Chúc mừng Nguyễn Vĩnh Nguyên ra sách mới với cái tựa không thể dài hơn: Tản văn Nguyễn Vĩnh Nguyên - Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác. Bổn blog có duyên đọc được tập tản văn trước khi nó ra lò, và vì cả nể [cho nên sự dở dang*] nhà sản xuất nên liều mình như chẳng có múa đôi lời giới thiệu sách của bạn. Chẳng may tác giả có không hài lòng chỗ nào cũng xin lượng thứ:)
Tản văn của một người đọc sách
Trong một thế giới ngày càng bị xô lệch bởi internet và các
phương tiện nghe nhìn, sự thất thế của sách thể hiện rõ ngay trên… các trang
báo! Trong số hàng trăm đầu báo ngày, tuần, tháng trên cả nước, không quá nhiều
tờ dành đất và dành sự chăm chút cho sách như Sài Gòn Tiếp Thị - một trong hiếm
hoi báo có mục điểm sách nghiêm túc và đầy đặn. Người chủ lực đằng sau nỗ lực
đáng quý ấy là tác giả của tập tản văn ta đang cầm trên tay - Nguyễn Vĩnh
Nguyên.
Gần như đều đặn hàng tuần, ta đều thấy Nguyễn Vĩnh Nguyên
xông pha giữa thế giới sách: khi là vài mẩu tin sách, khi là bài phỏng vấn một
tác giả hay dịch giả của một cuốn sách mới ra lò. Nhưng thường hơn cả là các
bài điểm sách - rất nhiều trong số đó là bài viết về các cuốn sách nặng ký cả về
nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, như Vũ trụ
của Carl Sagan, Đường sống của Lev
Tolstoy hay Adolf Hitler - Chân dung một
trùm phát xít của John Toland. Để viết
từng ấy bài điểm sách, hẳn nhiên Nguyễn Vĩnh Nguyên đã đọc rất nhiều, trải rộng
qua nhiều lĩnh vực văn học, văn hóa, lịch sử, địa lý .v.v.
Vì sao lại nói tới một vai trò khác của Nguyên trong lời giới
thiệu tập tản văn này? Là vì, cầm tập sách này trên tay - nói chính xác là tiếp
xúc với bản thảo của tập sách này trên máy tính - và đọc qua, ấn tượng đầu tiên
của người viết bài này là, đây là văn của một người đọc sách rất nhiều - và là
dạng đọc có gạch chân, bôi vàng, ghi chú, chứ không phải đọc qua loa. Trong hai
mươi lăm bài tản văn trong tập, gần như bài nào Nguyên cũng trích dẫn một cuốn
sách nào đó - cho dù đó là khi Nguyên khảo sát cái “tư duy mặt bằng” của người
Việt, hay khi anh bình luận truyền thống cà phê quán cóc của dân Sài thành, hay
làm một cuộc trò chuyện trên yên xe máy. Các trích dẫn ấy, với một liều lượng vừa
phải: không quá nhiều đến nỗi làm bạn đọc hoa mắt, không quá ít để có thể bị
rơi vào cảnh vô tình mượn ý người khác, đã mang đến cho tản văn của Nguyễn Vĩnh
Nguyên một chút riêng. Chút riêng ấy, thiết nghĩ, là điều quan trọng, nhất là
trong thời đại mà hầu như ai cũng có thể viết “tản văn” dưới dạng note trên Facebook hoặc entry trên blog.
Với cái nền đọc vững vàng đó, Nguyễn Vĩnh Nguyên, qua các
bài viết trong tập này, đã làm một cuộc khảo sát đời sống văn hóa Việt hiện đại
với nhiều phát hiện khá thú vị. Ở quán karaoke, Nguyên nhìn thấy người ta ghé sát
vào tai nhau để nói chuyện vì âm lượng quá to cũng là một cách để hóa giải mâu
thuẫn (bài “Karaoke, văn và cảnh”). Lý
giải cho “nhạc chế”, Nguyên lần ngược về những ngày đầu tân nhạc và trích dẫn
bài “Bài ta theo điệu Tây” của Phạm Duy để chứng minh rằng “nhạc chế” ngày nay,
ví dụ bài rất nổi tiếng “ Hà Nội mùa này phố cũng như sông” nhại theo “ Hà Nội
mùa này vắng những cơn mưa” là có truyền thống!
Hay ở một bài khác, “Người Việt ngậm tăm”, Nguyên dẫn cả Xa lộ từ điển trên mạng lẫn Freud để truy
tận gốc thói quen ngậm tăm của người Việt.
Chỗ này chỗ khác, người đọc có thể đồng ý hay không đồng ý với
Nguyễn Vĩnh Nguyên trong cách anh lý giải, luận bàn văn hóa Việt của thời hiện
đại. Tuy nhiên, một điều có thể chắc chắn rằng, những bài viết trong tập sách
này sẽ mang lại cho người đọc những giây phút thú vị.
Sài Gòn 24/11/2012
LVT
(LVT tức Lâm Vũ Thao chứ không phải Lâm Văn Thao. Đã viết tắt tên rồi mà bị một số người đổi tên cho nên phải đành "nói lại cho rõ":)
* Thơ Hồ Xuân Hương:
Cả nể cho nên sự dở dang
Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc
Phận liễu sao đà nẩy nét ngang
Hí hí trích thơ HXH có ẩn ý gì chăng?
ReplyDeletethuận tay thì trích thôi, không có ẩn ý gì cả, nhất định là mình không thuộc loại "không chồng mà chửa" rồi:))
Deletechờ SGTT điểm cuốn "Bên thắng cuộc",
ReplyDeleteBài điểm cuốn ấy phải đọc ở ND hay SGGP mới thích:)
DeleteThis comment has been removed by the author.
ReplyDeleteChú có thể cho cháu hỏi là cuốn sách "Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông"của Ng. Vĩnh Nguyên có thể tìm mua lại ở đâu không ạ? Cháu xin cám ơn chú rất nhiều.
ReplyDeleteCháu ở nước ngoài, có nhờ bạn bè ở VN tìm mua nhưng đa số là sách giả. Đến nhà sách thì lại được báo là bị thu hồi.