉ như thể chọn mẫu hoa văn trên khăn thắt lưng truyền thống trong trang phục phụ nữ.  Những khía cạnh này trong tiểu thuyết có thể có giá trị tài liệu, nhưng độc giả thích thú với những đoạn mô tả sâu sắc như vậy như đoạn tả nhóm người trung lưu của thành phố thăm viếng vườn thực vật – vốn bị đóng cửa một thời gian dài vì lính Mỹ chiếm đóng lập doanh trại ở đó – để nhìn xem những con đường đáng yêu với hàng cây long não có còn nguyên và có thể làm vui sướng những con mắt thành thạo. 

Với Kawabata, lần đầu tiên Nhật Bản bước vào thế giới những người đoạt giải Nobel văn chương.  Điều cốt yếu dẫn đến quyết định này là, với tư cách nhà văn, ông đã truyền đạt một nhận thức văn hóa có tính thẩm mỹ và đạo đức (moral-esthetic cultural awareness) bằng một phong cách nghệ thuật độc đáo, do đó, đóng góp vào cầu nối tinh thần Đông Tây theo cách của ông.

Thưa ngài Kawabata

Bài diễn văn trên ca ngợi nghệ thuật kể chuyện bậc thầy của ngài mà bằng sự tri cảm lớn lao nghệ thuật ấy đã thể hiện bản chất tâm hồn Nhật Bản.  Chúng tôi hết sức vui mừng chào đón ngài, vị khách danh dự phương xa đến đây hôm nay, trên bục này.  Thay mặt Viện hàn lâm Thụy Điển, tôi nồng nhiệt chúc mừng ngài và mời ngài lên nhận giải thưởng Nobel văn chương năm nay từ tay của Đức Vua.


3 comments:

  1. "Trong nghệ thuật kể chuyện của Kawabata, ta có thể nhận ra chất thơ tình huống được tô đậm nhạt một cách tinh tế (sensitively shaded situation poetry) có nguồn gốc từ tranh sơn dầu về đời sống và phong tục Nhật Bản của Murasaki khoảng năm 1000."
    "In Kawabata's narrative art it is still possible to find a sensitively shaded situation poetry which traces its origin back to Murasaki's vast canvas of life and manners in Japan about the year 1000."
    Vast canvas hình như là 1 loại tranh khổ lớn ghép nhiều tấm thường diễn lại truyện Genji của Murashaki Shikibu. Khó mà dịch là tranh sơn dầu - một thể loại chỉ riêng của Châu Âu ( những năm 1000).

    ReplyDelete

Bánh mì kẹp và Ocean Vương