Saturday 30 October 2010

Tiễn biệt tháng Mười, lương khô cho một ngày mưa lạnh, hay Orhan Pamuk nói về Mario Vargas Llosa (nhưng đúng ra là "Mario Vargas Llosa và văn chương Thế giới Thứ ba")



+ Hôm nay Sài Gòn lạnh như mùa đông, nằm trên sofa đọc Tuyết của Pamuk mà cứ nghèn nghẹn.  Thò tay định kéo chăn lên cho đỡ lạnh chân phát hiện ra chả có cái chăn nào, lại giật đứt ngay một sợi lông chân mình, tiếc ơi là tiếc:)


+ Như đã hứa hẹn, sẽ tiễn biệt tháng 10 bằng một bài nữa  trong tập Other Colors của Orhan Pamuk, rồi xin chừa:). Hy vọng bài này đủ dài để làm lương khô cho một ngày mưa lười ra đường, hoặc nơi nào không mưa xem như lương khô cho kỳ nghỉ cuối tuần.


+ Tên entry dài thế kia để chứng minh rằng tôi cũng có thể rất... dài khi muốn:))


----------------------------





Mario Vargas Llosa và văn chương Thế giới Thứ ba

Có không cái gọi là văn chương Thế giới Thứ ba? Liệu có thể xác định đâu là những phẩm chất căn bản của văn chương của những quốc gia cấu thành cái mà ta gọi là Thế giới Thứ ba - mà không sa vào chỗ dung tục hoặc chủ nghĩa địa phương hẹp hòi?  Khi được diễn đạt một cách tinh tế nhất - ví dụ như trong lý luận của Edward Said - khái niệm văn chương Thế giới Thứ ba là nhằm làm nổi bật sự phong phú và trình độ của dòng văn chương bên lề và quan hệ giữa chúng với chủ nghĩa dân tộc và căn tính phi phương Tây.  Nhưng khi một người như Fredric Jameson khẳng định rằng “Văn chuơng Thế giới Thứ ba mang tính cách là những dụ ngôn dân tộc” thì ông chỉ đơn giản bày tỏ sự thờ ơ lịch thiệp với sự giàu có và phức tạp của văn chương từ thế giới bên lề.  Borges viết các tiểu luận và truyện ngắn của ông vào những năm 1930 tại Argentina - nhưng vị trí của ông ngay giữa lòng văn chương thế giới là không thể tranh cãi.

Dù vậy, rõ ràng là có một loại tiểu thuyết trần thuật đặc thù đối với các nước thuộc Thế giới Thứ ba.  Tính độc đáo của nó không liên quan nhiều đến nơi chốn của nhà văn mà liên quan hơn đến thực tế là nhà văn nhận thức rằng anh ta đang viết từ cách xa các trung tâm văn chương thế giới và anh ta cảm nhận được khoảng cách này trong chính bản thân.  Nếu có gì đó tách biệt văn chương Thế giới Thứ ba, thì đó không phải là nghèo khổ, bạo lực, chính trị, hay bất ổn xã hội của quốc gia từ đó văn chương xuất phát mà chính là nhận thức của nhà văn rằng tác phẩm của mình theo một cách nào đó xa cách những trung tâm nơi lịch sử của môn nghệ thuật này - tức nghệ thuật tiểu thuyết - được mô tả, và anh ta phản ánh khoảng cách này trong tác phẩm của mình.  Điều cốt lõi ở đây là cảm quan bị lưu đày khỏi những trung tâm văn chương thế giới của các nhà văn thuộc Thế giới Thứ ba.   Một nhà văn thuộc Thế giới Thứ ba có thể lựa chọn rời quê hương và tái định cư ở một trong những trung tâm văn hóa của châu Âu - như Vargas Llosa đã làm. Nhưng cảm quan về bản thân thì không thể thay đổi, vì “sự lưu đày” của một nhà văn Thế giới Thứ ba không hẳn là vấn đề địa lý mà là trạng thái tinh thần, một cảm quan về sự bị loại trừ, về việc là người nước ngoài vĩnh cửu.

Cùng lúc đó, cảm quan là người ngoài cuộc này giải phóng anh ta khỏi những âu lo về tính độc đáo.  Anh ta không bị ám ảnh về việc chạy đua với những bậc cha chú hoặc người đi trước để tìm ra giọng của riêng mình.  Vì anh ta khai phá những địa hạt mới, đề cập những chủ đề  chưa từng được bàn thảo trong nền văn hóa của anh ta, và thường hướng tới lớp người đọc rõ rệt và đang trỗi dậy, chưa từng thấy trước đây trong quốc gia của anh ta - điều này khiến văn của anh ta có tính chân thực và độc đáo riêng biệt.

Trong bài điểm sách thời trẻ cuốn Những hình ảnh đẹp của Simone de Beauvoir, Vargas Llosa đề xuất những nguyên tắc định hướng cho một sự nghiệp như thế có thể là gì.   Ông ca ngợi de Beauvoir không chỉ vì đã viết một cuốn tiểu thuyết chói sáng mà còn vì khước từ những mục đích của trào lưu tiểu thuyết mới đang là thời thượng khi đó (thập niên 1960).  Theo Vargas Llosa, thành tựu lớn nhất của Simone de Beauvoir là việc đã lấy hình thức tiểu thuyết và kỹ thuật viết của các nhà văn như Alain Robbe-Grillet, Nathalie Sarraute, Michel Butor và Samuel Beckett và sử dụng vào những mục tiêu hoàn toàn khác.

Trong một tiểu luận khác về Sartre, Vargas Llosa khai triển ý tưởng của ông về việc “sử dụng” kỹ thuật và hình thức của các nhà văn khác.  Những năm sau này, Vargas Llosa phàn nàn rằng tiểu thuyết của Sartre vắng bóng sự hóm hỉnh và bí ẩn, rằng tiểu luận của ông được viết rõ ràng nhưng rối rắm về chính trị, và rằng nghệ thuật của ông lạc hậu và sáo mòn; ông sẽ bày tỏ niềm thất vọng rằng trong thời kỳ Mác-xít của chính ông ông đã bị ảnh hưởng sâu sắc thậm chí bị hủy hoại bởi Sartre.  Vargas Llosa ghi  nhận ngày giải ảo tưởng Jean-Paul Sartre là ngày ông đọc một bài báo trên tờ Le Monde trong năm 1964.  Trong bài báo tai tiếng này (gây phản kháng thậm chí ở Thổ Nhĩ Kỳ), Sartre đặt văn chương cạnh một đứa trẻ da đen đang chết đói ở một quốc gia thuộc Thế giới Thứ ba như Biafra, tuyên bố rằng chừng nào những đau khổ như thế còn diễn ra thì việc những nước nghèo mơ tưởng đến văn chương là điều “xa xỉ”.  Ông thậm chí còn đi xa hơn khi cho rằng các nhà văn thuộc Thế giới Thứ ba sẽ không bao giờ thưởng thức được cái gọi là tính xa xỉ của văn chương với một lương tâm trong sạch, và kết luận rằng văn chương là việc của các nước giàu.  Vargas Llosa thừa nhận vài khía cạnh nhất định trong tư tưởng của Sartre, cái logic cẩn thận của ông và việc ông khẳng định rằng văn chương quá quan trọng nên không thể là trò chơi đã chứng tỏ là “có thể dùng được” - chính nhờ Sartre mà Vargas Llosa tìm được đường đi qua khỏi những mê cung văn chương và chính trị - do vậy rốt cuộc, Sartre là một người dẫn đường “hữu ích”.

Để mãi mãi nhận thức được khoảng cách từ mình đến trung tâm, để bàn luận cơ chế của cảm hứng và cả những cách mà khám phá của các nhà văn khác có thể trở nên hữu ích, người ta phải sở hữu một sự ngây thơ sinh động (và theo Vargas Llosa thì trong Sartre chẳng có gì ngây thơ khờ khạo cả).  Sự ngây thơ sinh động của riêng Vargas Llosa được phản ánh không chỉ trong tiểu thuyết mà còn cả trong phê bình, tiểu luận và các tác phẩm khác của ông.

Cho dù ông viết về  sự dính líu của con trai ông với những người theo phong trào Rastafarni, hoặc trình bày hoạt cảnh chính trị về những người thuộc phong trào Mác-xít Sandinista ở Nicaragua, hay mô tả Cúp thế giới 1992, chưa bao giờ ông thôi lôi cuốn, chưa bao giờ ông rời bỏ chính mình; ông đặc biệt hay khi viết về Camus, người mà ông nhớ khi còn trẻ đã đọc một cách không hệ thống - vì ảnh hưởng của Sartre lên ông thời đó thật to lớn.  Nhiều năm sau này, sau khi sống sót qua một trận tấn công khủng bố ở Lima, ông đọc Kẻ nổi loạn, luận văn dài của Camus về lịch sử và bạo lực, và quyết định ưa thích Camus hơn Sartre.   Tuy vậy, ông vẫn ca ngợi cách tiểu luận của Sartre đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, và cũng có thể nói như vậy về các tiểu luận của Vargas Llosa.

Sartre là một nhân vật phức tạp, có lẽ thậm chí là nhân vật có ảnh hưởng hàng đầu, đối với Vargas Llosa.   John Dos Passos, người chịu nhiều ảnh hưởng của Sartre, cũng quan trọng đối với Vargas Llosa; ông ca ngợi John Dos Passos vì đã từ chối sự đa cảm dễ dãi và vì đã thử nghiệm các hình thức trần thuật mới.  Như Sartre, Vargas Llosa sử dụng ghép mảnh, tương phản, lồng ghép, cắt dán, và các kỹ thuật trần thuật tương tự để tổ chức tiểu thuyết của mình.

 Trong một tiểu luận khác, Llosa ca ngợi Doris Lessing vì là thể loại nhà văn “dấn thân” theo nghĩa của Sartre.  Với ông một tiểu thuyết “dấn thân” là tiểu thuyết đắm chìm trong những tranh cãi, huyền thoại, và bạo lực của thời đại, mà những tiểu thuyết thiên tả thời kỳ đầu của Vargas Llosa là ví dụ tốt cho thể loại này.  Nhưng cái tả khuynh mà chúng ta thấy trong những tiểu thuyết thời kỳ đầu này là một thứ tả khuynh giàu tưởng tượng và vui thú.  Trong số các nhà văn mà Vargas Llosa bàn đến trong các tiểu luận của mình - trong đó có Joyce, Hemingway và Bataille - người mà ông chịu ơn nhiều nhất là Faulkner.  Cái mà Vargas Llosa ca ngợi trong Nơi ẩn náu - sự tương phản giữa các phân cảnh và sự nhảy vọt về thời gian - thậm chí thể hiện rõ ràng hơn trong chính các tiểu thuyết của chính Vargas Llosa.  Ông sử dụng thành thạo kỹ thuật này - sự giao cắt quyết liệt giữa các giọng điệu, câu chuyện và đối thoại - trong Cái chết trong dãy Andes.

[còn nữa, nhưng thôi post một nửa thôi, nửa kia xin giữ lại làm tin, hehe]



(Dịch từ bài Mario Vargas Llosa and Third World Literature trong tập Other Colors của Orhan Pamuk)



35 comments:

  1. Ế quá, em mở hàng cho. :D

    Mund chứng minh vầy thiệt là làm khó bà con, vì "Người ta" dài chỗ khác, Mund dài chỗ khác, không cùng một hệ quy chiếu sao so sánh được đây?

    Thêm nữa giựt tít là tài của "Người ta" rồi, Anh lại nhảy vào đúng điểm hiểm nhất của Người để chứng minh Mình, e rằng hơi thiệt thòi.

    :)))

    ReplyDelete
  2. em đọc lại 2 lần rồi nhé, ko lại bảo là đọc nhanh :) (Z)

    ReplyDelete
  3. đã tự nhận lấy thiệt thòi, lại còn double space hehe, bỏ hộ cái thói quen double space sau dấu chấm nhá, vì lợi ích của mọi người :ddd

    ReplyDelete
  4. Double space sau dấu chấm là phong cách đi từ các professional firm ra, nhằm làm văn bản rõ ràng hơn. Đã quen và thích như thế rồi.

    ReplyDelete
  5. Anh Mund comment không có khuôn mặt cười à? :) đi, vì lợi ích của mọi người. :D

    ReplyDelete
  6. vì lợi ích của mọi người (tất nhiên là lớn hơn lợi ích của mấy cái corporate dợ hơi), đề nghị đối tượng Goldmund nghiêm túc chấp hành :ppp

    ReplyDelete
  7. hơ hơ, tớ tưởng professional toàn đánh thế cả, kg rõ ràng hơn sao?

    Đến cả SMS tớ cũng đánh thế.

    Bảo Anh: Phải ngoác cả mồm ra à? :))))))) đấy:)))

    ReplyDelete
  8. bác cứ nhớ lấy lời em hôm nay

    hãy nhớ lấy :)))))

    ReplyDelete
  9. gọi tên bác GM ba lần đi rồi nhớ:)

    ReplyDelete
  10. Chắc chỉ có professional ở chộ GM là đánh thế, và mình GM sms thế. Professional chộ em có rứa mô?

    Thấy Mund lạnh te im re bà rè Tui quen thế, Tui thích thế, em sợ Mund đang suy tư về dài ngắn hiểm không hiểm, tối mất ngủ, ba giờ sáng bật ra thơ, tội nghiệp bà con.

    ReplyDelete
  11. Gôn Mun, Gôn Mủn, Gôn Mùn hehehehe

    nhân tiện chỗ này đông đúc mình đăng biển quảng cáo: mình sắp mở một hãng chuyên đặt tít, bạn nào cần đặt tít rút tít gi gỉ gì gi cái gì cũng được thì đến mình làm dịch vụ nhá, tốn kém đấy nhưng xứng đáng lắm, bài viết như khỉ mình cũng giật tít làm cho từ khỉ trở thành vượn được :d

    nhưng quy định là cứ double space là mình quẳng đi ngay :))))

    ReplyDelete
  12. Anh Mund ơi, thu phí đăng biển quảng cáo ngay ngay ngay, nếu không chịu trả thì quẳng mẩu quảng cáo đi đi đi đi

    ReplyDelete
  13. í của em Bảo Anh thật là tốt nha nhưng mà chưa ăn thua :)) vì tít của cái post này mình chỉnh vài chỗ nho nhỏ là class hơn liền, ai lại rút tít quê thếeeeeeeeee

    ReplyDelete
  14. BA: Chả thu phí đâu, vì biết là có ai dở hơi đâu mà sử dụng cái dịch vụ dở hơi đấy:) thu phí làm gì mang tiếng:)

    ReplyDelete
  15. Nhị Linh: Vì lợi ích mười năm trồng ... tít. Vì lợi ích trăm năm trồng người (giựt tít). Nhị Linh sở trường dài đúng không, vậy thì phải thầu cái long-term chứ nhỉ? Cái short short short thôi để phần người ta.

    ReplyDelete
  16. hí hí bây giờ lại thiếu mất space nhá, trước smiley phải có space nhá :)))

    ReplyDelete
  17. Ối giời, đọc mỏi cả tay mờ lại còn chưa được đọc hết :-P

    ReplyDelete
  18. em Bảo Anh ơi, ngắn không cover được dài chứ dài thì lại cover được ngắn :d ít nhất là về nguyên tắc :))))

    ReplyDelete
  19. nope, smiley cũng như dấu câu, phải giữ riệt vào người

    mà văng sperm, à quên spam, vừa vừa thôi:)

    ReplyDelete
  20. Ui, GM có nhiều lỗi typo lắm, vậy mà không thèm (để cho người khác) sửa mới kinh. Kekeke.

    ReplyDelete
  21. quăng sp. thì mới đửm bảo được vụ long-term :ddd

    ReplyDelete
  22. hahaha. Nhị Linh không nhớ là thậm chí có quăng sp. cũng chưa chắc đảm bảo được vụ long-term à???

    ReplyDelete
  23. bạn Titi cứ như đi bia ôm nhỉ, đọc bằng mắt mà lại mỏi tay:)

    ReplyDelete
  24. Bạn GM suy bụng mình ra bụng bạn Titi à, sao biết???

    ReplyDelete
  25. điều kiện cần nhưng chưa đủ, dĩ nhiên, nhưng cũng phải có sp. mà quăng thì may ra mới ấy chứ phải không hỉ :ddd

    ReplyDelete
  26. Oài, vậy là chưa long-term rồi. Phải right time right place mới xi nhê chớ. :D

    Anh Mund Anh Mund, đã phát hiện ra gót chân Asin của "đối thủ", :D

    ReplyDelete
  27. oài, bữa nay Arsenal hơi lép vế so với Tottenham, mà lại thêm có cả Juventus đứng ngay bên cạnh kia thì hơi hiểm nghèo :))

    ReplyDelete
  28. Chị cực kỳ phản đối cái title dài loằng ngoằng như thế đấy nhé.

    ReplyDelete
  29. phản đối thì sao, mang cờ ra đầu phố vẫy à?:)

    ReplyDelete
  30. Việc "dài" theo ý muốn, và việc "dài" để đáp ứng nhu cầu là hai phạm trù khác nhau, hoàn toàn khác nhau đấy bác GM nhé :)

    ReplyDelete
  31. Hé hé...mềnh chưa đi bia ôm bao giờ nhưng mờ đã từng vừa đọc truyện cho bạn Tí vừa gãi lưng cho bạn ấy nên thường xuyên mỏi tay khi đọc. Ở đây hình như cũng tương tự vậy :-P

    ReplyDelete
  32. 'sự ngây thơ sinh động', nghe cứ như là Pamuk tự miêu tả mình ấy?

    ReplyDelete
  33. Theo em, giờ đây dân Pháp đã hiểu rõ chủ nghĩa Mác (thời 60-70, hơn nửa trí thức Pháp từng ủng hộ chủ nghĩa CS) nhưng phần lớn vẫn có tư tưởng bảo thủ như bác Sartre: trong các nước thuộc TG thứ Ba, văn chương là trò tiêu khiển của bọn tư sản; có nghĩa là nhà văn đừng mơ đến các lý thuyết, cách tân này nọ mà lo phản ánh hiện thực, đấu tranh bảo vệ công lý, thực ra cũng có gì đó giông giống với quan niệm của các bác Hội Nhà Văn ta "dùng ngòi bút làm vũ khí đấu tranh".
    Có lẽ vì thế mà trong các nhà văn Trung Quốc thì dân Pháp khoái bác Mặc Ngôn hơn bác Cao Hành Kiện, cũng như trong các nhà văn VN thì sách bác Dương Thu Hương bán chạy hơn sách của bác Nguyễn Huy Thiệp. Tất nhiên có cả chuyện vì hai bác Mặc và bác Dương dễ đọc, kể chuyện ô a (cùng xuất thân từ nông dân), cái đấy rất lấy lòng quần chúng và cánh nhà báo (bọn này thực ra cũng chẳng đọc tác phẩm của các bác, chỉ lấy lý lịch nạn nhân cải cách VH, RĐ và cựu quân nhân của các bác ra tán). Còn cánh phê bình lý luận thì yên tâm một điều: văn chương thực sự chỉ có ở phương Tây.

    Bác Pamuk này, chắc trước đây cùng hoàn cảnh "nhà văn TG thứ Ba" nên hiểu thấu các bác phương Tây - thực ra vừa mác xít vừa thực dân. Hồi này, cụm từ TG thứ Ba (Tiers Monde) ít được dùng rồi, vì như thế là không "politiquement correct".

    Thôi em đi ngủ đây, lúc nào có thời gian sẽ bao la thêm với bác nhé. Bài này của Pamuk gợi ra rất nhiều ý. Nhưng em cũng lạ là bác chọn dịch vì độc giả trong nước có lẽ không quan tâm đến vấn đề này lắm.

    ReplyDelete
  34. Thích thì dịch thôi bạn ơi. Đúng Pamuk chia sẻ với Vargas Llosa vì bác ấy thường xuyên tự nhận Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nước bên lề nhìn về châu Âu như trung tâm của nghệ thuật tiểu thuyết. Bác ấy còn lặp lại ý này nhiều lần trong các tiểu luận khác.

    ReplyDelete
  35. theo một nguồn tin bí mật, phần còn lại của bản dịch cái bài có nhan đề dài thiệt là dài ở trên đây đã được tuồng ra ở chỗ này:

    http://sgtt.vn/Van-hoa/134845/Mario-Vargas-Llosa-va-van-chuong-the-gioi-thu-ba.html

    không biết lực lượng thần bí nào đã làm cái công việc đáng lên án này, nhưng nhờ đó chúng ta càng thêm chắc chắn với chân lý chưa bao giờ cũ: sách là thú vui quá tốn kém. :|

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN