Kể từ ngày phát hiện ra quán cóc
gần công ty, nằm trong con hẻm cụt, và dưới một gốc cây, trông giống như cây si
nhưng còn nhỏ, khép nép nằm sát mép tường, hầu như trưa nào tôi cũng ăn thật
nhanh, rồi lững thững cầm cuốn sổ tay sang ngồi ở đấy. Khó có thể nói rằng quán
có gì đặc biệt. Trưa nào, ngoài tôi chỉ có mấy cậu hẳn cũng làm công ty nào gần
đấy, kéo đến làm ly cà phê, rít điếu thuốc, đánh ván cờ, hoặc hí hoáy trên
smartphone. Hết giờ nghỉ trưa mọi người kéo nhau đi, nhanh như lúc kéo đến. Cà
phê ở quán không tệ, nhưng còn lâu lắm mới bén gót thứ cà phê Arabica bạn Quyên
thửa riêng cho tôi bên cafesieusach. (Ờ, cà phê ngon nên nhắc đến, chứ bản thân
những nhãn hiệu hay quảng cáo có chữ siêu sạch này ngầm ẩn một nỗi buồn, buồn
hơn rất nhiều so với nỗi buồn vu vơ khi ngắm mưa rơi, đợi từng giọt nâu rơi và
lòng ai chơi vơi. Gần đây tôi phỏng vấn một số sinh viên luật năm cuối để tuyển
tập sự cho bộ phận Pháp chế của công ty (tôi ghét từ pháp chế này ghê gớm,
nhưng đây là ví dụ tiêu biểu về việc chung sống hòa bình với những thứ mình
ghét, vì cứ ghét mà đạp đổ rất dễ xảy ra chiến tranh), các em đều sắp tốt
nghiệp từ lớp Chất lượng cao. Một mặt, tôi hiểu nhu cầu trường Luật muốn tạo ra
một nhóm sinh viên đặc tuyển, có khả năng đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường
lao động; một mặt, tôi nghĩ đó là chuyện bất thường. Rất khó hình dung
một lớp cử nhân chất lượng cao ở một đại học nước ngoài, xa như của Mỹ, Úc, hay
gần như láng giềng Singapore chẳng hạn, nơi bác Lý vừa mới qua đời đã dấy lên
một loạt tranh luận ở Việt Nam thay cho tranh luận về chặt cây hay ôm cây,
tranh luận này, đến lượt nó thay thế cho tranh luận về có ruồi hay không có
ruồi, mà chắc chắn nếu không có ruồi thì tôi đã viết một tiểu thuyết vĩ đại
ngang ngửa 2666 của Roberto Bolano hay xa hơn, Tristram Shandycủa Laurence
Sterne, cả hai đều có hằng hà sa số những đoạn ngoại đề, ngoại đề thôi chứ
không trữ tình, cuốn đầu, đọc xong đã có thể coi là một thành tựu vĩ đại, vì
bản tiếng Anh đã dài hơn 900 trang ken đặc chữ, thỉnh thoảng chèn vào những
liên tưởng lạ lùng, đôi khi từ thần thoại Hy Lạp, đôi khi từ Kinh Thánh, đôi
khi từ một thế giới khác, có lẽ vì bản thân Bolano không chỉ là tiểu thuyết gia
mà còn là nhà thơ, và ông coi mình là nhà thơ hơn là tiểu thuyết gia, và ông
cũng nói cuốn sách duy nhất của ông không làm ông đỏ mặt khi nhắc tới lại là Antwerp, một cuốn sách khổ
nhỏ, mỏng dính, chưa tới trăm trang, về hình thức là văn xuôi nhưng về tinh
thần lại gần với thơ hơn, vì vậy khó đọc do chứa đựng quá nhiều hình ảnh khó
nắm bắt, tuy tôi có thể nuốt hơn một cuốn 900 trang như 2666 hay gần 700 trang như The Savage Detectives, nhưng
không thể nào đọc quá ba trang cuốn Antwerp này mà không bỏ sách xuống, một
tình trạng rất khác tình cảnh khi đọc 2666,
bởi đọc 2666 có muốn bỏ sách xuống cũng khó, vì ngay khi nảy ra ý định đó thì
người đọc đã tê tay, một vấn đề cho thấy để đọc sách ngoài việc ham đọc, muốn
đọc, người ta còn phải có thể lực tốt, đó có thể là lý do mà nhiều bạn bè tôi,
sau khi tốt nghiệp đại học đã trở nên xa lạ với sách, cụ thể họ không đọc nữa,
việc họ không đọc có nhiều nguyên nhân, tôi đoán thế, nhưng một trong các
nguyên nhân có thể là họ sa sút về thể lực, nên nhấc cuốn sách lên và giữ
nó trên tay hàng giờ là một đòi hỏi quá khắc nghiệt về mặt thể chất, mà để
nghiền ngẫm sự sa sút về thể chất đó, họ thà ngồi hàng giờ ở quán cà phê thả
từng vòng khói vào hư không, về nguyên tắc là vô định, còn cuốn thứ hai, tức
cuốn của Laurence Sterne, có thể coi là một ông tổ về tiểu thuyết, thì mất hàng
trăm trang mà chưa kể xong sự ra đời của mình, motif này được nhìn thấy lại
trong Những đứa con của nửa
đêm của Salman
Rushdie, phải gần hai trăm trang sách khổ to và chữ nhỏ, khoảng cách giữa các
chữ hẹp, thì nhân vật tôi mới kể xong chuyện mình chào đời, mà sự chào đời ấy
đã được mở ra theo phong cách cổ tích ngay từ dòng đầu tiên của cuốn sách, vốn
nằm trên kệ nhà tôi từ rất lâu, nếu nói đến bản tiếng Anh thì còn lâu hơn nữa,
tôi vốn có sở thích chất sách quanh nhà, bụi bặm tuy khó tránh khỏi nhưng được
bao quanh bởi sách là một thú vui, chưa kể, băn khoăn chọn đọc cuốn nào vào
thời điểm nào lại là một thú vui khác, chẳng hạn mới ăn cơm xong thì đọc cuốn
gì, trước khi đi ngủ thì đọc cuốn gì, và trong ba mươi phút nghỉ trưa thì có
thể đọc cuốn gì, đến mệnh đề này thì tôi đã đi rất gần đến chủ đề của bài viết,
nhưng rất có thể những gì tôi viết sẽ không đâu vào đâu, nếu chỉ chăm chăm đi
tìm mục đích, rất nhiều khi ta quá chăm chú đến mục đích mà quên mất đường đi,
trong khi đường đi là cả một niềm vui lớn, chẳng hạn mới gần đây, rất gần, cụ
thể là hôm kia, tôi hoàn thành một việc, rất tình cờ việc ấy đã lấy mất của tôi
chín tháng mười ngày, hoặc cũng có chỉ thể chín tháng chín ngày, dĩ nhiên tôi
rất vui, rất nhẹ nhõm khi xong việc, nhưng liệu có thể nào tôi đợi đến những
chín tháng mười ngày, hoặc cũng có thể chín tháng chín ngày, để hưởng một niềm
vui, biết rằng niềm vui ấy không kéo dài quá hai mươi tư tiếng, ắt không, vì
cho dù chín tháng mười ngày hoặc chín tháng chín ngày, tôi sẽ không kiên nhẫn
đến thế nếu trên đường đi tôi không bỏ qua chút cơ hội nào tận hưởng từng giây
phút lăn lê bò toài trên đường, mở rộng tầm mắt, trao đổi với bạn bè, đào sâu
suy ngẫm, làm quen với những người bạn mới, và những thứ thu lượm trên đường đi
như thế, vô hình hay hữu hình, đều quý giá, mang lại cho tôi sự sảng khoái
không kém hơn sự sáng khoái khi hoàn thành công việc, hay ví như việc đọc sách,
nhất là tiểu thuyết, đọc tiểu thuyết để làm gì, nhiều người đặt câu hỏi, rất lạ
nhiều người hay hỏi như thế, về phương diện này với tư cách một môn nghê thuật
tiểu thuyết có vẻ bị đối xử kém công bằng so với hội họa hay âm nhạc, vì giả dụ
nếu ai đó hỏi người khác nghe bản nhạc này để làm gì hẳn thế nào cũng bị ném
cho một tia nhìn nghi hoặc hoặc khinh khi. Henry Miller, người đồng hành cùng
tôi trong suốt hơn hai tháng qua, người cùng tôi ngồi trong góc quán hoặc dưới
gốc cây, một thứ cây gần giống cây si nhưng còn nhỏ, tán không quá xum xuê, chỉ
đủ để làm dịu một chút cái nắng chang chói của tháng ba, đã bảo nếu ông đọc
được một đoạn hay trong một cuốn sách, thì ông sẽ không đọc tiếp, ông sẽ ngưng
lại, sẽ đi ra đường, sẽ ngửa mặt nhìn trời, nghe chim hót, hít một hơi thở dài,
để cho âm hưởng của đoạn văn đẹp đẽ hoặc sáng láng ấy ngân nga trong đầu, chẳng
lý gì mà phải vội vã lao sang trang tiếp theo, lao về đoạn kết, cái đẹp cần
được chắt chiu và tận hưởng. Tôi học ngay bài ấy và áp dụng với chính ngay sách
của ông, nên gần hai tháng qua mà sách ông tôi chưa đọc xong, vì cứ đọc được
vài đoạn, hoặc nhiều lắm một hai trang là tôi dừng lại, ngẩng mặt lên trời nhìn
trần nhà, hoặc nếu đang dưới gốc cây thì nhìn tán cây, hít một hơi dài trong
lúc chân gõ nhịp theo giọng Sơn Tùng MTP, hoặc đơn giản nhấc ly cà phê luôn
luôn là cà phê đá, cũng được quảng cáo là cà phê sạch nhưng không phải
cafesieusach, làm một ngụm. Ghép chữ sạch, hoặc siêu sạch, vào thương hiệu hay
quảng cáo của mình rõ ràng không phải phát minh của các bạn chủ cafesieusach.
Trước đó, ta đã có nước mía siêu sạch, tôi không biết nên viết hoa hay viết
thường, nhưng tôi ý muốn nói đến các tủ nước mía thường xuất hiện tại các trung
tâm thương mại, giá bán một ly tầm từ mười bảy đến hai mấy nghìn đồng. Và dĩ
nhiên, ta còn có rau sạch, thịt sạch, hải sản sạch, đậu hũ sạch, nước tương
không 3-MCPD (một đỉnh cao). Và ta còn có xe buýt mẫu, tuyến đường văn minh,
khu phố văn hóa. (Tôi đau lòng biết bao khi thấy bao nhiêu khu dân cư thuần
hậu, nhất là ở miền quê, cũng bị dựng lên một cổng sắt vô tri dương dương tấm
bảng khu phố văn hoá.) Và giờ thì cử nhân chất lượng cao. Câu hỏi đặt ra đơn
giản là: Vậy, phần còn lại thì sao? Rau độc, thịt ôi, nước tương có thể có
3-MCPD và cử nhân chất lượng dấu chấm hỏi? Khi cái đáng lẽ ra là quy chuẩn, là
thông thường, lại được quảng bá như yếu tố tạo sự khác biệt, thì ấy là điều bất
thường. Điều đáng nói là người tiêu dùng đang phải trả một cái giá cao hơn để
được hưởng thụ những dịch vụ, hàng hóa với những tiêu chuẩn lẽ ra là thông
thường ấy. Pay the premium to get the standard, not pay the premium to get the
premium.) Hôm đầu tiên đến quán, tôi đi một mình. Tôi phát hiện ra quán này sau
một bữa trưa lang thang đi ăn một mình. Tôi hay đi ăn trưa một mình không phải
vì không tìm ra ai đi cùng, mà vì ít ai chịu đi bộ xa như tôi, vả lại đi một
mình cũng tốt, có thể suy nghĩ không bị ai quấy rấy. Trong lúc khoái trá nhâm
nhi cà phê, tôi đã kịp vẽ ra kế hoạch mình sẽ làm gì với quán cà phê này trong
những ngày sắp tới. (Kế hoạch ấy là, như đã nói, ăn trưa thật nhanh rồi ra đây
ngồi tầm 30-40 phút, cầm thêm một cuốn sách. Để cầm sách đi ra đi vào công ty
mà không bị ai thắc mắc, tốt nhất kẹp vào một cuốn sổ. Tôi nhớ đã có sẵn một
cuốn sổ bìa da, đúng hơn là giả da, trong văn phòng. Sổ năm 2012 hay 2013 gì
đó, loại in sẵn ngày tháng năm trên từng trang. Tôi sẽ gỡ hết đống ruột vô dụng
bên trong và kẹp sách vào là đã có thể ngụy trang hoàn hảo cho cuốn sách.) Đến
lúc gọi tính tiền, sờ túi, thì mới phát hiện ra mình không mang ví theo. Anh
chủ quán khoác tay nói bữa sau tính. Bữa sau tôi tự khai, chứ anh chủ quán
không thấy đâu, mà chị chủ quán cũng không biết tôi là con nợ. Bữa sau là bữa
tôi ngồi với Vĩnh, nên thật ra cũng chưa mang sách theo. (Về Vĩnh: Tôi mới gặp
Vĩnh lần thứ hai, mặc dù anh em đọc nhau trên mạng đã lâu. Vĩnh không hay viết
về văn chương sách vở như tôi. Vĩnh xuất thân làm toán, chuyển sang làm báo, rồi giờ làm đậu
phụ, hay có những kiến giải về thời sự mà tôi chia sẻ. Ngoài đời, Vĩnh không
hoạt ngôn như trên mạng, tôi cũng thế, đâm ra anh em ngồi với nhau chủ yếu nhìn
trời, thỉnh thoảng buông một câu, như cà phê thỉnh thoảng rơi một giọt. Vĩnh
cũng rất thích cái quán mà tôi phát hiện ra. Có lẽ vì cũng như tôi, ngồi trong
những quán như thế này, Vĩnh nhìn ra tinh thần của hẻm Sài Gòn. Tinh thần ấy là
gì, đừng hỏi tôi. Cũng hệt như trong nhiều lần tán dóc với bạn bè, mỗi lần
tranh luận về dịch thuật, tôi hay nói rằng trong dịch tiểu thuyết, quan trọng
nhất là chuyển tải đúng “tông” tác phẩm. Cũng đừng hỏi tôi “tông” là cái gì,
làm sao thì biết đúng “tông” hay không đúng “tông”. Chẳng phải thứ gì cũng đo
đếm, định lượng được đâu. Ảnh chứng minh nhân dân chụp đúng từng nét một, không
bỏ qua cả cái một cái nốt ruồi e thẹn nằm lấp ló, thì vẫn chỉ có thể là ảnh
chứng minh nhân dân chứ chẳng thể nào là ảnh nghệ thuật được.) Phải đến bữa sau
nữa thì cái kế hoạch mà tôi vẽ ra từ hôm đầu tiên đến quán mới bắt đầu được
thực hiện. Cuốn sách tôi chọn mang theo là cuốn tôi đã bắt đầu đọc từ khá lâu,
nhưng mỗi ngày chỉ đọc được hai, ba trang, chủ yếu trước giờ đi ngủ. Đó là một
cuốn tuyển tất cả những gì Henry Miller viết về viết văn, trích ra từ những
cuốn sách khác của ông. Sách do một nhà Henry Miller học biên soạn (kiểu như
nhà Văn Cao học, hay nhà Vũ Trọng Phụng học). Tôi biết đến cuốn này nhờ vào
cuốn Con đường sáng tạo của Nguyễn
Hữu Hiệu, trong đó Nguyễn Hữu Hiệu có dịch một bài viết của Henry Miller. Đây
là một cuốn sách thích hợp để đọc vào những giờ nghỉ trưa ngắn ngủi, mỗi lần
vốn chỉ đủ thời gian đọc vài trang và cũng chỉ nên đọc vài trang, vì ta có thể
mở bất cứ trang nào và đọc bất cứ đoạn nào, hoàn toàn không cần dùng bookmark.
(Tiện thể, vài năm gần đây, mua sách thường được tặng kèm bookmark, thật là cái
phong hoá sách của ta bây giờ đã bằng năm bằng mười năm ngoái.) Hầu như trang
nào cũng có vài câu khiến tôi phải dừng lại, đọc lại, hoặc dừng lại hẳn, như
thể trưa hôm đó với tôi đọc được câu đó thôi là đủ, mặc dù văn của Henry Miller
là thứ văn cực kỳ trôi chảy, như một dòng sông không ngừng tuôn, biết rằng để
viết được dòng văn tuôn chảy ấy, Henry Miller đã trải qua những năm vật vã như
thế nào. Ông đã viết văn chuyên chú trong bảy năm trời liên tục mà không xuất
bản được bất kỳ một cuốn sách nào. (Yên tâm nhé bạn, hai cuốn tiểu thuyết nhét
trong hộc tủ chưa là gì, mặc dù trường hợp của bạn sách không ra được lý do có
khác.) Ông đã học được rằng, người ta phải viết nhiều, rất nhiều, trước khi ký
tên của mình lên một cuốn sách. Ông đã học được rằng, để trở thành nhà văn, người
ta phải từ bỏ mọi thứ và không làm bất cứ gì khác ngoài viết, rằng người ta
phải viết và viết và viết, kể cả khi tất cả mọi người trên thế giới khuyên bạn
nên bỏ cuộc, bảo bạn rằng văn chương của bạn là thứ rác rưởi, không ai tin bạn
cả. Ông đã nhận ra rằng không phải ngủ một đêm dậy là người ta trở thành nghệ
sĩ, mà trước hết, “bạn phải bị nghiền nát, để cho những quan điểm trái ngược
của bạn bị huỷ diệt. Bạn phải bị xoá sạch với tư cách một con người để tái sinh
như một cá thể.” Ông cũng học được rằng chỉ cần mỗi ngày viết đều đặn hai hay
ba tiếng đồng hồ thôi thì người ta có thể viết được những cuốn sách dày cỡ nào
cũng được, không nhất thiết phải đính mông vào ghế mười tiếng một ngày. Một
chiến lược tương tự có thể áp dụng cho việc đọc: đều đặn đọc mỗi ngày hai
tiếng, người ta có thể đọc được hầu hết những gì đáng để đọc. Đừng hỏi lấy đâu
ra hai tiếng một ngày. Nếu có thời gian xem tivi, uống bia, chém gió, lướt web,
lên facebook, đi ra đi vô không làm gì, thì tất có thời gian để đọc. Vấn đề là
muốn hay không mà thôi. Ở quán cà phê cóc này mỗi trưa tôi đọc Miller. Anh chị
chủ quán rất ý tứ, hôm nào tôi ngồi ngoài sân thì thôi, hôm nào tôi ngồi trong
nhà dẫu đang mở Sơn Tùng hay Bằng Kiều anh chị sẽ chuyển sang nhạc không lời hoặc
tắt hẳn. Thật ra có để nhạc có lời tôi cũng không phiền. Tôi đọc Miller và tôi
xiết bao mong những người bạn viết của tôi cũng được đọc cuốn này. Bạn viết,
tức là bạn có viết lách, không phải bạn viết theo nghĩa bạn văn. Tôi chưa bao
giờ coi tôi là người viết cả. Tôi đặc biệt nhớ tới Đức. Tôi nghĩ nếu quẳng nó
sang Paris bảy năm chắc nó sẽ viết được như Miller, vì nó có những phẩm chất
khá giống Miller. Chẳng hạn những chuyện nó viết đều là tự truyện. Miller cũng
thế. Một thời điểm nào đó ông quyết định rằng ông chỉ có thể viết về những gì
mà ông biết rõ, mà biết rõ nhất là cuộc đời của chính mình, vì vậy toàn bộ sách
ông biết đều là tự truyện. Ông rẻ rúng văn chương, ông đặt cuộc đời lên trên
văn chương, hơn một lần ông nói rõ điều đó. Tất nhiên, có những nhà văn ông yêu
thích và chịu ảnh hưởng, nhưng những người ông ngưỡng mộ hơn cả là Jesus, Lão
Tử, Thích Ca, Ramakrishna, Krishnamurti, vì ảnh hưởng của họ đối với cuộc đời.
Ông nói: “Thước đo duy nhất tôi sử dụng là cuộc đời: con người ta đứng thế nào
trong mối tương quan với cuộc đời.” Và nói: “Các thiên tài đều là những con đĩa
hút chung thứ máu: cuộc đời.” Máu sẵn có, vấn đề ta có biết cách hút hay không thôi.
Tôi mong người viết, cho dù tài tử hay chuyên nghiệp, như Đức đọc được cuốn
sách này. Nhưng Đức không thạo tiếng Anh, mà chỉ giỏi tiếng Nga. Có lẽ tôi sẽ
dịch cuốn sách này, Henry Miller on
Writing, sang tiếng Nga cho nó.
No comments:
Post a Comment