Tuesday 1 April 2014

Sự không thức thời của Linda Lê


Người ta có thể đặt câu hỏi tại sao Linda Lê, tuy sở hữu một bút danh không kém phần thời thượng so với Iris Cao, Jun Phạm, hay Hamlet Trương, nhưng tại Hội sách vừa qua, tác phẩm Thư chết của nữ tác giả không còn trẻ này lại hoàn toàn đứng ngoài Top 10 bán chạy nhất. Thậm chí, theo một nguồn tin chưa kiểm chứng, nếu lập danh sách Top 10 cuốn bán kém nhất, Thư chết có thể nằm trong đó. Tuy vậy, cho đến nay, chưa ai mặn mà với công tác thống kê này.

Thư chết bán kém, liệu có phải vì Linda Lê tiếc tiền máy bay giá rẻ, không chịu xuất hiện tại Hội sách để ký tặng độc giả chăng? Hay tại vì Linda Lê không biết hát? Điều ấy có thể là một trong những nguyên nhân, nhưng còn lâu mới là yếu tố quyết định. Yếu tố quyết định ắt là tên sách. Hãy nhìn xem, những tên sách bán chạy đều chia sẻ các điểm chung dài dài, buồn buồn, nhè nhẹ, lăng lắng, chứa chan tình cảm, thậm chí, càng ít yếu tố nghĩa càng tốt. Chẳng hạn, Buồn làm sao buông, Nếu như không thể nói nếu như, Người yêu cũ có người yêu mới, hay Thương nhau để đó. Đằng này, Thư chết. Cộc lốc. Tối tăm. Hũ nút. Thư, hà cớ gì lại chết? Không ai hiểu được. Theo các chuyên gia về marketing, cũng như các đầu nậu sách vài chục năm kinh nghiệm, “chết” là một từ nhìn chung không nên đưa lên bìa sách. Chẳng ai muốn rước cuốn sách với cái tên xui rủi như thế về nhà.

Tuy nhiên, nếu khéo léo một chút, am hiểu thị trường một chút, người ta hoàn toàn có thể chuyển bại thành xụi, à nhầm, thành thắng. Người ta hoàn toàn có thể giữ lại chữ “thư” trong tên sách, thậm chí, có thể giữ cả chữ “chết”. Chẳng hạn như, Được thư anh em buồn muốn chết, hoặc Em viết thư cho ai kia rồi, anh đi chết đây.

Sự không thức thời của Linda Lê khiến tác giả này bỏ qua một cơ hội tuyệt vời để góp tên vào danh sách bestseller sách Việt. Về việc này, tác giả chỉ có thể tự trách mình. Âu cũng là một bài học cho những nhà văn không quan tâm đến xu hướng thị trường.




No comments:

Post a Comment

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN