Wednesday 20 October 2010

Anh hùng xa lộ

(Thiên phóng sự hư cấu về mưu sinh trên xa lộ Hà Nội)

Dòng đời éo le đưa đẩy tôi vào tình cảnh gần như hàng ngày phải lưu lạc (lưu thông và lầm lạc) trên xa lộ quan trọng bậc nhất của Sài Gòn: xa lộ Hà Nội.  Với những ai chưa biết, đây là xa lộ cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, nối trung tâm Sài Gòn với các quận 2, 9, Thủ Đức, từ đó đi ra các tỉnh cao nguyên, Đông Nam Bộ, miền Trung và dĩ nhiên nếu đi thẳng mãi thì ra tới Hà Nội.  Chắc vì lẽ đó và vì tình đoàn kết với thủ đô nên xa lộ này được gọi là xa lộ Hà Nội. (Tất nhiên có thể có những lý do khác, nhưng tôi không có thời gian tìm hiểu và cũng không quan tâm, vì đây là một thiên phóng sự hư cấu chưa biết trước chiều dài.)

Hàng ngày trên con đường này, tôi có thừa mứa thời gian để quan sát người ta làm những gì để mưu sinh.  Hôm nay nhân một ngày trời không đẹp cũng không xấu, tôi ghi nhận lại một số nghề, đồng thời, góp thêm một số sáng kiến cho nhân dân hai bên đường nhằm giúp họ tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội, ừm, công bằng và văn minh.

Nghề xin vé

Trên xa lộ Hà Nội có một trạm thu phí hoành tráng, nguyên thủy được xây  để thu phí xe cộ sử dụng đường… Điện Biên Phủ.  Sau một số năm, trạm thu phí đó được đập đi, xây lại to hơn, để thu phí những xe cộ nào có sử dụng đường (nói chung).  Phí qua trạm đối với xe con là 10.000 đồng một lượt.  Nếu xe không mua vé điện tử, tháng hoặc quý, thì mỗi khi qua trạm, bạn sẽ trả 10.000 đồng và nhận một vé.  Dĩ nhiên, nhân viên bán vé sẽ giữ lại cùi vé tương ứng.

Khi xe qua khỏi trạm, ta sẽ thấy có một vài người đứng giữa đường, giữa các làn xe tấp nập, để xin lại cái vé các xe vừa mới mua.  Cái gì đã khiến những người đó bất chấp hiểm nguy phơi thân giữa muôn trùng xe cộ vậy?  Tất nhiên, chẳng ai nghĩ rằng họ xin vé để bán giấy vụn cả, vì không biết đến khi nào những tấm vé bé nhỏ kia mới gộp lại cho đủ kí lô.  Một phỏng đoán  là những tấm vé xin được kia sẽ trở lại quầy vé, tiếp tục vòng luân hồi của nó.  Dĩ nhiên, đây chỉ là phỏng đoán,  vì tôi chưa bao giờ dừng lại để quan sát những người xin vé làm gì với những tấm vé xin được, nhưng tôi chưa nghĩ được họ sẽ dùng chúng vào mục đích nào khác hơn. [Ý kiến một độc giả: Người xin vé là để bán lại cho các tài xế, theo đó cánh tài xế dùng vé này thanh toán lại cơ quan mình. Thường là các bác tài cánh lái xe cơ quan Nhà nước]

Nghề bán cà phê, báo, và thú lúc lắc

Bán những thứ trên thì chẳng có gì lạ.  Lạ là chúng được bán trên, chính xác là giữa, con đường đông đúc xe cộ bậc nhất Sài Gòn này.  Gần các ngã tư trên xa lộ, nơi xe cộ thường xuyên dừng lại lâu ngoài mong đợi, có những em bé, thanh niên và phụ nữ len lỏi ngược xuôi giữa các làn xe để bán cà phê, bò húc, báo, và những con thú trang trí xe.  Tất nhiên có cầu mới có cung.  Cánh tài xế xe container là khách hàng thường xuyên của những chú bé bán bò húc và cà phê đá pha sẵn - những thức uống giúp họ tỉnh táo hơn để tiếp tục lái xe bò (tức xe tải đi với tốc độ xe bò).  Còn các hành khách thì luôn có nhu cầu mua báo đọc giải khuây trong lúc chờ qua ngã tư.  Báo còn có thể sử dụng vào việc che nắng, đuổi ruồi và một số mục đích khác không nhất thiết phải liệt kê ra, nhất là khi không phải nhà vệ sinh nào cũng cung cấp giấy.

Và những nghề khác

Khi tốc độ lưu thông trên con đường này thường xuyên dao động từ 0-5km/h, dự đoán có nhu cầu cho những dịch vụ sau:

(i)        Dịch vụ mát xa:  Nhân viên mát xa có thể lên xe hành nghề chừng 15 - 30 phút.  Trong thời gian đó, xe có thể di chuyển được trung bình 500 mét.  Nhân viên đó có thể xuống xe, trèo con lươn qua bên kia đường, phục vụ khách đang di chuyển hướng ngược lại.  Có thể phục vụ nhiều suất trong ngày mà đảm bảo không bị chở tuốt vào nội thành hoặc ra Hà Nội.   Dịch vụ hứa hẹn sẽ ăn khách, vì ai ngồi lâu trên xe cũng mỏi, không chỗ này thì chỗ khác.

(ii)       Dịch vụ rửa xe:  Trước khi vào thành phố, hẳn nhiều xe có nhu cầu làm sạch.  Nếu bố trị một trạm rửa xe ngay tại ngã tư Thủ Đức và một trạm ngay cầu Rạch Chiếc, ắt sẽ được hoan nghênh.  Tất nhiên, việc rửa xe diễn ra ngay trên đường là hoàn toàn có thể, vì đằng nào tấp vô lề cũng là chuyện rất khó.

(iii)      Dịch vụ trông xe:  Có những tài xế ngồi quá lâu trong xe cần chợp mắt độ mươi, mười lăm phút.  Vậy ai nhanh nhạy, hãy cung cấp dịch vụ này: chỉ cần lên xe, ngồi mở mắt nhìn xung quanh để đảm bảo xe không bị gỡ gương trong lúc tài xế ngủ, và đánh thức tài xế dậy khi xe có thể di chuyển được.  Người này không cần biết lái xe.

(iv)      Bán dạo: Hiện tại đã có người bán cà phê và báo dạo.  Dự đoán, tài xế và hành khách trên tuyến đường này cũng cần mua đồ ăn, tăm xỉa răng, chai nước suối đã qua sử dụng, bỉm (cho trẻ em cũng như người lớn), dầu gió, paracetamol, khẩu trang, khăn mặt, lược, .v.v.  Hãy bán những gì có thể.



17 comments:

  1. thiên phóng sự rất chu đáo!
    (chai nước suối đã qua sử dụng!
    ;))

    ReplyDelete
  2. Những phát hiện thú vị ghê :-) Mềnh đoán mò rằng bạn Mun từng có những nhu cầu trên ghê gớm nhé. Hy vọng, cầu sinh cung :-D

    ReplyDelete
  3. Tất cả tiểu thuyết đều ít nhiều mang tính tự truyện. Thiên phóng sự hư cấu này không ngoại lệ:)

    ReplyDelete
  4. Mun không nói ra nhưng tôi nghĩ anh đã đoán sai mục đích của người xin vé. Chắc chắn là không phải quay lại anh bán vé vì mỗi xe qua cổng đều có ghi hình lại và anh bán vé không thể gian lận.

    Người xin vé là để bán lại cho các tài xế, theo đó cánh tài xế dùng vé này thanh toán lại cơ quan mình. Thường là các bác tài cánh lái xe cơ quan Nhà nước.

    Còn cái nghề bán dạo theo xe bò là rất phổ biến ở quốc lộ. Trên quốc lộ mà kẹt xe 1 giờ thì sẽ có ngay một trung tâm cung cấp dạo, khi thông xe thì còn lại toàn là rác.

    là vậy đó

    ReplyDelete
  5. À, cảm ơn về thông tin. Có vẻ hợp lý!

    ReplyDelete
  6. Em cũng từng muốn ghi lại những gì em chứng kiến khi ngồi trên xe bus di chuyển từ Biên Hòa lên thành phố mỗi ngày nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu. Cám ơn anh về bài viết này, em sẽ thử chấp bút (nói vậy cho oai:D) về những suy nghĩ của mình khi ngồi trên xe bus xem sao. Ở trên đó, cũng có rất nhiều câu chuyện để ghi lại. Bức tranh nhỏ về đời sống của người lao động miền Nam.

    ReplyDelete
  7. Cái đoạn mát-xa bạn viết hài, còn hơn cả Azit Nexin luôn!

    ReplyDelete
  8. giống y như trên một ngã tư đông đúc ở Cairo mà em đã từng biết :)) Không biết sắp có thêm Lục xì các thứ nữa ko nhỉ? ;) (Z)

    ReplyDelete
  9. hài là tốt ạ!

    Lục xì là nơi chữa bệnh cho gái điếm, ý em Z nói là vụ kia kia kia?:D

    ReplyDelete
  10. Xa lộ Hà Nội giờ kẹt xe ghê vậy hả anh?mới 4 năm trước nó còn thông thoáng lắm mà. Anh tả em lại nhớ cầu Mỹ Thuận, hihihi.....

    ReplyDelete
  11. Đi xe hơi qua xa lộ Hà Nội trong mấy tháng gần đây thực sự là một cực hình.

    ReplyDelete
  12. Đây là bài viết của em lấy cảm hứng từ bài của anh :). Em rất mong nhận được comment từ anh cho bài học viết phóng sự đầu tiên của mình. http://nguyenphuonglam.wordpress.com/2010/10/20/chuy%E1%BB%87n-chep-tren-xe-bus-1/

    ReplyDelete
  13. Hôm qua 1 người bạn gái của tôi đi xe máy đến khoảng ngã 4 Bình Thái đã bị chặn xe lại xin đểu. Mà chẳng phải khuya khoắt gì, 7h30 tối. :(

    ReplyDelete
  14. Tội nghiệp dân mình, tìm mọi cách để mưu sinh, ai cũng "liều mình như chẳng có".

    ReplyDelete
  15. Thông tin của bác Luật sư trên về mục đích của mấy người xin vé là hoàn toàn chính xác. Họ sẽ bán các liên vé, gọi là "cước đường bộ", cho mấy bác tài để về quyết toán lại với công ty, tổ chức của họ (mặc dù họ không đi qua trạm).

    Mỗi vé cước đường bộ có một mã vạch. Khi xe qua trạm thì nhân viên quét đọc mã vạch duy nhất,giữ lại cái liên có mã vạch và đưa một liên cho khách hàng. Hệ thống sẽ tự động chụp lại biển số xe, ghi nhận những thông tin cần thiết, xác nhận mã vạch đó hết giá trị sử dụng, và ghi một đoạn clip toàn bộ quá trình thao tác của nhân viên với người điều xe.

    Theo lý thuyết thì không có khả năng tái sử dụng lại vé. Dĩ nhiên, lý thuyết thì không dự liệu hết được, có thể có ngoại lệ. Nhưng, khi xin vé là một nghề, mà nếu nghề ấy lại gắn với quay vòng vé (như phỏng đoán của bác Mun), thì việc quay vòng vé phải thành hệ thống. Điều này thì chỉ có ông chủ trạm mới làm được, mà làm thế thì ông ấy tự cắn đuôi mình rồi (cái trạm đó là của công ty cổ phần,không phải của nhà nước).

    Thông tin cung cấp cho bác Mun là vậy. Bác chả phải tin ngay đâu.

    Nhưng, đọc nhiều entry của bác Mun, tui đồ rằng, bác là Luật sư. Mà Luật sư thì chắc có khả năng suy nghĩ toàn diện và thấu đáo nhỉ?

    Cuối cùng, chuyện này có thể không đáng quan tâm, nhưng coi bộ bác Mun định nâng nó lên thành "văn học hiện thực đương đại", nên có còm như vậy. Xin miễn thứ.

    ReplyDelete
  16. Hằng ngày đi qua đi lại con đường ấy mà không để í, giờ đọc bài này mới biết người ta xin vé để làm gì

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN