Sunday, 23 June 2013

Hoàng tử bé và vấn đề ngáp

Có những cuốn sách mà mỗi lúc đọc lại ta thường phát hiện thêm một cái gì đó lần đọc trước đây ta không nhận ra. Có những cuốn sách mà mỗi lứa tuổi đọc vào sẽ tìm ra những điều thú vị cho lứa tuổi của mình. Có những cuốn sách không bao giờ cũ, mặc dù được viết từ rất lâu. Có những cuốn sách viết về một xứ sở tưởng tượng nào đấy mà ta vẫn thấy như viết cho chính cái xứ sở mà ta quen thuộc, thậm chí ta còn có cảm giác như cuốn sách ấy viết về một vấn đề nào đấy hết sức thời sự, hết sức cụ thể, hết sức sát sườn. Hoàng tử bé của Saint Exupery là một trong những cuốn sách như thế.

Một trong những đoạn thú vị nhất trong cuốn này là đoạn đối thoại giữa hoàng tử bé và nhà vua của một trong những tiểu tinh cầu. Chúng ta nhớ rằng đứng trước nhà vua, hoàng tử bé của chúng ta bất giác không kiềm được một cái ngáp. Nhà vua rất lấy làm bực mình bèn ra lệnh cấm hoàng tử ngáp. Nhưng sau khi nghe giải trình của hoàng tử bé, rằng cậu đã trải qua một hành trình dài mà chưa được ngủ, nhà vua nhận thấy cấm một người mệt mỏi và thiếu ngủ ngáp là vô lý, bèn ra lệnh cho hoàng tử ngáp. Nhưng bây giờ hoàng tử bé không ngáp được nữa rồi. Có phải lúc nào người ta muốn ngáp là ngáp được đâu! Thế nên, nhà vua rất lấy làm bối rối. Bởi vì, nhà vua tuy là một nhà vua chuyên chế không tha thứ bất cứ một sự trái lệnh nào, nhưng đồng thời nhà vua luôn ý thức rằng mệnh lệnh của mình phải hợp lý, phải được thiết kế theo một cách mà người ta có thể tuân theo được. Nhà vua sẵn sàng linh động thay đổi mệnh lệnh của mình sao cho mệnh lệnh đó hợp lý để phục vụ mục đích cuối cùng là sự tuân lệnh của hoàng tử bé. Và trong quá trình ra mệnh lệnh của mình, nhà vua đã rất chú ý lắng nghe hoàng tử bé, người có nghĩa vụ tuân lệnh nhà vua.

Ở những đoạn tiếp theo, nhà vua lý giải rõ hơn quan niệm của mình về tính hợp lý trong mệnh lệnh. Ông nói: “Uy quyền trước hết phải dựa trên lẽ phải. Nếu nhà ngươi ra lệnh cho thần dân của mình nhảy xuống bể, cách mạng tất sẽ nổ ra. Ta có quyền buộc tuân lệnh ta vì mọi lệnh ta đều hợp lẽ.” Với nguyên tắc đó, ông nhất quyết không ra lệnh cho mặt trời lặn mặc cho hoàng tử bé tha thiết van nài. Cuối cùng, ông bảo ông sẽ ra lệnh cho mặt trời lặn vào lúc bảy giờ bốn mươi phút, sau khi đã tra cứu cuốn lịch to tướng của mình. Mặt trời chắc chắn sẽ tuân theo lệnh của ông.

Ở một xứ mà ai cũng biết là xứ nào đó, có rất nhiều mệnh lệnh được đưa ra từ ý muốn chủ quan của một ai đó, chẳng hạn buộc toàn dân ngáp một ngày ba lần. Tất nhiên đấy là một mệnh lệnh không hợp lý. Tuy nhiên, điều tệ hại hơn là, không như ông vua trong truyện Hoàng tử bé, người ra lệnh còn không đếm xỉa đến hoặc chỉ nghe lấy lệ ý kiến của thần dân. Kết quả thấy trước là mệnh lệnh không thể được thực thi. Những người không ngáp đủ ba lần một ngày hoặc thậm chí không ngáp lần nào cả cũng không sao vì làm gì đủ người giám sát việc thi hành mệnh lệnh và xử phạt. Những người muốn tuân lệnh thì không biết ngáp thế nào cho đúng, vì phải chờ văn bản hướng dẫn!

Trở lại với câu chuyện Hoàng tử bé, tất nhiên, nhà vua trong truyện vẫn chưa phải là một nhà vua hoàn hảo, vì nếu là nhà vua hoàn hảo ông sẽ cần phải lấy ý kiến của hoàng tử bé trước khi ra lệnh để tránh tình trạng thay đổi lệnh xoành xoạch: cấm ngáp/ngáp/lúc ngáp lúc không. Ông cũng nên phải tính tới tác động của việc ngáp hay không ngáp đối với tinh cầu của ông. Và lẽ ra ông cũng nên tính đến nếu cấm ngáp thì hoàng tử bé có lựa chọn nào khác hay không. Dù gì đi nữa, ta cũng nhận thấy rằng ông là một ông vua hết sức biết lắng nghe và cầu tiến. Trên hết, ông là một ông vua biết ra những mệnh lệnh hợp lý. Ra lệnh hợp lý thì mặt trời cũng nghe theo.

Sunday, 9 June 2013

Một đóa hồng cho tri thức



Năm 1980, tiểu thuyết Tên của đóa hồng ra mắt ở châu Âu và ngay lập tức bán được hàng triệu bản. Tuy nhiên độc giả, mặc dù ngưỡng mộ và đắm say cùng cuốn sách, vẫn ngơ ngác không thể nào hiểu mối liên hệ giữa nhan đề và câu chuyện. Ba năm sau, Umberto Eco đã trả lời phần nào câu hỏi đó trong một tiểu luận, được trích dịch và in thành phụ lục của ấn bản tiếng Việt vừa được Nhã Nam và NXB Văn Học phát hành tháng 4-2013.

Những ai kỳ vọng đọc xong tiểu luận này sẽ hiểu được rõ ràng ý nghĩa của tên sách hẳn sẽ thất vọng. Umberto Eco cho rằng lý tưởng nhất, tên của một cuốn tiểu thuyết nên là tên nhân vật chính, chẳng hạn David Copperfield hay Robinson Crusoe, trong trường hợp cuốn sách của ông là Adso xứ Melk. Khi việc đặt tên như thế là không thể về mặt thương mại, ông đã chọn đóa hồng làm tên sách, vì lẽ bông hồng là một biểu tượng đa nghĩa, do đó độc giả không bị lái về một hướng suy diễn duy nhất. Trên thực tế, cuốn tiểu thuyết của Eco quá đồ sộ, quá thông tuệ, quá phức tạp để có thể diễn dịch một chiều, và chính ông đã nói: "Không điều gì làm tác giả một quyển tiểu thuyết phấn chấn hơn khi biết có những cách diễn dịch chính mình không hề nghĩ tới, được độc giả gợi ý" (*).

Lấy bối cảnh một tu viện Ý thế kỷ 14, nơi sở hữu một thư viện thuộc hàng lớn nhất châu Âu thời ấy và là nơi liên tiếp xảy ra những cái chết bí ẩn, Tên của đóa hồng phần nào có dáng dấp một tiểu thuyết điều tra mang hơi hướng Conan Doyle với Sherlock Holmes ở đây là thầy tu William, và cậu chủng sinh Adso là một bác sĩ Watson. Cách dẫn dắt độc giả qua các cuộc điều tra mang lại sức cuốn hút cho cuốn sách, nhưng cái làm cho Tên của đóa hồng khác biệt với một tiểu thuyết trinh thám thông thường là sự uyên bác của nó, hay chính xác hơn, của tác giả. Bản thân là một giáo sư nghiên cứu thời Trung cổ, là nhà triết học và ký hiệu học, Umberto Eco trang bị cho nhân vật thầy tu William ngoài một tư duy logic cần có của một thám tử còn cả những hiểu biết về thần học, ký hiệu học, ngôn ngữ học và các ngành nghệ thuật để sử dụng trong các cuộc điều tra của mình. Nếu một phần của Tên của đóa hồng là điều tra án mạng thì phần kia là các cuộc tranh luận thần học miên man cùng những trình diễn kiến thức lịch sử, kiến trúc... tuy dễ làm nản lòng những độc giả thiếu kiên nhẫn, nhưng trong chừng mực nào đó hấp dẫn hơn các sách giáo khoa về cùng đề tài.

Các vụ án mạng trong Tên của đóa hồng đều liên quan đến thư viện. Nếu như đóa hồng là một biểu tượng đa nghĩa thì thư viện khó có thể là biểu tượng của điều gì khác hơn tri thức. Nói cách khác, các tội ác trong tu viện đều liên quan đến tri thức: tiếp cận và sở hữu tri thức. Thư viện, đối với những người đến tu tập trong tu viện này là một thứ "Jerusalem thiên đường", nhưng chính nó lại "chế ngự họ bằng những hứa hẹn và cấm đoán". Các tu sĩ trên khắp thế giới đến tu viện để nghiên cứu, có người ở đấy đến khi chết vì chỉ ở trong tu viện này họ mới tìm được "những tác phẩm soi sáng việc nghiên cứu của họ". Tuy nhiên, chỉ thủ thư mới có quyền đi lại trong thư viện của tu viện, chỉ thủ thư mới có quyền quyết định cho một tu sĩ mượn một cuốn sách nhất định hay không. Thêm vào đó, bản thân thư viện đã được xây dựng như một mê cung, sẵn sàng cản bước, vây hãm những kẻ đột nhập, khước từ họ tiếp cận tri thức. Tội ác sinh ra từ chỗ khát khao tri thức đối đầu với độc quyền tri thức. Cho dù kẻ thủ ác nhân danh điều gì chăng nữa thì không phải vì thế mà tội - ác - tri - thức sẽ kém kinh tởm hơn so với tội - ác - phi - tri - thức.

Là một nhà phê bình văn học đồng thời là một tiểu thuyết gia, Umberto Eco không ngần ngại áp dụng những quan điểm về lý thuyết văn học của mình vào cuốn sách. Lấy ví dụ, nhịp điệu. Tên của đóa hồng có những trang viết dài và tỉ mỉ về tôn giáo, kiến trúc, thư mục học...Nhà xuất bản đầu tiên của Umberto Eco từng đề nghị lược bớt nhưng ông từ chối. Ông quan niệm rằng nếu người nào đó muốn vào tu viện và sống bảy ngày (câu chuyện trong Tên của đóa hồng diễn ra trong bảy ngày), họ phải chấp nhận cuộc sống của nó. Bằng không, họ sẽ không bao giờ đọc hết cuốn sách. Cuốn tiểu thuyết, do đó, có nhịp xám lê thê của đời sống tu viện. Thực chất nó được chia thành bảy ngày, mỗi ngày thành nhiều đoạn ứng với các giờ kinh lễ.

Tên của đóa hồng từng đến Việt Nam năm 1989 qua bản dịch của Đặng Thu Hương. Lần này, Tên của đóa hồng trở lại trọn vẹn hơn qua bản dịch vô cùng công phu, tỉ mỉ của Lê Chu Cầu. Ông đã dày công đối chiếu bản tiếng Anh với bản tiếng Đức và nguyên tác tiếng Ý, bổ khuyết những chỗ tiếng Anh dịch thiếu và dịch cả phần tiếng Latin.

(*) Phụ lục: "Tên sách và ý nghĩa".

(Bài đã đăng Tuổi trẻ cuối tuần)

Monday, 3 June 2013

Goodreads - Một chốn nữa cho sách

Bài viết giới thiệu mạng Goodreads dưới đây đã đăng Tuổi trẻ cuối tuần




GOODREADS – MỘT CHỐN NỮA CHO SÁCH

"Có hai động cơ để đọc một cuốn sách: thứ nhất, là bạn thưởng thức nó; thứ hai, là bạn có thể khoe về nó” (“There are two motives for reading a book; one, that you enjoy it; the other, that you can boast about it [on Goodreads]”. Tôi đọc được câu này của Bertrand Russell trên trang chủ của Goodreads.com (www.goodreads.com), dĩ nhiên, phần ngoặc vuông “trên Goodreads” là Goodreads dí dỏm thêm vào.

Quả thực, Goodreads là chỗ lý tưởng để "khoe" mình đọc sách gì. Nói cách khác, đây là nơi để những người đọc sách chia sẻ với nhau về sách. Ở đây, mọi người có thể đánh giá sách trên một thang điểm từ một tới năm sao, có thể "nhòm" vào tủ sách của nhau để tìm kiếm những gợi ý để chọn sách mà đọc, cũng như có thể thoải mái bình luận về sách. Có hàng nghìn bài bình luận về sách như thế trên Goodreads, từ vài dòng đến vài trang giấy. Rất nhiều bài làm người ta bất ngờ về trình độ, cảm nhận của người đọc. Chưa kể, do không phải viết bình luận để ...đăng báo, nên các thành viên tha hồ tung tẩy trong các nhận định của mình.

Bình luận về cuốn Kẻ ích kỷ lãng mạn của Frédéric Beigbeder, thành viên Tieu Uyen viết: "Kẻ ích kỷ thì có, lãng mạn thì không, hư hỏng thì có, tình cảm thì không. Tinh quái kiểu rẻ tiền thì có, nhưng hay ho thì tuyệt đối không." Còn đây là trích nhận xét về Tuổi thơ im lặng của nhà văn Duy Khán của thành viên Tâm:"Không có một sự trách cứ nào, Duy Khán cứ viết ra tựa như ông vẫn là một đứa trẻ, viết và cảm nhận, và thương, và buồn, và nhớ. Cái nghèo cái đói khổ chẳng bị xoáy sâu vào làm gì, không cố chiếm lấy sự thương cảm của người đọc. Ấy vậy nhưng lại khiến tôi cảm động hơn cả. Mới xót xa làm sao. Giọng văn thật thà, không hoa mỹ, và thiên về văn nói rất sống động. Nhưng nó vẫn đủ đa dạng trong kể và tả, khiến cho tôi càng thêm trân trọng sự giàu có của tiếng Việt."

Là một mạng xã hội dành cho người đọc sách thành lập từ tháng 12-2006, tuy không ồn ào tấp nập như Facebook, Goodreads cũng âm thầm vươn đến con số hơn 12 triệu thành viên tính đến cuối năm 2012, cùng một thư mục hơn 400 triệu đầu sách bằng đủ thứ tiếng, chủ yếu do các thành viên tự đưa lên. Việc kết nối tài khoản giữa Facebook và Goodreads khiến người dùng Facebook dễ dàng chuyển sang Goodreads mà không cần tiến hành thêm bất kỳ thao tác đăng ký nào.

Tương tự Facebook, Goodreads cho phép người dùng kết bạn với nhau, hoặc có thể đánh dấu để theo dõi bình luận sách của các thành viên khác. Khi đó, những hoạt động của các thành viên trong danh sách bạn bè hoặc danh sách những người bạn theo dõi, ví dụ như đánh giá, bình luận, thêm đầu sách vào kệ sách.v.v. sẽ hiện lên trang chủ của bạn hoặc được gửi đến email. Nhờ vậy, bạn có thể biết, ai đang đọc gì, nhận xét của họ về một cuốn sách như thế nào. Từ đó, bạn có thêm thông tin tham khảo để quyết định nên đọc một cuốn sách nào đó hay không.

Một trong những tính năng thú vị nhất của Goodreads là, khi đánh giá đủ một số đầu sách nhất định, Goodreads sẽ bắt đầu giới thiệu sách cho người dùng. Goodreads có thể giới thiệu sách dựa trên thể loại hay dựa theo kệ sách của bạn. Ví dụ, nếu bạn lập một kệ sách "Sách yêu thích nhất" gồm những cuốn bạn tâm đắc nhất, khi đó, Goodreads có thể "nhòm" vào kệ sách này mà giới thiệu cho bạn các cuốn tương tự. Tuy vậy, hiện nay tính năng này của Goodreads chỉ hoạt động đối với các tác phẩm dịch.

Trên Goodreads hiện có rất nhiều danh sách để thành viên bình chọn, chẳng hạn, Best books ever (Sách hay nhất mọi thời), Books that everyone should read at least once (Sách ai cũng nên đọc một lần) .v.v. Đã có một vài danh sách dành riêng cho sách Việt. Đáng chú ý, có danh sách Tácphẩm văn xuôi Việt hay nhất, mà những tác phẩm đứng đầu danh sách này hiện tại là Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần), Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh).

Trang mạng này có vài chục ngàn câu lạc bộ sách để bạn tham gia sinh hoạt, chủ yếu thảo luận bằng tiếng Anh. Nhưng cũng có những câu lạc bộ thảo luận bằng tiếng Việt mà hai câu lạc bộ đông thành viên Việt Nam nhất là A reading club for VietnameseHội thích đọc sách. Hiện tại, số đầu sách Việt trên Goodreads tuy đã khá nhiều, nhưng vẫn khá “lép vế” so với các đầu sách bằng các thứ tiếng khác. Vì vậy, sách Việt cần được góp sức nhiều hơn để quảng bá trên trang mạng này – cùng những thành viên người Việt vẫn đang tích cực bổ sung sách vào thư mục của Goodreads mỗi ngày. Đây là một sân chơi tuy không ồn ào nhưng thật sự có ích, chẳng những cho người đọc mà còn cho tác giả, nhà xuất bản và các công ty sách.


  

Bánh mì kẹp và Ocean Vương