Sunday 28 March 2010

Bên dòng Mai Nương (II)

Phần I


Tôi sốt. Suốt ngày dang nắng đã rồi lại trầm mình dưới suối, tôi bị sốt li bì lúc tỉnh lúc mê. Suốt đêm mẹ ngồi bên cạnh. Cứ mở mắt ra tôi lại thấy mẹ cầm cái quạt mo cau phe phẩy cho tôi. Nào chanh, nào gừng mẹ xin về cho tôi uống. Đến khi tôi khỏe lại bình thường cũng là lúc mẹ tôi ngã bệnh. Ba hôm liền mẹ không ăn được chút gì. Buổi tối, mọi người xúm quanh bên mẹ tôi, xầm xì bàn tán. Rồi sáng hôm sau, hai người đàn ông khỏe mạnh khiêng mẹ tôi ra nhà thương. Mẹ nằm im trên chiếc võng rách, tôi lúp xúp chạy theo, tay xách cái bị lát với vài bộ quần áo.


Đây là nhà thương thí, nơi bệnh nhân được điều trị và ăn uống không mất tiền. Nơi đây chỉ dành cho những người bần cùng. Thuốc men thiếu thốn. Mỗi ngày y tá chỉ đến phát thuốc một lần rồi thôi. Tôi đi lấy phần ăn cho hai mẹ con. Hai bát cháo lỏng bỏng và hai đôi đũa, ăn cháo bằng đũa thật nực cười. Tôi chỉ húp cái xoẹt là xong. Tôi dùng đũa để đút cháo cho mẹ, mẹ chỉ khẽ lắc đầu rồi nằm thiêm thiếp. Tôi húp luôn phần cháo của mẹ. Tôi thường ra đứng trước cổng bệnh viện. Ở đây có nhiều hàng ăn. Trời đất ạ! Nồi cháo lòng bốc lên cái mùi thơm phưng phức, tôi giương mũi lên hít lấy hít để, nước bọt ứa ra, tôi nuốt ực một cái rồi thè lưỡi liếm môi. Tôi ước ao, rồi một lúc nào đó mình sẽ được ăn một tô cháo đàng hoàng.

***

Tính cả ba hôm nằm ở vườn chuối đến nay là sáu ngày rồi mẹ không ăn uống gì cả. Khác với mọi hôm, sáng nay tôi thấy mẹ khỏe ra. Mẹ ra dấu cho tôi đến gần rồi nhìn tôi với ánh mắt khác lạ, mắt mẹ rơm rớm. Mẹ dúi vào tay tôi tờ giấy bạc một đồng nhàu nhò rồi mấp máy: “Cho con ăn bánh”. Mẹ có tiền! Tôi không nghĩ mẹ có tiền, lại càng không nghĩ mẹ cho tôi tiền. Mẹ lại nằm thiêm thiếp. Mẹ ơi, mẹ cho con thật hả mẹ? Con đi ăn cháo nghen mẹ. Con đi ăn cháo đây. Trời ơi, làm sao tôi biết được giây phút lóe sáng của ngọn đèn sắp tắt. Cái giây phút tỉnh táo của mẹ là tàn lực của kẻ biết mình sắp lìa đời.

***

Tôi ngồi chễm chệ trên cái đòn rồi nói: “Bán cho con năm cắc cháo”. Như sợ bà hàng không tin, đưa trước tờ giấy bạc cho bà. Coi kìa, tô cháo đầy tú hụ, mấy miếng thịt trải lên trên, một miếng huyết đỏ au, thêm một chút hành ngò, một chút tiêu, chỉ mới nhìn thôi đã chảy nước miếng. Hai tay bưng tô cháo nâng cao, tôi dí sát mũi vào “công khai” hít một hơi thật dài, thật sâu. Chao ôi, cái mùi vị sao mà quyến rũ. Tôi chậm rãi ăn từng muỗng. Tôi nhai. Nhai. Nhai thật kỹ rồi mới nuốt. Tôi không biết nem công chả phụng ngon thế nào. Tôi không biết yến sào, vi cá ra sao nhưng tôi tin chắc những thứ ấy không thể nào sánh được với tô cháo này. Nó ngon không thể nào tả nỗi. Rồi tô cháo cũng hết. Tôi liếm cái tô rồi mút cái muỗng. Giờ thì cả tô lẫn muỗng đều sạch bóng như vừa được rửa xong. Nhìn cái muỗng sáng choang, trong đầu tôi chợt lóe lên một ý nghĩ: tôi muốn lấy cái muỗng này. Có cái muỗng tôi sẽ đút cháo cho mẹ. Có cái muỗng chắc mẹ sẽ ăn được chút ít. Tôi cuộn cái muỗng vào lưng quần, rón rén đứng dậy đi giật lùi vài bước rồi xoay người chạy biến. Tôi là thằng ăn cắp. Tôi đã ăn cắp chiếc muỗng. Tôi thấy lòng bức rức, mình đã làm tầm bậy. Bỗng tôi chợt nhớ ra, mình vẫn chưa lấy tiền thối lại, như vậy cái muỗng này đáng giá năm cắc. Thôi thế cũng được, chắc cũng chẳng bên nào bị thiệt thòi.

Chạy vào chưa tới cửa phòng tôi đã hét lên: “Mẹ ơi, mẹ ơi ! Con cho mẹ cái này”. Tôi sựng lại, nhìn chiếc giường trống trơn. Mẹ đâu rồi nhỉ? Mẹ tôi thì làm sao có thể đi đâu được chứ. Bà cụ nằm cuối phòng cất tiếng: “Mẹ cháu chết rồi, người ta mang đi chôn gần cả tiếng đồng hồ rồi”. Tôi sững người. Đêm hôm ấy tôi nằm co ro trên giường, hai tay ôm khư khư chiếc muỗng. Tôi suy nghĩ lung tung. Mẹ chết lâu không? Mẹ chết mấy ngày rồi mẹ trở lại? Tôi chìm dần, chìm dần trong mộng mị. Tôi chơi vơi, bềnh bồng…

Ánh sáng xuyên qua cửa sổ rọi vào mắt. Tôi choàng dậy, căn phòng trống trơn. Bà cụ nằm giường cuối chắc đã ra ngoài. Chiếc muỗng tôi yêu thích đã không cánh mà bay. Thế là mẹ đã bỏ tôi mà đi thật rồi. Chiếc muỗng cũng bỏ tôi mà đi rồi. Tôi không khóc. Mẹ thường nói: “Con trai con lứa mà khóc xấu lắm”! Tôi không khóc. Mà sao chiếc gối ướt đẫm thế này!


***


Tôi không biết tại sao mình có thể nằm đây. Tôi đang nắm sấp dưới gầm dãy ghế của toa tàu. Chắc hẳn đó là bản năng sinh tồn. Toa tàu hạng ba, ở giữa xếp ngổn ngang hàng hóa và hành lý, hai bên người ngồi ken cứng. Tôi nằm như thế để trốn người xét vé. Tàu lên đèo cà giựt, cà giựt, đã mấy lần đầu tôi va vào chân ghế đau điếng. Rồi tôi cũng theo được những người hồi cư về lại Dran.


***

(còn nữa)

10 comments:

  1. em thấy đoạn này giống cách viết của anh quá à.

    ReplyDelete
  2. Hu hu...mình hình dung ra những gì bà mẹ nghĩ khi sắp sửa phải lìa xa con trai vĩnh viễn. Hu hu...chắc bà đau đớn lắm, chắc bà xót xa cho con trai nhỏ lắm, đưa đồng tiền cuối cho con chắc bà ước ao một điều duy nhất thôi: con trai sẽ luôn được vui vẻ dù mẹ không còn ở bên ... hu hu...

    ReplyDelete
  3. Văn của bạn này giống bác GM ghê. Nếu bác không nói tác giả là ai thì em sẽ tin là văn bác.

    ReplyDelete
  4. Văn của bạn GM chịu ảnh hương khá lớn của tác giả này đấy , tôi đã thấy điều này và báo cáo với lão bà ở nhà từ lâu rồi đấy ạ . T.

    ReplyDelete
  5. Cách viết giống nhau có sao đâu, nhất là kiểu ảnh hưởng tự nhiên từ thế hệ trước sang thế hệ sau. 2 bạn tác giả mà mọi người đang bàn đến đây đang làm nên một trường phái văn mới đóa mờ :-D

    ReplyDelete
  6. ... such a legacy for Alpha and Pi...
    chiến tranh và mất mát, đau thương quá :(

    ReplyDelete
  7. Cái muỗng sẽ còn trở lại ở đâu đó về sau này nữa chứ?

    ReplyDelete
  8. Đọc đoạn này cảm động thật. Hậu quả do chiến tranh gây ra thật là quá đau thương...

    ReplyDelete
  9. Đọc đoạn tác giả đi ăn cháo, mà đau lòng..

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN