Tuesday 20 September 2011

Thức ăn từ Nhật Bản

Một cuốn sách hay, bất kể về đề tài gì, bao giờ cũng là một cuốn sách có tính chất khơi gợi, hoặc về suy nghĩ hoặc về tình cảm. Đó là cuốn sách mà khi đọc xong ta không muốn gấp lại, không muốn cất lên kệ, mà muốn đặt nó trước mặt nhìn, ngắm, lật đi lật lại, và kể cả khi ta nhắm mắt lại ta vẫn thấy nó. Nó lởn vởn trong trí ta, chữ nghĩa, ý tưởng của nó diễu hành trong đầu ta, từ chối rút lui có trật tự. Nó gây ra một cuộc xáo động. Nó làm ta bứt rứt. Nó khiến ta không thể không nói về nó, dù ít dù nhiều, cách này hay cách khác. Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885 của vị giáo sư Nhật Bản Yoshiharu Tsuboi là một cuốn sách như thế.

Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885 viết về giai đoạn lịch sử khi Pháp bắt đầu áp đặt nền thực dân đối với Việt Nam. Tuy nhiên, đề tài được khảo cứu chính không phải là lịch sử quá trình chiếm đóng Việt Nam của Pháp, mà là tình hình chính trị, xã hội, kinh tế Việt Nam dưới triều Tự Đức.  Một cuốn sách như thế này -  được viết khách quan, khoa học, hấp dẫn như tiểu thuyết, căn cứ vào một nguồn tài liệu phong phú -  cung cấp cho người đọc thật nhiều cái nhìn mới mẻ và sáng sủa về một giai đoạn lịch sử phức tạp, đầy biến động - giai đoạn mà nhiều lựa chọn của triều đình nhà Nguyễn khi đó để lại hệ quả lâu dài cho Việt Nam mãi về sau. Những người từng viết review cho cuốn sách như Nguyễn Vĩnh Nguyên trên Sài Gòn Tiếp Thị, hay giáo sư Trần Văn Giàu (viết lời giới thiệu) và nhà văn Nguyên Ngọc (viết lời bạt) đều đồng ý với nhau về ý nghĩa thời sự của cuốn sách cũng như những bài học mà ta có thể rút ra từ cuốn sách cho giai đoạn hiện tại. Ở đây, tôi chỉ nhặt ra những luận điểm hoặc quan sát của tác giả mà tôi quan tâm hoặc thấy thú vị hơn cả:

+             Sự lưỡng lự, bất nhất của triều đình Tự Đức trong việc chọn đồng minh: Khi muốn trấn áp các nhóm giặc cờ, tàn dư của Thái bình Thiên quốc tràn sang, Tự Đức kêu gọi Trung Hoa giúp sức. Khi Garnier tấn công Hà Nội, triều đình lại cậy cánh quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc. Khi có loạn văn thân, Tự Đức lại nhờ hải quân Pháp can thiệp. Rốt cuộc thì sao? Giới văn thân hoàn toàn bất mãn với Tự Đức (đến khi Tự Đức chết rồi thì họ lại hưởng ứng phong trào Cần Vương), thổ phỉ người Hoa hoành hành khắp thượng du Bắc Kỳ, Hà Nội vẫn mất vào tay Pháp.  Có vẻ như ai cũng là đồng minh thì chẳng có ai là đồng minh thực sự cả.

+             Việc phó thác thương mại vào tay người Hoa: Tsuboi quan sát thấy trong nước người Việt Nam đi lại phải có giấy thông hành, còn người Hoa lại có quyền tự do đi lại nên mại bản người Hoa có thể mua gạo trực tiếp ở người sản xuất và xuất khẩu sang Trung Hoa.  Thêm vào đó, người Việt Nam bị nghiêm cấm không được vào buôn bán ở Trung Hoa, nên chỉ thương nhân người Hoa mới có thể đi lại giữa hai nước. Việc xuất gạo sang Trung Hoa mang lại lợi lớn cho thương nhân người Hoa trong kh đó lại đẩy giá gạo trong nước lên và gây ra cảnh thiếu đói. Từ năm 1875, khi triều đình Huế cho mở cửa các thương cảng Hà Nội, Hải Phòng rồi Quy Nhơn phục vụ ngoại thương thì tình hình càng tai hại hơn do thiếu kinh nghiệm nên không kiểm soát được thương nghiệp của nước ngoài. Việc mở cửa các bến cảng càng tạo thế thượng phong cho người Hoa trong thương nghiệp, trong khi ấy thì nạn đói hoành hành ở Bắc Kỳ. Đổi lại gạo, người Hoa nhập vào cái gì? Có hai thứ: thuốc phiện và… tiền giả!       
                     
+             Quan hệ giữa Tự Đức và giới văn thân: Theo quan sát của Tsuboi, chính sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Tự Đức và giới văn thân trở thành một trong những nguyên nhân nội tại chính yếu làm cho Pháp dễ dàng áp đặt chế độ thực dân.

+             Tự Đức: Những tư liệu về Tự Đức đặc biệt mới mẻ và quan trọng. Trích tường thuật của giám mục Pellerin: “Vua đã tỏ ra quan tâm muốn biết về châu Âu và các quốc gia lớn ở châu Âu, vua hỏi tôi nước Pháp nhờ đâu mà hùng cường và phồn thịnh, tôi trả lời là những sinh lực hàng đầu của một dân tộc là quyền tự do cá nhân và những quan hệ tự do giữa các dân tộc nữa.” Tự Đức ham muốn hiểu biết về thế giới phương Tây, đọc cả báo phương Tây viết bằng chữ Hán, và không phải là không mong muốn du nhập kiến thức khoa học của phương Tây về cho đất nước.  Tuy nhiên Tự Đức và triều đình của ông thiếu sự mềm dẻo về hệ tư tưởng, lệ thuộc cứng nhắc vào Khổng giáo, quan lại đều mặc triều phục Trung Hoa, mở miệng là dẫn sử sách Trung Hoa, khiến Tsuboi kết luận rằng “nước Việt Nam của Tự Đức tỏ ra bảo thủ hơn các nước theo Nho giáo khác.” Thay vì phân tích tình hình chính trị đương thời trên nền tảng học thuyết cố truyền, thì nhận định của Tự Đức về thực tại “dường như bị sàng lọc, bị đóng khung bằng khuông mẫu Khổng giáo”.

Cuốn sách của Tsuboi là một cuốn quá quan trọng để có thể bỏ qua đối với bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử và/hoặc hiện tại. Nó cung cấp too much food for thoughts.

Nhược điểm duy nhất của cuốn sách là nó thiếu một bảng chỉ mục (index) phục vụ việc tra cứu.
.

12 comments:

  1. Hà Nội bán đâu vậy ? Hay có khi tặng em quyển này ,keke

    ReplyDelete
  2. Lâu lâu bác Mun đổi chủ đề. Thích nhất phần mở bài :)

    ReplyDelete
  3. Dayss: Bán ở tiệm sách chứ ở đâu:)

    Đồng Nhơn: Sẽ lưu ý nhận xét này:)

    ReplyDelete
  4. Hum nọ, thấy cuốn này mà quá nặng ròi khong kham thêm được nữa :-(

    ReplyDelete
  5. Tôi lại thấy nhược điểm chủ yếu của Tự Đức là rất thiếu nhất quán,lựa chọn nào cũng nước đôi,không biết cuốn sách này có viết đến nhược điểm đấy ko?

    ReplyDelete
  6. em thấy có nhiều sách khảo cứu viết cũng hấp dẫn mà :D chắc tại có "mùi" tiểu thuyết nên có người mê mẩn rồi he he.nhưng đúng cuốn này là một cuốn rất thú vị. em đọc nó một mạch được và hồi đầu bị mê nó. người Nhật (nhưng phải là Nhật có tí Tây hóa) viết nghiên cứu rất tuyệt vời, không riêng cuốn này

    ReplyDelete
  7. thế nhờ bạn yeLLow mách hộ những quyển nào cũng hấp dẫn mê mẩn như này mí

    ReplyDelete
  8. yellow: anh có nói đây cuốn khảo cứu duy nhất hấp dẫn đâu

    ReplyDelete
  9. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  10. cũng có cuốn chưa có đấy, nhưng sao lại mượn?

    ReplyDelete
  11. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN