Thursday 1 May 2014

Tư cách của độc giả

Sau hai năm lãng du với tiểu thuyết (Sông) và thơ (Chấm), với Đảo, Nguyễn Ngọc Tư trở lại với thể loại sở trường của mình, truyện ngắn, và ngay lập tức chúng ta có một dấu ấn. Mặc dù những truyện ngắn trong tập này không hoàn toàn mới được viết, nhưng khi đọc chúng trong một tổng thể, dấu ấn đó dễ nhận ra hơn. Nếu với Ngọn đèn không tắt, Nguyễn Ngọc Tư thông báo sự xuất hiện của một nhà văn, với Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư khẳng định tư cách nhà văn của mình với đông đảo độc giả, thì với Đảo, Nguyễn Ngọc Tư xác định một tư cách mới: tư cách của độc giả.

Đảo, chúng ta gặp lại những câu lúc nào cũng gọn ghẽ, những từ lạ lẫm được ném ra bất ngờ dễ làm ta u ơ, và gặp lại một thứ văn xuôi đầy nhạc tính (dẫu ta biết tác giả chỉ ưa nhạc tài tử chứ không phải jazz hay alternative!)  Ở Đảo, chúng ta gặp lại những cảnh quê buồn tẻ, những mảnh đời tuyệt vọng của những con người bình dân, chúng được nắm bắt thần tình, và được kể một cách cuốn hút, thường từ những dòng đầu tiên. Đó chính là một Nguyễn Ngọc Tư mà chúng ta quen thuộc.

Nhưng ở Đảo còn có một Nguyễn Ngọc Tư khác, một Nguyễn Ngọc Tư nhà văn-độc giả, một Nguyễn Ngọc Tư vận dụng vốn đọc thâm hậu không kém ngòi bút của mình vào tác phẩm.  Trong tập này, lần đầu tiên chúng ta thấy có những truyện mà ở đó trên nền những chất liệu quen thuộc Nguyễn Ngọc Tư tư duy về ngôn ngữ, về sự đọc hoặc sự viết, hoặc xây dựng truyện với những cú nháy mắt tới sự đọc và sự viết. Tình cờ, hoặc không tình cờ, đó cũng là những truyện xuất sắc nhất tập.

Trong Biến mất ở Thư viên, khi người yêu biến mất vào trong những trang sách, thì cô gái trở thành một người đọc, cô chăm chú đọc đến độ người yêu kế tiếp của cô cũng biến mất vào những trang sách, ắt để mong được nhìn thấy.  Trong Vị của lời câm, bi kịch của người con gái được khắc hoạ từ một khía cạnh độc đáo của ngôn ngữ: lời. Hay chính xác hơn, lời không được nói ra, lời “ngậm lâu nên chúng bợt bạt, tả tơi”, lời bị “nuốt trộng”, “mắc nghẹt muốn nín thở”. Còn trong Đánh mất cô dâu, thì nhân vật trong thao tác viết của tác giả lẫn lộn vào một câu chuyện về một cô dâu nào đó rất có vẻ như có thật đâu đó ngoài đời.

Truyện đặc sắc hơn cả chính là truyện đặt ở cuối tập, Tro tàn rực rỡ. Đó là một truyện ngắn gần như hoàn hảo, mà chỉ để phân tích một chi tiết chẳng hạn như “cái nhìn” trong truyện này, ta có thể cần tới vài ba trang giấy.  Với nhân vật người vợ - người kể chuyện trong truyện này, Nguyễn Ngọc Tư đã xây dựng nên một nàng Scheherazade của riêng mình.  Nàng Scheherazade trong Nghìn lẻ một đêm kể chuyện để giữ tính mạng, còn nàng Scheherazade của Nguyễn Ngọc Tư kể về những đám cháy nhà của một đôi vợ chồng hàng xóm để chồng mình về nhà, để chồng mình nghe, hòng tìm lại cái nhìn ngây say của đêm định mệnh xưa. Khi không còn đám cháy nào nữa để kể, thì rất có thể chồng không về nữa.

Nếu có chỗ nào không hài lòng với Đảo, thì đó là đôi lúc tác giả tỏ ra hơi cầu kỳ với từ ngữ. Cầu vồng vẫn có thể “chói chang” chứ không nhất thiết phải lộn ngược thành “chang chói” (truyện Lưu lạc), hay  một chàng thanh niên hai mươi bốn tuổi mà “xấp xãi tắm táp” (truyện Biến mất ở Thư Viên) nghe có vẻ hơi kém thanh niên đi một chút! Mặc dù vậy, với Đảo, Nguyễn Ngọc Tư đã làm khó những ai nhăm nhe ý định làm tuyển tập truyện ngắn hay trong năm hay trong mười năm qua.v.v. bởi Đảo cung cấp nhiều hơn một ứng cử viên.


Quân Khuê

http://tusach.tuoitre.vn/ArticleView.aspx?ArticleID=605260


No comments:

Post a Comment

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN