Tuesday 30 March 2010

Bên dòng Mai Nương (III)

Phần 2


***

Tôi đã sống như loài cây hoang dại. Cây hoang dại không được chăm sóc thường bị chết non, chết yểu nhưng cây nào còn sót lại sẽ sống tốt, sống khỏe. Tôi đã sống và lớn lên như thế đó. Và tôi cũng có thể tự hào nói rằng, tôi đã lớn lên bằng chính đôi tay, khối óc, mồ hôi, máu và nước mắt của chính mình.

Mười bảy tuổi, chuyện cơm áo gạo tiền đối với tôi là “vô tư”, là “không thành vấn đề”. Mười bảy tuổi, tôi là một aide-secrétaire (phụ tá thư ký) cho một đồn điền lớn của Pháp ở Blao (Bảo Lộc). Mười bảy tuổi, tôi quyết đi tìm mẹ. Không. Tôi đi tìm dấu tích của mẹ. Tôi xuôi về xứ nắng lửa mưa dầu để đến Cầu Bảo. Cầu Bảo là tên gọi xưa của Tháp Chàm. Tôi đứng tần ngần hồi lâu trước bệnh viện nơi trước đây là nhà thương thí, rồi tôi lại ngược lên Cầu Mống. Cầu Mống là chiếc cầu sắt giống hệt chiếc cầu của Dran nhưng ngắn hơn, chỉ có một nhịp mà thôi. Chiếc cầu này năm xưa khi qua tôi phải bò chứ chẳng dám đứng thẳng người mà đi. Cả bệnh viện lẫn chiếc cầu đều không gợi được cho tôi một hình ảnh gì về mẹ. Tôi thất vọng quay về. Tôi vòng lên Dalat, thăm hỏi, dò tìm. Cuối cùng tôi cũng tìm được ngôi nhà gỗ ngày xưa mẹ con tôi trú ngụ. May mắn làm sao, tôi có được tấm ảnh của mẹ. Mẹ đây rồi. Mẹ ngồi giữa hai người bạn. Tôi nhìn chăm chăm, bỗng bao nhiêu hình ảnh xưa hiện về. Mẹ đây rồi. Mẹ không đẹp lắm nhưng rất sang. Ở vào cái thời mà hầu hết phụ nữ trạc bằng tuổi mẹ đều ăn trầu, búi tóc thì mẹ không ăn trầu cũng không búi tóc. Tóc mẹ tết bím lỏng rồi quấn cao quanh đầu thật gọn gàng lịch sự. Trong ảnh mẹ mặc chiếc áo dài. Có những điều ta mới thấy đó rồi quên ngay nhưng cũng có những thứ nó ăn sâu vào tâm thức takhông bao giờ quên được. Như chiếc áo dài của mẹ, chỉ cần nhắm mắt một tí là tôi hình dung ra ngay, chiếc áo màu khói lam thật nhạt có những sọc trắng mờ, mặt vải bóng. Đây là xấp vải của một người bạn Pháp tặng mẹ. (Mẹ là một surveillante của trường nữ Pháp – Couvent des Oiseaux ). Buổi sáng khi đến trường mẹ mặc chiếc áo dài này, trên cổ buông lỏng sợi dây chuyền, bên ngoài mặc thêm chiếc manteau (áo măng – tô) tay xách giỏ mây, trông mẹ rất sang trọng ra dáng một “Quý Bà”.

Tôi đem ảnh mẹ nhờ thợ cắt xén rồi rọi lớn. Tôi đã có chân dung của mẹ. Trong những ngày sống lang bạt kỳ hồ tôi vẫn giữ kỹ ảnh mẹ một bên. Mãi sau này, khi đã có một tổ ấm riêng tư tôi mới đem ảnh mẹ đặt lên một chỗ trang trong. Tôi đề lên di ảnh:

Hai tám xuân qua chừ khôn lớn
Thì nay còn đâu mẹ hiền xưa
Đốt nén hương lòng con tưởng niệm
Công ơn trời biển mấy cho vừa


***

Tôi là kẻ ngoại đạo. Phật, Chúa đối với tôi là những người không quen biết. Một ngày tháng bảy theo bạn viếng chùa. Chùa đang vào hội Vu Lan. Một bầy chim nhỏ trong đồng phục áo lam cài sen trắng nhìn chúng tôi ngập ngừng dò hỏi, sau đó cài lên áo bạn tôi một bông hồng, còn tôi một hoa màu trắng. Tôi ngạc nhiên, bạn giải thích: Vu Lan là mùa Báo Hiếu. Những ngày này, con cái đều tưởng nhớ về cha mẹ, dù cha mẹ còn tại thế hay đã qua đời. Ai còn mẹ sẽ được hoa màu hồng, ai mất mẹ cài hoa màu trắng. Tôi mân mê đóa hoa mà thấy tủi thân vô cùng. Thì ra tôi đã mất mẹ. Đâu đây vang lên điệu hát:

Một bông hồng cho anh
Một bông hồng cho em
Một bông hồng cho những ai
Cho những ai đang còn mẹ…

Cám ơn Thiền Sư Nhất Hạnh đã du nhập về một mỹ tục đáng yêu.

Tôi theo đạo Phật từ đó. Tôi vào Gia Đình Phật Tử từ đó. Nơi đây tôi đã gặp biết bao bạn
bè cùng chung lý tưởng và sống chan hòa trong tình yêu thương dưới mái nhà Lam. Tôi yêu quý biết ngần nào, tôi nhớ nhung biết ngần nào cái Gia Đình Phật Tử Trúc Lâm bé nhỏ xa xưa của tôi.


***

Nếu ai hỏi tôi thèm gì nhất, chẳng cần đắn đo suy nghĩ tôi trả lời ngay: - Tôi thèm được gọi: “Mẹ, Mẹ ơi”! Có lẽ nỗi thèm khát đó đã đem lại cho tôi nhiều bà mẹ trong cuộc đời. Mẹ bạn là mẹ tôi. Có lần con gái bé bỏng của tôi bật nói: “Mình có nhiều bà nội quá há! Bên này có bà nội, bên kia có bà nội, ở Sài Gòn cũng có bà nội rồi trên bàn thờ cũng có bà nội nữa”. Tôi bật cười, con gái tôi đâu có biết tôi thèm có mẹ biết bao nhiêu. Bà mẹ nào tôi cũng yêu quý kính trọng nhưng tôi quý nhất là Má Năm.


Má Năm là mẹ của Chi, bạn tôi. Má Năm có món mì quảng tuyệt cú mèo. Cứ ra chợ Dran hỏi bà Năm Nhã bán mì quảng là ai cũng biết. Tội nghiệp Má Năm quanh năm tần tảo, chỉ với một ngôi nhà xiêu vẹo, một gánh mì quảng con con mà Má Năm đã nuôi được Chi ăn học tận Sài Gòn. Chi muốn gì cũng có, chỉ cần hê lên một tiếng là Má Năm chắt bóp mua cho bằng được. Nào quần là áo lượt, nào xe đạp, bút máy, giầy tây, Chi không thiếu một thứ gì. Lâu lâu tôi ghé thăm, câu đầu tiên Má Năm nói là: “Tổ cha bây, đi đâu mà mất biệt. Ngồi đó, ngồi đó… để tao làm cho tô mì ăn nghen.” Ôi, câu mắng đầy yêu thương, tôi nghe ấm cả lòng. Bưng tô mì quảng, tôi xì xụp vừa ăn vừa húp, sao mà ngon thế. Ngon không phải vì cọng mì dai dai hay sợi hủ tiếu chiên giòn giòn, cũng không phài do cái ngòn ngọt của thịt hoặc vị bùi bùi của đậu phụng rang mà nó ngon vì Má Năm đã nêm vào đây một chút tình thương chân thật.


Vợ chồng Chi lên Đắc Lắc lập nghiệp, Má Năm đi theo, từ đó biệt vô âm tín. Thời gian sau, một hôm tôi tình cờ biết được Má Năm đã trôi giạt lại về Dran rồi mất ở Lạc Xuân. Tôi tìm vào thăm, bàn thờ Má Năm hương tàn khói lạnh nằm khiêm tốn ở góc nhà của một người bà con xa dị giáo. Tôi xin phép rồi rước hương linh Má Năm về thờ ở chùa Giác Hoàng trong lúc vợ chồng Chi vẫn còn nằm trong trại cải tạo. Thế là tôi lại mất thêm một người mẹ.

***

Bạn còn mẹ ư? Tôi ganh tị với bạn nhưng tôi cũng thật lòng chúc mừng bạn. Mẹ là báu vật, bạn hãy trân trọng giữ gìn báu vật của mình.

Bạn mất mẹ ư? Tôi xin chia sẻ và thông cảm nỗi khổ đau của bạn vì nỗi khổ đau này tôi đã trải qua.

Dale Carnegie nói: “L’homme est un roseau, le plus faible de la nature mais c‘est un roseau pensant – Con người là một cây sậy, yếu ớt nhất trong thiên nhiên nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ”. Hỡi những cây sậy biết suy nghĩ, hãy cho phép tôi được nói một điều, chỉ một điều mà thôi: “Hãy yêu quý mẹ, đừng bao giờ làm mẹ buồn, đừng bao giờ để mẹ phải rơi lệ bạn nhé!”

Lamnguyên
Tháng ba 2010

3 comments:

  1. Anh làm em nhớ mẹ mình quá :(

    ReplyDelete
  2. Mất mẹ sớm là thiệt thòi lớn không thể tả được. Nhưng linh hồn mẹ chắc chắn vẫn quanh đây, tinh thần của bà vẫn quanh đây. Cho nên trong si nghĩ của đứa con ấy, mẹ vẫn sống động và mãi mãi ở trong tim :-)

    ReplyDelete
  3. Truyện này cụ viết xúc động thật. Làm chị cũng nhớ mẹ quá. :(

    Kd

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN