Sunday, 9 June 2013

Một đóa hồng cho tri thức



Năm 1980, tiểu thuyết Tên của đóa hồng ra mắt ở châu Âu và ngay lập tức bán được hàng triệu bản. Tuy nhiên độc giả, mặc dù ngưỡng mộ và đắm say cùng cuốn sách, vẫn ngơ ngác không thể nào hiểu mối liên hệ giữa nhan đề và câu chuyện. Ba năm sau, Umberto Eco đã trả lời phần nào câu hỏi đó trong một tiểu luận, được trích dịch và in thành phụ lục của ấn bản tiếng Việt vừa được Nhã Nam và NXB Văn Học phát hành tháng 4-2013.

Những ai kỳ vọng đọc xong tiểu luận này sẽ hiểu được rõ ràng ý nghĩa của tên sách hẳn sẽ thất vọng. Umberto Eco cho rằng lý tưởng nhất, tên của một cuốn tiểu thuyết nên là tên nhân vật chính, chẳng hạn David Copperfield hay Robinson Crusoe, trong trường hợp cuốn sách của ông là Adso xứ Melk. Khi việc đặt tên như thế là không thể về mặt thương mại, ông đã chọn đóa hồng làm tên sách, vì lẽ bông hồng là một biểu tượng đa nghĩa, do đó độc giả không bị lái về một hướng suy diễn duy nhất. Trên thực tế, cuốn tiểu thuyết của Eco quá đồ sộ, quá thông tuệ, quá phức tạp để có thể diễn dịch một chiều, và chính ông đã nói: "Không điều gì làm tác giả một quyển tiểu thuyết phấn chấn hơn khi biết có những cách diễn dịch chính mình không hề nghĩ tới, được độc giả gợi ý" (*).

Lấy bối cảnh một tu viện Ý thế kỷ 14, nơi sở hữu một thư viện thuộc hàng lớn nhất châu Âu thời ấy và là nơi liên tiếp xảy ra những cái chết bí ẩn, Tên của đóa hồng phần nào có dáng dấp một tiểu thuyết điều tra mang hơi hướng Conan Doyle với Sherlock Holmes ở đây là thầy tu William, và cậu chủng sinh Adso là một bác sĩ Watson. Cách dẫn dắt độc giả qua các cuộc điều tra mang lại sức cuốn hút cho cuốn sách, nhưng cái làm cho Tên của đóa hồng khác biệt với một tiểu thuyết trinh thám thông thường là sự uyên bác của nó, hay chính xác hơn, của tác giả. Bản thân là một giáo sư nghiên cứu thời Trung cổ, là nhà triết học và ký hiệu học, Umberto Eco trang bị cho nhân vật thầy tu William ngoài một tư duy logic cần có của một thám tử còn cả những hiểu biết về thần học, ký hiệu học, ngôn ngữ học và các ngành nghệ thuật để sử dụng trong các cuộc điều tra của mình. Nếu một phần của Tên của đóa hồng là điều tra án mạng thì phần kia là các cuộc tranh luận thần học miên man cùng những trình diễn kiến thức lịch sử, kiến trúc... tuy dễ làm nản lòng những độc giả thiếu kiên nhẫn, nhưng trong chừng mực nào đó hấp dẫn hơn các sách giáo khoa về cùng đề tài.

Các vụ án mạng trong Tên của đóa hồng đều liên quan đến thư viện. Nếu như đóa hồng là một biểu tượng đa nghĩa thì thư viện khó có thể là biểu tượng của điều gì khác hơn tri thức. Nói cách khác, các tội ác trong tu viện đều liên quan đến tri thức: tiếp cận và sở hữu tri thức. Thư viện, đối với những người đến tu tập trong tu viện này là một thứ "Jerusalem thiên đường", nhưng chính nó lại "chế ngự họ bằng những hứa hẹn và cấm đoán". Các tu sĩ trên khắp thế giới đến tu viện để nghiên cứu, có người ở đấy đến khi chết vì chỉ ở trong tu viện này họ mới tìm được "những tác phẩm soi sáng việc nghiên cứu của họ". Tuy nhiên, chỉ thủ thư mới có quyền đi lại trong thư viện của tu viện, chỉ thủ thư mới có quyền quyết định cho một tu sĩ mượn một cuốn sách nhất định hay không. Thêm vào đó, bản thân thư viện đã được xây dựng như một mê cung, sẵn sàng cản bước, vây hãm những kẻ đột nhập, khước từ họ tiếp cận tri thức. Tội ác sinh ra từ chỗ khát khao tri thức đối đầu với độc quyền tri thức. Cho dù kẻ thủ ác nhân danh điều gì chăng nữa thì không phải vì thế mà tội - ác - tri - thức sẽ kém kinh tởm hơn so với tội - ác - phi - tri - thức.

Là một nhà phê bình văn học đồng thời là một tiểu thuyết gia, Umberto Eco không ngần ngại áp dụng những quan điểm về lý thuyết văn học của mình vào cuốn sách. Lấy ví dụ, nhịp điệu. Tên của đóa hồng có những trang viết dài và tỉ mỉ về tôn giáo, kiến trúc, thư mục học...Nhà xuất bản đầu tiên của Umberto Eco từng đề nghị lược bớt nhưng ông từ chối. Ông quan niệm rằng nếu người nào đó muốn vào tu viện và sống bảy ngày (câu chuyện trong Tên của đóa hồng diễn ra trong bảy ngày), họ phải chấp nhận cuộc sống của nó. Bằng không, họ sẽ không bao giờ đọc hết cuốn sách. Cuốn tiểu thuyết, do đó, có nhịp xám lê thê của đời sống tu viện. Thực chất nó được chia thành bảy ngày, mỗi ngày thành nhiều đoạn ứng với các giờ kinh lễ.

Tên của đóa hồng từng đến Việt Nam năm 1989 qua bản dịch của Đặng Thu Hương. Lần này, Tên của đóa hồng trở lại trọn vẹn hơn qua bản dịch vô cùng công phu, tỉ mỉ của Lê Chu Cầu. Ông đã dày công đối chiếu bản tiếng Anh với bản tiếng Đức và nguyên tác tiếng Ý, bổ khuyết những chỗ tiếng Anh dịch thiếu và dịch cả phần tiếng Latin.

(*) Phụ lục: "Tên sách và ý nghĩa".

(Bài đã đăng Tuổi trẻ cuối tuần)

Bánh mì kẹp và Ocean Vương