Cuối tuần vừa rồi, tôi có một chuyến đi ngắn về quê. Quê tôi là một thị trấn nhỏ, miền núi, không quá đỗi hoang sơ nhưng chưa bao giờ có thể coi là giàu. Ở đó, chỉ có người già, trẻ con, công chức và người thất nghiệp. Phần lớn thanh niên lớn lên đều ra đi lập nghiệp ở nơi khác mà tôi là một trong số đó. Quê tôi, đi có thật lâu rồi trở về cũng sẽ chẳng thấy gì mới. Chỉ có cái cũ là cũ hơn.
Từ hơn hai năm nay, bắt đầu từ một vài người bạn của tôi, rồi tôi được rủ rê vào, chúng tôi lập một cái quỹ nho nhỏ. Chúng tôi kêu gọi những người sinh ra và lớn lên ở quê nay đã có cuộc sống tươm tất ở nơi khác cùng đóng góp. Một năm ba lần, chúng tôi liên lạc với các trường ở quê, đề nghị trường đề xuất danh sách các học sinh có nghèo nhưng có nhiều cố gắng trong học tập để trao học bổng. Chúng tôi gọi đó là học bổng vượt khó. Thường thì một hoặc hai thành viên trong nhóm sẽ về quê để trao những học bổng này.
Tôi là thành viên trong ban điều hành của quỹ này. Thật lòng mà nói, tôi chưa bao giờ là thành viên tích cực nhất trong nhóm. Quỹ hoạt động được lâu dài và thành công, chủ yếu là nhờ công sức của những người khác, năng nổ hơn tôi rất nhiều. Chủ yếu, tôi tham dự các cuộc họp của ban điều hành, trao đổi qua email, nhưng tôi chẳng vận động được mấy, cũng chưa bao giờ bỏ thời gian về quê để gặp gỡ các em học sinh nhận học bổng. Lần này tôi về là lần đầu tiên.
Một trong số những trường tôi đến, thầy hiệu trưởng nói với tôi nhà trường phải rất khó khăn mới chọn ra được 5 em để nhận học bổng. Lý do là vì có quá nhiều trường hợp khó khăn, mà một suất học bổng trị giá đến những 500.000 đồng là quá lớn so với thu nhập của dân vùng này, vì vậy nhà trường phải hết sức đắn đo khi lựa chọn. Một trong số những em nhận học bổng sáng hôn đó đã không có mặt kịp buổi lễ, vì hai mẹ con em phải đi bộ gần 5 cây số để đến trường. Xin quá giang thì không ai chở vì không có mũ bảo hiểm. Tấm hình chụp lúc trao học bổng vì vậy chỉ có 4 em.
Trong 4 em này, có một em gái có băng một bên thái dương. Tôi tưởng em bị ngã. Gặp mẹ em sau buổi trao học bổng, mới biết em bị xe máy cày tông trên đường đi học về. Xe bỏ chạy còn em thì nhập viện. Chi phí phẫu thuật hết 65 triệu. Gia đình em chạy vạy khắp nơi, rồi nhờ được địa phương hỗ trợ thêm nên em cũng đã được phẩu thuật, được xuất viện và đi học trở lại. Tuy nhiên, em vẫn còn rất khó khăn khi ăn cơm vì không há miệng to được. Mẹ em bảo bác sĩ răng hàm mặt yêu cầu nhập viện trở lại để giải phẫu hàm-mặt nhưng gia đình không thể nào kham nổi chi phí khi món nợ trước còn chưa biết trả thế nào. Mẹ em kể chuyện lẫn trong nước mắt, vẫn không quên cảm ơn quỹ học bổng của chúng tôi.
Có đi như thế này tôi mới thấy công sức của các bạn tôi bỏ ra có ý nghĩa. Sắp tới, công việc công ty và gia đình chắc sẽ bận hơn, nhưng có lẽ tôi sẽ không viện cớ bận mà xếp hoạt động của quỹ vào ưu tiên hai nữa. Cuộc sống đâu chỉ có cơm ngon và gái, à quên, áo đẹp. Cuộc đời còn nên cần có những lúc dành thời gian cho người khác kém may mắn hơn mình.
PS. Nếu bạn đọc entry này và có ý muốn giúp đỡ cho em gái nói trên, xin truy cập www.danhim.net, đọc bài Lời kêu gọi từ một tấm ảnh và làm việc mà bạn định làm nhé. Cảm ơn.
Em vào Đa Nhim mãi không được. Bác cho em số tài khoản, VCB càng tốt ạ.
ReplyDeleteThanks One, VCB cua anh: 007100 1056 123. Anh co the cong bo phan dong gop cua em tren danhim.net duoc chu?
ReplyDeleteÔi, mấy năm trước tôi cũng qua Đa nhim. Chúc quỹ của các bác ngày càng pháy trẩn, à triển. Dạo này hơi khó khăn, hy vọng sang năm đóng góp được với các bác.
ReplyDeleteVâng, bác Sonata. Em trót lấy phải vợ Hà Nôi nên giọng lai không thể kiềm chế được! :)
ReplyDeleteBác Tom: cảm ơn bác trước nhé.
Bác Quân Khuê quê ở Đa nhim thật à, giọng bác nghe cứ như dân HN ấy, à Lâm Vũ Thao là tên bác à ?
ReplyDeleteTôi cũng đã từng đến Đa nhim, đã đến hồ Khúc Văn, rất đẹp ...