Thursday, 26 April 2012

Lật một trang


Lắm sách chất quanh nhà cũng có cái lợi. Một trong những cái lợi là thỉnh thoảng giở cuốn này ngó một trang, cuốn kia ngó một trang, có khi thu nhặt được đôi điều bổ ích bất ngờ. Chẳng hạn, hôm nọ giở một trang cuốn dày cồm cộp của Gardner thấy câu này của ông hình như tên bắt đầu bằng chữ S - Samuelson hay gì đấy, sẽ xem kỹ lại sau, đã xem lại, tên ông chính xác là Samuel Johnson. Câu thế này, nghe có quen không nhé: “Your work is both good and original, but the part that is good is not original, and the part that is original is not good.” Câu này vốn rất phổ biến, thường được đem ra chọc ghẹo nhau: văn của mày vừa hay vừa mới tiếc rằng chỗ hay thì không mới mà chỗ mới thì không hay. Hai điều nhặt được từ đây: một, lần đầu tiên biết được ai là người nói câu ấy; hai, chữ “original” có  thể dịch một cách gọn, nhẹ là “mới”, thay vì cứ phải băn khoăn giữa “độc đáo”, “sáng tạo”, “độc sáng” (nghe rất ghét!) với cả “uyên nguyên”! Lại lật một trang trong cuốn chích chòe của Dương Tường, thấy có bài cụ phân tích chữ “thực thụ”/ “thực sự”. Theo cụ, cách dùng chữ “thực thụ” trong những “người đàn ông thực thụ”, “tài năng thực thụ” .v.v. đều sai cả. Còn, lật một trang tạp chí Văn Học của miền Nam trước 75, số đặc biệt về Vũ Hoàng Chương, thì thấy cách dùng chữ “thọ” rất buồn cười. Nguyên văn câu ấy như sau: “Nay nhân dịp thi sĩ Vũ Hoàng Chương vừa thọ 55 tuổi nên chúng tôi lại tiếp tục dự định trên” [tức là ra số đặc biệt về Vũ Hoàng Chương]. 55 tuổi mà là “thọ”? Không hiểu có phải thời ấy chiến tranh nên cách hiểu về chữ “thọ” có khác?

9 comments:

  1. trong cách dùng xưa có nguồn gốc Hán Việt, "thọ" có 1 nghĩa phổ biến để chỉ chung tuổi tác, không nhất thiết chỉ là tính từ chỉ sống lâu. Cũng thế, xưa người ta dùng "chúc thọ" chứ không (hay hiếm?) dùng "chúc sinh nhật", thì đối tượng nào cũng được hưởng lời chúc, cho dù đương tuổi thanh niên cũng được nghe "chúc thọ" vậy. Nay bên Tàu, chữ thọ vẫn còn có nghĩa này trong khi bên Ta thì bị đánh đồng thành "sống lâu", "già" cả. Nếu chịu khó tìm hiểu từ nguyên thì đọc sẽ ít thấy trường hợp "buồn cười" hơn.

    ReplyDelete
    Replies
    1. cảm ơn bác - tôi chưa tìm hiểu, nhưng cũng ngờ rằng lần về gốc thì sẽ khác.

      dù gì, buồn cười thì vẫn thấy buồn cười, không hẳn vì cho rằng người ta sai, mà nó chênh so với nhận thức của thời điểm bây giờ

      Delete
  2. Trong cuốn chích chòe đó, có 2 điểm rất nổi bật, cái bìa của Bút Chì và bài thơ Chéo :)

    ReplyDelete
  3. Anh ơi, em hỏi chút: Anh đang dùng format mới của Blogspot đúng không? Làm sao để gõ một entry với những đoạn có cách dòng bằng một khoảng trắng? Em có cách dòng lúc gõ mà post lên thì thấy liền một mạch chữ với chữ, nhìn chỉ muốn xỉu.

    ReplyDelete
  4. Hihi, giao mùa có khác: từ sách vở, Alpha và Pi giờ đã chuyển qua sự phù phiếm rồi. :D

    [Phiên bản mới của Blogspot hay thiệt, gõ kiểu gì nó cũng liền một mạch, không hở ra khoảng trắng nào để người ta thở. Em không quay lại bản cũ được mà gửi phản hồi cho Google thì nó không chịu đi, báo lỗi liên tục.]

    ReplyDelete
  5. Bạn BA

    Ở phiên bản mới, lúc viết bài mới nó mặc định ở chế độ html, bạn nhấp chuột vào chỗ compose rồi viết entry thì nó sẽ xuống dòng như bình thường thôi.

    ReplyDelete
  6. Hoặc bạn vào phần option, nhấp chuột vào press Enter for line breaks

    ReplyDelete
  7. Cảm ơn Anh/Chị/Bạn vhlong nhiều! :)

    ReplyDelete
  8. vhlong là một chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt đấy BA:)

    ReplyDelete

Bánh mì kẹp và Ocean Vương