Monday, 18 June 2012

đáng sợ và đáng nhớ

Điều đáng sợ nhất khi đọc Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ là nó thắp lên trong ta một khát vọng ra đi, một ham muốn [tột bực] gác bỏ mọi thứ, một mình một ba lô lên đường dong ruổi bất định. Đáng sợ, vì ta biết rất khó làm được như thế. Có quá nhiều thứ trói ta lại, neo ta lại, gắn chặt mông ta vào cái ghế văn phòng.

Điều đáng nhớ nhất, với tôi, khi đọc xong cuốn này, đó là Steinbeck mang theo chuyến đi vòng quanh nước Mỹ của mình sáu mươi tám kí lô sách. 


Giả như tôi có thể làm một hành trình bụi đời xuyên Việt một tháng, tôi có thể nhét gọn gàng sáu mươi tám kí lô sách ấy vào một cái Kindle. Giả dụ thôi, vì tôi hẳn là không đi xuyên Việt được, mà tôi cũng chẳng có Kindle. 


Sắp tới, tôi chỉ có một kỳ nghỉ ngắn năm ngày. Bất kể đi đâu, ngắn hay dài ngày, tôi cũng nghĩ về những cuốn sách sẽ mang theo. Đợt này nghỉ năm ngày, nhưng vẫn sẽ có một số việc phải làm, không thể mang theo quá nhiều sách được. Tôi đã chọn xong ba cuốn cho kỳ nghỉ này. Cuốn trên cùng là đọc lại qua bản tiếng Anh, vì nghe đâu bản tiếng Việt bị cắt khá nhiều, đợt này dứt khoát
đi tìm những gì đã mất. Cuốn giữa mới tậu nghe theo lời đường mật của một bác. Cuốn dưới cùng mới cướp trên giàn mướp ở tiệm Book Sale trên FB.





Sunday, 17 June 2012

Lời thú tội của một tiểu thuyết gia trẻ tuổi

Umberto Eco hiển nhiên là một nhà thông thái. Nhưng tôi mê ông hơn cả ở tính hài hước, vì một lẽ tương đối hiển nhiên: những chỗ nào hiểu được mới cười, còn những chỗ nào không hiểu hẳn là vì ông quá thông thái:)

Tôi đang đọc dở cuốn Confessions of a Young Novelist, hình như ông viết thẳng bằng tiếng Anh vì không thấy tên dịch giả. Chương đầu cuốn này tên là Writing from Left to Right - Viết từ  trái sang phải. (Mỗi khi  có ai phỏng vấn ông, hỏi ông viết như thế nào, ông hay trả lời ông viết từ trái sang phải, do đó tên chương này mới là Writing from Left to Right, thực ra là chương ông chia sẻ cách viết của mình). Tôi khoái đoạn này:

"Tuổi thơ tôi đã bắt đầu viết tiểu thuyết.  Điều đầu tiên tôi nghĩ ra là tựa đề, thường lấy cảm hứng từ những cuốn truyện phiêu lưu ngày ấy, đại loại kiểu kiểu như Những tên cướp biển vùng Ca-ri-bê. Tôi sẽ ngay lập tức vẽ các hình minh họa, rồi bắt đầu chương thứ nhất. Nhưng vì tôi luôn viết bằng chữ in hoa, bắt chước các sách in, chỉ được vài trang thì tôi kiệt sức và bỏ cuộc. Mỗi tác phẩm của tôi vì vậy là một kiệt tác dang dở, như Bản giao hưởng Dang dở của Schubert.

Mười sáu tuổi, dĩ nhiên tôi bắt đầu làm thơ, như mọi thiếu niên khác. Tôi không nhớ nhu cầu thi ca làm bừng nở tình yêu (trong sáng và không thố lộ) đầu tiên của tôi, hay ngược lại. Sự pha trộn này là một thảm họa. Nhưng như tôi đã từng viết  - dẫu là theo dạng một nghịch lý phát ra bởi một trong những nhân vật hư cấu của tôi - có hai loại nhà thơ: những nhà thơ giỏi, những người này đốt thơ của mình ở tuổi mười tám, và những nhà thơ tồi, những người cứ chừng nào còn sống thì còn làm thơ."


Cái áo của cuốn này:





Saturday, 16 June 2012

Ghi từ từ ở Sài Gòn, hay ở đâu cũng được

Đọc mẩu Ghi vội ở Hà Nội của Phan Việt, tự nhiên tôi cũng muốn ghi lại một tí. Tôi chẳng vội vàng gì, thế nên tôi ghi từ từ. Chuyện có thể xảy ra ở Sài Gòn, mà cũng có thể xảy ra ở bất cứ đâu.

Số là công ty tôi thường xuyên có đồng nghiệp từ các nước đến thăm và làm việc. Dạo gần đây, số vụ bị giật điện thoại, túi xách khi các vị khách này đang dạo phố Sài Gòn tăng lên đột ngột. Cứ vài tuần lại nghe nói có người bị giật. Đến nỗi, công ty phải ra hẳn một cảnh báo dành cho khách về tình hình giật giọc ở Việt Nam. Thật là không lấy gì làm hãnh diện cho lắm.

Trong mẩu ghi vội của mình, Phan Việt kể chuyện sinh viên của cô 7 người sang Hà Nội thì 3 người bị ăn cắp dưới các hình thức khác nhau. PV viết thêm: "
Dường như, đang có rất nhiều người ở VN mới trở nên cùng quẫn nên "đói ăn vụng, túng làm càn" - hoặc là đạo đức đã xuống cấp đến độ người ta bất chấp. Lí do nào cũng đáng lo và đáng thương".

Bất giác tôi nhớ tới truyện ngắn "La sinh môn" của nhà văn Nhật Bản Agutakawa. Bối cảnh câu chuyện là thành phố Kyoto đang hồi suy sụp, người chết đói la liệt. Một tên gia nhân bị mất việc sắp chết đói bắt gặp một mụ già đang nhổ tóc các xác chết để làm tóc giả bán. Một trong những người chết là một người đàn bà bán thịt rắn khô nhưng lại bảo là cá khô. Mụ già biện bạch cho người chết, rằng nếu người kia không làm như vậy, hẳn là chết đói lâu rồi. Cho nên, việc mụ nhổ tóc người chết cũng không có gì xấu. Tên gia nhân kia bèn cướp sạch quần áo của mụ, nói rằng nếu hắn không làm thế hắn cũng sẽ chết đói. Truyện kết thúc ở đó. Không rõ tên gia nhân kia có lại bị ai đó trấn lột vì nếu không sẽ chết đói hay không, nhưng căn cứ vào tinh thần của truyện, việc ấy rất có thể sẽ xảy ra, thành một dây chuyền bất tận.

Entry này đến đây là hết. Xin thứ lỗi nếu nó kết thúc hơi đột ngột và các chi tiết trong entry không liên quan gì đến nhau. 


Wednesday, 13 June 2012

Tháng sáu, thơ

Tháng sáu bị đóng đinh bằng những câu thơ. 

Của Nguyên Sa:


Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong toả đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận

Của Đỗ Trung Quân (của một thời đã xa, đã qua, đã mất) - những câu thơ lãng đãng và không thể nói là không dễ thương, nhất là với những cô cậu học trò, sinh viên...

Tháng sáu, mưa...
Giá trời đừng mưa 
Anh đừng nhớ! 

Trời không mưa và anh không nhớ 

Anh còn biết làm gì?

Em như hạt mưa

Trên phố xưa
Nuôi kỷ niệm bám hoài trí nhớ
Kỷ niệm như rêu
Giẫm vào anh trượt ngã
 Tình xưa xa lắm rồi!

Giá trời đừng mưa

Anh chẳng cần xuống phố 

Hoa cúc vàng nhà ai

Thả từng chùm
Hoài nhớ
Áo em vàng.
Tháng sáu trời buồn,

Lũ chim sẻ hiên nhà đi mất
Như em...
Như em...


Nhưng trên hết, có một ngày tháng sáu bị đóng đinh bởi một thi sĩ si tình và tài hoa bậc nhất trong thi ca Việt Nam, người được xưng tụng là "thi bá" : ngày mười hai tháng sáu của Vũ Hoàng Chương:

Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu ghi mười hai 
Tình ta ta tiếc, cuồng ta khóc
Tố của Hoàng nay Tố của ai!

Đọc cả bài ở đây

Tôi bây giờ chả đọc được thơ nữa, nhưng tháng sáu không thể không nhớ đến mấy câu thơ trên, đặc biệt bài của Vũ Hoàng Chương.

Gom cho tròn một entry!



Monday, 11 June 2012

Làm thế nào để trở thành nhà văn nổi tiếng

Có một bữa ngồi nghĩ hình như các nhà văn thường có nhiều vợ. Muốn kiểm chứng lại, bèn ghi ngẫu nhiên tên mười nhà văn yêu thích, gồm Akutagawa, Auster, Carver, Dostoievsky, Fitzgerald, Hemingway, Kawabata, Mishima, Pamuk, Steinbeck, rồi lên wiki kiểm tra lại đời tư các ông. Kết quả như sau:

  • Akutagawa: Một vợ. Tự sát bằng thuốc ngủ.
  • Paul Auster: Vợ thứ hai là Siri Hustvedt, cũng là một nhà văn.
  • Raymond Carver: Vợ thứ hai là Tess Gallagher, nhà thơ.
  • Dostoievsky: Vợ thứ hai là 
  • Anna Snitkina, thư ký của ông.
  • Scott Fitzgerald: Không cưới lần thứ hai, nhưng ly thân với vợ , và sống với người tình là 
  • Sheilah Graham, nhà báo. 
  • Hemingway: Hoành tráng luôn, bốn vợ cả thảy. Tự sát bằng súng.
  • Kawabata: Hình như chỉ có một vợ. Tự sát bằng khí ga.
  • Yukio Mishima: Một vợ. Tự sát bằng cách mổ bụng.
  • Orhan Pamuk: Đã ly dị vợ. Sau đó sống với Kiran Desai, tác giả cuốn Di sản của mất mát, nhưng cặp này cũng thôi đã thôi rồi.
  • John Steinbeck: Ba vợ, vợ thứ ba là Elaine Scot.
Từ danh sách trên, có thể quan sát thấy:

1) Những trường hợp chỉ có một vợ đều tự sát (Akutagawa, Mishima, Kawabata)

2) Có bốn vợ cũng tự sát (Hemingway)
3) Chỉ có một trường hợp ba vợ là Steinbeck, còn nói chung hai vợ là ổn nhất.


Kết luận: Để trở thành nhà văn nổi tiếng, nên có hai vợ. Nhiều quá hay ít quá đều không nên.



Sunday, 3 June 2012

Mua sách trên mạng


Có nhiều bạn hay hỏi tôi kinh nghiệm đặt sách qua mạng. Nay tổng hợp lại đây một lần luôn khỏi phải trả lời lắt nhắt.

Sách nước ngoài

Amazon.com: Amazon lớn nhất, ai cũng biết, sách gì cũng có, giá cũng thuộc loại cạnh tranh nhất. Tuy nhiên, giá ship của Amazon về Việt Nam khá chát, thường khoảng 5-6 đô một cuốn. Ngoài ra, Amazon liên kết với nhiều nhà sách khác, gọi chung là Market Place, bán sách cũ có mới có. Sách cũ trên Market Place thường rẻ, nhưng lưu ý là Market Place ít khi chịu ship về Việt Nam. Trên Market Place, chỉ những nhà sách nào có dòng “Fulfil by Amazon.com” thì khi đó sách mới có thể ship về Việt Nam.  Thời gian ship về Việt Nam khoảng 4-6 tuần, có trường hợp mất hơn hai tháng. Tuy nhiên, dịch vụ khách hàng của Amazon rất tốt, nếu bạn không nhận được sách, bạn khiếu nại, họ sẽ gửi lại cho bạn lô khác, hoặc hoàn tiền cho bạn, tùy bạn chọn.

Abebooks.com: Đây là mạng liên kết của rất nhiều nhà sách. Do vậy, một tựa sách có thể có rất nhiều giá khác nhau, và mỗi nhà sách sẽ có chính sách shipping khác nhau.  Khi tìm sách ở đây, bạn nên vào phần free shipping: http://www.abebooks.com/books/free-shipping/, chọn option Search Free Worldwide Shipping để tìm sách free shipping về Việt Nam.  Tuy nhiên, cần lưu ý sách free shipping thường có giá bán cao hơn sách không free shipping.  Do đó, để có giá tốt nhất, bạn có thể search một lần nữa tại trang chủ http://www.abebooks.com/, sau đó chịu khó kiểm tra chính sách shipping của từng nhà sách. Có những nhà sách ship về Việt Nam cũng tính chỉ khoảng 1-2 đô. Khi đó, nếu giá sách thấp hơn giá sách free shipping, thì giá tổng (giá sách +shipping) có thể rẻ hơn giá sách free shipping.  Thời gian shipping khoảng 3 -4 tuần.

Book Depository (http://www.bookdepository.co.uk/): Đây là trang web bán sách của Anh, luôn có free shipping toàn cầu. Thực ra, khi họ nói free shipping, là giá ship đã gộp vào trong giá sách. Vì vậy, nếu bạn truy cập trang này từ các nước khác nhau, thì bạn sẽ thấy giá cùng một cuốn sách khác nhau. Book Depository cũng liên kết với Abebooks.com. Tuy nhiên, giá cùng một cuốn sách bán trực tiếp tại Book Depository và bán thông qua Abebooks.com có thể khác nhau.  Bạn nên kiểm tra cả hai bên để xem bên nào cho giá tốt hơn. Thời gian ship khoảng 3-4 tuần. Cá biệt, có khi 2 tuần đã nhận được sách gửi đến tận giường.

Betterworldbooks.com: Đây là trang chuyên bán sách cũ đặt tại Mỹ. Giá bán sách cũ tại đây thường rất tốt, và hay cung cấp các gói khuyến mãi cực hấp dẫn. Tương tự Book Depository, sách ở đây cũng free ship về Việt Nam. Thời gian ship khoảng 5-7 tuần, thỉnh thoảng có thể lâu hơn.

Lưu ý chung:

  • Thông thường, bạn sẽ nhận sách tại bưu điện mà không phải đóng thên khoản phí nào. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bạn có thể được yêu cầu đóng thêm thuế nhập khẩu, thường không đáng kể, khoảng vài chục ngàn. [Cập nhật ngày 3/7/2012: Gần đây hải quan có xu hướng khó khăn hơn trong việc nhập sách từ nước ngoài, kể cả nhập phi mậu dịch. Việc đặt mua sách trên mạng vẫn dễ dàng như mọi khi nhưng nhận được sách hay không khó mà nói trước được:)]
  • Để mua sách tại các trang nước ngoài, bạn phải có thẻ tín dụng.
Sách Việt Nam

Ba trang tôi thường ghé thăm là Vinabook.com, nhasachphuongnam.com và tiki.vn. Ba trang này nói chung tương đối ổn, tuy nhiên, không có quá nhiều khác biệt về chất lượng dịch vụ, riêng tiki.vn thì có bao sách miễn phí cho bạn, thỉnh thoảng tặng kèm bookmark. Vinabook.com có ưu thế về số đầu sách, đặt biệt những cuốn đã in tương đối lâu. Nhasachphuongnam.com luôn có một rổ sách giảm giá, một số đầu sách mới cũng được giảm 10%. Tiki.vn hay tổ chức khuyến mãi theo đợt, có đợt giảm giá sách của Nhã Nam, có đợt giảm giá sách của Alpha Books đại khái vậy.

Cả ba trang này cung cấp nhiều phương thức thanh toán khác nhau, vì vậy, bạn không nhất thiết phải có thẻ tín dụng mới mua được. Có thể thanh toán qua ATM, chuyển khoản, hoặc trả tiền sau. 


Bonus một cái hình:





Bánh mì kẹp và Ocean Vương