Saturday, 5 April 2014

Làm thế nào để tạo thói quen đọc sách ở trẻ em?

Cần phải nói ngay rằng, tạo dựng thói quen đọc sách cho người lớn mới khó, chứ tạo dựng thói quen đọc sách cho trẻ em là một việc quá đơn giản. Người lớn vốn bảo thủ, hay nói cách khác là những tờ giấy đã bê bết màu, giờ muốn tô cho thành màu khác cũng khó. Trong khi đó trẻ em, tuyệt nhiên là những tờ giấy trắng, tô màu nào sẽ ra màu ấy. Chính vì vậy, nếu phụ huynh quan tâm đến việc xây dựng thói quen đọc sách cho con, thì bản thân sự quan tâm ấy đã là tiền đề mang ý nghĩa quyết định.  Bởi nếu phụ huynh quan tâm, thì rất có thể phụ huynh ấy đã làm những việc như sau.

1.       Tạo ra một môi trường phù hợp: Vì sao trẻ con nào cũng mê chơi iPad hay smartphone? Dĩ nhiên, trong đó có những trò chơi hấp dẫn, nhưng tiên quyết chẳng phải vì các bậc phụ huynh tạo điều kiện cho con em mình tiếp xúc những món đồ chơi công nghệ cao ấy sao?  Nếu không dí iPad cho chúng mua lấy sự yên thân thì chúng lấy iPad đâu ra mà chơi? Vậy thì, với sách, hãy cũng tạo điều kiện cho con em mình như thế. Hoặc hơn thế. Hãy đưa con đi nhà sách. Hãy mua sách cho con. Hãy tặng sách cho con nhân sinh nhật hay những ngày lễ. Hãy xếp sách quanh giường con. Hãy quy định nếu con muốn chơi iPad hay xem tivi thì phải xin phép bố mẹ, nhưng nếu con muốn đọc sách lúc nào thì tuỳ ý. Miễn là đầy đủ ánh sáng.

2.       Dành thời gian đọc sách cho con: Rất nhiều ông bố bà mẹ biết rằng nếu đọc sách mỗi tối cho con từ khi con còn rất nhỏ là tốt, nhưng cũng chính những ông bố bà mẹ ấy thường xuyên than bận. Có thật thế không? Người viết bài này quen biết một vị tổng giám đốc của một tập đoàn đa quốc gia lớn và có thể đoan chắc rằng phần lớn chúng ta sẽ chẳng thể nào bận rộn bằng ông. Nhưng ông, trừ khi đi công tác xa, tối nào cũng đưa hai cô công chúa xinh xắn của mình vào giấc ngủ bằng cách đọc sách cho con. Bận rộn, thật ra chỉ là cái cớ. Chúng ta bao giờ cũng có thời gian cho những việc ta thật sự muốn làm. Mười phút mỗi tối đọc truyện cho con không bao giờ là quá nhiều so với cuộc đời dài dặc. Rồi chẳng mấy chốc con lớn lên thành thiếu niên thiếu nữ, khi ấy ta có muốn đọc truyện cho con chúng cũng chẳng nghe.

3.       Tự  mình đọc sách: Rất khó đòi hỏi con phải chăm đọc sách khi bản thân bố mẹ nhìn sách như những kẻ xa lạ. Hoặc thậm chí trong nhà không có cuốn sách nào mà nhìn.

4.       Chọn sách cho con (và cùng con chọn sách): Chưa bao giờ sách lại phong phú, đa dạng và đẹp như bây giờ. Bạn sẽ dễ dàng tìm được sách cho mọi lứa tuổi. Cho con cùng đi nhà sách là một ý tưởng hay, và cũng không nên quá “độc tài” với con. Nếu thằng nhóc nhà bạn khăng khăng đòi một cuốn truyện tranh siêu nhân mà bạn không ưa, hãy chiều nó. Điều quan trọng là một câu chuyện trong cuốn sách đó đã hấp dẫn cậu bé. Với trẻ con, được đắm chìm vào trong những thế giới tưởng tượng quan trọng hơn nhiều so với các bài học luân lý.

5.       Cuối cùng, xây dựng thói quen là một quá trình, do vậy hãy kiên nhẫn. Những điều ở trên cần được làm thường xuyên. Một cơn cao hứng của bố mẹ chỉ có thể dẫn đến một cơn cao hứng tương tự ở con, chứ không thể nào hình thành một thói quen được!

Quân Khuê



No comments:

Post a Comment

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN