Bạn thân mến
Đâu đó Ernest Hemingway có nói rằng ở thời điểm khởi sự nghiệp
viết của mình đột nhiên ông nhận ra nên loại bỏ sự kiện trung tâm ra khỏi truyện mình đang viết (sự kiện nhân vật chính treo cổ). Rồi
ông giải thích rằng từ quyết định này ông khám phá ra một kỹ thuật kể chuyện mà
về sau ông thường xuyên ứng dụng trong các truyện ngắn và tiểu thuyết của mình.
Thực tế, không hề phóng đại khi nói rằng
những truyện hay nhất của Hemingway chứa đầy những sự im lặng đầy ý nghĩa; người dẫn chuyện giấu đi các
mẩu thông tin, nhưng đồng thời lại trao cho các dữ liệu vắng mặt ấy một
hiện diện hùng hồn và dai dẳng trong trí tưởng tượng của người đọc, sắp đặt thế
nào để người đọc lấp đầy các khoảng trống bằng các giả thuyết và ức đoán của
riêng mình. Tôi gọi kỹ thuật này là “sự kiện ẩn” và muốn nhanh chóng nói rõ rằng
mặc dù Hemingway đặt dấu ấn cá nhân của
mình lên kỹ thuật này cũng như sử dụng nó thường xuyên, không hẳn ông là người
sáng tạo ra nó, vì đây là một quy trình cũ xưa như chính bản thân tiểu thuyết.
Nhưng sự thật là ít có tác giả hiện đại nào sử dụng kỹ thuật
này với cùng mức độ táo bạo như tác giả Ông
già và biển cả. Bạn còn nhớ truyện “Những tên giết người” (The Killers), một
truyện ngắn tuyệt hảo và có lẽ truyện nổi tiếng nhất của Hemingway? Ở trung tâm
câu chuyện là một dấu chấm hỏi to tướng:
Tại sao hai gã ngoài vòng pháp luật mang súng săn cưa nòng ghé vào cái quán ăn nhỏ tên Henry ở chốn đồng không mông
quạnh muốn giết tay Thụy Điển Ole Andreson? Và tại sao, khi cậu thiếu niên Nick
Adams cảnh báo hắn rằng có hai tên sát thủ đang lùng, tay Andreson bí ẩn này
không chịu trốn đi hoặc báo cảnh sát, mà lại bình thản đón nhận số phận của
mình? Chúng ta không bao giờ biết chắc. Nếu muốn có câu trả lời cho hai câu hỏi
then chốt kia, chúng ta phải tự giải lấy dựa vào vài sự kiện ít ỏi mà người dẫn
chuyện khách quan và biết tuốt (omniscent:))
cung cấp: trước khi chuyển tới vùng này, dường như Andreson từng là võ sĩ đấm bốc
ở Chicago, ở đó gã từng làm cái gì đó (cái gì đó trật chìa, gã nói) định đoạt số
phận gã.
Sự kiện ẩn, hay trần thuật theo lối đục bỏ, không thể vu vơ hoặc tùy tiện. Điều thiết yếu là sự im lặng của người dẫn
chuyện phải có ý nghĩa, có một ảnh hưởng rõ ràng lên phần hiển lộ của câu chuyện,
phải khiến người ta cảm nhận được sự thiếu vắng của nó, và phải khêu gợi lòng
hiếu kỳ, sự trông đợi và tưởng tượng nơi người đọc. Hemingway là một bậc thầy
vĩ đại về kỹ thuật, như thể hiện rõ trong truyện “Những tên giết người”, một
hình mẫu của lối trần thuật kiệm lời. Văn bản của truyện ấy như chóp một tảng băng,
một mỏm nhỏ có thể nhìn thấy được, mà dưới ánh chớp lóe thì gợi ra một thoáng vẻ
ngoài của cái khối chi tiết cồng kềnh đỡ bên dưới, và rồi bị giật phắt ngay khỏi
tầm nhìn của người đọc. Kể chuyện bằng cách giữ im lặng, thông qua những ẩn ý biến
thủ thuật ấy thành một lời hứa hẹn và buộc người đọc chủ động tham dự việc xây
dựng câu chuyện bằng những ức đoán và giả định: đây là một trong những phương
thức phổ biến nhất mà những người dẫn chuyện thành công trong việc mang lại vẻ
sống động cho các câu chuyện của mình, qua đó đem sức thuyết phục đến cho những
câu chuyện ấy.
Bạn còn nhớ mẩu thông tin bị giấu đi trong Mặt trời vẫn mọc, theo tôi là tiểu thuyết
xuất sắc nhất của Hemingway? Đúng rồi,
cái vụ bất lực của người dẫn chuyện Jake Barnes đó. Chuyện đó không bao giờ được
công khai nói tới nhưng dần trở nên rõ ràng - tôi muốn nói là độc giả, vì bức bối
với cái mình đọc, gán điều ấy cho nhân vật - thông qua một sự im lặng đích đáng,
một khoảng cách vật lý kỳ lạ, mối quan hệ trong sáng của Jake với cô nàng Brett
xinh đẹp, mà rõ là anh yêu cô ta và cô ta cũng rõ là có yêu anh, hoặc có thể đã
yêu anh, nếu không phải vì một trở ngại hay chướng vật nào đó mà chúng ta không
bao giờ được thông báo chính xác. Sự bất
lực của Jake là một im lặng ngầm ẩn, một thiếu vắng trở nên nổi bật khi người đọc để ý thấy và rồi
ngạc nhiên vì cái vẻ bất thường và đầy mâu thuẫn trong cách ứng xử của Jake
Barnes với Brett, mãi cho đến khi cách duy nhất để giải thích chuyện đó là nhận
ra (hay bịa ra?) sự bất lực của anh. Mặc dù không được nói ra, hay có lẽ chính
xác vì không được nói ra, mà mẩu thông tin ẩn đó tưới tắm cho câu chuyện trong Mặt trời vẫn mọc bằng một thứ ánh sáng rất riêng.
Dịch một phần chương The Hidden Fact trong cuốn Letters to a Young Novelist của Mario Vargas Llosa.
No comments:
Post a Comment