Saturday, 28 September 2013

Sách đọc cùng con


Nhà văn chủ nhân giải Nobel Văn chương 2006 Orhan Pamuk có lần nói, đại ý, nhà văn là người phải luôn giữ được khả năng nhìn đời qua con mắt trẻ thơ. Có thể nói thêm mà không ngại sai, rằng người lớn, bất cứ ai, làm bất cứ ngành nghề nào, mà giữ được khả năng nhìn đời bằng con mắt hiếu kỳ vô hạn của trẻ con, thì sẽ bớt thiệt thòi. Thật vậy, bất cứ ai từng làm bố làm mẹ, hoặc giả tiếp xúc nhiều với trẻ con, không chóng thì chầy đều mệt nhoài trước khả năng đặt câu hỏi bất tận của chúng. Người lớn thì khác, càng lớn năng lực đặt câu hỏi của chúng ta càng phai nhạt, càng có khuynh hướng chấp nhận sự vật như chúng vốn có. Chúng ta lười nhác, chúng ta ngại ngùng, chúng ta có trăm ngàn lý do để đè nén những câu hỏi lại. Chúng ta nhìn mây bay mà chẳng mấy khi hỏi tại sao nó lại bay được; chúng ta chớp mắt mà chẳng buồn thắc mắc nếu không chớp mắt thì chuyện gì xảy ra. Một vài người hiếm hoi còn duy trì được khả năng này thì trở thành... Newton, hay những tên tuổi tầm cỡ khác!

Trẻ con không ngừng hỏi, và bố mẹ chúng thì không ngừng lúng túng. Đôi khi, không phải ông bố bà mẹ ấy không biết trả lời - trong thời đại của Internet, với vài cú nhắp chuột mọi đáp án đều có thể tìm ra - mà là không biết cách diễn đạt câu trả lời ấy cho vừa đôi tai trẻ thơ. Làm thế nào để trả lời những câu hỏi đại loại như trước khi ra đời thì con ở đâu, hay tại sao bạn Bông lại được ăn đám cưới ba mẹ bạn ấy mà con thì không, hay trước trước nhất thì ai sinh ra con người một cách vừa đơn giản dễ hiểu, vừa không tránh né sự thật, lại vừa dí dỏm? Có một cuốn sách đáp ứng nhu cầu đó: cuốn Tại sao lại thế? - Những câu hỏi lớn của các bạn nhỏ của tác giả người Pháp Charlotte Grossetête.

Đây là một ví dụ: "Làm thế nào để "tạo ra" một em bé? Đầu tiên, bố sẽ nhờ chim của bố gửi vào bụng mẹ một hạt giống bé xíu. Khi tới nơi, hạt giống của bố sẽ gặp hạt giống của mẹ, sự kết hợp ấy tạo thành một quả trứng nhỏ cứ lớn dần, lớn dần lên...rồi trở thành một em bé!".

Cuốn sách được chia thành bốn nhóm chủ đề: Tớ! gồm những câu hỏi xoay quanh bản thân bé; Gia đình tớ gồm những thắc mắc về bố mẹ, anh chị em; Cuộc sống là thế đấy là phần của những thắc mắc đa dạng về cuộc sống, tình cảm yêu, ghét, xấu, tốt, đau khổ, bất công; và phần cuối cùng Thế giới quay, quay với những câu hỏi về Trái Đất và các hành tinh, môi trường, chiến tranh.v.v.

Cuốn sách không ghi lứa tuổi, nhưng chủ đề, cách viết và minh họa, phù hợp cho các bé từ 5 đến 8 tuổi. Các bé có thể đọc một mình, nhưng lý tưởng hơn là ba mẹ đọc cùng con, mỗi ngày một vài câu, hoặc các ông bố bà mẹ có thể tham khảo sách này mỗi khi bị con cái dồn vào thế bí. Dĩ nhiên, không có câu trả lời cho tất cả các câu hỏi của các bé trên đời, nhưng các ông bố bà mẹ có thể nương theo cách trả lời các câu hỏi khác trong sách để tự nghĩ ra cách trả lời con. Sách này được trình bày nhẹ nhõm với nhiều minh họa màu rất duyên. Với các bé thích vẽ, những minh họa trong sách là gợi ý về cách tạo hình đơn giản và về màu sắc.

Cũng là sách dành cho thiếu nhi, cùng do NXB Kim Đồng ấn hành, nếu Tại sao lại thế? Những câu hỏi lớn của các bạn nhỏ nhẹ nhàng và dí dỏm, thì Dokéo - Bách khoa thư thế hệ mới tưng bừng, rộn rã và đầy màu sắc. Nếu cuốn đầu gợi ra những chân trời háo hức, thì cuốn sách thứ hai này mở hẳn ra một bầu trời với vô vàn tinh tú. Dokéo - Bách khoa thư thế hệ mới do NXB Editions Nathan của Pháp biên soạn là một cuốn sách đầy đặn từ hình thức đến nội dung. Với hơn 400 trang in khổ lớn, hàng nghìn tranh ảnh minh họa, cuốn sách phủ qua bảy lĩnh vực: động thực vật, khoa học Trái đất, cơ thể người, khoa học và kỹ thuật, lịch sử, thế giới ngày nay, và nghệ thuật, giải trí, thể thao.

Cụm từ "thế hệ mới" có thể hiểu theo hai cách: dành cho thế hệ mới, thế hệ trẻ em sinh ra từ những năm 2000, mà cũng có thể có nghĩa đây là một cuốn bách khoa được biên soạn theo một cách mới với những thông tin mới. Sách được biên soạn năm 2011, dịch và in tại Việt Nam năm 2013. Cái mới, cái ấn tượng nhất của cuốn này là lượng tranh, ảnh khổng lồ. Trên mỗi trang sách đều có vài chục tranh, ảnh. Kèm theo đó là các hộp chứa thông tin vắn tắt nhưng súc tích, đầy đủ. Tranh ảnh ở đây do vậy vượt lên tính chất minh họa thông thường. Bản thân tranh ảnh đã kể ra một câu chuyện, và phần thông tin bằng chữ viết bổ túc cho câu chuyện đó.

Hiển nhiên, một bộ bách khoa toàn thư, cho dù dành cho trẻ em và cho dù có rất nhiều tranh ảnh, không phải là sách đọc một lần. Có thể hướng dẫn trẻ sử dụng cuốn sách này theo nhiều cách. Chẳng hạn, dùng mục lục ở đầu sách để tìm các chủ đề liên quan, dùng bảng tra cứu theo vần ở cuối sách để tìm hạng mục quan tâm, hoặc dùng những trang đố vui để vừa chơi vừa học. Tuy nhiên, cũng có thể áp dụng mà cách tôi đang dùng với cậu con trai học lớp một của mình: khêu gợi óc tò mò. Tôi để sách trên chiếc bàn thấp, mở sẵn một trang bất kỳ. Cu cậu thấy hình bèn sà vào xem một hồi và bắt đầu hỏi. Khi đó, tôi mới đọc, và giải thích thêm cho con nghe. Thế là, hai cha con có hôm cùng tìm hiểu về khủng long, hôm thì cùng nhau thưởng thức mười hai kỳ công của Hec-quyn trong thần thoại Hy Lạp.

Dokéo dành cho trẻ từ chín tuổi, tuy vậy trẻ từ sáu tuổi có thể đã đọc được một số phần với sự giúp sức của người lớn, còn người lớn cũng có thể đọc được khối thông tin thú vị từ đây, rất tiện cho việc chém gió vỉa hè hay đi thi các cuộc thi kiến thức phổ thông trên truyền hình!

Cũng được biên soạn công phu, tỉ mỉ và sử dụng nhiều tranh ảnh kích thích thị giác như Dokéo, nhưng đi sâu vào một lĩnh vực, là bộ Bách khoa thư lịch sử Kingfisher do Nhã Nam và NXB Từ điển Bách khoa ấn hành. Chính vì đi sâu hơn, nên đây không hẳn là cuốn sách chỉ dành cho trẻ em, mặc dù học sinh từ độ tuổi đầu cấp hai có thể bắt đầu đọc được. Đây là cuốn sách dành cho bất cứ ai quan tâm đến lịch sử.

Bách khoa thư lịch sử Kingfisher thực sự là một cuốn cẩm nang toàn diện về lịch sử. Tất cả những sự kiện trọng đại trong lịch sử loài người từ thời thượng cổ cho đến thời hiện đại đều được tóm gọn trong cuốn sách. Ở mỗi thời đại, mỗi khu vực địa lý, cuốn sách làm nổi bật lên những chân dung tiêu biểu, những mốc thời gian chính cũng như điểm qua về kiến trúc, nghệ thuật và công nghệ của thời đại và khu vực đó. Lật những trang sách này, độc giả sẽ không ngừng kinh ngạc về những gì mà loài người đã làm được, cũng như không tránh khỏi cảm giác bản thân ta nhỏ nhoi thế nào trước bề dày lịch sử đồ sộ của con người. Làm thế nào mà từ năm 2500 TCN người Ai Cập cổ đại đã xây dựng nên những kim tự tháp vĩ đại còn lại cho đến mãi ngày nay? Các đế quốc hình thành, trỗi dậy rồi suy tàn như thế nào, các cuộc chiến tranh nối tiếp nhau ra sao, những gì đã góp phần định hình lịch sử? Câu trả lời nằm giữa trang sách chờ đợi các độc giả trẻ, cả những độc giả không còn trẻ nữa, khám phá.

Về lý do tồn tại của sách giấy trước sách điện tử, nhà văn Anh Julian Barnes viết: "Sách phải trở thành một cái gì đó khiến người ta khao khát hơn, thèm muốn hơn: không phải là hàng xa xỉ, nhưng phải được thiết kế đẹp, hấp dẫn, làm cho ta muốn cầm nó lên, giữ chúng, nghĩ về việc đọc đi đọc lại chúng, và nhiều năm về sau nhớ lại rằng đây chính là ấn bản mà ta lần đầu tiên chạm mặt những gì chứa đựng bên trong." Những cuốn sách như Tại sao lại thế?, Dokéo hay Bách khoa thư lịch sử Kingfisher chính là những cuốn sách như thế: khiến người ta khao khát. Và không nghi ngờ gì, đây là những món quà tuyệt vời của các bậc cha mẹ dành cho con cái, của bất cứ người lớn nào dành cho trẻ em, hoặc giữa các bậc cha mẹ với nhau.

Quan trọng hơn cả, đây là những cuốn sách mà cách đọc hay nhất là cha mẹ đọc cùng con. Chẳng phải đọc sách cùng nhau là một cảnh tượng đẹp hơn nhiều so với cảnh "mẹ ngồi cạo lông chân/ bố ngồi xem chưởng bộ" * còn con thì chúi đầu vào iPad hay sao?

* Lời thơ của Thụ Nho trong cuốn sách tranh Một ngày của bố.

Lâm Vũ Thao

Thông tin về các cuốn sách:

-           Tại sao lại thế? Những câu hỏi lớn của các bạn nhỏ, tác giả Charlotte Grossetête, người dịch Lại Thu Hiền và Khang Anh, NXB Kim Đồng 2012, giá bìa 98.000 đồng;

-           Dokéo - Bách khoa thư thế hệ mới, Nhiều tác giả, Nhiều người dịch, NXB Kim Đồng 2013, giá bìa 330.000 đồng;

-           Bách khoa thư lịch sử Kingfisher, Nhiều tác giả, Nguyễn Đức Tĩnh và Ngô Minh Châu dịch, Nhã Nam và NXB Từ điển Bách khoa 2009, giá bìa 350.000 đồng.


  


Sunday, 8 September 2013

Coetzee phang Marai Sandor

Chủ đề đọc sách năm nay của tôi là Áo-Hung. Từ đầu năm đến giờ đã đọc Zsigmond Moricz, Peter Nadas, Antal Szerb, Joseph Roth, Thomas Bernhard mỗi người một hai cuốn. Tên mấy ông này chia sẻ điểm chung là không thể gõ đúng nếu không nhìn thật kỹ. Tên mấy ông Hung đúng ra còn có mấy dấu như dấu sắc nữa. Áo, nổi nhất ở Việt Nam ắt là Stefan Zweig, ông này được các dịch giả chiếu cố, dịch cũng gần chục cuốn rồi chứ không ít. Hung, nổi nhất là Marai Sandor, 5-6 cuốn đã dịch. Entry này là để dìm hàng Marai Sandor.:)

Thực ra, dìm hàng Marai Sandor là Coetzee chứ tôi trình nào mà dìm. Những nhận xét của Coetzee về Marai Sandor mà tôi trích dưới đây là trong bài tiểu luận Sandor Marai trong tập Inner Workings.

+ Về Những ngọn nến cháy tàn: "The book reads like a sometimes clumsy narrative transcription of a stage play."  Kiểu như xem một vở kịch, rồi chép lại lời thoại, mà chép một cách vụng về.  Trong một chỗ khác thì Coetzee nhận xét ngôn ngữ trong cuốn này là cliche - sáo mòn.

+ Về Ngọn gió thổi từ phương Tây, một tập du ký, đầu tiên Coetzee có một nhận định rất đáng chú ý về thể loại du ký: "One test of quality of travel writing is whether it offers the natives a new perpestive on themselves." Muốn biết du ký hay hay dở, thỉ coi thử nó có mang lại cho dân bản xứ mới hiểu biết mới, cái nhìn mới nào về chính họ không. Và câu tiếp theo, Coetzee nhận xét: "This is a test that Marai fails." Tại vì, những thông tin mà Marai đưa ra về Hoa Kỳ giống như là lấy từ "American newspaper" hơn là từ "personal observation", còn các bình luận của ông thì "rarely fresh or striking". Thiệt là hiểm. Cho nên du ký luôn là thể loại dễ viết mà khó hay, viết thì phải có quan sát cá nhân chớ đừng có chép từ báo, Google, hay cẩm nang du lịch. Còn bình luận, phải ráng nghĩ ra bình luận nào mới mẻ; mà nghĩ ra cái mới mẻ có bao giờ dễ đâu.

+ Bây giờ sang cuốn tiểu thuyết tự sự Lời bộc bạch của một thị dân. Đây là những từ mà Coetzee dành cho cuốn này: "episodic and lacking in drama". Episodic từ episode mà ra, ở đây chắc là ngắt quãng, lởm chởm. Lacking in drama: thiếu kịch tính. Thiệt ra là hồi ký thì cũng khó mà có nhiều kịch tính, trừ phi cuộc đời của người kể phải rất nhiều cao ốc công viên. Nhưng nhận xét tiếp mới đau: " it is short on observation and superficial it its judgements". Hỡi ôi, quan sát thì ít ỏi, mà phán xét thì hời hợt.


+ Về cuốn Casanova ở Bolzano, Coetzee nhận xét: "... like Embers, [it] reveals an author more at home in the theatre of the nineteenth century than in the novel." - Cũng giống như Những ngọn nến cháy tàn, cuốn này cho thấy một ông tác giả thoải mái hơn trong nhà hát thế kỷ mười chín hơn là trong cuốn tiểu thuyết!

+ Và đây là đòn chốt hạ cho Marai Sandor: ".. His conception of the novel form was nevertheless old-fashioned, his grasp of its potentialities limited, and his achivements in the medium consequently slight." Câu này khỏi dịch cho đỡ phũ!

Friday, 6 September 2013

Thuận: Tiểu thuyết với tôi là si mê dai dẳng

* Thuận là tác giả của các tiểu thuyết Made in Việt Nam (2002), Chinatown (2005), Paris 11 tháng 8 (2006), T mất tích (2007)VânVy (2008). Cuộc trò chuyện này được thực hiện nhân dịp cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, Thang máy Sài Gòn (Nhã Nam và NXB Hội nhà văn, 2013), ra mắt tại Việt Nam.

1.      Chúc mừng chị ra tiểu thuyết thứ sáu trong vòng 10 năm. Đó là một tần suất đáng nể ở bất cứ đâu, không chỉ Việt Nam hay Pháp. Trong Made in Vietnam, chị viết :" Nền văn hc ấy đếm được phần lớn là truyện ngắn, phần thứ nhì là thơ, một phần nhỏ nữa là tiểu thuyết và ký sự..." Liệu đây có phải là lý do chị hầu như không viết truyện ngắn và tuyệt đối không làm thơ, mà thay vào đó, gắn bó với tiểu thuyết? Nếu không phải, thì đâu là lý do khiến chị chăm chỉ với thể loại này?

"Tiểu thuyết là nghệ thuật vĩ đại nhất về nhân sinh... Tiểu thuyết biết đến tiềm thức sớm hơn Freud, biết đến đấu tranh giai cấp sớm hơn Marx, nghiên cứu hiện tượng học sớm hơn các nhà hiện tượng học".

Tôi sẽ không nói về tiểu thuyết như thế, như Milan Kundera.

Hơn chục năm trước, trước khi viết Made in Vietnam, tôi đã trải qua mối tình đầu với truyện ngắn mà tới bây giờ hầu như chẳng còn giữ lại kỷ niệm nào ngoài cảm giác dễ dàng : dễ dàng bắt đầu, dễ dàng kết thúc. Có thể vì tạng văn của tôi không hợp với thể loại này, hoặc tôi không muốn hòa mình vào đám đông đồng nghiệp ngày ấy, hay tôi muốn đi tìm một đối tượng sáng tác cởi mở hơn… Tôi không còn nhớ lý do chính xác nào đã khiến tôi chia tay với truyện ngắn, nhưng tôi nhớ tôi đã chia tay một cách quyết liệt : thay đổi bút danh, ném toàn bộ những thứ đã viết vào sọt rác và  không quan tâm khi ai đó nhắc đến mối quan hệ này.

Tiểu thuyết với tôi là một tình yêu lớn. Cũng bởi đó còn là ý muốn của tôiKhi đến với tiểu thuyết, tôi không còn là một cô nàng đôi mươi, ngây ngô tin rằng tình yêu nào cũng lớn, cứ yêu là lớn, cứ yêu là thành tác phẩm.  Trải nghiệm và hiểu biết khiến tôi nhận thức được rằng tình yêu lớn không tự trên trời rơi xuống. Sáu tiểu thuyết, không biết thành công đến đâu, nhưng có thể xác thực tình cảm của tôi dành cho thể loại này. Dù thế nào thì chúng cũng không phải là những truyện ngắn đặt cạnh nhau hay những mảnh suy nghĩ cứ cố kéo dài thành i trăm trang.

    Tôi nghĩ là tôi sẽ không bao giờ làm thơ, mặc dù thi ca chắc hẳn là một đối tượng vô cùng   quyến rũ. Cũng như tôi sẽ nói không với kịch, tiểu luận, bút ký… Nói cho cùng thì tôi đã   chọn tiểu thuyết và không thể phản bội nó vì bất cứ một lý do gì. Tiểu thuyết với tôi là một si mê dai dẳng, một trò chơi hấp dẫn khôn nguôi.

2.      Chị nhắc đến Kundera. Kundera cũng là người nói rằng: "Tiểu thuyết cũng từ chối hiện diện như là minh họa lịch sử, mô tả một xã hội, bảo vệ một ý hệ, và lên đường tìm những gì duy tiểu thuyết mới nói lên được."  Chị có chia sẻ quan điểm  này? Theo chị, đâu là điều mà chỉ tiểu thuyết mới nói lên được?

Trong một phỏng vấn mang tên “Đối thoại về nghệ thuật tiểu thuyết”, Kundera nhiều lần nhắc đến “truy tìm bản ngã”. Ông nói: “Bản ngã là gì? Làm sao thấu triệt được cái bản ngã đó? Đây là một trong những câu hỏi cơ bản của tiểu thuyết”.  Nhiều năm sau này, trong tiểu luận “Bức màn”, lại bàn về nghệ thuật tiểu thuyết, Kundera cho rằng tiểu thuyết mang sứ mệnh  “làm hé lộ” những khía cạnh vẫn còn bị che khuất của cuộc sống.

Tôi chia sẻ với Kundera quan điểm rằng tiểu thuyết không chấp nhận “minh họa”, “mô tả” hay “bảo vệ”, dù là minh họa, mô tả hay bảo vệ cái gì đi nữa. Nhưng nếu nói chỉ tiểu thuyết mới khám phá bản ngã và cuộc sống thì e là khiên cưỡng. Tạo sao lại không thể nghĩ rằng các ngành nghệ thuật khác, với ngôn ngữ riêng của mình, cũng mở ra những cuộc truy tìm về cái tôi và hiện thực? Tôi tin là một trong những điều đầu tiên mà người nhạc sĩ, họa sĩ hay thi sĩ đi tìm chính là bản ngã của anh ta, rồi qua đó mà kéo người thưởng thức vào cuộc thám hiểm những cái tôi khác, bao gồm cả căn cước của bản thân họ.

Như thế, vấn đề của tiểu thuyết, theo tôi, vẫn là vấn đề của mọi ngành nghệ thuật: kể lại cái gì không quan trọng bằng cách thể hiện cái đó như thế nào.

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng thách thức của một người viết tiểu thuyết nằm ở chỗ anh ta khai thác được đến đâu ngôn ngữ đặc trưng cho ngành nghệ thuật này, vì tiểu thuyết, với chất liệu giản dị và gần gũi là văn xuôi, nhưng lại mang tới cho những ai biết cách sử dụng nó những khả năng vô hạn về cấu trúc, nhân vật và tình huống.

3.      Trong cả sáu tiểu thuyết của chị, chưa bao giờ vắng mặt sự giễu cợt, hoặc trực diện như trong Made in Vietnam hay Paris 11 tháng 8, hoặc kín đáo hơn một chút như trong T mất tích hay Thang máy Sài Gòn. Bao giờ thì chị thôi giễu cợt? Chị có phải là người ưa giễu cợt trong đời thường?

Bao giờ tôi mới thôi giễu cợt? Thú thật là tôi cũng không biết nữa, bởi vì làm sao mà biết được đến khi nào hiện thực vào tay tôi mới thôi u ám, còn tôi thì thôi sợ phải chứng kiến độc giả và tác giả cứ vài phút lại ôm nhau sụt sịt, còn văn chương nói chung thì thôi dầm dề? Thử tưởng tượng nếu T mất tích rồi chồng T ôm mặt khóc, rồi hổn hển ôn chuyện tình Pháp-Việt, lá vàng bay trong gió sông Seine, cà phê thơm đồi Montmartre… Hay thử  tưởng tượng nếu Liên của Paris 11 tháng 8 không xấu xí, lạnh lùng mà duyên dáng, dịu dàng và sang đến Paris rồi vẫn ôm gối mơ lại Hà Nội của Tháp Rùa, chùa Một Cột và Hồ Tây cùng chè sen, hoa sen, hương sen … Cứ tưởng tượng ra như thế thì bạn sẽ biết độc giả có cần một nhà văn tên là Thuận nữa không? hay đọc ai cũng thế mà thôi, hay đọc quảng cáo du lịch cho đỡ đau đầu và phí thời giờ?

Ngoài đời, tôi có phải là người ưa giễu cợt? Có chứ, đối tượng giễu cợt của tôi trong đời thường, rất nhiều khi là chính bản thân tôi.

4.      Ngay cả khi tựa đề chỉ tới Paris hay Sài Gòn thì trong hầu hết tiểu thuyết của chị vẫn có rất nhiều Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội trong văn chị dường như bị bóc trần, bị châm biếm không thương tiếc. Sống ở nước ngoài nhiều năm liên tục, làm thế nào chị nắm bắt những cái nhôm nhoam của Hà Nội vắt từ thời bao cấp sang Đổi mới nhạy đến thế?

Nội đi vào tác phẩm của tôi như một thực thể chuyển động chứ không phải một sản phẩm đông lạnh nhập kho vào ngày tôi rời Việt Nam. Nhưng để giải thích sự chuyển động đó, có lẽ không thể bỏ qua cái mốc quan trọng là thời bao cấp. Theo tôi, cho Hà nội đã có cả khách sạn Metropole lẫn cửa hàng Louis Vuitton, và không ít người Hà nội sẵn sàng trả tiền triệu để đặt chân vào Nhà hát Lớn, thì tinh thần bao cấp xin cho vẫn là một trong những tinh thần chủ đạo của Hà Nội ngày hôm nay.

Nắm bắt cái nhôm nhoam của Hà Nội như thế nào? Vấn đề không phải cứ sống giữa lòng Hà Nội là đã hiểu Hà Nội. Sống giữa lòng Hà Nội nhưng nhìn Hà Nội qua mắt kính hồng hồng thì thế nào cũng cho ra đời một Hà Nội hồng hồng, mà người Hà Nội khó lòng tìm thấy mình trong đó. Độc giả ngày nay bội thực về các món ngon Hà Nội, mùi hoa sữa Hà Nội, nỗi bâng khuâng Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, đường Thanh Niên, chùa Trấn Quốc… Bạn có công nhận với tôi rằng văn chương dù có rẻ rúng đến đâu cũng không thể bị xếp ngang hàng với lưu bút tuổi xanh hay hồi ký người già? Đương nhiên cũng cần phải nói thêm rằng thông tin thì vô kể, nạp vào đầu là chuyện trẻ con, phân tích lựa chọn thì cần đến kỹ năng, nhưng có lẽ biến chúng thành văn chương mới là công việc của nhà văn. Hà Nội, trong tác phẩm tôi viết, chỉ còn một phần nhỏ là nơi tôi từng sống cả thời thơ ấu, còn phần lớn đã trở thành chủ thể sáng tạo. Phải chăng càng viết là càng phải quên đi câu chuyện của cá nhân mình ?

Paris vào tay Thuận cũng nhôm nhoam không kém. Bạn có thể nói thế. Chỉ có điều cái nhôm nhoam của Paris khác cái nhôm nhoam của Hà Nội. Cái nhôm nhoam của Paris không có mùi bao cấp.

5.      Nhân vật bà mẹ trong Thang máy Sài Gòn là một nhân vật rất ấn tượng. Cả đời, bà diễn hết vai này đến vai khác, đến cả khi chết rồi vẫn diễn vai người chết "như một diễn viên gạo cội" trong một đám tang được dựng như một tác phẩm điện ảnh. Chị đã xây dựng nhân vật này như thế nào?

Thang máy Sài Gòn là tiểu thuyết của những giả thiết. Chỉ sau cái chết bất thường của người mẹ thì cô con gái mới lên đường đi tìm chủ nhân bức ảnh mà mẹ cô vô tình để lại, rồi từ đấy mà tìm hiểu về người mẹ quá cố, một người mà mặc cho hai mươi năm chung sống cùng một mái nhà, đối với cô vẫn là một ẩn số. Cuộc tìm kiếm của cô có thể coi như cuộc tiếp xúc với các bóng ma: nửa thế kỷ trôi qua, nhiều người liên quan đã sang thế giới bên kia, những thông tin mà cô mang lại cho độc giả chẳng hề được đối chứng, nhiều khi chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng và óc phân tích rất đáng gờm của … chính cô.

Chân dung người mẹ được vẽ bởi cô con gái dị kỳ, không hiểu yếu đuối hay mạnh mẽ, tình cảm hay lạnh lùng, nhưng rõ ràng là thiếu vắng hoàn toàn những trường đoạn sáo rỗng về tình mẫu tử nhan nhản trong văn chương không chỉ của Việt Nam. Dưới con mắt của cô con gái, như bạn vừa nhận xét, người mẹ đã dùng cả cuộc đời để diễn, thậm chí nhiều vai cùng một lúc, và vai để đời nhất, hoành tráng nhất lại là vai người chết trong đám tang của chính mình.

Nhưng nếu chỉ mỗi như thế thì cũng chưa có gì đáng bàn lắm. Điều khiến tác giả là tôi cũng không ngờ nổi, ấy là càng viết càng phát hiện ra sự đa nhân cách của nhân vật này : một mặt, đó là một nữ cán bộ khát khao quyền lực ; mặt khác, đó cũng là một người đàn bà có niềm tin mãnh liệt vào tình yêu, dù chỉ là một thứ tình yêu bị ngăn trở mọi bề, mỏng manh và đầy hiểm nguy.

6.      Viết xong từ 2010 đến mãi 2013 mới được xuất bản, sự lận đận của Thang máy Sài Gòn có làm chị nản lòng?

Ba năm qua, từ lúc gửi bản thảo đi, các biên tập viên thỉnh thoảng lại đề nghị tôi xẻo một từ, một câu, một đoạn nào đó, còn tôi thì ngồi viết gần xong một tiểu thuyết nữa và dịch rồi xuất bản Thang máy Sài Gòn ở Pháp. Đương nhiên, phải thừa nhận rằng, không ít lần, không ít lời hỏi thăm của người đọc khiến tôi hơi nản lòng. Nhưng có lựa chọn nào khác cho tôi ? Làm sao có thể chấp nhận chia sẻ với độc giả một tác phẩm không còn nguyên lành ?

7.       Cả trong T mất tích lẫn Thang máy Sài Gòn, chị đã để cho nhân vật của mình biến thành những thám tử không chuyên. Bản thân chị đã dịch ít nhất hai tiểu thuyết trinh thám. Có bao giờ chị có ý định sẽ viết tiểu thuyết trinh thám chưa?

Tiểu thuyết trinh thám với mục đích duy nhất là làm độc giả mất ăn mất ngủ vài ngày, chưa bao giờ khiến tôi quan tâm. Có lẽ vì thế mà các nhân vật của T mất tích hay Thang máy Sài Gòn, chỉ được làm những thám tử không chuyên, và thay vì tìm ra những người phải tìm thì lại tìm được một phần của chính bản thân. Trong cuộc điều tra có vẻ là để giết thời gian, người chồng của T bỗng hiểu rằng giống như T, anh ta muốn rời bỏ cuộc sống đơn điệu này, nhưng khác với T, anh ta không đủ dũng cảm để làm một cuộc đời mới. Còn cô con gái trong Thang máy Sài Gòn, hối hả khai quật nửa thế kỷ bị lãng quên, tuy không tìm thấy người tình của mẹ nhưng lại ngộ ra những ngóc ngách khó lường trong tâm hồn mình. Bạn có đồng ý với tôi rằng cứ tìm kiếm đi, không thấy cái này sẽ thấy cái khác, và cuộc đời sẽ nhàm chán làm sao nếu chúng ta chẳng còn hứng khởi nào cho khám phá ?

8.      Nếu gọi tên hai nhà văn Pháp, một trong quá khứ  một ở hiện tại, mà chị ngưỡng mộ hoặc đồng cảm thì đó là ai ? Chị muốn nhìn thấy nhà văn Pháp nào hoặc tiểu thuyết Pháp nào được dịch ở Việt Nam ?

Camus - ngắn gọn, chính xác và bình thản. Houellebecq - sắc sảo, hài hước và khiêu khích. Với tôi, đó là hai cách thể hiện độc đáo cho cùng một đề tài không ngừng được khai thác trong văn chương - sự phi lý của nhân gian.

Nếu các tác phẩm của hai tác giả này được dịch và giới thiệu một cách nghiêm túc và có hệ thống, tôi tin rằng đó sẽ là món quà đẹp cho độc giả Việt Nam.

9.      Và đâu là những cuốn sách mà chị có thể đọc đi đọc lại ?

Từ khi viết văn thì đọc sách của người khác, với tôi, cũng là một cách học. Các tác phẩm của Houellebecq, Camus, Duras, Kundera, Auster, Roth, Muller … đều khiến tôi phải đọc đi đọc lại.

10.    Câu hỏi cuối cùng, chị hình dung thế nào về độc giả của mình ?

Độc giả của tôi có thể khác nhau về giới tính, độ tuổi, công việc… Một số người có thể thích các món mắm. Một số người lại không thể thiếu phó mát và rượu vang. Nhưng tôi tin rằng họ đều có tình cảm đặc biệt dành cho văn chương.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này và mong được sớm đọc tác phẩm tiếp theo của chị.

Lâm Vũ Thao thực hiện


(Bài phỏng vấn này đã đăng Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Đây là bản đầy đủ.)

Sunday, 1 September 2013

Những kẻ a-giê-lát



Theo Kundera, a-giê-lát là một từ do Rabelais đặt ra, lấy từ tiếng Hy Lạp để chỉ những kẻ không biết cười. Những kẻ a-giê-lát là những kẻ không thanh thản với cái khôi hài. Với họ, mọi lời bông đùa đều là những lời báng bổ cả, và Kundera bình thêm, ấy chính bởi mọi lời bông đùa đều là báng bổ, vì làm sao có thể dung hòa cái khôi hài và cái thiêng liêng. Những kẻ a-giê-lát không chấp nhận sự giải thiêng. 


Như Rabelais, ta cũng ghê khiếp những kẻ a-giê-lát, nhưng ta cũng nên biết ơn họ, vì sự tồn tại của họ khiến cho cái khôi hài được trọn vẹn.


Những kẻ a-giê-lát, những kẻ không biết cười, rất nhiều ở quanh ta.

Bánh mì kẹp và Ocean Vương