Friday 2 November 2012

Hiện hữu tiếng cười


Thế là sau các cuộc phiêu lưu cùng một chàng nam tước suốt đời chân không chạm đất (Nam tước trên cây), một vị tử tước thân chia làm hai nửa (Tử tước chẻ đôi), người đọc Việt Nam lại có dịp diện kiến một nhân vật kỳ lạ không kém - một hiệp sĩ không hiện hữu trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Ý Italo Calvino.  Hiệp sĩ không hiện hữu là cuốn thứ ba và cuốn cuối cùng trong bộ sách Tổ tiên của chúng ta của Calvino được dịch ra tiếng Việt, vẫn do Vũ Ngọc Thăng. Với cuốn sách này, một lần nữa, người đọc Việt Nam có dịp được trở về một châu Âu thời trung cổ, để đắm mình trong không khí huyền hoặc của một thứ văn chương uyên nguyên và khinh khoái.

Tương tự như hai tác phẩm trước, Hiệp sĩ không hiện hữu được xây dựng trên một ý tưởng độc đáo: trong đoàn quân của hoàng đế Charlemagne lừng danh, có một vị hiệp sĩ hiện diện nhưng không hiện hữu. Dưới bộ áo giáp trắng toát lúc nào cũng lấp lánh của vị hiệp sĩ  này đơn giản là chẳng có một thân xác nào. Để cho sự thể thêm trớ trêu, hiệp sĩ được nhà vua tặng cho một người hầu  luôn tưởng mình là một cái gì đó khác: vịt, ếch, cá, dê hay thậm chí phó-mát, vì một lẽ anh này, ngược lại với hiệp sĩ, hiện hữu nhưng không hề hiện diện.

Một người đọc quan tâm đến nghệ thuật tiểu thuyết hẳn sẽ nhặt ra được từ cuốn này (cũng như từ Nếu đêm đông có người lữ khách) những quan niệm về tiểu thuyết mà Calvino lồng ghép vào thông qua nhân vật nữ tu viết truyện. Nếu không quan tâm đến nghệ thuật tiểu thuyết, thì có thể suy ngẫm về hai mặt đối lập hiện hữu - hiện diện. (Gần cuối sách, có nhân vật nói: “ Ngay chuyện hiện hữu cũng phải học”. Quả là thế, nếu như muốn hiện hữu  là một việc có ý nghĩa. Bằng không, hiện hữu đấy mà cũng như không.) Còn nếu không quan tâm đến nghệ thuật tiểu thuyết cũng không ưa suy ngẫm, có thể đọc Hiệp sĩ không hiện hữu đơn giản để thưởng thức nụ cười mang nhãn hiệu Calvino.

Xuyên suốt tiểu thuyết người đọc luôn nhìn thấy thấp thoáng nụ cười của Calvino - một nụ cười vừa giễu cợt nhẹ nhõm vừa mang dáng vẻ thông thái của một nhà hiền triết. Có thể nêu ra hai xen điển hình cho kiểu cười này: Xen thứ nhất, trong trận đấu giữa quân Ki-tô giáo và quân Hồi giáo, một tay lính Hồi giáo yêu cầu đối thủ phải tránh đường nếu không anh ta không thể tiến lên theo đúng kế hoạch, và để mình có thể tiến lên theo kế hoạch được giao anh ta sẵn lòng chỉ cho kẻ địch thủ lĩnh mình đang đứng ở đâu. Xen thứ hai, mô tả đêm yêu đương giữa chàng hiệp sĩ không hiện hữu và một bà quả phụ chủ một lâu đài. Trong khi bà chủ lâu đài đã rạo rực rũ bỏ tiết hạnh khả phong, thì chàng hiệp sĩ của chúng ta vượt qua thử thách ấy (phải nhớ rằng chàng không có thân xác) bằng cách luôn mồm nghị luận về tình yêu, về quy cách củi trong lò sửa, về nghệ thuật trải giường, về thuật búi tóc cài trâm, và bàn về ánh trăng… cho hết đêm.

Một tiểu thuyết chiều người đọc đến thế, còn mong gì hơn!

Ảnh: Chỉ có ảnh chụp chung, không có ảnh chụp riêng!




7 comments:

  1. Replies
    1. đăng, nhưng mà phần tiết hạnh khả phong bị cắt, hehe

      Delete
    2. biết báo gì rồi :) bài đã ngắn thì chớ, có nhõn đoạn đi sâu vào cuốn sách thì bị cắt :p

      Delete
  2. lại đc lên Đinh Lễ rồi :-)

    ReplyDelete
    Replies
    1. lên ấy cho gửi lời thăm chị Hoa:))

      Delete
  3. Thế mà cái đoạn tiết hạnh khả phong ấy lại là đoạn hay nhất của cuốn sách. Tiếc.

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN