Monday, 19 May 2014

Taxi

Tôi chả nhớ đích xác lần đầu tiên mình đi taxi là khi nào, nhưng tôi chắc chắn rằng đến bây giờ mình phải có trên hai mươi năm kinh nghiệm đi taxi chứ không ít. Từ khi chưa đi taxi lần nào tôi đã biết taxi là một phương tiện tốn tiền, nhờ vào sách Streamline English. Cái thời tôi bập bẹ tiếng Anh, cả nước học cùng một giáo trình Anh ngữ. À, có thể hai, ngoài Streamline English còn có New Concepts, cả hai đều có những băng cát-sét sang đi sang lại chục lần, nghe tiếng người nói thì ít, tiếng rọt rẹt thì nhiều, đâm ra có một thế hệ nói tiếng Anh mở mồm ra toàn ọt ẹt. Sách Streamline English có một mẩu hội thoại đại khái một cô bảo anh đi taxi đi thì anh kia trả lời tao ếch phải là mi lơ ne. Từ đó tôi hiểu rằng phải mi lơ ne mới đi taxi được, nên dân Việt bây giờ hầu như ai cũng [từng] đi taxi.

Tôi ghét mọi sự khát quát hóa vội vàng, nhưng tôi tin quan sát taxi cho ta biết khá nhiều điều về một thành phố. Ở Brisbane, Úc, các bác tài taxi thường rất lịch thiệp, khách ngồi lên taxi rồi, đợi khách thắt dây an toàn xong sẽ nhã nhặn hỏi, “Where are you travelling today?”. Thời tôi mới sang Úc, do ảnh hưởng của sách Streamline English, nên cứ tưởng họ hỏi mình tính du lịch ở đâu. Mất một thời gian tôi mới nhận ra “travel” không nhất thiết phải là “du lịch” mà đơn giản chỉ là đi. Ở Singapore, tài xế taxi thường là các bác người Hoa già, nói tiếng Anh đậm giọng Hoa, phóng xe rất nhanh, thái độ cũng rất chuyên nghiệp, nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Ở New York, giữa hành khách và tài xế, có một tấm kính chắn lên ắt vì tỷ lệ tội phạm cao ở đây, khách và tài xế giao tiếp với nhau thông qua mấy cái lỗ thông hơi . Tài xế taxi ở Mỹ gọi khách bằng sir, lịch sự nhưng không vồn vã, và dĩ nhiên khi xuống xe chớ quên tiền tip. Tài xế taxi ở Thượng Hải hay Quảng Châu thì ưa đổi làn liên tục, hình như triết lý của họ là làm đầy mọi khoảng trống, nên thấy bất cứ khoảng trống ở bất cứ làn nào là lao vào ngay. Triết lý này phù hợp với những người thiếu kiên nhẫn nhưng không thích hợp lắm với hội tiền đình.

Tài xế taxi ở Sài Gòn những năm trước thì có tật ưa để tổng đài kêu rột rẹt, nhưng giờ thì đỡ nhiều rồi. Lên taxi ở Sài Gòn, thường khách là người nói nơi đến, vì các bác taxi Sài Gòn nhìn chung khá kiệm lời. So với taxi Hà Nội chẳng hạn, thì các bác tài Sài Gòn đã ít bấm còi hơn rất nhiều, và nói chung là không có kiểu đá đèn đòi vượt liên tục. Tài xế taxi ở Đà Nẵng và Hội An lái xe lành, dễ thương, tuy nhiên vẫn có tật ưa bấm còi.

Mặc dù vậy, vô địch thủ về bấm còi vẫn là taxi Hà Nội. Các bác tài ở đây cũng rất ít kiên nhẫn, ưa đổi làn, và ưa chạy sát đít xe trước và nhá đèn. Họ cũng tích cực tham gia câu chuyện của khách. Nhiều lúc khách đang say sưa nói chuyện với nhau, chợt giật mình cái độp vì từ ghế trước bác tài hào hứng lên tiếng góp chuyện. Khi không góp chuyện, thì họ có thể gọi điện thoại, có khi còn nhắn tin, hoặc cao hứng cất tiếng hát. Có lần, trên đường từ sân bay về, bác tài của tôi liên tục gọi điện cho ai đó để hẹn điểm đón khách. Tôi bảo anh đang chở khách đây, khi nào khách xuống rồi thì anh hãy lo tìm khách khác chứ. Bác tài nghe chừng rất ngạc nhiên, bảo phải lo trước để khách này xuống thì có khách khác ngay. Anh chăm tăng gia sản xuất thế, vợ con ắt rất vui, riêng khách thì không vui lắm vì sợ anh ủn đít xe trước hay lủi vào con lươn.

Vậy hơn hai mươi năm kinh nghiệm đi taxi có ích gì? Thật ra cũng chẳng ích gì, ngoài việc giúp gõ được vài dòng gọi là mua vui cũng được một vài phút nghỉ trưa.

No comments:

Post a Comment

Bánh mì kẹp và Ocean Vương