Thursday, 6 February 2025

The Bookshop - Penelope Fitzgerald

Post sau đây có vẻ như là bài review cuốn The Bookshop của Penelope Fitzgerald. Tết xong còn hơi quỡn, nên viết dài hơn một đoạn văn.

Tác phẩm của Penelope Fitzgerald có lẽ chưa hiện diện trong tiếng Việt. Tuy vậy, danh tiếng của bà như là một trong những tiểu thuyết gia Anh hay nhất nửa sau thế kỷ XX khiến tôi tìm đọc bà một phen. Lựa chọn cuốn đầu tiên để đọc không phải là Offshore, cuốn đoạt Booker năm 1979, hay The Blue Flower, tác phẩm cuối cùng và được coi là kiệt tác của bà, mà là The Bookshop. Lý do rất giản dị: tôi thích đọc tiểu thuyết viết về một tiệm sách.
The Bookshop là câu chuyện một phụ nữ trung niên, góa chồng mua một tòa nhà cổ để mở một tiệm sách ở một thị trấn nhỏ. Bà có bạn (người đã đánh giá Lolita giùm bà) và đương nhiên có cả kẻ thù, và tất nhiên cao trào của câu chuyện nằm ở chỗ kẻ thù của bà đã làm gì đối với tiệm sách. Như một người review sách có tâm, tôi sẽ không tiết lộ cái hậu quả tiệm sách bị đóng cửa, bởi tiệm sách mà không đóng cửa thì làm gì có chuyện để viết. Tuy nhiên, đối với một tiểu thuyết văn chương – từ dùng để phân biệt với tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết hình sự, tiểu thuyết phản gián, tiểu thuyết tình báo, tiểu thuyết kinh dị… - thì câu chuyện hay plot có gì là quan trọng. Quan trọng là cách viết phỏng ạ, người ta thường bảo thế. Vậy thì cách viết của Penelope Fitzgerald trong cuốn này thế nào?
Như một người review sách có tâm và khiêm tốn tôi sẽ không nói bà viết chán ốm hay tẻ nhạt, mặc dù đấy chính là những từ tôi muốn dùng nhất. Bà không có những câu, chữ hay lối viết khiến ta thấy sướng – cảm giác mà tôi thấy rất rõ khi đọc các tiểu thuyết gia Anh khác như E.M Forster hay Graham Greene. Rất xin lỗi các nhà nữ quyền, lẽ ra tôi phải nhắc tới Woolf hay Jane Austen, nghe đâu họ viết hay lắm, nhưng tôi chựa thực sự đọc họ, biết làm sao được. Bà cũng không có những quan sát bất ngờ hay hài hước – những câu mà tôi có thể dùng bút highlight vàng chóe của mình miết cho trầy mặt giấy hay giật lên làm xì ta tút trên Phây búc. Về khía cạnh này những hậu bối của bà như Ali Smith hay Rachel Cusk làm tốt hơn. Bà thực sự kể một câu chuyện giản dị một cách giản dị, hay nói đúng hơn là quá giản dị, giản dị phát chán lên được. Xin lỗi, đó là từ không nên dùng (tự vả vào mặt hai cái để chứng tỏ mình là người review sách có tâm, không có tâm thì còn biết dùng vào việc gì). Bà có “leave a lot of things unsaid” tức có nhiều thông điệp sâu sắc không được nói ra mà người đọc phải tự hiểu không? Có, có chứ, nhẽ nào. Bà rất tôn trọng độc giả, bà nhất quyết không phải thể loại nhà văn viết một câu lại giảng cho độc giả một câu. Dầu sao cuốn sách này cũng đã từng vào chung khảo Booker một năm xa xưa cơ mà.
Có đôi điều trong sách tôi lấy làm thích thú. Thứ nhất, để mở tiệm sách này, nhắc lại ở một thị trấn nhỏ, bà (bà nhân vật, không phải bà tác giả) có dùng luật sư, mặc dù cái thị trấn ẩy nhỏ đến nỗi chỉ có hai luật sư mà thôi. Nhưng tôi không hiểu, ở thập niên 60, trong một thị trấn nhỏ, mà bà và luật sư của bà không gặp nhau, không gọi điện cho nhau, mà hễ chút lại viết thư. Hay là trong tiểu thuyết mới thế? Hay là đó là cách để làm dày một cuốn tiểu thuyết khá mỏng? Thứ hai, trong cái thị trấn nhỏ và chắc chắn là ít dân này, khi mà bà quen biết với tất cả người mua sách của mình, bà lại dám đặt một đơn hàng đến 250 cuốn Lolita. (Nên trao bà một huy chương cho lòng dũng cảm?). Chưa hết, việc bà trưng bày Lolita lên cửa sổ đã tạo nên những đám đông không mong muốn bên ngoài cửa hàng, đến nỗi kẻ không ưa bà đã vu cho bà là đã gây “cản trở giao thông”! Quanh sự kiện Lolita này, còn một chuyện đáng chú ý, đó là khi một người bạn của bà, người đã đọc và khuyên bà nên đặt Lolita về bán, nói rằng (đại ý): Bà đặt Lolita về và bán cho dân thị trấn đi. Cuốn này hay đấy. Họ sẽ chẳng hiểu con mẹ gì đâu nhưng thế cũng tốt. Quả đúng thế, sách hay cần gì phải hiểu!
Đến đây có vẻ là hết bài review.

No comments:

Post a Comment

The Bookshop - Penelope Fitzgerald