Tuesday, 24 July 2012

Trước lúc đi ngủ


Trước lúc ngủ say là một cuốn tiểu thuyết tâm lý hình sự của Watson, Nguyễn Lê My Hoàn dịch, NXB Trẻ; còn Trước lúc đi ngủ là tên một entry của tôi. Chính là entry này!

Thường buổi tối, sau khi đã tống được hai con heo con và chó con đi ngủ, tôi sẽ ngồi vào bàn dịch vài trang. Đến khi díp mắt, thì đi tắm cho tỉnh, rồi mở một cuốn sách nào đó ra đọc vài chục trang. (Đã từ lâu TV không còn là một phần cuộc sống của tôi!). Tình hình là tôi thường xuyên nhảy loạn từ cuốn này sang cuốn kia  - bi kịch của một người có quá nhiều sách nhưng quá ít thời gian. Mấy hôm nay trước lúc đi ngủ tôi đang tạm dừng ở cuốn Written Lives của Javier Marias - tác giả của Trái tim bạc nhược mà tôi từng nồng nhiệt giới thiệu trên blog này.

Written Lives là một cuốn sách gồm các bài dạng như tiểu sử mini về các nhà văn trên khắp thế giới. Tối hôm trước, tôi đọc bài về cái chết của Yukio Mishima - một nhà văn tôi quan tâm, còn tối hôm qua, tình cờ  tôi đọc bài về Malcolm Lowry, một nhà văn tôi không biết tới, chỉ nghe loáng thoáng cuốn Under the Volcano của ông rất nổi tiếng, nằm trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất của Modern Library.  Cả hai ông đều chết trước tuổi năm mươi. Mishima tự sát bằng cách mổ bụng như một samurai, còn Lowry thì ắt vì nát rượu và thuốc ngủ quá liều. Tôi bất giác thoáng nghĩ: có lẽ, điều quan trọng với các nhà văn là để  lại tác phẩm gì, chứ mọi phán xét về bản thân con người nhà văn đều không có ý nghĩa. Lowry cả đời nghiện rượu, hẳn phải là thảm họa cho gia đình và vợ con. Còn Mishima - hám danh ( đinh ninh rằng mình phải được Nobel, đến khi Nobel được trao cho Kawabata thì chạy như bay đến nhà Kawabata để xuất hiện trong tấm hình chúc mừng Kawabata), lấy vợ chỉ để vui lòng mẹ (vì dường như ông là người đồng tính), bản thân giả ốm để trốn đi lính nhưng lại cổ vũ  cho một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan - có vẻ chẳng phải là một con người dễ ưa tí nào.

Nhưng chẳng vì thế mà tôi bớt yêu thích những tác phẩm của Mishima - Người thủy thủ bị biển khước từ hay Ngôi đền vàng vẫn nằm trong danh sách những tiểu thuyết tôi thích nhất. Còn Under the Volcano? Đợi một lúc nào bớt bi kịch rồi sẽ đọc.



Sunday, 22 July 2012

Nhà sưu tầm sách


Các nhà sưu tầm sách hẳn là sẽ khoái đoạn sau trong bài Unpacking My Library, nằm trong cuốn Illuminations của Walter Benjamin:

"Trong các thể thức thu thập sách thông thường, cách thích hợp nhất đối với một nhà sưu tầm là cách mượn sách mà không bao giờ trả lại. Người mượn sách có tầm vóc đích thực mà ta hình dung ở đây chứng tỏ mình là một nhà sưu tầm sách kỳ cựu không hẳn bằng sự nhiệt thành trong việc bảo vệ kho báu mượn được và bằng cái lỗ tai điếc trước mọi nhắc nhở từ thế giới hợp pháp thường ngày mà bằng việc không đọc những cuốn sách ấy. Nếu kinh nghiệm của tôi có thể được coi là bằng chứng, thì người ta có khi dễ trả một cuốn sách mượn hơn là đọc nó. Và việc không đọc sách, bạn sẽ phản đối, phải là đặc điểm của các nhà sưu tầm? Đây là chuyện mới mẻ đối với tôi, bạn có thể nói vậy. Nó chẳng phải là chuyện mới mẻ gì hết. Các chuyên gia sẽ chứng minh cho tôi khi tôi nói rằng đó là chuyện xưa nhất trái đất. Chỉ cần trích câu trả lời của Anatole France cho một kẻ phàm phu tục tử trầm trồ thư viện của ông và rồi hạ một câu hỏi chuẩn mực, “ Vậy ông đã đọc hết những cuốn sách này rồi chứ, thưa ông France?” là đủ. “Không được một phần mười đâu. Tôi không nghĩ là ông sử dụng các món đồ sứ xứ Sèvres của ông hằng ngày đấy chứ?”

:)



Monday, 16 July 2012

Gạch đầu dòng 16/7



  • Tuần vừa rồi, tôi chủ động liên lạc lại với một người bạn - người anh đã bốn năm, năm năm không gặp cho dù vẫn ở cùng thành phố. Chúng tôi trao đổi về công việc, về cái gọi là midlife crisis, vì tôi nhớ khi anh ở vào giai đoạn ấy, anh đã hẹn cafe nói chuyện với tôi, cho dù tôi kém anh hơn chục tuổi, và khi cần có người nói chuyện tôi lại nhớ tới anh. Sau cuộc nói chuyện ấy, tôi cảm thấy tinh thần tốt hơn lên rất nhiều. Có những người bạn như thế, dẫu nhiều ngày không gặp thì vẫn là một nơi để ta san sẻ tâm sự  khi cần, và khi gặp rồi thì ta biết ta san sẻ đúng chỗ. 
  • Anh QB  khen cuốn Trước lúc ngủ say dịch tốt. Cuốn này là một trong những cuốn hiếm hoi mà tôi đọc ngay khi vừa được tặng. (Từ dạo hay la cà trên giang hồ được tặng sách nhiều đâm ra tốc độ tiêu thụ theo không kịp:). Tôi cũng thấy cuốn này dịch tự nhiên, linh hoạt, và truyện thì hấp dẫn. Lúc đọc tôi nghĩ Hollywood sẽ không bao giờ bỏ qua một câu chuyện thế này. Hỏi dịch giả, thì đúng là phim đang được dựng với vai chính dành cho Nicole Kidman. Lâu rồi, tôi không coi phim nào, trừ những phim hoạt hình xem cùng A & P. Gần nhất là Brave.
  • Hôm nay trường Pi tổ chức đi chơi. Sáng, Pi dậy rất sớm, thay đồ rất nhanh để đến trường sớm. Dạo này con tim Pi đã vui trở lại. Cái ngày đầu tiên Alpha sang trường mới, Pi đi học một mình, cu cậu buồn thỉu, thỉnh thoảng lại vùng khóc rống. Thứ sáu vừa rồi, Pi xin phép mang theo ba chiếc xe hơi đi học. Chiều về, cậu khoe, hôm nay con vui lắm, vì con đem xe cho các bạn cùng chơi nên con rất vui. Tôi nói, đúng rồi, mình chia sẻ cùng bạn thì bao giờ cũng vui hơn là chơi một mình. 

Saturday, 14 July 2012

Gạch đầu dòng 14/7


  • Nhà văn Việt Nam duy nhất cho tới giờ mà đọc xong tác phẩm tôi mong muốn được gặp mặt đó là Bùi Ngọc Tấn. Tôi có thể  khâm phục, kính trọng nhiều nhà văn khác, nhưng chỉ có ông là đọc văn mà tôi mến người. Trải qua đau khổ kiệt cùng, văn ông vẫn toát lên một sự bao dung, đôn hậu. Ông có thể viết về cái xấu, cái ác, nhưng rốt lại đọc  ông xong người ta không thấy chán ghét, khinh khi, căm thù, mà trái lại, thấy yêu thương con người hơn- con người nói chung và những người thân yêu nói riêng. Viết được như thế, tâm hẳn phải sáng, lòng phải lành. 
  • Chỉ định có một gạch đầu dòng, post xong, chợt nhìn thấy câu này:  "Books are mirrors: you only see in them what you already have inside you."―Carlos Ruiz Zafón.  "Sách là gương: bạn chỉ có thể nhìn thấy trong ấy những gì đã sẵn có bên trong bạn." Thế là thêm gạch đầu dòng thứ hai.

Friday, 13 July 2012

Alpha & Pi đi sở thú


Chủ nhật vừa rồi là lần thứ hai Alpha và Pi được đi sở thú. Lần thứ nhất cách đây hai năm rưỡi, khi ấy các bạn còn trẻ hơn bây giờ nhiều, trẻ hơn nhưng kém dẻo dai hơn nên đi một tí đã la toáng mỏi chân và đòi bế. Làm sao mà bế nổi hai cái thùng sữa đi vòng quanh sở thú, thế nên xem được vài con thì cả nhà rút sớm. Lần này, tuy hai bạn tuổi tác cao hơn xưa, nhưng khả năng đi bộ rất tốt, nên dẫu ra khỏi nhà khá muộn (ăn chậm, rồi quần quần áo áo) và trời lúc nắng lúc mưa, nhưng cho đến giờ ăn trưa thì đã xem được khá nhiều con.

Tối, sau giờ ăn, cả nhà chơi trò đố nhau các con vật. Trò này Alpha và Pi vẫn thường chơi cùng ba mẹ, nay vì mới đi sở thú về nên bổ sung quy định chỉ đố những con có trong sở thú mà thôi.  Mỗi người sẽ lần lượt ra câu đố, nêu các đặc điểm của một con vật nào đó cho ba người còn lại đoán là con gì. Ví dụ một câu đố của Pi: Con gì không to, không nhỏ, ăn thịt, biết trèo cây, lông màu đen pha vàng? Ba sẽ trả lời, con mèo, để cho Pi bác bỏ rằng con mèo nhỏ, còn con này không to không nhỏ cơ.  Nếu trả lời là con báo, đáp án ấy cũng chưa được Pi cho là đúng, vì câu trả lời chính xác theo Pi phải là con báo lửa. Nói thêm, sau khi đi sở thú về thì biết được con vật yêu thích nhất của  Pi là con báo lửa, chắc vì Pi thích chữ “lửa” (cũng như thích các chữ “anh hùng”, “siêu nhân”, “tốc độ”…) Nói chung, khi Alpha và Pi đố, ba mẹ sẽ vờ trả lời sai vài lần để các bạn ấy khoái chí bác bỏ. Còn khi  ba và mẹ đố, các bạn sẽ rất sung sướng nếu trả lời được lúc ba mẹ chưa dứt câu.

Sau  khoảng  bảy, tám vòng đố thì Pi hết nguồn câu đố, trong khi Alpha tuyên bố còn nhiều con lắm và chạy sang thì thầm mách nước cho Pi. Lần thứ nhất, OK; lần thứ hai, Alpha thì thầm xong chạy về chỗ, thì Pi lầm bầm: “Nhưng mà mình đâu biết con bươm bướm đố thế nào đâu.” Ba mẹ được một trận cười còn cu cậu có vẽ tẽn tò.

Ba gợi ý một trò chơi mới.  Trong trò này, người ra câu đố chỉ cần nghĩ đến một con vật, sau đó cho những người còn lại đoán là con gì bằng cách đặt câu hỏi có/không. Được phép đặt tối đa năm câu hỏi.  (Trò này tương tự trò trong phim Inglourious Basterds). Vì trò hơi khó nên Alpha với mẹ một phe, còn ba và Pi một phe. Alpha, với sự giúp đỡ của mẹ, đã nhanh chóng đoán được con vật đầu tiên sau ba câu hỏi: 1/ Đó có phải là một loài chim không? (Phải); 2/ Nó có ăn cá không? (Có); 3/ Nó có biết bay không? (Không); 4/ Vậy nó là con chim cánh cụt!  Ấy nhưng đến khi mẹ và Alpha ra câu đố thì ba và Pi chịu thua, vì câu hỏi đầu tiên của ba là đó có phải là một con thú không, thì mẹ trả lời là phải, trong khi con vật của mẹ và Alpha là con cá sấu, cho nên ba hỏi thêm bốn câu nữa mà vẫn đoán sai. Điệu này phải cho mẹ đi học lại lớp bốn!

Sau một ngày vận động hết cỡ từ tay chân đến đầu óc, tối Alpha và Pi ngủ rất say. Khi ngủ, trông hai bạn như hai con chó con. Nhưng nếu nghe được thì Pi sẽ phản đối:  Con  là heo con, không phải chó!

Friday, 6 July 2012

Phê bình văn học


"Thế là tôi đến Pa-ri, trong túi không một đồng frăng, trong mồm không một câu tiếng Pháp. Ở Pa-ri, một đêm tôi dạo chơi trên bờ sông Xen. Một đám người đang đi lại phía tôi, ca hát rất vui nhộn. Tay họ cầm những con dao bầu, dao nhọn, những cái kéo, những cái dùi, tất cả sáng loáng, đánh vào nhau xủng xoảng. Nhìn họ, tôi đinh ninh đấy là những nhà phê bình văn học. Mãi tới khi nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ quốc tế, nghĩa là làm điệu bộ, tôi mới biết họ làm ở lò sát sinh." - Ep-tu-sen-cô, Bùi Ngọc Tấn chép lại trong Viết về bè bạn.

Bánh mì kẹp và Ocean Vương