Sáng
nay, thứ hai đầu tuần, tôi đi viếng một người đồng nghiệp. Tin anh mất là là
một cú sốc cho tất cả những người quen biết. Anh mới ngoài năm mươi, giữ một
trong những vị trí cao nhất trong công ty. Anh đang phụ trách một dự án lớn.
Hồi tháng 9, khoảng một tuần không gặp anh, email anh cũng không trả lời, cứ
nghĩ anh đang bận đi công tác như mọi khi. Sau đó mới biết anh bị chẩn đoán ung
thư gan. Anh vừa tiễn cậu con trai lên đường du học mới vài tuần trước đó. Còn
nhớ, giữa lúc dự án đang bận rộn, anh nghỉ phép mấy ngày. Anh không nói gì
nhưng đồng nghiệp bảo gia đình anh tranh thủ đi chơi cùng nhau trước lúc cậu
con trai lên đường. Sáng nay, nhìn di ảnh anh, không khác mấy hình anh vẫn dùng
trong các ấn phẩm nội bộ công ty. Cậu con trai học lớp 11, mặt mũi khôi ngô,
giống anh như tạc, cả cách nói chuyện.
Đi viếng về, tôi và một anh đồng nghiệp ghé quán ăn trưa.
Anh em bảo nhau, sống đấy chết đấy, phù du lắm, thế nên phải bớt sân si. Tôi
phục những người có khả năng chửi người khác cả năm trời. Tôi cũng phục những
người nuôi mối thù năm này sang năm nọ. Chả phải nói gở, ngày nào đọc tin trên
báo, cũng có người đang yên đang lành bị BMW đâm vào người hoặc bị thép trên
trời rơi xuống. Có ai đang vui khỏe hình dung ra cái chết của mình đâu. Tranh
giành nhau, hận thù nhau, lỡ đạp phải cái cống mà không có nắp lúc mưa to, hay
rút tiền trúng cái ATM chập mạch, cũng chết. Xuống tuyền đài còn ai mà ganh
đua, bon chen. Sao không buông đi.
Cách đây năm năm, tôi bắt đầu đọc Paul Auster. Chủ đề yêu
thích của Paul Auster là tính ngẫu nhiên, sự vô thường. Tất nhiên Auster không
dùng chữ vô thường. Chữ này, trong ngôn ngữ nghệ thuật Việt, dường như dính
chặt với Trịnh Công Sơn mất rồi. Có một truyện của Auster, đọc lâu quên tựa,
hình như Oracle Night, kể chuyện một anh nọ, đêm ra đường đi dạo thì một tảng
bê tông của một công trình xây dựng rơi xuống sát chân mình. Anh thoát chết
trong gang tấc. Sự kiện ấy vĩnh viễn thay đổi cuộc đời anh. Những gì diễn ra
sau đó, tôi không nhớ rõ lắm, nhưng có chi tiết anh ra phi trường, mua một vé
máy bay bất kỳ, đi đến một thành phố xa lạ rồi nhốt mình vào một căn phòng nào
đó.
Giáng sinh năm nay tôi không còn đọc Paul Auster. Những
cuốn gần đây ông làm tôi chán ngấy. Nhưng Auster là một dấu ấn với tôi, đánh
dấu thời gian tôi trở lại với tiểu thuyết.
Mùa
Giáng sinh năm nay, tôi soi gương thấy tóc mình có vài điểm bạc. Tôi tập thể
dục đều đặn, ý thức rõ rằng nếu không tập thì cơ thể có thể phản bội mình.
Tôi phóng xe ra Nhã Nam thư quán, mua toàn bộ những tập
thơ trong bộ Việt Nam Danh tác. Điêu tàn, Tiếng thu, Mê hồn ca, Lỡ bước sang ngang,
Quê ngoại, Gái quê – Xuân như ý. Tôi ngồi ở Nhã Nam một mình, đọc lại những vần
thơ mà phần lớn tôi từng thuộc lòng. Cảm giác đọc thơ từ những ấn phẩm xinh xắn
vẫn khác. Sẽ rất vô duyên nếu đọc thơ trên Kindle. Thơ cần một đối xử khác, và
với bộ sách này, thơ được đối xử đẹp.
Tôi đọc thơ, và nhớ lại những năm mười sáu, mười bảy tuổi
của mình, và nghĩ về tuổi mười bảy của tác giả Điêu tàn, tuổi mười tám hai mươi
của hầu hết các nhà thơ thời ấy. Không phải bài thơ nào của họ cũng vượt thời
gian, nhưng không khí thơ mà họ tạo ra thời ấy thì vượt thời gian.
Mùa Giáng sinh năm nay, tôi nhìn
những đứa con mình đang lớn lên. Tôi dựng cây thông Noel, cùng ba mẹ con đi mua
đồ về rồi cùng nhau trang trí. Alpha hí hoáy suốt buổi chiều gói quà cho ba,
mẹ, và em Pi. Gói quà cho ba, mẹ, Alpha viết dòng chữ: Ông già Noel kính tặng
ba V., mẹ Q. Ông già Noel quả thật rất lễ phép.
Chiều chủ nhật, Alpha và Pi được đi xem liên hoan phim
khoa học, có phim về ô tô chạy bằng chanh. Về nhà, Pi mơ màng, nếu trái đất này
có thật nhiều chanh, thì tất cả ô tô có thể chạy bằng chanh và sẽ không còn ô
nhiễm. Pi đã viết một bài văn ngắn về con chó Lucky đã chết của bác N., kết
thúc bằng câu, em rất buồn khi nó chết, em mong nó sẽ sống lại.
Từng
mùa Giáng sinh qua đi, những đứa trẻ lớn lên, chúng ta có già đi, nhưng vẫn
không thôi lãng mạn và yêu thương.
Giáng sinh an lành.
No comments:
Post a Comment