Wednesday, 13 October 2010

Tắc đường tùy tản tập (II)



Nhấc lên


Những khi chán nản, tôi thường mong được một cuốn sách nào đó nhấc tôi lên.  Nhấc thật sự, nhấc một cách vật lý, chứ không chỉ nhấc về mặt tinh thần.  Tôi mong được cuốn sách đó nhấc tôi lên cách mặt đất một khoảng đủ cao để tôi nhìn thấy cái ghế tôi ngồi, cái giường tôi nằm, con đường tôi đi từ trên cao.  Nhìn từ đó có thể tôi sẽ nhận ra cội nguồn cơn chán nản.  Tôi biết có những có cuốn sách có quyền năng đó: nhấc bổng con người lên khỏi mặt đất.  Tôi chỉ không biết nó ở đâu.

Tôi đành bằng lòng với những giấc mơ.


Sự giận dữ

Khi giận dữ tôi trở nên khó chịu với tất cả: mùi sữa tắm xông ra từ phòng tắm, tiếng tivi lào rào, tiếng trẻ con léo nhéo, tiếng nước chảy từ vòi, cả sự thể là những hạt gạo nếp nằm cong queo trong nồi nước cũng trở nên không chịu đựng nổi.  Lúc đó, tôi khó chịu như đàn bà ốm nghén.

Bạn sẽ không thích tôi khi tôi giận dữ.


Chim bồ câu ở nhà thờ Đức Bà

Trưa này đi bộ ngang  nhà thờ Đức Bà, tôi thấy những con chim bồ câu đang mổ thóc trên vỉa hè.  Tôi đi sát gần, chúng vẫn chăm chú mổ thóc.  Tôi ngồi xuống cột dây giày, chúng vẫn không hoảng sợ bay đi.  Tôi ngắm nhìn chúng lòng hân hoan.  Tôi mong ngày mai, ngày kia, cả ngày kia nữa, những chú bồ câu vẫn còn ở đó, vẫn sà xuống mổ thóc mặc xe cộ, dòng người qua lại.  Chim bồ câu ở nơi công cộng luôn là dấu hiệu của những thành phố thanh bình.

Một tháng nữa, khi người bạn New Zealand của tôi đến thăm Việt Nam, tôi sẽ chỉ cho bạn xem những con bồ câu ở nhà thờ Đức Bà.  Hy vọng khi đó chúng chưa trở thành bồ câu quay.


Sân khấu

Tôi chán lắm rồi những lễ hội luôn có những sân khấu với những cô gái mặc áo dài đi qua đi lại. 

Xem các cô đi trên cầu Thê Húc trong dịp đại lễ nghìn năm, con trai tôi, ba tuổi, luôm mồm hỏi: Ba ơi, sao mấy cô đi hoài? Sao mấy cô chưa về đi ngủ?

Hãy cuộc đời hóa sân khấu, xin đừng sân khấu hóa cuộc đời!

Xin lỗi, thỉnh thoảng tôi cũng cần kịch tính.

13 comments:

  1. "Hãy cuộc đời hóa sân khấu, xin đừng sân khấu hóa cuộc đời!"
    Nói chung đúng là :Tắc đường tùy tản tập". Đầy giận dữ và bế tắc, và khó thở và khó chịu.

    ReplyDelete
  2. Sách có thể nhấc lên, tình yêu thì khiến người ta cất cánh và bay bổng, tắc đường chả có nghĩa lý gì. Vậy mà suốt hai tùy tản tập tắc đường đều ko nhắc đến tình yêu, à có nhắc đến một tí ở dạng xác ướp, không tính! :P

    ReplyDelete
  3. "chán lắm rồi những lễ hội luôn có những sân khấu với những cô gái mặc áo dài đi qua đi lại"

    Hôm trước coi lễ hội 1k năm ở sân Mỹ Đình, tôi cũng thốt lên cái câu này. Tôi chả yêu cầu "hóa" cái gì, chỉ thấy cái món này nhai đi nhai lại ở bất cứ lễ hội nào làm cho tôi phát ngấy với áo dài, ngấy luôn với mấy ông bà chuyên thiết kế áo dài.

    Bữa nay k tắc đường mà cũng khó tính giống Mun, ặc ặc

    ReplyDelete
  4. thế sao không sân khấu hóa sân khấu và cuộc đời hóa cuộc đời :dd

    ReplyDelete
  5. @NL: thì đã: "Sao mấy cô chưa về đi ngủ?" :):) [nsc]

    ReplyDelete
  6. HY: Hy vọng các tập tới sẽ có tình yêu, hoặc kết quả của tình yêu, chẳng hạn đẻ rớt trên xe vì kẹt đường:)

    ReplyDelete
  7. Em Like cái comment của Nhị Linh. Anh Gỗ Mun có cần Tùy Tản hóa Tùy Tản? :d:d

    ReplyDelete
  8. hmm, Nhị Linh hóa Nhị Linh, Nhã Thuyên hóa Nhã Thuyên luôn nhé:)

    ReplyDelete
  9. khó thở nhỉ, Mình chỉ thích "Sao mấy cô chưa về đi ngủ?"

    ReplyDelete
  10. chim bồ câu ngoài quảng trường ít khi bị biến thành bồ câu quay lắm, vì họ sợ lũ chim ấy có độc tính, cứ yên tâm nha :) (Z)

    ReplyDelete
  11. "tôi khó chịu như đàn bà ốm nghén" Liều nhỉ ;)

    ReplyDelete
  12. Z: Độc thế chứ độc nữa cũng chưa chắc an toàn:)

    Chị So: Một liều ba bảy cũng liều mà lại:)

    ReplyDelete
  13. "Sao mấy cô chưa về đi ngủ?" Có thể là các cô chuẩn bị đi tìm "chim bồ câu" rồi "quay"

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN