Sunday 23 June 2013

Hoàng tử bé và vấn đề ngáp

Có những cuốn sách mà mỗi lúc đọc lại ta thường phát hiện thêm một cái gì đó lần đọc trước đây ta không nhận ra. Có những cuốn sách mà mỗi lứa tuổi đọc vào sẽ tìm ra những điều thú vị cho lứa tuổi của mình. Có những cuốn sách không bao giờ cũ, mặc dù được viết từ rất lâu. Có những cuốn sách viết về một xứ sở tưởng tượng nào đấy mà ta vẫn thấy như viết cho chính cái xứ sở mà ta quen thuộc, thậm chí ta còn có cảm giác như cuốn sách ấy viết về một vấn đề nào đấy hết sức thời sự, hết sức cụ thể, hết sức sát sườn. Hoàng tử bé của Saint Exupery là một trong những cuốn sách như thế.

Một trong những đoạn thú vị nhất trong cuốn này là đoạn đối thoại giữa hoàng tử bé và nhà vua của một trong những tiểu tinh cầu. Chúng ta nhớ rằng đứng trước nhà vua, hoàng tử bé của chúng ta bất giác không kiềm được một cái ngáp. Nhà vua rất lấy làm bực mình bèn ra lệnh cấm hoàng tử ngáp. Nhưng sau khi nghe giải trình của hoàng tử bé, rằng cậu đã trải qua một hành trình dài mà chưa được ngủ, nhà vua nhận thấy cấm một người mệt mỏi và thiếu ngủ ngáp là vô lý, bèn ra lệnh cho hoàng tử ngáp. Nhưng bây giờ hoàng tử bé không ngáp được nữa rồi. Có phải lúc nào người ta muốn ngáp là ngáp được đâu! Thế nên, nhà vua rất lấy làm bối rối. Bởi vì, nhà vua tuy là một nhà vua chuyên chế không tha thứ bất cứ một sự trái lệnh nào, nhưng đồng thời nhà vua luôn ý thức rằng mệnh lệnh của mình phải hợp lý, phải được thiết kế theo một cách mà người ta có thể tuân theo được. Nhà vua sẵn sàng linh động thay đổi mệnh lệnh của mình sao cho mệnh lệnh đó hợp lý để phục vụ mục đích cuối cùng là sự tuân lệnh của hoàng tử bé. Và trong quá trình ra mệnh lệnh của mình, nhà vua đã rất chú ý lắng nghe hoàng tử bé, người có nghĩa vụ tuân lệnh nhà vua.

Ở những đoạn tiếp theo, nhà vua lý giải rõ hơn quan niệm của mình về tính hợp lý trong mệnh lệnh. Ông nói: “Uy quyền trước hết phải dựa trên lẽ phải. Nếu nhà ngươi ra lệnh cho thần dân của mình nhảy xuống bể, cách mạng tất sẽ nổ ra. Ta có quyền buộc tuân lệnh ta vì mọi lệnh ta đều hợp lẽ.” Với nguyên tắc đó, ông nhất quyết không ra lệnh cho mặt trời lặn mặc cho hoàng tử bé tha thiết van nài. Cuối cùng, ông bảo ông sẽ ra lệnh cho mặt trời lặn vào lúc bảy giờ bốn mươi phút, sau khi đã tra cứu cuốn lịch to tướng của mình. Mặt trời chắc chắn sẽ tuân theo lệnh của ông.

Ở một xứ mà ai cũng biết là xứ nào đó, có rất nhiều mệnh lệnh được đưa ra từ ý muốn chủ quan của một ai đó, chẳng hạn buộc toàn dân ngáp một ngày ba lần. Tất nhiên đấy là một mệnh lệnh không hợp lý. Tuy nhiên, điều tệ hại hơn là, không như ông vua trong truyện Hoàng tử bé, người ra lệnh còn không đếm xỉa đến hoặc chỉ nghe lấy lệ ý kiến của thần dân. Kết quả thấy trước là mệnh lệnh không thể được thực thi. Những người không ngáp đủ ba lần một ngày hoặc thậm chí không ngáp lần nào cả cũng không sao vì làm gì đủ người giám sát việc thi hành mệnh lệnh và xử phạt. Những người muốn tuân lệnh thì không biết ngáp thế nào cho đúng, vì phải chờ văn bản hướng dẫn!

Trở lại với câu chuyện Hoàng tử bé, tất nhiên, nhà vua trong truyện vẫn chưa phải là một nhà vua hoàn hảo, vì nếu là nhà vua hoàn hảo ông sẽ cần phải lấy ý kiến của hoàng tử bé trước khi ra lệnh để tránh tình trạng thay đổi lệnh xoành xoạch: cấm ngáp/ngáp/lúc ngáp lúc không. Ông cũng nên phải tính tới tác động của việc ngáp hay không ngáp đối với tinh cầu của ông. Và lẽ ra ông cũng nên tính đến nếu cấm ngáp thì hoàng tử bé có lựa chọn nào khác hay không. Dù gì đi nữa, ta cũng nhận thấy rằng ông là một ông vua hết sức biết lắng nghe và cầu tiến. Trên hết, ông là một ông vua biết ra những mệnh lệnh hợp lý. Ra lệnh hợp lý thì mặt trời cũng nghe theo.

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN