Sunday 20 May 2012

Hamlet chỉ đạo diễn xuất

Hamlet,  ngoài những gì ta thường biết về chàng, còn tỏ ra là một đạo diễn tài ba.  Đoạn sau đây, trích theo bản dịch của Bùi Anh Kha, Bùi Ý, Bùi Phụng (một bản dịch tuyệt vời), là đoạn mà Hamlet chỉ đạo cho các kép hát diễn trích đoạn một vở kịch trong đó một ông vua bị sát hại bằng cách đổ thuốc độc vào tai. Có vẻ những chỉ đạo diễn xuất của chàng vẫn còn rất có giá trị cho ngày hôm nay.:)


“Xin các bạn hãy nói đoạn này giống như ta đã nói trước các bạn, sao cho dễ dàng tự nhiên. Cương lên ầm ĩ như số đông đào kép các bạn thường làm, thì thà để thơ ta cho mõ làng rao, nghe còn thích hơn. Cũng đừng có vung tay mà đấm không khí như thế này. Mọi cử chỉ đều phải khoan thai; vì ngay trong mưa sa bão táp, hay nói cho rõ hơn, ngay trong lúc giận dữ điên cuồng, cũng phải giữ được bình tĩnh, có thế mới khỏi thô bạo. Ôi, tâm hồn ta phẫn uất khi phải nghe một anh chàng to béo đeo tóc giả đem tình cảm xé ra thành mảnh vụn, thành giẻ rách để làm vỡ lỗ tai một bầy khán giả tầm thường mà số đông không có khả năng thưởng thức cái gì ngoài những trò hề múa rối, hò la nhăng nhít.  (…)

Ấy thế nhưng mà cũng không được nhạt nhẽo quá; lúc diễn xuất phải vận dụng trí xét đoán. Động tác phải ăn nhịp với lời nói, lời nói với động tác, phải đặc biệt thận trọng sao cho đúng mức, không được vượt quá cái bình dị của tự nhiên. Cường điệu quá trớn lúc diễn xuất, tức là xa rời nghệ thuật sân khấu mà mục đích, trước kia cũng thế, bây giờ cũng vậy, là làm tấm gương phản ánh tự nhiên; kẻ chính cho ra mặt kẻ chính, kẻ tà cho ra hình kẻ tà, và thế kỉ nào, thời đại nào thì phải có những nét và dấu vết riêng của thời đại đó. Cường điệu quá, hay nhạt nhẽo quá, thì chỉ làm cho những kẻ ngu dốt cười được thôi, nhưng lại làm cho những người sành sỏi đau xót. Phải coi trọng lời phẩm bình của người sành sỏi, vì nó có giá trị hơn ý kiến của cả đám ngu đần kia. Ồ, ta đã được xem một số đào kép đóng trò, được nghe người ta ca tụng họ, tâng bốc họ quá cao - để khỏi nói là quá thô lỗ - lúc diễn xuất ăn nói không ra kẻ có đạo, điệu bộ cũng không ra kẻ có đạo mà cũng chẳng phải kẻ vô thần, chẳng ra hồn người, đi đứng nghênh ngang, hò la inh ỏi, đến nỗi ta tưởng họ là những quái vật mà anh thợ vụng nào của Tạo hóa đã nặn ra làm người; họ bắt chước người một cách thảm hại quá!
(…) Còn những chú đóng vai hề nữa, cũng không được thêm bớt điều gì khác với lời trong vở. Vì có những chú cứ cười rống lên, cốt để cho một số khán giả tầm thường cười theo, đúng vào lúc có vấn đề phải để cho người ta suy nghĩ. Thật là nhục nhã cho nghề, và cái đó chỉ tỏ rõ lòng tham vọng đáng thương của kẻ điên.” 

7 comments:

  1. Cái này làm liên tưởng đến đoạn nhà vua yêu thơ mà ai cũng bit là ai nói về thi ca trong tiểu thuyết của Kosztolányi Dezs :-D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Còn tôi thì liên tưởng đến một đại sân khấu với 90tr diễn viên quần chúng trong một vở bi hài kịch hội tụ tinh hoa mấy ngàn năm. Tiếc thay, nhiều diễn viên không tròn vai, có lẽ vì vậy nó mới thành bi hài kịch, nên phải cần một ông Hamlet từ thế giới tưởng tượng bước ra, vượt không gian và thời gian để chỉ đạo diễn xuất cho họ (tất nhiên vụ đạo diễn này làm sao mà thật được :d)

      Ký tên: Nặc danh :)

      Delete
    2. diễn viên quần chúng gì gì cũng là diễn viên quần chúng; để làm nên vở bi hài kịch phải nhờ tài của các diễn viên chính bác ạ

      Delete
    3. Titi: là ông nhà văn Hungary phải không? Có sách của ông đó gửi cho mình đọc với.

      Delete
    4. vâng bác, ý tôi mấy diễn viên không tròn vai là mấy diễn viên chính (thực ra không biết có phải đấy là diễn viên chính hay không, nhưng quả là dễ nhận ra họ trong vở kịch). cmt trên tôi trình bày không rõ, lúc đấy mải nghĩ đến bi kịch của những diễn viên quần chúng.

      Delete
  2. Bố Pi: cuốn đó mềnh đã tặng cho một người ngay sau khi đọc xong :-(

    ReplyDelete
  3. Cuốn này hay thật!nhưng mà hơi khó để hiểu hết tác giả!

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN