Tuesday, 29 May 2012

Lăng quăng tìm sách

Nhân có bạn nhờ tìm giùm cuốn Tuyển tập Kafka của Đông Tây in hồi lâu lâu rồi, tôi có dịp đặt chân tới một nhà sách trước đây chưa bao giờ đặt chân tới.  Cuốn Tuyển tập Kafka ấy, một dạo tôi cũng tìm mãi, cho đến lúc  có một bạn tìm thấy ở ngay nhà sách này, và đổi cho tôi để lấy một cuốn của Nguyễn Ngọc Thuần. Bạn ấy được sách Nguyễn Ngọc Thuần, tôi được Kafka, một cuộc đổi chác vui vẻ cho dù tôi luôn nghĩ rằng mình có phần hơi lãi. Chẳng biết có phải vì bạn kia cảm thấy thua thiệt không mà sau này lẳng lặng khóa nick tôi trên Facebook. Được bạn qua sách mà mất bạn cũng qua sách, đời chả biết đâu mà lần.

Nhà sách này nằm trên con đường một thời tôi qua lại hàng ngày. Kể cả bây giờ, khi tôi không thường qua lại con đường ấy, nó cũng không xa văn phòng tôi là mấy, chỉ bảy phút xe máy là tới nơi. Tôi chưa bao giờ đặt chân vào đó, chẳng qua vì tôi có tâm lý coi nhẹ những nhà sách bán lung tung beng sách thì ít xì dầu nước mắm thì nhiều, dù không phải không biết rằng các nhà sách này thường tồn những cuốn thuộc dạng giờ hơi khó kiếm vì in tầm năm bảy năm rồi.

Bước vào nhà sách, tôi mới biết mình nhầm. Ở đây không bán xì dầu nước mắm như tôi tưởng, chỉ có văn phòng phẩm và đồ lưu niệm như mọi nhà sách khác. Thật ngạc nhiên, vì nhà sách này có rất nhiều…sách. Nhiều đầu sách in khoảng 2002, 2003, bình thường tưởng khó tìm, ở đây thấy cả xấp, ví dụ Ngôi đền vàng của Mishima, Cuộc tình bỏ đi tức Tender is the Night của Fitzgerald bản dịch Mặc Đỗ tái bản năm 2003,  Muốn làm gì tôi thì làm của Oates.v.v.  Đặc biệt, tôi lại vớ được cả một cuốn của Solzhenitsin của NXB Văn học, Đào Tuấn Ảnh dịch - thế mà cứ ngỡ Solzhenitsin không bao giờ được xuất bản một cách chính thống ở Việt Nam. Điều hấp dẫn nhất là những cuốn này đều được bán theo giá bìa, và là giá bìa của  cách đây tám đến mười năm!

Nói chung, vào đây vớ được một mớ sách hay giá rẻ. Các cô bán hàng cũng dễ thương, hỏi han, tham gia phụ tìm sách. Nhưng không biết có phải vì nhà sách thường ít khách hay không mà các cô tự nhiên chủ nghĩa quá đỗi. Ai đời khách nam đang lúi húi tìm sách mà các cô cứ bô bô trao đổi với nhau những vấn đề rất tế nhị phụ nữ tắc tắc thông thông gì đấy khách rõ ràng không có nhu cầu nghe, nếu không nói là rất bối rối khi nghe phải. 

À, mà cuốn cần tìm là Tuyển tập Kafka thì chẳng thấy đâu, chỉ có mỗi Vụ án, Hóa thân với cả Lâu đài bạn gì kia nhé.

Chân dung Cuộc tình bỏ đi



Friday, 25 May 2012

Không đầu không đuôi 51 - 55

51. Trả lời giùm thắc mắc biết hỏi ai của Mr. Tin Văn: The English Patient đã dịch rồi, thành Bệnh nhân người Anh, nhà Bách Việt làm. Để từ từ em post cái hình lên hầu bác.
52. Hôm nọ bác Xu béo hình như có bảo sách dịch rồi sẽ như bóng đá trên truyền hình, cho dù cuốn gì tác giả nào thì người đọc chỉ mua/đọc một hai cuốn thôi. Bác nói như đúng rồi. Bao giờ mà chả thế, sách gì mà chả thế. Trừ một số ít bọn nghiên cứu và bọn sưu tầm nửa mùa thích mua cho đủ bộ tác giả, người đọc bình thường mấy ai mà mua cho hết sách của một tác giả, nói gì đến đọc. Ví dụ như tôi có 17 cuốn của Murakami rồi thì đến 1Q84 cũng đành nhắm mắt rinh về, chứ ắt là sẽ không đọc tới:). Đời người thì ngắn, sách hay thì nhiều, tiền bạc và sức người thì có hạn, ấy là chưa kể còn ăn uống, đi lại, yêu đương, học hành, làm việc ti tỉ thứ phải làm, làm quái nào mà gỉ gỉ gì gi  cũng mua/đọc được.

53. Thế nhưng vẫn phải dịch. Người này mua cuốn này, người khác mua cuốn khác. Không dịch thì trong nước đáy giếng nhìn nhau. Không dịch thì chị em WTT lấy ai mà thịt:)

54. Lang thang mò mẫm, mới biết là trong giai đoạn trước Công ước Berne, nhiều cuốn oách được dịch phết, tuy không theo một hệ thống nào. Nabokov trước Lolita đã có Tình một thuở Tiếng cười trong bóng tối.  Vargas Llosa có Dì Hulia và nhà văn quèn dịch từ bản tiếng Nga. Oates có Muốn làm gì tôi thì làm.  John Cheever cũng có một tập truyện in song ngữ. Thế nhưng hồi ấy hẳn là ít có "marketing" nên ít ai biết tới những cuốn này. Kể cả bây giờ, cũng có những cuốn của các tác giả lớn được dịch và in trong lặng lẽ. Mãi đến gần đây, tôi mới biết ngoài Khúc quanh của dòng sông, Naipaul còn có một cuốn khác in năm 2010 là Bước vào thế giới Hồi giáo. Cuốn này nằm trong ngăn sách du lịch của một nhà sách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.

55. Chân dung Muốn làm gì tôi thì làm, Joyce Carol Oates, Vũ Đình Bình dịch, bản này đã là tái bản:





Tuesday, 22 May 2012

Sách xưa kỷ niệm


Đọc lại những cuốn sách thuộc dạng sách kỷ niệm là một việc ít nhiều rủi ro.  Rủi ro này dễ có nguy cơ thành hiện thực hơn khi đọc lại những cuốn sách của một thời xa xưa, những cuốn sách của tuổi thơ hay tuổi hoa niên, thuở mắt ta hãy  còn trong veo như mắt thỏ (ref bài hát Có chú công an nho nhỏ/ Mắt chú trong veo như mắt thỏ) và tâm hồn chưa mảy may vấn vương cát bụi [người] đương thời. 

Cách đây ít lâu, tôi mừng húm khi mua lại được một cuốn sách cũ của thời thơ ấu: Lều số 13 - một cuốn truyện thiếu nhi của Cộng hòa dân chủ Đức. Tôi nhớ đã từng mê cuốn này kinh khủng. Sách mất lâu rồi, nhiều năm không đọc lại, tôi chỉ nhớ mang máng truyện kể về một nhóm thiếu niên đi cắm trại và các trò nghịch ngợm của chúng. Vì thế, khi mang sách về, tôi háo hức giở ra đọc lại ngay. Kết quả thật chua chát: nó dở không thể tưởng. Ở đây, vấn đề không phải là người lớn đọc truyện thiếu nhi không thấy hay  -  tôi vẫn mê tít nhiều cuốn dành cho tuổi Alpha và Pi - mà vấn đề là nó dở thật. Nó giáo điều, công thức, chẳng mảy may có lấy một chút dí dỏm nào.

Tương tự, tôi cũng hết sức khoái chí  khi tìm được trong hội sách vừa rồi cuốn Tuổi 17, truyện của Liên Xô cũ kể về năm học cuối cấp ba của một lớp toàn nữ sinh, để rồi khi về nhà đọc lại chừng ba mươi trang thì nhận ra tốt hơn không nên đọc tiếp. Sau khi đã tiếp xúc với những thứ như Bắt trẻ đồng xanh, thì rất khó để còn có thể thưởng thức những màn đối đáp như tuyên huấn của vị giáo viên chủ nhiệm trong cuốn này, và những chức danh như bí thư chi đoàn, hay chủ nhiệm báo tường lớp bây giờ nghe thật là …ngộ nghĩnh.

Có lẽ, đối với những cuốn thuộc dạng này, chỗ của chúng chỉ nên là trên kệ sách. Chúng ngự ở đó quan sát cuộc đời ta. Còn ta,  chỉ cần thỉnh thoảng ta nhìn chúng, để nhớ có một thời ta từng yêu mến chúng như thế nào. Và, để giữ nguyên những kỷ niệm đẹp, thì tốt hơn là đừng đọc lại.

Sunday, 20 May 2012

Hamlet chỉ đạo diễn xuất

Hamlet,  ngoài những gì ta thường biết về chàng, còn tỏ ra là một đạo diễn tài ba.  Đoạn sau đây, trích theo bản dịch của Bùi Anh Kha, Bùi Ý, Bùi Phụng (một bản dịch tuyệt vời), là đoạn mà Hamlet chỉ đạo cho các kép hát diễn trích đoạn một vở kịch trong đó một ông vua bị sát hại bằng cách đổ thuốc độc vào tai. Có vẻ những chỉ đạo diễn xuất của chàng vẫn còn rất có giá trị cho ngày hôm nay.:)


“Xin các bạn hãy nói đoạn này giống như ta đã nói trước các bạn, sao cho dễ dàng tự nhiên. Cương lên ầm ĩ như số đông đào kép các bạn thường làm, thì thà để thơ ta cho mõ làng rao, nghe còn thích hơn. Cũng đừng có vung tay mà đấm không khí như thế này. Mọi cử chỉ đều phải khoan thai; vì ngay trong mưa sa bão táp, hay nói cho rõ hơn, ngay trong lúc giận dữ điên cuồng, cũng phải giữ được bình tĩnh, có thế mới khỏi thô bạo. Ôi, tâm hồn ta phẫn uất khi phải nghe một anh chàng to béo đeo tóc giả đem tình cảm xé ra thành mảnh vụn, thành giẻ rách để làm vỡ lỗ tai một bầy khán giả tầm thường mà số đông không có khả năng thưởng thức cái gì ngoài những trò hề múa rối, hò la nhăng nhít.  (…)

Ấy thế nhưng mà cũng không được nhạt nhẽo quá; lúc diễn xuất phải vận dụng trí xét đoán. Động tác phải ăn nhịp với lời nói, lời nói với động tác, phải đặc biệt thận trọng sao cho đúng mức, không được vượt quá cái bình dị của tự nhiên. Cường điệu quá trớn lúc diễn xuất, tức là xa rời nghệ thuật sân khấu mà mục đích, trước kia cũng thế, bây giờ cũng vậy, là làm tấm gương phản ánh tự nhiên; kẻ chính cho ra mặt kẻ chính, kẻ tà cho ra hình kẻ tà, và thế kỉ nào, thời đại nào thì phải có những nét và dấu vết riêng của thời đại đó. Cường điệu quá, hay nhạt nhẽo quá, thì chỉ làm cho những kẻ ngu dốt cười được thôi, nhưng lại làm cho những người sành sỏi đau xót. Phải coi trọng lời phẩm bình của người sành sỏi, vì nó có giá trị hơn ý kiến của cả đám ngu đần kia. Ồ, ta đã được xem một số đào kép đóng trò, được nghe người ta ca tụng họ, tâng bốc họ quá cao - để khỏi nói là quá thô lỗ - lúc diễn xuất ăn nói không ra kẻ có đạo, điệu bộ cũng không ra kẻ có đạo mà cũng chẳng phải kẻ vô thần, chẳng ra hồn người, đi đứng nghênh ngang, hò la inh ỏi, đến nỗi ta tưởng họ là những quái vật mà anh thợ vụng nào của Tạo hóa đã nặn ra làm người; họ bắt chước người một cách thảm hại quá!
(…) Còn những chú đóng vai hề nữa, cũng không được thêm bớt điều gì khác với lời trong vở. Vì có những chú cứ cười rống lên, cốt để cho một số khán giả tầm thường cười theo, đúng vào lúc có vấn đề phải để cho người ta suy nghĩ. Thật là nhục nhã cho nghề, và cái đó chỉ tỏ rõ lòng tham vọng đáng thương của kẻ điên.” 

Saturday, 19 May 2012

Câu chuyện một cuốn sách





Đây là cuốn sách cũ của ba tôi. Ba tôi đã kể một câu chuyện về cuốn sách này tại Facebook của cụ. Cuốn sách này là sách kỷ niệm của ba, thất lạc mấy chục năm trời, cụ chỉ mới tìm lại được gần đây trong tình trạng không thể nát hơn. Tôi được giao nhiệm vụ đưa đi tân trang lại.


Sau đây là chân dung sau khi tân trang:






Nói thêm về tiệm đóng sách làm cuốn này: Đó là tiệm Văn Thơ trên đường Điện Biên Phủ, nếu đi xuôi chiều đường, thì tiệm ở bên tay trái, đoạn gần đến ngã tư Hai Bà Trưng. Nhìn cách sắp đặt đồ đạc trong tiệm, cũng như cách chủ tiệm tiếp khách, tôi đoán đây là nghề truyền thống gia đình. Mỗi cuốn sách đóng ở đây theo kiểu như hình chụp trên chỉ mất 65.000 đồng. Lúc đưa sách tới, vì sách nát quá, nên tôi ái ngại hỏi, đóng cuốn này chắc mất công lắm, chú có tính thêm không. Chú nói không sao đâu, bù qua xớt lại là được rồi con. 

Cô chú chủ tiệm sách đã lớn tuổi, áng chừng độ sáu tư, sáu lăm. Cả hai người đều hết sức hòa nhã, lịch thiệp, dễ mến, toát lên một phong thái mà tôi một mực nghĩ là phong thái của người Sài Gòn cố cựu. Cô chú là típ người mà sau khi gặp xong về ta có thể cảm thấy dễ chịu  suốt mấy ngày.  Cảm ơn vua sách VHT đã chỉ đường đưa lối tôi tới đây.:)



Friday, 4 May 2012

Dành cho các em trai dưới 16 tuổi



Hồi lâu lắm rồi tôi có một cuốn sách tên là Dành cho các em trai dưới 16 tuổi. Đó là một cuốn sách của Liên Xô, nôm na là sách dạy kỹ năng sống cho các thiếu niên trai. Lẽ dĩ nhiên, tôi đọc cuốn này khi dưới 16 tuổi. Bây giờ chả nhớ gì mấy (nên thiếu kỹ năng sống quá chời lun:), chỉ nhớ mỗi một chuyện thế này: Tác giả kể chuyện trong khu nhà anh sống có một ông giáo sư rất giỏi, rất khả kính. Một hôm đi ngang nhà ông anh nghe tiếng ông gào lên rồi khàn khàn quát người nhà đi lấy bông băng. Thì ra ông đang loay hoay đóng đinh lên tường, nhưng thay vì giáng búa lên đinh ông giáng lên tay. Từ đó cho đến mãi về sau, mỗi khi nghĩ về ông giáo sư ấy, anh tác giả chỉ nhớ mỗi chuyện ông ấy không biết đóng đinh. Ông ấy có thể là giáo sư rất giỏi ở đâu đấy nhưng ông không thể nào hay được trong đầu một người khác  ông chỉ là một người đàn ông không biết đóng đinh. Cũng như, GM có thể chém gió ở đâu đó nhưng trong đầu anh cu Pi có thể chỉ ghi nhớ mỗi chuyện là ba của ảnh không trả lời được câu đố của ảnh. Câu đố của Pi như thế này: Con gì sống trong rừng, to hơn con voi, có răng nhọn, ăn thịt, có đuôi dài và mình không có lông?  (Ai cũng không biết trả lời giống GM xin mời rê chuột  tới cuối entry).

Không biết J.M Coetzee, chủ nhân Nobel Văn chương 2003, có đọc cuốn Dành cho các em trai dưới 16 tuổi không, mà  tự nhiên ông nghĩ tới chuyện  mình đường đường là nhà văn oách như thế này, nhưng mai mốt chết đi người ta nghĩ gì về mình. Nghĩ là làm, ông đem thân mình ra không phải làm giá súng như anh Bế Văn Đàn mà thay vào đó tiểu thuyết hóa chính mình thành nhân vật nhà văn John Coetzee. Ta đã từng gặp Paul Auster lừng lững đi lại nói cười trong một tiểu thuyết của mình, cuốn New York Trilogy (bản dịch tiếng Việt của Trịnh Lữ là Trần trụi với văn chương). Gần đây hơn, nhà văn Pháp Michel Houellebecq thậm chí còn tự chặt đầu băm xác mình trong cuốn Bản đồ và vùng đất. Nhưng có lẽ Coetzee là người duy nhất xây dựng hẳn một cuốn tiểu thuyết về một tay nhà văn mang tên mình và viết những cuốn sách có tên giống những cuốn sách của mình.

Bản thân ý tưởng cuốn sách đã thú vị: một nhà viết tiểu sử muốn viết một cuốn tiểu sử về một giai đoạn trong đời của nhà văn Nam Phi John Coetzee. Anh ta phỏng vấn năm người có quen biết John Coetzee. Chân dung nhân vật nhà văn John Coetzee  được tái hiện qua năm cuộc phỏng vấn đó. Bạn biết gì không? Có thể nhà văn của chúng ta đã đọc rất nhiều sách, thậm chí, còn viết nhiều cuốn, nhưng những gì người ta nhớ về ông thật thảm hại.  Người tình cũ kết luận về ông: “John wasn’t made for love, wasn’t constructed that way - wasn’t constructed to fit into or be fitted into” (nôm na có nghĩa John sinh ra không phải để yêu, ông không được cấu tạo theo kiểu đó - không được cấu tạo để lắp vừa hay được lắp vừa vào). Cô người tình này đã rất phẫn nộ khi một lần nhà văn của chúng ta toan mở Schubert trong lúc “yêu”.  Trong khi đó, kỷ niệm sâu sắc nhất của người em họ về ông là ông không biết sửa xe, khiến cô phải qua đêm trên một chiếc xe bị panh ở giữa chốn đồng không mông quạnh. Còn một phụ huynh của học trò ông thì chỉ nhớ mỗi một chuyện vặt vãnh thế này về thầy giáo tiếng Anh của con mình: “Your Coetzee may have had a talent for words but, as I told you, he could not dance” ( Ngài Coetzee của anh viết lách hẳn là khá khẩm, nhưng tui nói với anh rồi, lão ấy ếch biết nhảy đầm!)

Thấy chưa, đọc sách làm gì, viết văn làm gì, nếu không biết yêu, không biết sửa xe và không biết nhảy đầm! Rồi thì người ta chỉ nhớ những chuyện ấy mà thôi:)

Tất nhiên, phải biết đóng đinh nữa, cũng như phải cố mà trả lời câu đố của anh cu Pi. Đáp án câu đố đó là: con khủng long!

Còn đây là chân dung cuốn sách:





Thursday, 3 May 2012

Lại nhớ Trần Dần


tôi không chơi với các anh nữa
ván nào anh cũng [v]ăn gian[g]



Tuesday, 1 May 2012

Quay nhanh

Đã bao lâu rồi kể từ khi Karenin và Anna thôi làm tình? Còn Vronsky thì sao? Chàng có giỏi cái khoản mang lại cực khoái cho nàng không? Và Anna?   Liệu nàng có thể nào lãnh cảm? Họ đã làm tình trong bóng tối, ngoài ánh sáng, trên giường, trên thảm, được ba phút, ba giờ, nói chuyện lãng mạn hay tục tĩu,  hay im lặng? Chúng ta chẳng biết tí gì về chuyện ấy. Trong các tiểu thuyết thời đó, tình yêu giải trên vùng đất rộng lớn từ lần gặp gỡ đầu tiên đến chỗ mấp mé của sự giao hợp; chỗ mấp mé đó là một ranh giới không được vượt qua.

Thế kỷ hai mươi, tiểu thuyết dần dần khám phá ra tính dục trong mọi chiều kích. Ở Mỹ, tiểu thuyết báo hiệu, và sau đó đi kèm với, biến đổi lớn lao về tập quán đạo đức diễn ra với tốc độ chóng mặt: trong những năm 1950 người ta hãy còn ngột ngạt trong một thứ thanh giáo cứng rắn, thì trong vòng hơn một thập kỷ sau mọi thứ đã thay đổi: cái quãng thời gian dài dặc từ những hò hẹn buổi đầu cho đến hành vi ái tình biến mất. Người ta không còn được che chắn, bảo vệ trước tình dục bởi thứ cảm giác ngập ngừng; giờ đây người ta đi vào chỗ đương đầu trực tiếp, quả quyết với nó.

Ở D.H.Lawrence, tự do tính dục có cái cảm giác của sự phản kháng kịch tính hay bi kịch. Không lâu sau đó, ở Henry Miller, nó bị các uyển ngữ trữ tình bao vây. Ba mươi năm sau, ở Philip Roth, nó đơn giản là một thứ phải có, mặc nhiên, phải đạt tới, thông thường, phổ biến, không thể tránh khỏi, được điển hóa: nó không kịch tích, không bi kịch, cũng chẳng trữ tình.

Giờ thì ta đã tiệm cận giới hạn. Không “xa” hơn. Bây giờ chẳng phải luật pháp, hay cha mẹ, hay quy ước phản đối dục vọng; mọi thứ đều được cho phép, và kẻ thù duy nhất chính là thân thể của chúng ta, bị bóc trần, vỡ mộng, lột mặt nạ. Philip Roth là một sử gia vĩ đại của chủ nghĩa huê tình kiểu Mỹ.  Ông cũng là thi sĩ của nỗi cô đơn lạ lùng ấy của con người bị bỏ lại trơ trọi đối diện với thân thể mình.

Tuy nhiên, trong những thập kỷ vừa qua, lịch sử đã chuyển động rất nhanh đến nỗi các nhân vật trong Giáo sư dục vọng không thể không lưu giữ chút ký ức của một thời đã xa, thời của cha mẹ họ, những người trải nghiệm tình yêu giống các nhân vật của Tolstoy hơn là của Roth. Niềm hoài nhớ tràn ngập không gian khi cha và mẹ Kepesh xuất hiện không chỉ là niềm hoài nhớ của của hai bậc cha mẹ, đó là niềm hoài nhớ cho tình yêu như thế, cho tình yêu giữa cha và mẹ, cho cái tình yêu cảm động, lỗi thời dường như đã biến mất khỏi thế giới ngày nay. (Nếu không còn ký ức  về việc nó từng là thế nào, thì còn lại gì của tình yêu, của bản thân khái niệm tình yêu?) Niềm hoài nhớ lạ lùng ấy (lạ lùng ở chỗ nó không bị ràng buộc với những nhân vật cụ thể mà được sắp đặt xa hơn, bên ngoài cuộc đời của họ, ở hậu cảnh) mang lại cho cuốn tiểu thuyết (có vẻ đầy mỉa mai) này một vẻ dịu dàng xúc động.

Sự tăng tốc của lịch sử đã làm biến đổi sâu sắc những cuộc đời cá nhân mà, trong những thế kỷ trước, thường diễn tiến từ sinh đến tử chỉ trong vòng một giai đoạn lịch sử; ngày nay một cuộc đời  vắt qua hai giai đoạn như thế, có khi nhiều hơn. Trong khi lịch sử từng tiến bước chậm hơn nhiều so với  cuộc đời con người, ngày nay chính lịch sử lại di chuyển nhanh, nó chồm về phía trước, nó trượt khỏi sự cầm nắm của con người, và tính tiếp diễn, cũng nhưcăn cước, của một cuộc đời đang trong mối nguy bị rạn vỡ. Cho nên tiểu thuyết gia cảm thấy có nhu cầu phải giữ lại trong tầm với, bên cạnh cách sống của chính chúng ta, ký ức về cuộc đời e lệ và phần nào bị quên lãng mà tiền nhân ta từng sống.

Đây là ý nghĩa của tính thông tuệ của các nhân vật của Roth, tất cả bọn họ đều là giáo sư văn chương hoặc nhà văn, thường xuyên suy gẫm về Chekhov, Henry James hay Kafka. Đây không phải là sự phô bày tri thức vô nghĩa của một thứ văn chương vị kỷ. Mà đó là mong mỏi muốn gìn giữ những thời đã qua ở chân trời của tiểu thuyết, và không bỏ các nhân vật lại trong một chốn rỗng không nơi mà giọng của tổ tiên không còn được nghe thấy nữa.

Dịch từ bài Love in Accelerating History (Philip Roth: The Professor of Desire) của Milan Kundera, qua bản dịch từ tiếng Pháp của Linda Asher


Bánh mì kẹp và Ocean Vương