Mọi lý thuyết có lý và nghiêm ngặt về ngôn ngữ đều cho thấy một bản dịch hoàn hảo là một giấc mơ bất khả. Bất chấp điều này, người ta vẫn dịch. Giống như nghịch lý về chàng Achilles và con rùa. Về mặt lý thuyết, Achilles sẽ không bao giờ đuổi kịp con rùa. Nhưng trong thực tế, chàng bắt kịp. Không có cách tiếp cận triết học nghiêm ngặt nào đối với nghịch lý ấy có thể đánh giá thấp thực tế là, không chỉ Achilles, mà bất cứ ai trong chúng ta, cũng có thể giành phần thắng trước một con rùa ở Thế vận hội.
Người ta dịch trong các hội nghị kinh doanh và trong các phiên họp của Liên hiệp quốc, và, mặc dù nhiều hiểu lầm có thể phát sinh, những con người nói những ngôn ngữ khác nhau có thể đồng ý với nhau về thực tế rằng, ví dụ như, giày nhãn hiệu X rẻ hơn giày nhãn hiệu Y, hoặc Nga không tán thành quyết định ném bom Serbia. Đa số giáo dân Thiên Chúa đọc Phúc Âm qua bản dịch (mỗi nước một ngôn ngữ khác nhau), nhưng tất cả đều tin rằng chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá và thánh Giăng Báp-tít bị chặt đầu chứ không phải ngược lại.
Các lý thuyết ngôn ngữ cho rằng không văn bản nào đơn nghĩa, nhưng khi hai hoặc hơn hai biên tập viên của một nhà xuất bản kiểm tra bản dịch của một cuốn tiểu thuyết (hoặc một bài tiểu luận) có những trường hợp mà tất cả họ thống nhất rằng dịch giả phải bị cho nghỉ bởi vì bản dịch của người ấy là không chấp nhận được. Lần nọ, khi biên tập bản dịch tiếng Ý của một tiểu luận viết bằng Anh ngữ, tôi đọc được rằng, trong một quá trình thí nghiệm, "l'ape riuscì a prendere la banana posta fuori dalla sua gabbia aiutandosi con un bastone,", nghĩa là, "con ong dùng vòi để với lấy một quả chuối đặt bên ngoài lồng". Chưa cần kiểm tra bản gốc, tôi đã chắc chắn rằng người dịch đã sai: chắc chắn rằng bản gốc tiếng Anh nói về một ape và - vì chữ ape trong tiếng Ý nghĩa là "con ong" - người dịch nghĩ rằng ape cũng có có nghĩa là "con ong" trong tiếng Anh. Do vậy, cách trước nhất để phân biệt một bản dịch tốt với một bản dịch tồi là cách vẫn được sử dụng bởi các biên tập viên bình thường trong các nhà xuất bản bình thường trong các trường hợp thông thường – dịch thơ thì khác, ấy là các trường hợp bất thường.
Dịch luôn luôn là sự chuyển đổi, không phải giữa hai ngôn ngữ, mà giữa hai nền văn hóa.
Dịch giả phải tính đến không chỉ các quy tắc ngôn ngữ học thuần túy mà, nói rộng ra, là cả các quy tắc văn hóa. Các từ cà phê, café, và caffé có thể coi là các từ đồng nghĩa khi chúng chỉ một loại thực vật nhất định. Tuy vậy, các câu "donnez-moi un café," "cho tôi một cốc cà phê," và "mi dia un caffé" (chắc chắn tương đương nhau về mặt nghĩa, đồng thời là ví dụ tốt về các câu khác nhau chuyển tải cùng một nội dung, và là bản dịch tốt nghĩa đen của nhau) lại không tương đương nhau về mặt văn hóa.
Phát ngôn ở các nước khác nhau, chúng tạo ra những hiệu ứng khác nhau và chúng được dùng để chỉ các thói quen khác nhau. Chúng mang đến những câu chuyện khác nhau. Hãy xem hai câu sau, một câu trong một tiểu thuyết Ý, một câu trong một tiểu thuyết Mỹ: "Tôi gọi một cốc cà phê, uống cạn trong vòng một giây rồi ra khỏi quán;" và " Anh ngồi nửa giờ với chiếc cốc trên tay, nhấp cà phê và nghĩ về Mary." Câu đầu chỉ có thể nói tới một cốc cà phê Ý và một quán Ý, bởi vì không thể uống cạn một cốc cà phê Mỹ trong vòng một giây bởi cả dung lượng lẫn nhiệt độ của nó. Câu thứ hai không thể nói tới một đối tượng Ý (ít ra là với một người bình thường uống một tách expresso bình thường) bởi vì nó tiền giả định một cái cốc lớn đựng dường như cả lít cà phê.
Dù sao đi nữa, đây là một trường hợp mà dịch giả có thể hy vọng rằng thậm chí một bản dịch nghĩa đen cũng đủ để một độc giả nước ngoài hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng có những trường hợp ngoắt nghéo hơn. Thoạt nhìn có vẻ dịch oui, monsieur thành Yes, sir, hay sì, signoire là một công việc khá đơn giản. Tuy nhiên nếu dịch một tiểu thuyết Pháp thế kỷ mười chín, liệu chúng ta có dùng sir, hay (signore) mỗi khi bản gốc dùng monsieur? Những người Pháp lịch sự vẫn gọi là tài xế tắc xi là Monsieur, tuy nhiên có vẻ lại là quá lố nếu dùng Sir trong tình huống tương tự, ví dụ, ở New York. Chữ Sir phải được giữ lại khi bản gốc định biểu hiện một quan hệ rất trịnh trọng, giữa hai người lạ, hay giữa cấp dưới và cấp trên, nhưng trong các tình huống thân mật hơn thì dùng Sir có vẻ không thích hợp (nếu không nói là có tính châm biếm). Nói tới một người đi ngang qua, ở New York người ta sẽ nói là that guy, trong khi ở Paris người ta sẽ nói là ce monsieur là (ce mec là thì đã là bỗ bã rồi). Ở Paris hai người hàng xóm cùng bước vào thang máy có thể chào nhau bonjour, monsieur, trong khi trong tiếng Ý câu buongiorno, signore sẽ tạo ra một không khí quá mức trịnh trọng.
Chúng ta có thể nói rằng, vậy thì khi dịch một tiểu thuyết Pháp thế kỷ mười chín, dịch giả Ý nên bỏ tất cả các chữ monsieur xuất hiện trong bản gốc. Tuy nhiên nếu ví dụ ta dịch Bá tước Monte Cristo của Dumas, thì sự hiện diện của những chữ monsieur đó không chỉ mang đến cho câu chuyện không khí của thế kỷ mười chín, mà còn thể hiện các chiến lược đối thoại mang tính quy ước rất thiết yếu nếu độc giả hiểu được các mối quan hệ giữa các nhân vật. Điều này có nghĩa rằng chữ monsieur trong tiếng Pháp không chỉ là một từ vựng mà còn là một hình thức vận động thực tế, ràng buộc với các phong tục của một xã hội. Nếu bản dịch muốn chuyển tải cảm giác của những sự kiện diễn ra vào thời của Bá tước Monte Cristo, có lẽ cần thiết phải dịch tất cả, hoặc gần như tất cả, những chữ monsieur ấy.
Trong các chương đầu của Chiến tranh và hòa bình của Tostoy (viết bằng tiếng Nga), các nhân vật (quý tộc Nga) nói chuyện với nhau khá nhiều bằng tiếng Pháp, như thể đó là ngôn ngữ bình thường của họ. Vì tiếng Pháp là ngoại ngữ đối với độc giả Nga, nó cũng nên là như thế đối với độc giả các ngôn ngữ khác, và mọi bản dịch nên để các câu đó bằng tiếng Pháp. Rõ ràng ý định của văn bản cuốn sách là để cho thấy với giới quý tộc Nga thời đó trò chuyện bằng tiếng Pháp là thời thượng, mặc dù đó là ngôn ngữ của Napoleon, kẻ thù của đất nước họ. Phần còn lại của cuốn sách (trong bản gốc cũng như mọi bản dịch) thông tin cho độc giả về tình hình lịch sử, và làm rõ rằng các câu tiếng Pháp chỉ là các chỉ dấu của trò chuyện lịch thiệp. Một ví dụ, có một lúc Anna Pavlovna nhận xét rằng Công tước Vaxili không biết quý giá trị các con mình và cũng chẳng xứng đáng với họ. Công tước Vaxili bình luận bằng tiếng Pháp: "Lavater aurait dit que je n'ai pas la bosse de la paternité." Anna Pavlovna đáp lại:" Thôi đừng đùa nữa. Tôi đang nói chuyện đứng đắn kia mà." Như vậy văn bản ở đây thể hiện rõ ràng rằng điều mà Công tước Vaxili nói bằng tiếng Pháp không có ý nghĩa mấy, và ngay cả một người đọc không hiểu một chữ tiếng Pháp nào cũng có thể đoán được chuyện gì đang xảy ra.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Độc giả Mẫu mực của những trang này (trong mọi bản dịch) ít nhất phải nhận ra rằng những câu tiếng Pháp này được viết bằng tiếng Pháp (mà không phải là, ví dụ, tiếng Swahili). Nếu cùng một mẩu đối thoại như vậy xuất hiện ở đầu một bản dịch tiếng Hoa bằng những chữ cái Latinh kỳ quặc, hoặc, tệ hơn, bằng ký tự tiếng Hoa, thì độc giả ở Bắc Kinh hiểu gì? Tôi không băn khoăn về việc họ có thể hiểu gì về mặt ngữ nghĩa, nhưng không biết liệu họ có thể nhận ra những nhân vật này nói chuyện bằng tiếng Pháp vì cái kiểu cách trưởng giả hay không. Tôi không biết nếu trong một bản dịch tiếng Hoa, để chuyển tải khía cạnh trưởng giả của các mẩu đối thoại, người ta phải thể hiện nó bằng, cách đây ba mươi năm, tiếng Nga, hay ngày nay, tiếng Anh. Nhưng thể nào đi nữa nó sẽ rõ ràng phản bội một trong những mục đích chính của cuốn tiểu thuyết, tức là, kể một câu chuyện về việc Pháp xâm lược Nga.
Bây giờ ta hãy xem xét một vấn đề hứng thú hơn. Làm thế nào để dịch những chương đầu của Chiến tranh và hòa bình sang tiếng Pháp? Chỉ có hai giải pháp: hoặc (i) giữ nguyên các đối thoại bằng tiếng Pháp mà không cung cấp thông tin gì thêm, hoặc (ii) chú thích rằng "tiếng Pháp trong nguyên bản". Tôi nghĩ rằng - bỏ qua giải pháp (i) và chỉ xem xét giải pháp (ii) - có sự khác biệt giữa cảm giác của một độc giả đối diện với một mẩu hội thoại trong một ngôn ngữ không giống như ngôn ngữ của phần còn lại của cuốn tiểu thuyết, và cảm giác của một độc giả khác không cảm nhận được (bằng thính giác hay thị giác) sự khác biệt đó và nhiều nhất là chỉ nhận được những thông tin bên lề rằng có điều gì đó kỳ quặc trong bản gốc tiếng Nga.
(Bài đã đăng Sài gòn tiếp thị http://sgtt.vn/Van-hoa/177496/Ban-dich-hoan-hao-la-mot-giac-mo.html)
No comments:
Post a Comment